|
Ảnh minh họa |
Chủ động, linh hoạt
“6 tháng đầu năm 2019, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối...”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh điều này tại buổi họp báo thông tin kết quả điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2019, định hướng những tháng cuối năm 2019 được NHNN tổ chức chiều ngày 13/6 tại Hà Nội. Nhờ đó, thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, thông suốt; đến ngày 10/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17% so với cuối năm 2018.
Tín dụng trong những tháng đầu năm được định hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát. Đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại hối; thanh khoản ngoại tệ được đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Không những vậy, NHNN còn tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42: Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
TTKDTM chuyển biến tích cực
Tại buổi họp báo, một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của các phóng viên là thanh toán. Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, NHNN đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động nắm bắt, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực.
Không chỉ hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý, hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không ngừng được đầu tư, nâng cấp đáp ứng được yêu cầu giao dịch thanh toán của nền kinh tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, thông suốt, góp phần thúc đẩy TTKDTM và tăng trưởng kinh tế.
Tính đến hết tháng 5/2019, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng. Bình quân số lượng giao dịch đạt trên 635 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 354 nghìn tỷ đồng/ngày. Giao dịch chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng cao, hết quý I/2019 đạt gần 120.816,11 nghìn giao dịch với tổng giá trị hơn 753,80 nghìn tỷ̉ đồng.
Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM (tăng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Với TTKDTM, điều dễ nhìn thấy nhất về hiệu quả nằm ở việc các dịch vụ thanh toán phát triển mạnh mẽ, nhất là các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng CNTT và thành tựu của cuộc CMCN 4.0, qua các con số biết nói. Đơn cử như tính đến hết quý I/2019, có khoảng 81,3 triệu tài khoản cá nhân (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018). Phải thừa nhận rằng, phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân đã góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và là điều kiện tiên quyết để tạo mở rộng dịch vụ TTKDTM.
Thẻ ngân hàng cũng ghi nhận số lượng và giá trị giao dịch tăng khi hết quý I/2019 số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018). Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Đáng chú ý, số lượng giao dịch tài chính qua Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Dũng, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng. Công tác an ninh, an toàn, bảo mật luôn được coi trọng và là ưu tiên hàng đầu; quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được quan tâm và bảo vệ. Với những kết quả đã đạt được, theo Tạp chí Nikkei Asia (ngày 18/4/2019), Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua “không tiền mặt”.
“Đây là kết quả minh chứng cho những giải pháp quản lý nhà nước và chỉ đạo của NHNN đang đi đúng hướng trong việc đẩy mạnh TTKDTM”, ông Dũng khẳng định.