Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành, đồng thời yêu cầu các Vụ, Cục và các chi nhánh của NHNN cũng như các Tổ chức Tín dụng (TCTD) về việc cần tránh tư tưởng chủ quan, bằng lòng với thành tích 4 năm liền dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par-Index). Phó Thống đốc Đào Minh Tú giao hàng loạt nhóm nhiệm vụ để các đơn vị quyết liệt triển khai trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị
Trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính tại các Vụ, Cục, đơn vị chức năng của NHNN, các chi nhánh tỉnh, Thành phố và tại các Ngân hàng Thương mại, các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có giao dịch với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng thương mại.
Nhiều đơn vị “về đích sớm”
Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trong ngành Ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN đã trình bày Định hướng triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán trong lĩnh vực dịch vụ công, góp phần hỗ trợ tổ chức, cá nhân thanh toán phí, lệ phí trực tuyến. Ông Dũng cho biết: thời gian qua ngành ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói chung và thanh toán điện tử trong lĩnh vực công nói riêng.
Hành lang pháp lý về TTKDTM tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn nhằm khuyến khích phát triển TTKDTM và bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong vai trò hệ thống thanh toán xương sống của Quốc gia được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Chất lượng cung ứng dịch vụ thanh toán được cải thiện: cùng với việc cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với các phương thức thanh toán truyền thống, nhiều ngân hàng đã tích cực, chủ động đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm để cung ứng đa dạng các dịch vụ thanh toán mới, thuận tiện với chi phí hợp lý cho khách hành có thêm sự lựa chọn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế nêu báo cáo về việc đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó có hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, NHNN đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn.
Lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của NHNN báo cáo tại Hội nghị.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, tín dụng những tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân. Trong năm 2018, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã tổ chức trên 420 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Thông qua đó, các ngân hàng đã cam kết cho vay mới hơn 800.000 tỷ đồng, đã giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ với dư nợ khoảng 60.000 tỷ đồng cho gần 3.300 doanh nghiệp và một số đối tượng khách hàng khác.
Sau hai năm triển khai thực hiện Chiến lược đến năm 2020, Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: nhờ tích cực áp dụng hàng loạt biện pháp cải cách, hoạt động của Vietcombank đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ với những kết quả hết sức ấn tượng, một số chỉ tiêu quan trọng đã về đích sớm 1-2 năm so với Phương án. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, chuyển dịch theo hướng bền vững; chất lượng tài sản được kiểm soát thực chất, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; năng lực tài chính được nâng cao, mức sinh lời tăng mạnh, các tỷ lệ an toàn được đảm bảo, Năng lực quản trị điều hành tiếp tục được nâng cao.
Đại diện các Ngân hàng thương mại phát biểu tại cuộc họp.
Tại Hội nghị, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã chia sẻ những kết quả hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng. Đến nay, số lượng khách hàng vừa và nhỏ tăng từ 23.000 năm 2015 lên 29.300 năm 2018, dư nợ tăng trưởng 48% (đạt 31.000 tỷ đồng năm 2018), huy động vốn tăng trưởng 50% (đạt 24.000 tỷ đồng năm 2018). Ông Thắng cho biết: Để đạt được những kết quả này, Techcombank trong những năm qua đã kiên định triển khai những giải pháp hướng tới khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm: Mọi giải pháp đều xuất phát từ sự am hiểu sâu khách hàng, từ hoạt động kinh doanh, quy trình vận hành đến các khó khăn vướng mắc của khách hàng; từ đó thiết kế những giải pháp mang giá trị khác biệt, phù hợp và chuyên biệt với nhu cầu và đặc điểm khách hàng theo từng ngành. Đặc biệt Techcombank tập trung vào các lĩnh vực kinh tế nòng cốt của nền kinh tế như hàng tiêu dùng nhanh, giải trí và lữ hành, bất động sản, viễn thông và tiện ích công cộng, ô tô và phụ tùng ô tô, dịch vụ tài chính… và xây dựng các giải pháp mang tính đồng bộ không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn kết nối chuỗi giá trị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với những đối tác đầu ngành, các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Techcombank còn phối hợp với các Hiệp hội chuyên ngành (Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Điều, Hiệp hội thép,….) để trực tiếp giới thiệu các giải pháp chuyên biệt theo ngành tới các thành viên hiệp hội cũng như đồng hành cùng các hiệp hội trong các hoạt động thường niên nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các giải pháp tài chính của ngân hàng…
Tránh tư tưởng chủ quan, tiếp tục quyết liệt hơn nữa công tác cải cách
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan trước kết quả Ngành Ngân hàng đã 4 năm liền đứng đầu chỉ số Par Index mà lơi lỏng công tác cải cách. Quan điểm của Ngành Ngân hàng là luôn luôn quyết liệt, tích cực triển khai cải cách hành chính và việc NHNN đứng đầu các Bộ - ngành về chỉ số Par-Index trong suốt 4 năm qua là sự ghi nhận dành cho sự nỗ lực của toàn Ngành. Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị, các TCTD không vì thế mà bằng lòng với kết quả của mình.
Thứ hai, Phó Thống đốc yêu cầu: toàn Ngành phải triển khai một cách đồng bộ các lĩnh vực, các chương trình đã đặt ra trong kế hoạch chương trình hành động Quyết định số 1355/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 – nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ đặt nền móng cho một giai đoạn cải cách quyết liệt và mạnh mẽ trong thời điểm hiện nay. Trong đó đặc biệt cải cách 5 lĩnh vực: Cải cách tài chính công, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy tổ chức, cải cách công vụ công chức… và hiện đại hóa nền hành chính.
Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính của NHNN với các Tổ chức Tín dụng. Thời gian vừa qua, toàn Ngành đã giải quyết được cơ bản các vấn đề trong quan hệ xử lý công việc, xử lý các thủ tục. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, NHNN sẽ cùng với các TCTD từ Hội sở chính Trung ương cho đến chi nhánh các tỉnh, thành phố cùng phối hợp để làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên tinh thần một ngành dịch vụ phục vụ của ngành Ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ tư, bên cạnh những thành tựu được biểu dương, khen thưởng, vẫn còn một số tồn tại, trong đó có các vấn đề về công vụ, công chức và các cán bộ của ngân hàng thương mại. Phó Thống đốc lưu ý: “Đây là cơ hội để chúng ta chấn chỉnh lại công tác cán bộ, giảm thiểu rủi ro, giảm vi phạm về đạo đức của cán bộ”.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu: Sau gần 3 năm triển khai Quyết định số 1355/QĐ-NHNN cùng với các văn bản chỉ đạo điều hành đồng nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc, cần rà soát đánh giá lại những kết quả đã đạt được và vấn đề gì còn tồn tại, đề xuất các chương trình mục tiêu giao cho tất cả các đơn vị: Trung ương, Vụ Cục, chi nhánh, các TCTD…; đồng thời, các đơn vị liên quan cần phát hiện xem nguyên nhân của những tồn tại xuất phát từ Trung ương hay địa phương, của NHNN hay của các TCTD. Phó Thống đốc cho biết: Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính và thực hiện kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ các nhóm nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trong toàn Ngành. Trước tiên, với nhóm giải pháp về chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành thuộc lĩnh vực này, Phó Thống đốc yêu cầu đặc biệt lưu ý đến chỉ số tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới và thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài ra còn có các nội dung khác để hỗ trợ…
Việc kiểm tra công tác cải cách hành chính, tổ chức cán bộ để đảm bảo nguyên tắc triển khai chương trình hành động có hiệu quả để ngành Ngân hàng “về đích”, đạt được các mục tiêu đặt ra trong thời gian tới. Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh một trong những chương trình đặc trưng của ngành Ngân hàng là sự kiện “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” được tổ chức thường xuyên ở nhiều nơi, đặc biệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách thỏa đáng.
Về nhóm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải cách thủ tục nhằm tạo điều kiện cho kinh doanh, Phó Thống đốc cho biết: Ngành Ngân hàng đã phối hợp với các đoàn Đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu nhân dân các tỉnh, thành phố nhằm bám sát thực tiễn, giải quyết các vấn đề tồn tại từ thực tiễn. Ở NHNN Trung ương, việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý là điều hiện nay đang rất quyết liệt, nhằm giải quyết càng sớm càng tốt, nhiều, đầy đủ, đa dạng, tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi, tránh rủi ro cho các TCTD. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Đơn vị nào làm chậm, không kịp tiến độ đề ra mà không có giải trình hợp lý đều phải chịu mức kiểm điểm, đánh giá qua xếp loại.
Về nhóm giải pháp tổ chức nâng cao chất lượng công vụ, công chức, toàn Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn theo tinh thần của Chỉ thị 10/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Phó Thống đốc giao Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối, đồng thời lưu ý: “Ngân hàng thương mại đồng thời cũng là một doanh nghiệp, do đó cần phải đánh giá lại chất lượng cán bộ, phải làm rõ quan hệ giữa bên vay và cho vay là mối quan hệ cộng sinh, chứ không phải xin – cho”.
Nhóm giải pháp về hiện đại hóa nền hành chính cần gắn với các vấn đề về công nghệ, hạ tầng, chỉ số ISO để bộ máy hành chính ngày càng hiện đại, hiệu quả, gắn với Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin hiện nay mà Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt. Tất cả các văn bản, chữ ký số… ứng dụng sao cho thuận lợi, hiện đại, an toàn, bảo mật… đã và đang triển khai… tạo thuận lợi cho các giao dịch với NHNN và các NHTM thuận lợi.
Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên tất cả các lĩnh vực, phải công khai minh bạch, cải tiến để có quy trình, bộ hồ sơ, sản phẩm, ứng dụng… để giới thiệu với người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn phải giữ vững chất lượng tín dụng. Phó Thống đốc lưu ý: Với các lĩnh vực khác còn dư địa để cải cách, ngành Ngân hàng cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải tiến.
Theo sbv.gov.vn