Để bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan, cuối tuần qua, NHNN phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán...
Đây là văn bản quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI cho rằng, thanh toán là khâu then chốt trong mỗi giao dịch kinh tế, do đó, hoạt động thanh toán phát triển mạnh mẽ và bền vững hay không phụ thuộc việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. Trong những năm vừa qua, lĩnh vực trung gian thanh toán đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam.
“Việc hoàn thiện Dự thảo thông tư hết sức quan trọng, một mặt cần đảm bảo an toàn cho người dùng, nhưng mặt khác cũng cần tạo thuận lợi để giao dịch trực tuyến phát triển theo định hướng của Chính phủ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Dự thảo thông tư có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử. Trong đó, đáng chú ý bao gồm việc đề xuất áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc đưa ra các quy chế này nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. Thông tư cũng đưa ra cơ chế mới về bù trừ điện tử, theo đánh giá của NHNN sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử giữa các ngân hàng trong tương lai.
Trong phiên thảo luận, đối với quy định hạn mức giao dịch ví điện tử, nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở pháp lý và thực tế để NHNN quy định hạn mức tại dự thảo. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng những sửa đổi là cần thiết để khuyến khích, quản lý ví điện tử, song cần rà soát, xem xét một số điểm tại dự thảo. Đơn cử như việc cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.
“Nếu chủ ví cần tiêu dùng nhiều hơn 5 ngày/tháng thì sao? Phải chăng nên cân nhắc mức tối đa lớn hơn trong 1 tháng, khi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều”, chuyên gia này chia sẻ.
TS. Lực cũng đề cập tới khái niệm liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng được quy định trong Dự thảo. Liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng sẽ thực hiện như thế nào? Nhất là khâu nạp tiền, chuyển tiền. Trả lời vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, tại Thông tư sửa đổi lần này sẽ chỉ đề cập đến ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng. Còn ví điện tử không có tài khoản ngân hàng NHNN sẽ trình Chính phủ và thực hiện thí điểm.
Về hạn mức giao dịch của ví điện tử, ông Dũng cho biết cơ quan quản lý sẽ ghi nhận ý kiến, xem xét để có mức phù hợp nhất. Ông cho rằng không nên quá lo lắng về mốc 100 triệu đồng/tháng, hạn mức này cũng đã được NHNN nghiên cứu và có căn cứ quan sát thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay, cũng như tham khảo ở các nước khác trên thế giới. Với đề xuất bỏ hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của doanh nghiệp, ông Dũng cho biết có thể cởi mở hơn.
Hội thảo cũng đã ghi nhận kiến nghị về việc NHNN nên có cơ chế mở thúc đẩy TTKDTM. Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) ông Phùng Anh Tuấn băn khoăn về sự tương thích của dự thảo với chủ trương của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, giảm bớt rào cản để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Ông Tuấn đề xuất Dự thảo bổ sung quy định về thủ tục, trình tự thực hiện giám sát trực tuyến hệ thống thông tin của doanh nghiệp như yêu cầu của NHNN vì đây là việc chưa có tiền lệ, và vấn đề trách nhiệm của các bên liên quan nếu phát sinh sự cố bảo mật.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính - Ngân hàng, Công ty Ernst&Young Việt Nam nêu ý kiến, hiện nay chi phí bình quân ngân hàng để thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng là 300 nghìn đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian.
Do đó, việc NHNN đề nghị doanh nghiệp trung gian thanh toán phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. “Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp trung gian thanh toán có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng”, bà Dương trao đổi.
Phía VCCI cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo và nhận được trong thời hạn để gửi cho cơ quan soạn thảo nghiên cứu đánh giá để tiếp thu. Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng cam kết sẽ nghiên cứu các nội dung góp ý, đặc biệt trong vấn đề hạn mức giao dịch, và khẳng định mong muốn của NHNN trong việc xây dựng chính sách để khuyến khích các giao dịch TTKDTM.
Theo thoibaonganhang.vn