Khởi phát từ đầu năm 2020, đến giữa tháng 3 năm 2020, dịch Covid-19 đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia trên thế giới và khiến hơn 10 vạn người nhiễm bệnh và gần 8 ngàn người tử vong, chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, châu Âu và Iran. Do chưa thể dự báo được diễn biến của dịch nên việc đánh giá tác động, dự báo tình hình cũng như đề xuất giải pháp chính sách tiền tệ nói riêng, chính sách kinh tế vĩ mô nói chung nhằm khắc phục hậu quả và vượt qua dịch bệnh gần như là bất khả thi.
"Cuộc đua xuống đáy"
Mặc dù vậy, Mỹ đã dẫn đầu thế giới về cuộc đua “xuống đáy” khi liên tiếp cắt giảm lãi suất cơ bản về 0% chỉ trong vòng mấy ngày nửa đầu tháng 3/2020 đi kèm với những gói bơm tiền khổng lồ lên đến hàng ngàn tỷ USD vào nền kinh tế vốn đang chao đảo vì dịch bệnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do đứt mắt xích quan trọng hàng đầu là Trung Quốc với tỷ trọng khoảng 1/5 sản lượng công nghiệp của thế giới song hành với liên tiếp phong tỏa và cách ly từng khu vực, từng thành phố thậm chí từng quốc gia đã khiến kinh tế toàn cầu khựng lại và suy thoái kinh tế cận kề. Không chỉ dòng hàng hóa, dòng lao động mà cả dòng dịch vụ và tài chính tưởng như miễn nhiễm với dịch bệnh nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng bị chặn đứng bởi nỗi lo sợ dịch bệnh bao trùm. Lần đầu tiên trong thời hiện đại, kinh tế thế giới cùng một lúc phải chịu đựng cả cú sốc cung lẫn cú sốc cầu từ qui mô toàn cầu, quốc gia, thành phố đến cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Hơn thế nữa, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu 2020 khác với tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trước đây là không bắt nguồn từ những sai lầm kinh tế - tài chính của chính quyền hay thị trường mà từ nỗi lo sợ dịch bệnh đeo bám và lan rộng theo dòng luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động - cốt lõi của mọi hoạt động kinh tế - tài chính. Hàng loạt thị trường rung lắc và đối mặt nguy cơ sụp đổ, từ thị trường hàng hóa, dịch vụ du lịch, thương mại,... đến thị trường chứng khoán, thị trường dầu mỏ, thị trường tiền tệ và cả thị trường vàng. Các công cụ tài chính tiền tệ truyền thống như bơm tiền thông qua các gói kích thích hay hỗ trợ, cắt giảm lãi suất hay phá giá tiền tệ, miễn giảm thuế phí hoặc kể cả giảm giá hàng hóa dịch vụ nhằm kích cầu đều khó có thể cứu vãn tình hình do các thị trường bị chia cắt, bị cách ly trong khi nỗi lo sợ lại lây nhiễm đến tất cả các thị trường bất kể mọi rào cản. Chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ cần tập trung vào ngăn chặn nỗi lo sợ và hoảng loạn trên thị trường, khơi thông dòng chảy tiền tệ đang tắc nghẽn thay vì đổ thêm dầu vào lửa thông qua đẩy thêm tiền vào thị trường dù là tiền giá rẻ.
Bản lĩnh Việt Nam
Trọng tâm chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2020 là tập trung toàn lực ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, đồng thời, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, cả ảnh hưởng vật chất, tài chính lẫn tinh thần chứ không phải là bàn chuyện điều chỉnh hay không các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay nới lỏng chính sách tài chính - tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hay đa dạng hóa thị trường, cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thị trường hàng hóa lẫn thị trường dịch vụ... Mọi đề xuất chỉ thực sự sáng suốt sau khi đã có những đánh giá toàn diện và có căn cứ từ thực tế cuộc sống, mà điều đó chỉ có sớm nhất là cuối quí I/2020. Trước hết, chúng ta cần xây dựng khung phân tích đánh giá tình hình đồng thời chuẩn bị các kịch bản đối phó, kể cả kịch bản xấu nhất nhằm nắm thế chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt khi chiếc hộp pandora dịch bệnh vẫn ẩn chứa không ít điểm đen thông tin. Theo đó, những nội dung trọng tâm của mỗi kịch bản là:
Thứ nhất, dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và vận tải hàng không chưa kể dịch vụ ăn uống và thương mại hàng hóa. Các chỉ tiêu về biến động khách du lịch, không chỉ khách du lịch quốc tế mà cả du lịch trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng như lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa cần được thu thập và phân tích thật chi tiết, kỹ lưỡng, đồng thời phân tích rõ tác động của dịch Covid-19 đến các chỉ tiêu đó. Ngoài ra, không thể bỏ qua đánh giá tác động đến các lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ, chẳng hạn như bất động sản du lịch, cơ sở hạ tầng thương mại, lao động trong các ngành dịch vụ, vốn đầu tư và dòng tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ...
Thứ hai, dịch Covid-19 không tác động trực tiếp và nặng nề tới khu vực công nghiệp và nông nghiệp như đối với khu vực dịch vụ, song, ảnh hưởng tiêu cực là không thể phủ nhận. Trước hết là sự đình trệ sản xuất của Trung Quốc cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng và chưa biết đến bao giờ được phục hồi trở lại, theo đó, thương mại và sản xuất kinh doanh toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng chịu tác động chưa từng thấy kể cả từ thời khủng hoảng châu Á 1997-1999 hay khủng hoảng toàn cầu 2008 - 2009. Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam nên dịch Covid-19 chính là phép thử khắc nghiệt đối với tuyệt đại đa số nhà sản xuất Việt Nam, không kể thuộc ngành công nghiệp hay nông nghiệp. Biến động dữ dội của các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra sẽ chỉ bộc lộ khi các doanh nghiệp và hộ nông dân sử dụng hết hàng hóa vật tư dự trữ sản xuất hay thực hiện hết các đơn hàng đã ký kết. Vì vậy, việc phân tích đánh giá chính xác toàn bộ các yếu tố đầu vào, đầu ra của nền kinh tế và của từng nhà sản xuất là đặc biệt cần thiết và quan trọng.
Thứ ba, mặc dù đến sáng 30 tháng 3/2020, Việt Nam có 194 ca dương tính với Covid-19 nhưng nguồn lực và chi phí để phòng chống dịch không thể tách rời cân đối tổng thể phân bổ nguồn nhân tài vật lực của quốc gia năm 2020, thậm chí cân đối theo dự toán NSNN năm 2020 cũng cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp, cả phần chi NSNN cũng như phần thu NSNN, nhất là khi diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng vẫn rất phức tạp và khó lường.
Thứ tư, nội dung cơ bản của mỗi kịch bản phát triển kinh tế - xã hội ứng phó với dịch Covid-19 không phải là GDP tăng trưởng bao nhiêu hay lạm phát thế nào hay kim ngạch XNK tăng giảm ra sao mà là hệ thống các chính sách để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Đến lượt mình, các chính sách đó cần đảm bảo cả hiệu quả, hiệu lực và hiệu ứng. Tính nhất quán, đồng bộ cần được xuyên suốt từ chính sách tín dụng, tiền tệ, tài khóa, tỷ giá hối đoái, đến thương mại, đầu tư,...
Đầu tháng 3/2020, gói hỗ trợ trị giá lên tới trên 300 ngàn tỷ (285 ngàn hỗ trợ tín dụng ngân hàng và 30 ngàn hỗ trợ thuế) là chưa từng có từ trước tới nay. Về tính chất, gói hỗ trợ khổng lồ không phải là kích cầu như gói kích thích kinh tế 2009-2010 nhưng những bài học đắt giá 10 năm trước rất cần thiết cho gói hỗ trợ lần này, đặc biệt là bài học về hỗ trợ đúng đối tượng và tránh thất thoát, tham nhũng. Trước hết, nguyên nhân phải có gói hỗ trợ là do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt ở mắt xích Trung Quốc trong khi có không ít lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc tới 70 - 80% nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Đây là cú sốc cung vô tiền khoáng hậu. Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường du lịch lao dốc không phanh, hơn nữa những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch lại là những thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam. Ngành du lịch chịu tác động nặng nề nhất và kéo theo hàng loạt lĩnh vực liên quan như vận tải hành khách, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi giải trí,... Thứ ba, tiếp sau cú sốc cung là cú sốc cầu khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp và hầu hết các doanh nghiệp FDI nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu vốn đang gián đoạn nghiêm trọng. Thứ tư, do dịch Covid-19 nên niềm tin tiêu dùng sụt giảm đi đôi với hiện tượng thất nghiệp tạm thời và giảm sút thu nhập nên thị trường tiêu dùng trong nước co lại. Những doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động của dịch Covid-19 gặp khó khăn kéo theo các doanh nghiệp là đối tác bạn hàng cũng khó khăn hơn. Vì vậy, gói hỗ trợ là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng và dựa trên nguyên tắc thị trường. Các hỗ trợ tài chính như giãn, hoãn trả nợ ngân hàng và nộp thuế dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời có khả năng phục hồi sau khi dịch Covid-19 đi qua. Sự hỗ trợ chỉ là tạm thời, không phải cho không hay xóa nợ hoàn toàn. Hỗ trợ này giúp doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng nghĩa vụ tài chính, duy trì sự tồn tại chờ phục hồi. Quan trọng hơn là gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp khác hẳn gói hỗ trợ 4% lãi suất năm 2009 ở chỗ không có nguồn gốc NSNN và không do cơ quan nhà nước quản lý điều hành mà do các NHTM chủ động quản lý và thực hiện. Vì vậy, phải căn cứ vào thị trường. Đối tượng hỗ trợ tín dụng trước hết là doanh nghiệp có thể sớm giúp nối lại chuỗi cung ứng thay thế mắt xích bị đứt. Thứ hai là doanh nghiệp giúp khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm, cả trong và ngoài nước. Thứ ba là doanh nghiệp có thể duy trì cả yếu tố đầu vào và đầu ra song gặp khó khăn về vốn. NHTM và thị trường tài chính cần giám sát để dòng vốn rẻ này để không bị đổ vào BĐS hay chứng khoán như trường hợp gói kích thích 2009. Hơn nữa, NHTM tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về giải ngân gói hỗ trợ chứ Chính phủ không can thiệp và càng không bảo lãnh “ngầm” như thời kỳ 2009 - 2010.
Tóm lại, chính sách tiền tệ tín dụng năm 2020 vẫn phải là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đồng thời hướng dòng vốn tín dụng hỗ trợ vào đúng đối tượng, đúng nhu cầu nhằm giải quyết đúng những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, các biện pháp giãn, hoãn thuế phí và nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính quan trọng hơn nhiều so với cắt giảm lãi suất hay/và phá giá VND.
TS. Vũ Đình Ánh
(TCNH số 7/2020)