Ngành Ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Năm 2021, kinh tế trong nước tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có do tác động liên tiếp của đại dịch Covid-19 lên đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các quyết sách hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát khoảng 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, ngay từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với nhiệm vụ điều hành chính sách tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, NHNN cũng đã chủ động, quyết liệt, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng, lãi suất một cách đồng bộ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.
Thứ nhất, ổn định các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD giảm thêm 0,81%/năm trong năm 20211. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với dư nợ trên 3,9 triệu tỷ đồng; lũy kế từ khi có dịch đến nay, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng gần 37.500 tỷ đồng.
Thứ hai, điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng, lạm phát, diễn biến của dịch bệnh, để tạo điều kiện cho TCTD hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD có khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, những TCTD thực hiện tốt việc giảm lãi suất cho vay để kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân.
Thứ ba, chỉ đạo TCTD tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (như tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay các chương trình trong nông nghiệp; cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ; cho vay nhà ở xã hội,...).
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2021, tín dụng nền kinh tế đã tăng trưởng 13,53% so với cuối năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ. Theo đó, đến cuối năm 2021: (i) Tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 8,68%; tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 13,7%; tín dụng ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 14,1%; (ii) Tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 13,5%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ước tăng 11,98%; tín dụng xuất khẩu ước tăng 13,32%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ ước tăng 21,52%; tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước tăng 19,2%. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được TCTD cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho trên 1,32 triệu khách hàng.
Thứ tư, triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, trong năm 2021, NHNN đã hai lần điều chỉnh, gia hạn các mốc thời gian của chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, với việc ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm tạo điều kiện hơn nữa giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền theo diễn biến của dịch bệnh, mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; mặt khác, khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, từ khi bắt xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, lũy kế tổng giá trị nợ các TCTD đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là khoảng 616.000 tỷ đồng.
NHNN đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (i) Ban hành các Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, NHCSXH đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền hơn 2.011 tỷ đồng đối với 2.333 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 530.474 lượt người lao động; (ii) NHNN cũng sớm ban hành thông tư quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của doanh nghiệp này do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của Ngành để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn Ngành, hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.
Trước tình hình ngành lúa gạo gặp nhiều khó khăn trong khâu lưu thông, xuất khẩu do hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội, ngành Ngân hàng đã tập trung nguồn vốn, xem xét nâng hạn mức tín dụng trên địa bàn 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo với thời hạn hợp lý và xem xét giảm thêm lãi vay; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, bao gồm bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Sau 04 tháng kể từ khi có chỉ đạo của NHNN, dư nợ cho vay thu mua để chế biến, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đến nay đạt 60.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng gần 12.000 tỷ đồng.
Thứ năm, chú trọng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với DNNVV, hợp tác xã; tăng cường triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn; triển khai các giải pháp nhằm góp phần hạn chế “tín dụng đen” như: Đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; rà soát để giảm hoặc cắt bỏ nhiều loại phí cho khách hàng, nhất là các loại phí cho vay.
Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi tại NHCSXH đến cuối năm 2021 đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cuối năm 2020, với hơn 7,8 triệu khách hàng còn dư nợ; tập trung ở một số chương trình: Cho vay hộ nghèo (chiếm tỷ trọng 11,08% tổng dư nợ); cho vay hộ cận nghèo (chiếm 14,54% tổng dư nợ); cho vay hộ mới thoát nghèo (chiếm 17,59% tổng dư nợ); cho vay học sinh, sinh viên (chiếm 4,13% tổng dư nợ); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (chiếm 11,19% tổng dư nợ); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (chiếm 17,9% tổng dư nợ).
Thứ bảy, triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, góp phần tạo tiền đề cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.
Thứ tám, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tế, như: Quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng; hoạt động mua bán nợ của TCTD; hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội; quy định đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo,...
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành tín dụng năm 2022
Trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, NHNN sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng, cụ thể:
Một là, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Hai là, tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai.
Bốn là, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực.
Năm là, đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số) theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động chính sách tại NHCSXH.
Sáu là, phối hợp các bộ, ngành trong xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023.
Bảy là, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tế.■
1 Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6 - 9,3%/năm.
ThS. Hà Thu Giang
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN