Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ sở pháp lý về hoạt động chuyển đổi số và công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tận dụng và khai thác triệt để những cơ hội, đồng thời hạn chế, khắc phục những rủi ro tiềm ẩn và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Từ khóa: Ngân hàng số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, Fintech.
1. Tổng quan về chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng
Chuyển đổi số là khái niệm thường được nhắc đến trong khoảng 20 năm trở lại đây, được biết đến như là một sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đối với mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau thì quá trình chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt nhất định, tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái cũng như mức độ ưu tiên thực hiện.
Chuyển đổi số là sự “tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại"1. Nói cách khác, chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa “là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data)2, Internet vạn vật (IoT)3, điện toán đám mây (Cloud Computing)4... nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty”5.
Từ đó, một cách khái quát và ngắn gọn nhất, có thể hiểu khái niệm chuyển đổi số là việc thực hiện số hóa, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm tăng hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa năng suất lao động và mang lại giá trị kinh tế cao cho các ngành nghề, lĩnh vực khi áp dụng chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện cũng không có một khái niệm chính thức về chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo cách hiểu chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là “sự hợp nhất kỹ thuật số trong mọi hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, sự hợp nhất này dẫn đến những thay đổi căn bản cách mà các tổ chức tài chính vận hành và cung ứng sản phẩm cho khách hàng của mình... như ứng dụng ngân hàng mở, hệ thống nhận diện lừa đảo, trợ lý ảo, tối ưu hóa trang thông tin điện tử, quảng cáo qua thư điện tử, mã hóa dữ liệu, phần mềm KYC...”6. Trong đó, ngân hàng số được nhắc đến nhiều nhất. Theo đó, “ngân hàng số là việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số. Ngân hàng số chủ yếu được thực hiện thông qua Internet, điện thoại di động thông minh, máy tính bảng và có thể cả mạng xã hội”7. Do vậy, có thể hiểu, “ngân hàng số là hình thức số hóa các hoạt động của ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có tất cả các chức năng của một ngân hàng đích thực. Các tính năng nổi bật như chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng, gửi tiết kiệm kỳ hạn hoặc không kỳ hạn, quản lý tài khoản, thanh toán hóa đơn, vay nợ ngân hàng”. Để làm như vậy, ngân hàng số cần “dựa trên ứng dụng tài chính hoặc website cho phép thực hiện hầu hết các giao dịch như tại một ngân hàng thông thường bằng hình thức trực tuyến thông qua mạng Internet với đồng tiền sử dụng là tiền điện tử. Ứng dụng nền tảng công nghệ giống như các ngân hàng điện tử nhưng ngân hàng số thường còn tích hợp thêm Smart Contract - Hợp đồng thông minh để đảm bảo sự lưu thông thuận lợi của tiền điện tử”8.
2. Cơ hội và thách thức
2.1. Cơ hội
2.1.1. Chuyển đổi số giúp giảm áp lực đối với hệ thống ngân hàng
Theo Demirguc (2018)9 và EY (2017)10, trên thế giới có khoảng 1,7 tỷ cá nhân và 200 triệu doanh nghiệp không có tài khoản hoặc không tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng do các trở ngại về mặt địa lý. Điều này cũng tạo ra những thách thức đối với lĩnh vực ngân hàng trong việc thực hiện thẩm định (due diligence) trong quy trình nhận biết khách hàng. Do đó, khi các ngân hàng ứng dụng công nghệ, các quy trình được thực hiện thủ công trước đây như kiểm tra hồ sơ giấy, gặp mặt trực tiếp để đối chiếu thông tin nhân thân... sẽ được thực hiện thông qua môi trường mạng với cơ sở Big Data, thậm chí sẽ do trí tuệ nhân tạo (AI) (phân tích, tổng hợp) và được tư vấn sản phẩm, dịch vụ bởi Robot... tất cả sự hỗ trợ này sẽ giúp cho việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn và thời gian thực hiện nhanh hơn11. Ví dụ, trong hoạt động cho vay, các tiến bộ công nghệ như xử lý Big Data và tự động hóa nguồn gốc cho vay đã làm giảm các rào cản đối với việc tiếp cận12.
Ngoài ra, ở một số quốc gia chấp nhận việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số trong giao dịch thanh toán có giá trị nhỏ đã giúp cho khách hàng có thêm kênh thanh toán để sử dụng mà không nhất thiết phải đến các ngân hàng truyền thống. Việc này giúp ngân hàng truyền thống giảm bớt áp lực và tập trung nguồn lực xử lý các nhu cầu vốn có quy mô lớn hơn. Và do đó, có thể nói rằng, tài chính công nghệ có thể dẫn đến sự phân cấp và đa dạng hóa hơn trong một số lĩnh vực.
Đồng thời, như đã đề cập ở trên, sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính có khả năng tăng cường tính hiệu quả của dịch vụ tài chính, ngân hàng bởi việc áp dụng công nghệ giúp nâng cao năng suất cung ứng sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn như tư vấn bằng Robot hoặc các ứng dụng công nghệ thay thế các chức năng của văn phòng có thể củng cố mô hình kinh doanh của các tổ chức tài chính truyền thống; tương tự, máy học và AI cũng có thể giúp tăng cường, cải thiện quy trình ra quyết định bằng việc hoàn thiện các mô hình mà các tổ chức tài chính và nhà đầu tư sử dụng13.
Bên cạnh đó, các nền tảng cho vay Fintech cũng có thể giúp các ngân hàng giảm bớt chi phí cho việc nghiên cứu và chi phí giao dịch để tập trung nguồn vốn, giúp phân bổ vốn được hiệu quả hơn. Với công nghệ Cloud Computing, tốc độ xử lý Big Data có thể được thực hiện với chi phí thấp hơn - nhờ việc không có máy chủ và dịch vụ được thiết kế một cách đặc biệt14. Bên cạnh đó, hiệu quả và tốc độ của các giao dịch được xử lý bởi sổ cái phân tán có thể làm giảm các rủi ro bằng việc cắt bớt thời gian xử lý, từ đó giảm thời gian tiếp xúc với đối tác khác. Hơn nữa, nếu tốc độ giải quyết giao dịch được cải thiện thì có thể sớm giải phóng tài sản bảo đảm và vốn cho các mục đích sản xuất khác, nhờ đó, hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô cũng sẽ được hưởng lợi15.
Tất cả những tác động tích cực trên không chỉ mang lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng mà song song với đó, còn đem lại những hiệu quả tích cực đối với khách hàng, đó chính là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính. Mục tiêu của tất cả các quốc gia khi cho phép công nghệ của CMCN 4.0 được áp dụng đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng là tiềm năng cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt đối với những quốc gia nơi mà có phần lớn dân số chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và hệ thống tài chính mới ở những giai đoạn đầu của sự phát triển hay ở một số quốc gia nơi mà người dân sở hữu số lượng điện thoại di động bằng hoặc vượt quá số lượng người có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nơi mà có rất ít hoặc hầu như không có sự tồn tại của ngân hàng16. Bên cạnh đó, yếu tố bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng được củng cố do lợi ích lớn nhất của việc ứng dụng công nghệ là khả năng có thể giải quyết sự bất cân xứng về mặt thông tin17.
2.1.2. Chuyển đổi số mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng và có khả năng thúc đẩy kinh tế
Công nghệ không chỉ giúp giảm bớt áp lực đối với hệ thống ngân hàng hay tăng cường tài chính toàn diện. Nhìn từ khía cạnh của khách hàng, những người hưởng lợi chính từ việc ứng dụng công nghệ giúp họ có thêm nhiều trải nghiệm từ các sản phẩm dịch vụ tài chính, bởi các công ty Fintech có thể giúp ngành Ngân hàng cải thiện việc cung ứng dịch vụ truyền thống theo nhiều cách. Ví dụ: các ngân hàng có thể thiết lập hệ thống Robot tư vấn (trên cơ sở công nghệ AI) giúp khách hàng điều hướng việc đầu tư và tạo cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn và phù hợp hơn18, giúp tăng khả năng tiếp cận quản lý tài sản cho các hộ gia đình vốn không thể tiếp cận các dịch vụ quản lý tài sản truyền thống do ngưỡng đầu tư tối thiểu hoặc chi phí sử dụng cao19.
Đồng thời, khi các ngân hàng hợp nhất công nghệ sổ cái phân tán vào mô hình hoạt động kinh doanh của mình thì có thể khai thác các lợi ích để nâng cao tính hiệu quả trong việc giảm chi phí và thời gian20, nhờ vậy, khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng với thời gian chờ ngắn hơn, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của khách hàng. Ví dụ, theo nghiên cứu của Santander InnoVentures, Blockchain có thể được ứng dụng vào khoảng từ 20 đến 25 hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như chuyển tiền, tài trợ thương mại, cho vay hợp vốn, mua bán chứng khoán và có thể giúp cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng từ 15 tỷ USD đến 20 tỷ USD tính đến năm 202221. Theo ước tính của Deloitte, các thanh toán xuyên biên giới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cá nhân với cá nhân (P2P) có sử dụng Blockchain có thể cắt giảm 40 - 80% chi phí giao dịch và mất trung bình khoảng 4 - 6 giây để hoàn thành thay vì một quy trình tiêu chuẩn là 2-3 ngày22. Như vậy, công nghệ Blockchain có thể cho phép các ngân hàng đưa ra các giải pháp mới có giá trị hơn cho các khách hàng của mình, đặc biệt là công nghệ này cho phép các ngân hàng sáng tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới mà trước đó chưa từng tồn tại và cũng không nhất thiết phải gắn với các sản phẩm ngân hàng truyền thống nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân của khách hàng23.
Ngoài ra, khi chỉ có số lượng nhỏ các hệ thống thanh toán chiếm lĩnh nền kinh tế thì việc tiếp cận các hệ thống thanh toán này sẽ trở nên khó khăn hơn do có các rào cản lớn về mặt chi phí. Vì vậy, nếu có nhiều hệ thống hơn cùng tồn tại, để tăng cường tính cạnh tranh, chi phí tiếp cận dịch vụ sẽ được giảm ở mức hợp lý hơn. Ở những quốc gia nơi tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương (NHTW) phát hành (CBDC) và/hoặc tiền ảo do khối tư nhân phát hành được chấp nhận, những phương tiện thanh toán này có thể là một trong những kênh cung ứng phương tiện thanh toán giúp phá vỡ cấu trúc của một hệ thống thanh toán độc quyền. Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán xuyên biên giới thường được thực hiện phức tạp hơn thanh toán nội địa rất nhiều do liên quan đến nhiều thành viên hơn, đồng thời có sự chênh lệch về mặt thời gian và khác biệt về quy định pháp lý. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thanh toán xuyên biên giới thường diễn ra chậm chạp, thiếu chắc chắn và chi phí khá cao. Do vậy, nhiều người cho rằng, CBDC có tính tương tác giữa các quốc gia và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thanh toán xuyên biên giới với chi phí hợp lý hơn24. Tương tự đối với lĩnh vực cho vay, nhiều người cho rằng, cho vay ngang hàng sẽ là giải pháp cung cấp tài chính với chi phí tương đối cạnh tranh so với hoạt động cho vay truyền thống, thông qua việc lãi suất cho vay linh hoạt trên cơ sở rủi ro tín dụng của khách hàng vay, ngoài ra, do không phải vận hành cả bộ máy, cũng như không phải trừ các chi phí hoạt động (như phí bảo hiểm tiền gửi), nền tảng cho vay ngang hàng có thể tạo ra thị trường cho vay với chi phí phù hợp hơn với khả năng của người đi vay25.
2.2. Thách thức
2.2.1. Đe dọa đến hệ thống ngân hàng
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng, lo ngại lớn nhất của việc công nghệ hóa, hiện đại hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng đó chính là khả năng chia bớt thị phần, thậm chí dẫn đến khả năng bị thay thế bởi các công ty cung ứng dịch vụ tài chính công nghệ. Theo McDonald và nhóm tác giả, Blockchain có thể được xem như là một công nghệ mới và nó sẽ sắp xếp lại trật tự của việc quản trị các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khi công nghệ này cho phép các giao dịch ngân hàng chuyển dịch từ các tổ chức tập trung có tổ chức sang thị trường phi tập trung26, điều đó khiến cho việc giao dịch trực tiếp với ngân hàng là không cần thiết, việc thuê địa điểm mặt bằng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý và nhân sự để thực hiện các công việc văn phòng sẽ có thể bị coi là dư thừa và sẽ bị cắt giảm. Bên cạnh đó, Blockchain được ứng dụng trong mô hình tiền kỹ thuật số. Thông qua công nghệ Blockchain, việc chuyển tiền (kỹ thuật số) được thực hiện trực tiếp, an toàn và đến đầu cuối mà không có sự can thiệp của các thành viên như khách hàng, ngân hàng, hệ thống bù trừ, hệ thống quyết toán27. Và do đó, thế hệ thứ nhất của Blockchain có thể xem như là đối thủ mới cạnh tranh với các ngân hàng và có những lợi thế đáng kể so với các ngân hàng cho phép chuyển tiền được nhanh chóng với chi phí thấp hơn, có khả năng an toàn hơn do hạn chế được sự can thiệp cũng như các chi phí dành cho các bên trung gian khi thực hiện giao dịch28.
Theo nghiên cứu của nhóm các NHTW, đối với dạng tiền CBDC, tùy thuộc vào đặc điểm thiết kế, mô hình CBDC được sử dụng có thể có những ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thị trường. Theo đó, một trong số những rủi ro khi sử dụng CBDC, đặc biệt là trong mô hình CBDC được sử dụng để giao dịch trực tiếp trong thanh toán hoặc CBDC được sử dụng tại quốc gia khác không phải là quốc gia nơi CBDC đó được phát hành thì sẽ dẫn đến khả năng mất tính trung gian của ngân hàng hoặc làm mất tính ổn định tiền tệ của NHTW, do vậy, làm suy yếu dần ổn định tài chính. Nếu các ngân hàng mất dần tiền gửi từ công chúng khi có sự tồn tại của CBDC (đối với mô hình phi trung gian, NHTW quản lý trực tiếp việc phát hành, lưu thông, sử dụng CBDC), theo thời gian, họ sẽ phụ thuộc hơn vào vốn bán buôn và sẽ hạn chế cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, từ đó có những tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế29.
2.2.2. Đe dọa đến an ninh quốc gia, toàn cầu
Các rủi ro tài chính vi mô là những rủi ro khiến các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng thị trường tài chính hoặc các lĩnh vực dễ bị tổn thương rơi vào khủng hoảng. Sự kết tinh của những rủi ro đó có thể có tác động mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính nếu nó gây ra khó khăn cho doanh nghiệp hoặc toàn ngành, với tác động có thể xảy ra đối với việc cung ứng dịch vụ cho các thị trường hoặc đối tác quan trọng30. Các rủi ro tài chính vĩ mô là những lỗ hổng trên toàn hệ thống có thể làm khuếch đại các cú sốc đối với hệ thống tài chính và do đó, làm tăng khả năng mất ổn định tài chính. Những rủi ro này bao gồm sự lây lan, có tính chu kỳ, sự biến động vượt mức và các thực thể quan trọng mang tính hệ thống31.
Ngoài ra, một rủi ro có thể đến từ việc người dân của một quốc gia sử dụng CBDC do nước khác phát hành. Khi người dân của quốc gia nắm giữ số lượng lớn và sử dụng CBDC của quốc gia khác phát hành làm phương tiện thanh toán tại quốc gia của mình (được gọi là hiện tượng spill-over) thay vì sử dụng tiền tệ do quốc gia mình phát hành sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm “chủ quyền” đối với tiền tệ trong nước (tương tự tình trạng đô la hóa), có thể khiến cho tiền tệ trong nước bị thay thế bởi tiền của nước khác và khi đó, NHTW sẽ mất dần khả năng kiểm soát các vấn đề về tiền tệ32.
2.2.3. Mang lại nhiều rủi ro cho người tiêu dùng
Từ phía người tiêu dùng, nếu như công nghệ có thể mang lại cho họ những trải nghiệm mới thì cũng có thể đem đến những phiền toái cũng như rủi ro. Do các thông tin được đưa lên và xử lý trong môi trường mạng, việc các thông tin của người tiêu dùng trở thành đối tượng của các cuộc tấn công mạng, hay việc bán thông tin giao dịch làm dấy lên những quan ngại về bảo mật đời tư.
Do có những tác động tích cực và tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đã trở thành một thách thức mới đối với các cơ quan quản lý.
3. Định hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và một số khuyến nghị
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành như Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030 và Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030;... Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách theo hướng xây dựng thể chế mới cho các công nghệ mới, mô hình, thực tiễn kinh doanh mới, chính phủ số và an toàn an ninh mạng; xây dựng, hoàn thiện thể chế cho các ngành có mô hình kinh doanh mới nhằm đảm bảo thông thoáng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và phù hợp với mức độ rủi ro của từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh; áp dụng cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho các ngành, nghề kinh doanh mới để tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; rà soát, hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trong nước đầu tư phát triển ứng dụng và nghiên cứu làm chủ các công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao;...
Đứng trước các yêu cầu này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Quyết định số 711/QĐ-NHNN ngày 15/4/2020); Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 (Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020); trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong NHNN và yêu cầu từng tổ chức tín dụng (TCTD) phải xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số thích ứng với bối cảnh trong giai đoạn 2020 - 2025.
Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đối với toàn ngành Ngân hàng: “Thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng”; các TCTD “chuẩn hóa hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ... phát triển các dịch vụ ngân hàng số trên không gian mạng”.
Hiện nay, ở Việt Nam, quan điểm về vấn đề tài chính công nghệ vẫn còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, châu Âu tiếp cận vấn đề theo hướng các quy định và cơ chế giám sát tương tự nhau sẽ được áp dụng đối với các dịch vụ tương tự nhau không quan trọng ai là chủ thể cung cấp dịch vụ đó33, hay còn gọi là “same business, same risks, same rules and same supervision”.
3.1. Đối với việc quản lý tiền kỹ thuật số
Đối với tiền kỹ thuật số, hiện đã có các động thái từ cơ quan quản lý của các quốc gia như Nhật Bản, Hong Kong, Liên minh châu Âu (EU),… nhằm làm rõ khuôn khổ pháp lý cho việc lưu trữ hoặc chuyển giao giá trị và xử lý các rủi ro do gian lận, rửa tiền và tài trợ khủng bố khi sử dụng phương tiện thanh toán tiền kỹ thuật số.
Đến nay, trên thế giới có hai xu hướng quan điểm, cách tiếp cận đối với việc quản lý tiền kỹ thuật số. Một số nước ủng hộ, tạo điều kiện hoặc cho phép một cách có kiểm soát để phát triển tiền kỹ thuật số; một số nước khác lại cấm hoàn toàn việc hoán đổi tiền kỹ thuật số cũng như cấm công dân nước mình tiếp cận các nền tảng mua bán tiền kỹ thuật số của nước ngoài.
Điển hình của các quốc gia ủng hộ việc sử dụng tiền kỹ thuật số và có cách tiếp cận khá cởi mở là Hoa Kỳ. Theo đó, các quy định về tiền kỹ thuật số được xây dựng và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau tùy thuộc vào tiền kỹ thuật số được coi là chứng khoán, hàng hóa hay tiền tệ.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có cách tiếp cận tương tự Hoa Kỳ và châu Âu, thừa nhận Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác là một dạng của tiền. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện cũng tăng cường việc giám sát an ninh mạng đối với các giao dịch hoán đổi sau hàng loạt các vụ tấn công mạng.
Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia điển hình của việc tiếp cận một cách hạn chế đối với tiền kỹ thuật số bằng việc cấm huy động vốn dưới hình thức ICO (initial coin offering) và coi huy động vốn dưới hình thức ICO là không được phép và trái pháp luật, cũng như cấm việc hoán đổi tiền kỹ thuật số và hạn chế việc tiếp cận của người cư trú đối với các nền tảng nước ngoài. Mới đây, NHTW Trung Quốc lặp lại tuyên bố “các dịch vụ cung cấp giao dịch, khớp lệnh, phát hành mã thông báo và các công cụ phái sinh cho tiền ảo đều bị nghiêm cấm”, đồng thời khẳng định “các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước ngoài cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc đại lục cũng là bất hợp pháp”34. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia khá tích cực trong việc nghiên cứu phát hành CBDC với dự án phát hành đồng Nhân dân tệ ảo ở một số khu vực35.
Để quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số, chúng ta sẽ phải xử lý rất nhiều vấn đề có liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các vấn đề sau: Vấn đề về phòng, chống rửa tiền nhằm tránh việc sử dụng tiền ảo, tiền kỹ thuật số như một phương tiện để rửa tiền, tài trợ khủng bố; vấn đề về huy động vốn dưới hình thức phát hành tiền mã hóa, token số; vấn đề về sử dụng tiền ảo, tiền kỹ thuật số để làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch xuyên biên giới; ...
Đối với vấn đề phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố khi sử dụng tiền ảo, tiền kỹ thuật số, chúng tôi cho rằng cần xem xét kinh nghiệm quốc tế về các mô hình thiết kế tiền ảo, tiền kỹ thuật số do khối tư nhân cũng như khối NHTW phát hành để xây dựng một mô hình phù hợp với bối cảnh, cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam (nếu có), trong đó phải đảm bảo rằng mô hình tiền ảo không cho phép ẩn danh một cách tuyệt đối mà vẫn yêu cầu cung cấp một số thông tin nhất định để có thể truy vết người khởi tạo và người thụ hưởng của giao dịch thanh toán tương tự mô hình đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (eCNY) của Trung Quốc. Việc tham vấn các khuyến nghị của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế - Financial Action Task Force) cũng rất cần thiết để đảm bảo khuôn khổ pháp lý về tiền ảo, tiền kỹ thuật số được quy định một cách đồng bộ với các khuyến nghị về phòng, chống rửa tiền.
3.2. Đối với việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ Blockchain có thể làm thay đổi hoặc bổ sung các loại hình quan hệ hợp tác quan trọng đối với các ngân hàng. Trên tất cả, việc hợp tác với các công ty start-up trong lĩnh vực Fintech, đặc biệt là các nền tảng dựa trên công nghệ Blockchain là vấn đề cốt lõi để các ngân hàng có thể tiếp nhận các nguồn lực đặc thù hoặc để các tổ chức đó cung ứng một số hoạt động hỗ trợ dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hạn chế trong việc mở rộng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng xuất phát từ nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề pháp lý. Vì vậy, các cơ quan quản lý và lập pháp của các quốc gia trên thế giới cần làm việc một cách tích cực để thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong phạm vi khuôn khổ pháp lý hiện hành, cho phép các ngân hàng hợp tác với nhau và với các thành viên khác để phát triển các chuẩn mực chung cho phép tương tác giữa các mô hình sổ cái phân tán khác nhau để hỗ trợ việc ứng dụng Blockchain tại các ngân hàng36.
Theo quy định của EU, mọi người đều có quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân và có quyền giám sát việc xử lý dữ liệu cá nhân cũng như yêu cầu tổ chức thu thập phải tôn trọng dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp có sai lệch liên quan đến thông tin khách hàng, công nghệ Blockchain không cho phép sửa đổi do đặc tính của công nghệ Blockchain là không đảo ngược. Vì vậy, hiện nay châu Âu vẫn chưa có giải pháp để xử lý tính không tương thích giữa công nghệ Blockchain và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân37. Tương tự đối với trường hợp của hợp đồng thông minh, hiện pháp luật châu Âu cũng chưa đưa ra được một định nghĩa chung, vì vậy, một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng luật hợp đồng, phạm vi xuyên biên giới của các hợp đồng thông minh, các yêu cầu pháp lý nội bộ về hình thức văn bản của hợp đồng cũng như việc áp dụng luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, châu Âu cũng chưa có các hành động cụ thể đưa ra để xử lý các vấn đề này mà vẫn tiếp cận theo hướng chờ đợi và xem xét (wait and see approach).
Khuôn khổ pháp lý về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng là sự tổng hòa của các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đồng bộ các vấn đề như khai thác cơ sở dữ liệu khách hàng, bảo vệ dữ liệu khách hàng, trách nhiệm về bảo vệ dữ liệu khách hàng của tổ chức tài chính cũng như tổ chức công nghệ có quan hệ hợp tác với tổ chức tài chính; phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; phòng, chống tấn công mạng... Do vậy, việc ban hành các chính sách cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể trên cơ sở đánh giá tác động chính sách cũng như hài hòa hóa giữa các quy định pháp luật có liên quan và tôn trọng các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay, khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng mới chỉ dừng lại ở các giao dịch điện tử, một số hoạt động công nghệ số chưa có nội hàm và chưa đánh giá được thực tiễn. Ngoài ra, một số hoạt động ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng như phát hành thư tín dụng (L/C) ứng dụng Blockchain, hiện mới chỉ có các hướng dẫn về việc cần đảm bảo tuân thủ các quy định về pháp luật trong giao dịch điện tử, các tiêu chuẩn về an toàn điện tử trong giao dịch ngân hàng mà không xác định rõ các hoạt động đó sẽ vận hành như thế nào.
Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện, khuyến khích các TCTD kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cung ứng dịch vụ qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu để trình ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đối với việc sử dụng Big Data, AI, tự động hóa quy trình bằng Robot (Robotic Process Automation) và công nghệ Blockchain trong hoạt động ngân hàng.
3.3. Đối với việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay và huy động vốn
3.3.1. Về cho vay
Đến nay, hoạt động cho vay của các TCTD không phải là đối tượng các tổ chức công nghệ nhắm đến và trên thực tế là hoạt động cho vay của các TCTD cũng đã có sự khai thác công nghệ trong việc đẩy nhanh tốc độ nhận biết khách hàng, chấm điểm tín dụng và giải ngân vốn. Tuy nhiên, vấn đề cho vay ngang hàng vẫn còn là thách thức lớn của các cơ quan quản lý để xác định một mô hình cho vay ngang hàng phù hợp với cấu trúc kinh tế, cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Tại Indonesia, Cơ quan Dịch vụ tài chính đã thực thi các quy định về cấu trúc pháp lý và quản trị của các dịch vụ cho vay và cho vay trực tiếp dựa trên nền tảng công nghệ vào tháng 12/2016 và ban hành thông tư vào tháng 4/2017 về việc quản trị và quản lý rủi ro liên quan đến các dịch vụ cho vay và cho vay trực tiếp dựa trên nền tảng công nghệ. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu để học hỏi kinh nghiệm quốc tế trước khi xây dựng khung pháp lý cho huy động vốn từ cộng đồng dựa trên vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh cho vay trên thị trường trực tuyến (bao gồm cả các nền tảng cho vay trực tuyến), Trung Quốc đã tích cực ban hành một số quy tắc và hướng dẫn để đảm bảo hoạt động tín dụng Fintech trong nước được kiểm soát. Canada cũng đã đưa ra kỳ vọng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc có kế hoạch vận hành các nền tảng cho vay trực tuyến, trong khi Brazil có kế hoạch ban hành quy định mới cho hoạt động cho vay ngang hàng38.
Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần sớm nghiên cứu và ban hành văn bản điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng để tránh các tác động tiêu cực đối với sự ổn định và trật tự xã hội.
3.3.2. Về huy động vốn
Ở Mexico, Quốc hội nước này đã thông qua đạo luật giao cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm là cơ quan quản lý đối với các nền tảng gọi vốn. Trong khi rất nhiều các quốc gia đã thực hiện cơ chế pháp lý mới đối với hoạt động gọi vốn từ năm 2015 thì rất ít các quốc gia sửa đổi hoặc xem xét việc sửa đổi khuôn khổ pháp lý hiện hành. Canada cũng công bố quy định mới về gọi vốn vào tháng 5/2015 và sửa đổi vào tháng 01/2016 cho phép các công ty sử dụng cổ phần để đổi lấy vốn góp với một số điều kiện nhất định. Ở Úc, một đạo luật mới cho phép gọi vốn đã có hiệu lực từ tháng 9/2017 và mở rộng phạm vi cho phép doanh nghiệp nhỏ hơn cũng có thể tiếp cận việc gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding). Trong khi đó, Vương quốc Anh đang tiến hành đánh giá sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm đối với việc huy động vốn cộng đồng. Những thay đổi về quy định pháp lý có thể bao gồm việc áp dụng các biện pháp kiểm soát bổ sung đối với các mô hình kinh doanh phức tạp hơn và có khả năng thiết lập các giới hạn đầu tư để hạn chế tác hại tiềm ẩn đối với người tiêu dùng39.
Tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động huy động vốn cộng đồng. Do vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tư pháp, NHNN) để xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã đề ra tại Đề án nói trên.
3.4. Đối với việc bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính công nghệ
Như chúng ta đã biết, một trong những điểm hạn chế của việc phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là khả năng bị đánh cắp thông tin khách hàng cũng như tình trạng mất cân bằng đối xứng về thông tin giữa khách hàng và nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính công nghệ, gây tổn hại đến tình trạng tài chính của khách hàng.
Do vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về dịch vụ tài chính công nghệ phải đi đôi với việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính công nghệ.
Về mặt dài hạn, cần nghiên cứu, xây dựng luật riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Theo đó, luật sẽ quy định những nội dung tối thiểu cần có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính nói chung và tài chính công nghệ nói riêng. Trước mắt, để xử lý những vướng mắc hiện hữu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành (Luật Các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm) nhằm lồng ghép các nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính nói chung và người tiêu dùng dịch vụ tài chính công nghệ nói riêng. Đồng thời, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương cần có nghiên cứu đề xuất điều chỉnh nâng mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Luật Xử lý vi phạm hành chính để phù hợp hơn với vai trò cũng như xu hướng của các quốc gia khác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định rõ các nội dung về dữ liệu cá nhân; các điều kiện và quy trình xử lý, bảo vệ, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân; trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân theo hướng cho phép bộ, ngành kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư và doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí và để cơ quan quản lý nhà nước có thể làm đầu mối kết nối, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.
Ngoài ra, để việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính đạt hiệu quả cao nhất, cần thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ tài chính công nghệ. Theo đó, cơ quan này sẽ hoạt động độc lập và có trách nhiệm giám sát việc triển khai bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính ở tất cả các loại hình tổ chức tài chính.
4. Kết luận
Xu hướng phát triển chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là xu hướng chung của toàn thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung. Đối với Việt Nam, hệ thống pháp luật về chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để điều chỉnh hoạt động này, quy định của pháp luật còn thiếu, chưa đầy đủ hoặc chưa khuyến khích và thúc đẩy hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng phát triển dẫn đến việc các doanh nghiệp, công ty Fintech khó có cơ sở pháp lý để phát triển đổi mới sáng tạo, việc thiếu các quy định pháp lý làm cản trở đến hoạt động kinh doanh của các công ty Fintech trong quá trình hội nhập kinh tế số, hội nhập với thời đại CMCN 4.0. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải có một hành lang pháp lý hoàn thiện riêng đối với quá trình chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời, các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động này cũng cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đặt ra.
1 Khái niệm về chuyển đổi số tại bài viết “Chuyển đổi số là gì và quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay?” https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=2391&_c=100000174
2 Big Data: Là các bộ dữ liệu có kích thước lớn vượt quá khả năng thu thập, quản lý và xử lý trong một khoảng thời gian thực thi có thể chấp nhận của các công cụ phần mềm thông dụng. (theo sách Bank 4.0 của Brett King).
3 IoT: Là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau. (https://www.vsmart.net/vi/internet-van-vat-iot-la-gi
4 Cloud Computing: Là công nghệ điện toán mới sử dụng Internet và máy chủ từ xa để lưu trữ dữ liệu cùng các ứng dụng. Một số hãng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây bao gồm DropBox, YouSendIt và Flickr (theo sách Bank 4.0 của Brett King).
5 Khái niệm về chuyển đổi số tại bài viết “Chuyển đổi số là gì và quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay?” https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=2391&_c=100000174
6 Karan Shah, “Role of Digital Transformation in banking sector with its importance, future and benefits”, https://iide.co/blog/digital-transformation-banking-sector/, truy cập ngày 04/5/2022.
7 Khái niệm về ngân hàng số tại bài viết “Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất.” https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/phat-trien-ngan-hang-so-o-viet-nam-thuc-trang-va-de-xuat-329780.html
8https://baoxaydung.com.vn/ngan-hang-so-khai-niem-moi-thu-hut-nguoi-so-huu-tien-dien tu 278811.html
9 Demirguc-Kunt et al, “The global findex database 2017: measuring financial inclusion and the Fintech revolution”, the world bank, 2018.
10 EY, “Innovation in financial inclusion revenue growth through innovation inclusion”, 2017.
11 Pierluigi Martino, “Blockchain and banking: How technological innovations are shaping the banking industry”, Palgrave Pivot, 2021, tr. 47.
12 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
13 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
14 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry.
15 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
16 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
17 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry.
18 Basel Committee on banking supervision, “Sound practices: implications of Fintech developments for banks and bank supervisors”, 02/2018, xem tại https://www.bis.org/bcbs/publ/d431.htm.
19 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
20 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M.
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry.
21 Santander InnoVentures, Oliver Wymnan and anthemis groups, “The Fintech 2.0 paper: Rebooting financial services”, xem tại: https://www.finextra.com/finextra-downloads/newsdocs/the%20Fintech%202%200%20paper.pdf
22 Deloitte, “Cross border payments on blockchain”, 2016, xem tại: https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/global/Documents/grid/cross-border-payments.pdf
23 Pierluigi Martino, “Blockchain and banking: How technological innovations are shaping the banking industry”, Palgrave Pivot, 2021.
24 Group of central banks, “Central bank digital currencies: foundational principles and core features”, joint report, no 1, 10/2020, xem tại https://www.bis.org/publ/othp33.htm
25 Practice pointer on P2P lending - How it works, Current regulations and Considerations - Morrison & Foerster Firm - 2018.
26 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M.
UDC 336:004, xem tại: https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry.
27 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry.
28 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M.
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry
29 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry
30 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
31 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
32 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M.
UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry.
33 Demertzis, M., Mombelli, G., & Wolff, G. B. , “Capital Markets Union and the Fintech opportunity”, Bruegel Policy Contribution, Issue 22, 9/2017, xem tại https://www.bruegel.org/wp-content/uploads/2017/09/PC-22-2017.pdf
34 Ryan Brown, “China’s central bank says all cryptocurrency-related activities are illegal, vows harsh crackdown”, xem tại https://www.cnbc.com/2021/09/24/china-central-bank-vows-harsh-crackdown-on-cryptocurrency-industry.html, truy cập ngày 25/9/2021.
35 Ryan Brown, “China’s central bank says all cryptocurrency-related activities are illegal, vows harsh crackdown”, xem tại https://www.cnbc.com/2021/09/24/china-central-bank-vows-harsh-crackdown-on-cryptocurrency-industry.html, truy cập ngày 25/9/2021.
36 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry
37 Ismail Musabegovic et al, “Influence of Fintech on financial industry”, doi:10.5937/ekoPolj1904003M UDC 336:004, xem tại https://www.researchgate.net/publication/338870314_Influence_of_financial_technology_Fintech_on_financial_industry
38The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf
39 The Financial Stability Board (FSB), “Financial Stability Implications from Fintech Supervisory and Regulatory Issues that Merit Authorities’ Attention”, 27/6/2017, xem tại https://www.fsb.org/wp-content/uploads/R270617.pdf