Dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu năm 2020 đã để lại nhiều hậu quả đối với nền kinh tế Việt Nam khi các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng bởi doanh thu sụt giảm và sự đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi phân phối do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt...
Quan điểm về chính sách tín dụng đại trà
Dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu năm 2020 đã để lại nhiều hậu quả đối với nền kinh tế Việt Nam khi các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng bởi doanh thu sụt giảm và sự đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi phân phối do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, đảm nhiệm vai trò luân chuyển dòng vốn, đáp ứng những nhu cầu sản xuất - kinh doanh hợp pháp đã chủ động, linh hoạt có nhiều giải pháp thiết thực để đồng hành cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, giảm thiểu những tác động của dịch bệnh tới các thành phần kinh tế khác nhau. Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tiếp ba lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/ TT-NHNN. Động thái mới nhất, NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, tạo đồng thuận trong việc giảm lãi suất thị trường, san sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Những điều chỉnh chính sách này đã đem lại những hiệu quả nhất định. Theo công bố của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và lãi suất này vẫn tiếp tục giảm tính đến cuối tháng 9/2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước khi dịch bệnh). Đồng thời, NHNN cũng áp dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Cùng với đó, thời gian qua, các NHTM đã chung tay ủng hộ nhiệt thành cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dưới nhiều hình thức như quyên góp tiền vào quỹ mua vaccine, ủng hộ tiền và vật tư y tế cho các địa phương chống dịch, ủng hộ chương trình mua máy tính bảng hỗ trợ việc dạy và học online… Trên phương diện kinh doanh, một số ngân hàng đã cam kết giảm lợi nhuận, nhanh chóng triển khai các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo các Thông tư hướng dẫn của NHNN; đồng thuận cao với chủ trương kêu gọi giảm lãi suất để đồng hành cùng đất nước chống dịch với hơn 1,1 triệu khách hàng nhận được hỗ trợ từ các NHTM dưới nhiều hình thức. Những kết quả đó là sự ghi nhận về trách nhiệm xã hội của các NHTM, sẵn sàng hy sinh lợi ích của doanh nghiệp để tăng cường năng lực chống dịch của đất nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn về tài chính.
Để nền kinh tế có thể hồi phục thì điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp phải trở lại hoạt động với trạng thái sản xuất - kinh doanh bình thường, thậm chí còn phải hối hả hơn để bù đắp cho giai đoạn suy giảm. Tuy vậy, trải qua gần hai năm hoạt động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp đã suy giảm nghiêm trọng. Nhiều luồng ý kiến cho rằng, các NHTM cần phải tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay, thậm chí, nhiều ý kiến đưa ra quan điểm về chính sách lãi suất 0%, qua đó giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn mới. Tuy nhiên, cần xem xét đến một số khía cạnh khác bên cạnh câu chuyện hỗ trợ đại trà các doanh nghiệp thông qua chính sách lãi suất như sau:
Thứ nhất, các NHTM bản chất là các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Việc yêu cầu các NHTM cắt giảm một phần lợi nhuận để san sẻ cho những doanh nghiệp khác trong nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn bước đầu là cần thiết và đúng đắn nhưng nếu lạm dụng sẽ đi ngược lại so với những quy luật của kinh tế thị trường nói chung. Thực tế các NHTM cũng hiểu rằng, cần phải chia sẻ những khó khăn tài chính với doanh nghiệp, vì đây là những điều kiện bất khả kháng, nằm ngoài khả năng dự báo của cả doanh nghiệp và ngân hàng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp phá sản thì bản thân ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn với việc xử lý những khoản nợ xấu dẫn tới lợi nhuận sụt giảm. Do đó, các chính sách miễn, giảm lãi và cơ cấu nợ phù hợp với tình trạng hiện tại để đi đến một giải pháp tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tiếp tục tạo áp lực yêu cầu hệ thống ngân hàng phải giảm lãi suất (là trực tiếp làm giảm lợi nhuận) để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo ra những sự can thiệp hành chính vào hoạt động của ngân hàng, hạn chế động lực phát triển và tạo nên sự phân biệt đối xử không cần thiết trong hệ thống các doanh nghiệp. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, các NHTM hiện nay đã là những công ty đại chúng có sự góp vốn của nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác, trong đó có cả những đối tác chiến lược nước ngoài. Nếu áp dụng quá nhiều các biện pháp hạn chế sự tự do kinh doanh của ngân hàng sẽ làm giảm sự hấp dẫn của lĩnh vực này ở những giai đoạn phát triển tiếp theo trong tương lai.
Thứ hai, ngành Ngân hàng thực tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo. Đầu tiên là, vấn đề về nợ xấu. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ gia tăng do tình hình dịch bệnh đã làm trì trệ hoạt động kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán toàn bộ hoặc một phần dư nợ tại ngân hàng. Theo các Thông tư hướng dẫn về cơ cấu nợ, các khoản nợ này chưa bị chuyển nhóm và các NHTM được hỗ trợ việc trích lập dự phòng rủi ro trải đều qua 3 năm. Dù vậy, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM cũng sẽ tăng lên nhanh chóng và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ giảm mạnh. Tiếp đến là, về mức độ rủi ro của hoạt động ngân hàng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Với sức khỏe tài chính yếu hơn và những bất định ở cả thị trường trong và ngoài nước, các hoạt động cho vay của NHTM với doanh nghiệp sẽ trở nên rủi ro hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch. Vẫn là cùng một doanh nghiệp đó nhưng những rủi ro về dịch bệnh có thể quay trở lại khiến những phương án kinh doanh của doanh nghiệp đó trở nên kém khả thi hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh. Ở Việt Nam, kênh dẫn vốn chính trong nền kinh tế vẫn là thông qua hệ thống ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 146% so với thị trường, 17% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và 110% của thị trường cổ phiếu). Hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế giúp luân chuyển dòng vốn tới các doanh nghiệp và khi hệ thống mạch máu này không khỏe mạnh thì tốc độ chu chuyển vốn sẽ giảm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để khôi phục và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Do đó, cần phải chuẩn bị cho hệ thống ngân hàng một bước đệm về tài chính tốt để hệ thống ngân hàng làm tốt vai trò dẫn vốn trong nền kinh tế.
Thứ ba, nếu các NHTM chấp nhận giảm lãi suất cho vay nhưng mặt khác lại giảm lãi suất huy động để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận (giữ NIM ở mức các ngân hàng chấp nhận được trong bối cảnh doanh thu từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu) cũng sẽ gây ra những vấn đề bất ổn đối với kinh tế vĩ mô. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, huy động vốn từ người nhàn rỗi và cho vay đối với người có nhu cầu vốn. Bản thân ngân hàng không có đủ vốn tự có để đáp ứng nhu cầu của người vay mà nguồn tài trợ chính vẫn là tiền gửi. Điều quyết định tới hành vi gửi tiền chính là lãi suất nhưng là lãi suất thực, không phải lãi suất danh nghĩa niêm yết. Lãi suất thực được hiểu đơn giản là lãi suất danh nghĩa điều chỉnh cho tỷ lệ lạm phát. Có nhiều tranh cãi về lãi suất thực nhưng nếu để làm căn cứ đầu vào cho việc ra quyết định đầu tư tiền nhàn rỗi thì lãi suất thực cần xem xét là lãi suất danh nghĩa điều chỉnh cho tỷ lệ lạm phát kỳ vọng trong suốt kỳ hạn đang xem xét. NHNN đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát giai đoạn 2016 - 2020 và hướng tới thành công trong việc giữ lạm phát năm 2021 ở mức mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên, lạm phát trong giai đoạn chịu nhiều rủi ro cả ở thị trường trong nước và quốc tế nên kỳ vọng lạm phát trong thời gian tới có thể sẽ xoay quanh mức mục tiêu 4% mà Quốc hội và Chính phủ giao cho NHNN. Nếu xét đến lãi suất huy động hiện tại khoảng 5 - 6% (trung bình khoảng 5,9%, thấp nhất 4,4%, cao nhất 6,8%) kỳ hạn 12 tháng thì nếu các NHTM giảm lãi suất huy động 2% tức là lãi suất huy động thực sẽ giảm về 0% thậm chí là âm, tác động trực tiếp tới quyết định gửi tiền của các chủ thể kinh tế. Khi lãi suất huy động thực âm, lãi tiền gửi không đủ bù đắp cho tỷ lệ lạm phát, người gửi tiền sẽ có xu hướng thay vì mua các tài sản tài chính (ví dụ như tiết kiệm tại ngân hàng) chuyển sang mua các tài sản hữu hình có tính tích trữ để phòng ngừa lạm phát như vàng, bất động sản hoặc chuyển qua các tài sản tài chính có mức sinh lời cao hơn (đi kèm rủi ro cao hơn) như trái phiếu doanh nghiệp hoặc cổ phiếu. Điều này dẫn tới hai vấn đề đối với nền kinh tế: Một là, hệ thống ngân hàng thiếu vốn để cho vay, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; hai là, các thị trường tài sản tăng trưởng quá nóng so với tăng trưởng kinh tế thực, tiềm ẩn nhiều rủi ro bong bóng tài sản.
Chính sách tín dụng có chọn lọc
Chính phủ vẫn cần nhanh chóng đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi kinh tế có hiệu quả sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhưng việc yêu cầu hệ thống NHTM giảm lãi suất cho vay sâu và nhanh chóng một cách đại trà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong tương lai. Một trong những giải pháp thay thế là sử dụng chính sách tín dụng ưu đãi với 2 điểm khác biệt: có sự tham gia của ngân sách Nhà nước và có tính chọn lọc. Ở nhiều quốc gia, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ là chính sách chủ yếu thông qua các biện pháp trực tiếp làm tăng chi tiêu và giảm nguồn thu của Chính phủ như hỗ trợ tiền mặt cho người dân hay giảm thuế và cả các biện pháp gián tiếp như các khoản cho vay hay bảo lãnh Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, tỷ lệ bội chi ngân sách sau khi điều chỉnh GDP vẫn còn dư địa và có thể được sử dụng vào mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua chính sách tín dụng. Tính chọn lọc của chính sách tín dụng được xây dựng nhằm tập trung vào một khu vực của nền kinh tế và lan tỏa tới các khu vực khác thông qua các liên kết kinh tế. Sử dụng một chính sách tín dụng chọn lọc có hiệu quả sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, dễ kiểm soát mục đích sử dụng vốn và tránh tình trạng trục lợi chính sách khi thực hiện đại trà.
Lựa chọn đối tượng nhận được hỗ trợ từ chính sách tín dụng ưu đãi là một vấn đề cần phải được cân nhắc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đơn vị chức năng. Những doanh nghiệp được nhận hỗ trợ sẽ phải đáp ứng được các tiêu chí cả về quy mô và ngành nghề:
Một là, về tiêu chí quy mô, các doanh nghiệp được hỗ trợ cần phải là các doanh nghiệp lớn chứ không phải là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách cần phải hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp lớn để tận dụng lợi thế kinh tế về quy mô, nguồn lực tài chính, công nghệ, khả năng lan tỏa của nhóm doanh nghiệp này dựa trên mạng lưới sẵn có. Khi doanh nghiệp lớn được hỗ trợ để hoạt động ổn định trở lại sẽ kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các doanh nghiệp vệ tinh. Các doanh nghiệp lớn cũng là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; hỗ trợ phục hồi sản xuất tại các doanh nghiệp lớn tức là gián tiếp hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm ngàn lao động mất việc do dịch, đảm bảo cuộc sống cho nhiều người dân. Về mặt rủi ro, các doanh nghiệp lớn là những doanh nghiệp có hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt hơn, có thị phần vững chắc và kế hoạch phục hồi kinh doanh cũng sẽ khả thi hơn những doanh nghiệp nhỏ giúp giảm bớt rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, việc tập trung vốn hỗ trợ các doanh nghiệp lớn cũng sẽ đảm bảo được nguồn lực của các bộ, ngành liên quan tham gia quản lý gói hỗ trợ để thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo chính sách đúng và trúng với mục tiêu ban đầu.
Hai là, về tiêu chí ngành nghề, các doanh nghiệp được hỗ trợ cần phải hoạt động trong những ngành có tính lan tỏa cao, có mối liên kết kinh tế với nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là những ngành sản xuất trong nước. Thông qua những mối liên kết kinh tế đó, những doanh nghiệp được hỗ trợ có thể tái khởi động chuỗi sản xuất, phân phối và bán hàng mới, tạo ra nhu cầu đối với nhiều ngành nghề khác. Ví dụ như hỗ trợ doanh nghiệp logistic, qua đó, có thể phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, xuất khẩu hay hỗ trợ doanh nghiệp dệt may có thể khơi thông nhu cầu cho ngành sản xuất bông, cơ khí, hóa chất…
Ba là, về tiêu chí thị trường, cần ưu tiên chọn các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị, đặc biệt là các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong chuỗi và doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu lớn, đảm bảo duy trì được đơn hàng và lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Bốn là, về tiêu chí khoa học công nghệ, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có khả năng nghiên cứu và ứng dụng, triển khai đổi mới sáng tạo tốt hơn, tạo ra được lợi thế cạnh tranh đi đầu về năng lực sản xuất (hoặc rút ngắn khoảng cách) với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Từ đó, giúp nền kinh tế tăng tính tự chủ, giảm sự lệ thuộc vào thị trường quốc tế.
Tùy vào khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước mà NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thống nhất về bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp được hỗ trợ, giao trách nhiệm giải ngân nhanh chóng và giám sát việc sử dụng vốn vay cho các NHTM và sớm có những đánh giá về hiệu quả chính sách để kịp thời có những điều chỉnh cần thiết. Thậm chí, nếu chính sách có hiệu quả tốt, có thể tăng quy mô, mở rộng đối tượng ra thêm những khu vực khác của nền kinh tế để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn diện, có chất lượng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021 - 2025.
Đào Minh Thắng
Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN