Cũng như nhiều loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp vận tải là một trong những loại hình doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải có nguy cơ vỡ nợ và phá sản do không thể hoạt động và không có nguồn thu...
Tóm tắt: Cũng như nhiều loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp vận tải là một trong những loại hình doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải có nguy cơ vỡ nợ và phá sản do không thể hoạt động và không có nguồn thu. Trước bối cảnh đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải là điều rất quan trọng và cấp thiết. Bài viết tập trung đánh giá sự cần thiết của chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, làm rõ hơn một số chính sách hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cho doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh hiện nay, từ đó tiếp tục đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này.
Từ khóa: Doanh nghiệp vận tải, chính sách hỗ trợ, tín dụng, Covid-19, Việt Nam.
Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động, nhiều phương tiện "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, đường sắt hoạt động cầm chừng, vận tải biển bị cắt giảm, gián đoạn... Điều này đã cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải là rất nặng nề. Thực tế, mặc dù các phương tiện vận tải không hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp vẫn phải chi trả các loại phí như phí bảo trì đường bộ, phí khấu hao tài sản, đăng kiểm, đăng ký, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm thân vỏ. Đối với những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng thì nguồn thu không đủ đảm bảo các khoản chi phí nên doanh nghiệp đang phải bù lỗ cho xe; một số nhà xe đang phải trả lãi cho ngân hàng do doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các phương tiện vận tải. Nếu điều này tiếp tục kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải hành khách có nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng cho các doanh nghiệp vận tải nhằm giúp các doanh nghiệp này trụ vững, vượt qua khó khăn để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh là điều rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Sự cần thiết về hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của đại dịch Covid-19 diễn ra tại Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống con người. Để đảm bảo an toàn, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19 nhằm hạn chế thiệt hại tối đa về người bằng các chính sách giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có nguồn thu trong khi vốn đầu tư lớn, hàng tháng phải trả lãi cho ngân hàng. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trải qua 4 làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải gần như bị kiệt quệ. Với tần suất hoạt động và lượng khách sụt giảm, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải bị giảm mạnh từ 70% - 80%1, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều lao động.
Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, khách hàng liên tục trả vé tàu bởi dịch bệnh phức tạp. Theo thống kê sơ bộ, đến hết tháng 02/2021 đã có trên 33.000 vé tàu bị trả lại, trị giá gần 30 tỷ đồng2. Cụ thể, từ ngày 01/3/2021 trên tuyến Bắc - Nam, chỉ còn 2 đôi tàu khách Thống Nhất chạy suốt và một số mác tàu chạy không thường xuyên, điều này đã khiến ngành vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn khi không có nguồn thu nhưng vẫn phải duy trì các hoạt động.
Đối với vận tải đường bộ, vấn đề thiệt hại lại càng nặng nề hơn, nhiều doanh nghiệp, nhà xe phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi, chỉ có khoảng 20 - 30% lượng phương tiện có thể hoạt động trong việc vận chuyển hàng hóa, các phương tiện vận chuyển hành khách thì gần như đóng cửa. Trong khi đó, cơ cấu vốn của các doanh nghiệp vận tải đa phần là vốn vay tín dụng ngân hàng. Vốn vay hoạt động của doanh nghiệp chiếm trên 80%, nguồn tiền để trả lãi vay và gốc sẽ căn cứ vào nguồn tiền thu hằng tháng, nhưng hiện nay do không thể kinh doanh nên doanh nghiệp không có nguồn chi trả3.
Đối với vận tải hàng không, trước sự bùng phát phức tạp của đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không vốn đã khó khăn thì nay lại rơi vào tình cảnh hết sức lao đao. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2021 số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷ đồng4. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỷ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản5. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên, dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dần hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh6.
So với các loại hình vận tải khác, vận tải đường biển ít chịu thiệt hại hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của các yếu tố ngoài nước và tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo dài, một số tỉnh phía Nam thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, dẫn đến lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giảm. Thực tế, sản lượng vận chuyển, luân chuyển giảm; gián đoạn việc triển khai một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và logistics; giá cước vận tải biển, giá cước vận chuyển container tăng cao; giấy đi đường cho các nhân viên hãng tàu, đại lý giao nhận hàng hóa chỉ được cấp hạn chế ảnh hưởng tới việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng; thiếu nhân công làm việc tại các bến cảng…
2. Một số chính sách hỗ trợ tín dụng của NHNN và các TCTD cho doanh nghiệp vận tải
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn về vốn và tài chính để duy trì hoạt động. Trước bối cảnh đó, NHNN đã ban hành nhiều quy định pháp luật về tín dụng để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải nhằm giúp các doanh nghiệp này có thể đứng vững và vượt qua được giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay. Cụ thể:
Thứ nhất, về quy định pháp luật. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vận tải, NHNN đã nhanh chóng nghiên cứu, rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm kịp thời tạo cơ sở pháp lý để phục vụ hiệu quả cho hoạt động hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng. Cụ thể, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Năm 2021 dịch bệnh bùng phát trở lại, để phù hợp với tình hình thực tế, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp vận tải, ngành Ngân hàng khẩn trương vào cuộc, chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng. Cụ thể, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. So với các Thông tư trước, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đã có nhiều điểm tiến bộ rất đáng lưu ý trong chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Thông tư số 14/2021/TT-NHNN cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến 30/6/2022. Ngoài ra, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đã bổ sung thêm trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cụ thể là số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 07/9/2021. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN được thực hiện đến ngày 30/6/2022. Thông tư số 14/2021/TT-NHNN cũng quy định việc giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến 01/8/2021 và được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến 01/8/2021 và được miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư này. Đặc biệt, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ như quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN là rất hợp lý và cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải giảm áp lực về vấn đề trả nợ, tạm thời không bị chuyển nhóm nợ, có cơ hội tiếp cận với khoản vay mới, tránh gián đoạn dòng tiền trong sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, việc tận dụng cơ hội cơ cấu thời hạn trả nợ sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải có thêm nguồn lực và thời gian để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh theo lộ trình phù hợp với khả năng miễn dịch cộng đồng của Việt Nam.
Ngoài ra, NHNN cũng đã ban hành nhiều thông tư khác có liên quan đến vấn đề hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp như Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05/4/2021 quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN…
Có thể thấy, NHNN đã rất chủ động trong việc xây dựng, tạo lập hành lang pháp lý vững chắc để hỗ trợ kịp thời về tín dụng cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vận tải. Đây chính là điều kiện tiên quyết, cần thiết để chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vận tải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và kịp thời.
Thứ hai, về thực thi chính sách hỗ trợ tín dụng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, NHNN đã liên tiếp 03 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh7. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch)8. Đặc biệt, trong tháng 7/2021, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế, gồm: VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Lienvietpostbank, TPBank, VIB, ACB, SeABank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank) thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng9. Nhờ triển khai kịp thời, quyết liệt, tổng số tiền giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến ngày 30/9/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Bên cạnh đó, đến ngày 10/9/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 367,5 tỷ đồng10. Sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ, đến ngày 17/9/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn, đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất11. Ngoài ra, NHNN cũng đã hoàn thành việc tái cấp vốn cho 3 ngân hàng SeABank, MSB, SHB để ký hợp đồng tín dụng tài trợ và thực hiện giải ngân cho Vietnam Airlines vay.
3. Một số đề xuất hoàn thiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam
Những giá trị và tác động tích cực trong chính sách của NHNN và các TCTD đã thực hiện trong thời gian qua là rất cần thiết, điều này đã góp phần hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức nhất định. Có thể nhận thấy rằng, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đã giúp các ngân hàng thương mại có thể triển khai thuận lợi hơn các giải pháp cơ cấu nợ, hỗ trợ kịp thời cho các khách hàng đang gặp khó khăn về dòng tiền do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN còn giúp doanh nghiệp có dòng tiền tạm nhàn rỗi chưa phải trả nợ để phục hồi hoạt động trong bối cảnh đại dịch dần được kiểm soát. Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN cho phép cơ cấu các khoản vay phát sinh trước 01/8/2021 nhưng thực tế tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài. Theo tính toán sơ bộ, ngay cả khi sắp tới các hoạt động trở lại bình thường thì cũng phải mất khá nhiều thời gian nữa để các doanh nghiệp vận tải mới có thể khôi phục. Do đó, với mốc giới hạn thời gian được cơ cấu nợ trong Thông tư số 14/2021/TT-NHNN kéo dài tối đa đến cuối tháng 6/2022 thì nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vận tải có thể vẫn chưa phục hồi được.
Trước những thực tế nêu trên cùng với các yêu cầu đòi hỏi trong việc phục hồi nền kinh tế khi đại dịch đã dần được kiểm soát, việc vực dậy các doanh nghiệp vận tải là điều rất cần thiết và cấp bách bởi đây là mắt xích quan trọng trong việc tạo đà thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Để làm được điều này, dưới gốc độ tín dụng ngân hàng, bên cạnh những chính sách, quy định pháp luật về hỗ trợ tín dụng, tác giả đề xuất cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện, thêm một số các giải pháp sau:
Về phía NHNN: Cần tăng cường theo dõi, đẩy mạnh đôn đốc các TCTD trong việc triển khai Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải với thời hạn và lãi suất hợp lý. Ngoài ra, NHNN cần đẩy mạnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải tiếp cận được nguồn vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
NHNN cần xem xét tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD để các TCTD có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp vận tải.
Về phía TCTD: Cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa đẩy nhanh thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vận tải, đảm bảo các giải pháp hỗ trợ mang tính thực chất, đồng thời phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đặc biệt, để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải, các TCTD cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN, xem xét cho doanh nghiệp vận tải vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giúp các doanh nghiệp vận tải có thể tiếp cận được các khoản vay được nhanh chóng và thuận tiện hơn. Ngoài ra, các TCTD cần duy trì bộ phận thường trực, đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh của doanh nghiệp, đồng thời chủ động xử lý khó khăn, vướng mắc và thông tin về chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp của ngành Ngân hàng tới doanh nghiệp để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải.
Về phía các bộ, ngành có liên quan: Các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải không chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng mà cần có sự chung tay, phối hợp, góp sức của các bộ, ngành liên quan để các chính sách hỗ trợ phát huy triệt để tác dụng và đủ sức giúp các doanh nghiệp vận tải có thể vượt qua được khó khăn. Chẳng hạn như Bộ Giao thông Vận tải có thể phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể khác để tiếp tục triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt cho các doanh nghiệp vận tải theo hướng xem xét miễn, giảm phí bảo trì đường bộ, các chi phí logistic đường bộ, đường thủy nội địa đối với các phương tiện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; miễn, giảm cước viễn thông của thiết bị giám sát hành trình gắn trên các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải; tiếp tục hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý qua các trạm BOT; lùi quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải; có chính sách cụ thể hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp vận tải hiện đang không có việc làm… Việc phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ giữa các cơ quan khác nhau sẽ giúp tăng tính hiệu quả trong việc hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải.
Về phía doanh nghiệp vận tải: Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng thì bản thân các doanh nghiệp vận tải phải cần tự cố gắng nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, không nên ỷ lại, trong chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh các chính sách, cơ chế cho vay hoặc hỗ trợ vốn của các ngân hàng, yếu tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải cần phải nâng cao trình độ quản trị điều hành trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh; tích cực, chủ động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về quản lý tài chính, lập dự án kinh doanh12. Đây chính là điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, để có thể tiếp cận được nguồn vốn được dễ dàng hơn, các doanh nghiệp vận tải cần minh bạch hóa tài chính, hoạt động tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp cần được công khai, hợp tác với ngân hàng trong việc trao đổi thông tin. Để chuẩn bị vay vốn, doanh nghiệp cần có phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi, trong đó, doanh nghiệp phải hiểu rõ về mục đích cho khoản vay đang mong muốn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần kiểm soát tốt dòng tiền hoạt động kinh doanh, trả nợ ngân hàng và xây dựng lịch sử tín dụng tốt, vì đây là cơ sở để các TCTD đánh giá mức độ tín nhiệm doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp vận tải cũng phải am hiểu quy định về sản phẩm, chương trình tín dụng của ngân hàng để có thể tham gia các chương trình tín dụng đúng đối tượng, đúng mục tiêu, tận hưởng chính sách lãi suất ưu đãi một cách hiệu quả để có thể vượt qua được đại dịch.
Kết luận
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, NHNN và các TCTD đã thực hiện nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ tín dụng kịp thời đối với các doanh nghiệp vận tải, giúp các doanh nghiệp vận tải vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, như đã đề cập, để vấn đề hỗ trợ tín dụng đạt được tính hiệu quả tối ưu thì việc tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện, áp dụng, triển khai các giải pháp như đã đề xuất là điều rất cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
1 Lê Mai (2021), “Doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao trong đại dịch COVIDCovid-19”, Quảng Bình Online, truy cập ngày 18/10/2021, < https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202107/doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-lao-dao-trong-dai-dich-covid-19-2190844/>.
2 Đăng Nhật (2021), “Ảnh hưởng từ dịch COVIDCovid-19: Doanh nghiệp vận tải chật vật duy trì hoạt động”, Công an nhân dân Online, truy cập ngày 18/10/2021, < https://cand.com.vn/Xa-hoi/Anh-huong-tu-dich-COVIDCovid-19-Doanh-nghiep-van-tai-chat-vat-duy-tri-hoat-dong-i598444/>.
3 Đăng Nhật (2021), “Ảnh hưởng từ đại dịch COVIDCovid-19: Doanh nghiệp vận tải chật vật duy trì hoạt động”, Báo công an nhân dân, truy cập ngày 15/10/2021, https://cand.com.vn/Xa-hoi/Anh-huong-tu-dich-COVIDCovid-19-Doanh-nghiep-van-tai-chat-vat-duy-tri-hoat-dong-i598444/.
4 Bảo Ngọc (2021), “Hàng không lỗ lớn, bên bờ vực phá sản, du lịch lao đao vì dịch COVIDCovid-19”, Tuổi trẻ Online, truy cập ngày 18/10/2021, < https://tuoitre.vn/hang-khong-lo-lon-ben-bo-vuc-pha-san-du-lich-lao-dao-vi-dich-covid-19-20210616134815733.htm>.
5 Kiều Linh (2021), “VietNam Airline có nguy cơ vỡ nợ”, VnEconomy, truy cập ngày 18/10/201521, < https://vneconomy.vn/vietnam-airlines-co-nguy-co-vo-no.htm>.
6 Lan Chi (2021), “Khủng hoảng ngành hàng không trong cơn bão dịch”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 15/10/2021, https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/khung-hoang-nganh-hang-khong-trong-con-bao-dich-584195.html.
7 Hà An (2021), “Hơn 1,13 triệu khách hàng được miễn giảm, hạ lãi suất”, Công an nhân dân Online, truy cập ngày 18/10/2021, < https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hon-1-13-trieu-khach-hang-duoc-mien-giam-ha-lai-suat-i628799/>.
8 Huy Thắng (2021), “Ngân hàng tích cực triển khai tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, truy cập ngày 15/10/2021, < http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Ngan-hang-tich-cuc-trien-khai-tin-dung-uu-dai-ho-tro-DN-bi-anh-huong-boi-COVID19/447162.vgp>.
9 Hồng Anh (2021), “Các ngân hàng giảm hơn 20.600 tỷ đồng lãi suất cho vay khách hàng”, Báo Sóc Trăng Online, truy cập ngày 15/10/2021, < https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/cac-ngan-hang-giam-hon-20-600-ty-dong-lai-suat-cho-vay-khach-hang-52053.html>.
10 Nguyễn Anh Việt (2021), “Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn”, Quân đội nhân dân, truy cập ngày 18/10/2021, < https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-tiep-can-von-672942>.
11 BT (2021), “NHCSXH: Đã giải ngân 382 tỉỷ đồng trả lương phục hồi sản xuất”, Cổng thông tin điện tử Chính phủngân hàng chính sách xã hội và an sinh xã hội, truy cập ngày 15/10/2021, < http://nhcsxh.chinhphu.vn/Thong-tin/NHCSXH-Da-giai-ngan-382-tỷi-dong-tra-luong-phuc-hoi-san-xuat/8160.vgp>.
12 Trần Linh Huân (2021), “Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam dưới khía cạnh, chính sách, pháp luật về tín dụng ngân hàng”, Tạp chí Ngân hàng, số 19, tháng 10/2021, tr.39.
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
2. Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
3. Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4. Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của Thống đốc NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
5. Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05/4/2021 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
6. Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Thống đốc NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
7. Hà An (2021), “Hơn 1,13 triệu khách hàng được miễn giảm, hạ lãi suất”, Công an nhân dân Online, truy cập ngày 18/10/2021, < https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hon-1-13-trieu-khach-hang-duoc-mien-giam-ha-lai-suat-i628799/>.
8. Hồng Anh (2021), “Các ngân hàng giảm hơn 20.600 tỷ đồng lãi suất cho vay khách hàng”, Báo Sóc Trăng Online, truy cập ngày 15/10/2021, < https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/cac-ngan-hang-giam-hon-20-600-ty-dong-lai-suat-cho-vay-khach-hang-52053.html>.
9. Lan Chi (2021), “Khủng hoảng ngành hàng không trong cơn bão dịch”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 15/10/2021, https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/khung-hoang-nganh-hang-khong-trong-con-bao-dich-584195.html.
10. Trần Linh Huân (2021), “Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam dưới khía cạnh, chính sách, pháp luật về tín dụng ngân hàng”, Tạp chí Ngân hàng, số 19, tháng 10/2021.
11. Kiều Linh (2021), “VietNam Airline có nguy cơ vỡ nợ”, VnEconomy, truy cập ngày 18/10/2021, < https://vneconomy.vn/vietnam-airlines-co-nguy-co-vo-no.htm>.
12. Lê Mai (2021), “Doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao trong đại dịch Covid-19”, Quảng Bình Online, truy cập ngày 18/10/2021, < https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202107/doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-lao-dao-trong-dai-dich-covid-19-2190844/>.
13. Đăng Nhật (2021), “Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19: Doanh nghiệp vận tải chật vật duy trì hoạt động”, Báo Công an nhân dân, truy cập ngày 15/10/2021, https://cand.com.vn/Xa-hoi/Anh-huong-tu-dich-Covid-19-Doanh-nghiep-van-tai-chat-vat-duy-tri-hoat-dong-i598444/.
14. Bảo Ngọc (2021), “Hàng không lỗ lớn, bên bờ vực phá sản, du lịch lao đao vì dịch Covid-19”, Tuổi trẻ Online, truy cập ngày 18/10/2021, <https://tuoitre.vn/hang-khong-lo-lon-ben-bo-vuc-pha-san-du-lich-lao-dao-vi-dich-covid-19-20210616134815733.htm>.
15. Huy Thắng (2021), “Ngân hàng tích cực triển khai tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, truy cập ngày 15/10/2021, < http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Ngan-hang-tich-cuc-trien-khai-tin-dung-uu-dai-ho-tro-DN-bi-anh-huong-boi-Covid-19/447162.vgp>.
16. BT (2021), “NHCSXH: Đã giải ngân 382 tỷ đồng trả lương phục hồi sản xuất”, Cổng thông tin ngân hàng chính sách xã hội và an sinh xã hội, truy cập ngày 15/10/2021, < http://nhcsxh.chinhphu.vn/Thong-tin/NHCSXH-Da-giai-ngan-382-ti-dong-tra-luong-phuc-hoi-san-xuat/8160.vgp>.
17. Nguyễn Anh Việt (2021), “Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn”, Quân đội nhân dân, truy cập ngày 18/10/2021, < https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-tiep-can-von-672942>.
ThS. Trần Linh Huân
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM