Áp dụng chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam
04/04/2022 7.307 lượt xem
Tóm tắt:
 
Vốn kinh doanh là điều kiện cần quan trọng để doanh nghiệp có thể hoạt động và phát triển. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN), từ khâu ý tưởng đến vận hành doanh nghiệp vốn đã là một chặng đường đầy thử thách. Song, có một vấn đề nan giải khác gần đây đã được nhiều học giả và doanh nhân nhấn mạnh, đó là làm cách nào để cải thiện tiếp cận vốn trong khởi nghiệp. Hiểu được những thách thức trên, bên cạnh nỗ lực của chủ doanh nghiệp, việc huy động sự hỗ trợ từ các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế như người thân, bạn bè của chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cho vay và kênh gọi vốn cộng đồng là điều cần thiết. Trong số đó, không thể thiếu được vai trò của chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích DNKN phát triển. Bài viết nhằm mục tiêu khảo lược và phân tích kinh nghiệm thực tiễn tại các quốc gia khác nhau trong thiết kế và thực thi chính sách tài chính hỗ trợ cho khởi nghiệp. Các chính sách tài chính cơ bản được áp dụng tại các quốc gia bao gồm chính sách thuế, chính sách tín dụng và chính sách lãi suất. Kết quả phân tích cho thấy, chính sách tài chính của chính phủ thông qua việc tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn ưu đãi, có thể giúp DNKN cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí tài chính nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh vượt trội.
 
Từ khóa: DNKN, tài chính khởi nghiệp, chính sách tài chính, ưu đãi thuế.
 
1. Đặt vấn đề
 
Làn sóng khởi nghiệp đã và đang cho thấy dấu ấn phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong những năm gần đây, số lượng DNKN đổi mới sáng tạo đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động khởi nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Có những dự án khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề và quy mô khác nhau được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, song không thể được triển khai do bế tắc về nguồn tài chính. 
 
Trong từng giai đoạn, DNKN cần huy động những sự hỗ trợ khác nhau, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính. Chúng có thể đến từ: 
 
(1) Chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung, tổ chức cung cấp các công cụ thí nghiệm thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu; (2) Cơ quan, tổ chức chuyên trách, chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc chính phủ, bên cạnh khu vực trường đại học, viện nghiên cứu, là nguồn cung nhân lực chất lượng cao, các kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ; (3) Định chế đầu tư cho khởi nghiệp, bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư gọi vốn từ cộng đồng và các định chế tài chính khác (Phạm Đức Anh, 2021). Ngoài ra, một hệ thống chính sách và quy định pháp luật cởi mở với hoạt động thành lập doanh nghiệp, đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp cũng như thoái vốn cũng sẽ là nền tảng vững chắc để hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. 
 
Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, nhiều chương trình, đề án quy mô cấp quốc gia về giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DNKN đã được đề xuất và đã triển khai như:
 
- Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng 
Chính phủ;
 
- Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ;
 
- Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
 
- Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
 
Ngoài ra, một số văn bản pháp luật khác có liên quan cũng đã được ban hành nhằm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tối đa việc hiện thực hóa những ý tưởng mới vào lĩnh vực nghiệp khởi như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017...
 
Tất cả các chương trình, đề án cũng như văn bản pháp luật có liên quan kể trên là tiền đề quan trọng để xây dựng hoạt động xúc tiến phát triển ý tưởng, nghiên cứu đổi mới sáng tạo cho đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DNKN nếu được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ thường đạt được thành công nhất định. Bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ DNKN ở một số nước trên thế giới, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
 
2. Chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp
 
2.1. Tổng quan về DNKN
 
Hiện nay, trên thế giới còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về DNKN. Tại các quốc gia châu Mỹ Latinh như Argentina và Brazil, DNKN hàm ý chỉ những công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ mới. DNKN tại Singapore được xác định là doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh như y tế, công nghệ thông tin, công nghệ sáng tạo đổi mới, ngành công nghiệp bán lẻ, công nghệ tài chính và lĩnh vực giáo dục. Tại Việt Nam, Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 đề cập đến khởi nghiệp sáng tạo để chỉ việc thực hiện các ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
 
Tổng hợp từ các quan điểm trên, có thể rút ra ba đặc trưng chính tạo nên một DNKN sáng tạo, đó là: 
 
(1) Mô hình kinh doanh mới (bao hàm sự đột phá về sản phẩm/quy trình); (2) Tăng trưởng nhanh (khả năng nhân rộng); (3) Vận hành hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ (công nghệ) (Phạm Đức Anh, 2021).
 
2.2. Chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp
 
Lý thuyết vòng đời là mô hình được ứng dụng khá rộng rãi hiện nay để nghiên cứu các yếu tố quyết định cấu trúc vốn DNKN (Berger & Udell, 1998). Ý tưởng chủ đạo của lý thuyết này là nhu cầu tài chính và sự tiếp cận nguồn vốn thay đổi khi doanh nghiệp lớn lên, thu được nhiều kinh nghiệm hơn cũng như trở nên minh bạch hơn về mặt thông tin. (Hình 1)
 
Hình 1: Chu kỳ tăng trưởng tài chính của DNKN
 

                                                                                                    Nguồn: Berger & Udell (1998)
 
Doanh nghiệp mới thành lập phải dựa nhiều vào nguồn tài trợ nội tại, tín dụng thương mại và vốn của nhà đầu tư thiên thần (Angel Investors Tax Deduction Scheme).Khi doanh nghiệp phát triển, nguồn tài trợ có thể được tiếp cận dễ dàng hơn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và trung gian tài chính. Thậm chí nếu tiếp tục lớn mạnh hơn nữa, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ công chúng thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO). Theo cách tiếp cận của Söderblom & Samuelsson (2014), nguồn vốn tài trợ cho hoạt động của DNKN được chia thành hai nhóm: (1) Nguồn vốn bên trong, bao gồm: Vốn tự có, vốn từ gia đình và bạn bè; (2) Nguồn vốn bên ngoài đến từ nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, trung gian tài chính hay các chủ thể hỗ trợ khác…
 
Nhìn chung, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nguồn lực tài chính được xem là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất, đảm bảo cho DNKN duy trì hoạt động và phát triển (Đào Thị Thu Giang & cộng sự, 2019; Nguyễn Thành Long, 2020). Để có nguồn lực này, bên cạnh chiến lược của DNKN thì một hệ thống chính sách tài chính của nhà nước nhằm hỗ trợ khởi nghiệp là nền tảng để hoạt động khởi nghiệp diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. (Hình 2)
 
Hình 2: Hệ thống các giải pháp tài chính hỗ trợ khởi nghiệp
 

                                                                                  Nguồn: Söderblom & Samuelsson (2014)
 
Luôn có sự khác biệt lớn giữa các khu vực về cách thức mà chính sách của chính phủ và khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hoặc kìm hãm việc thành lập và tăng trưởng quy mô của các DNKN. Các điều kiện để kinh doanh; chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế, lãi suất tín dụng và hệ thống luật cũng như các chính sách thân thiện với doanh nghiệp là những cấu phần của chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, các yếu tố như cơ sở hạ tầng (nước, điện, khí, các nguồn năng lượng khác); viễn thông; giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không) đều có mức độ tác động nhất định đến DNKN. Các yếu tố này đều chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách của chính phủ ở tất cả các cấp, từ địa phương đến trung ương. (Hình 3)
 
Hình 3: Các yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp
 
                                                                                       Nguồn: World Economic Forum (2014)
 
3. Kinh nghiệm quốc tế về các chính sách tài chính hỗ trợ DNKN
 
Trong phần này, tác giả thực hiện khảo lược thực tiễn tại các quốc gia khác nhau trên thế giới về các chính sách ưu đãi trực tiếp như ưu đãi thuế đối với DNKN, trợ cấp tiền mặt, hoặc chính phủ hậu thuẫn từ xa nhằm tạo điều kiện để DNKN dễ dàng được tiếp cận nguồn vốn... hoặc ưu đãi gián tiếp thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng, thực hiện cung cấp kinh phí vận hành các vườn ươm doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới.
 
3.1. Ưu đãi thông qua chính sách thuế
 
Nhiều quốc gia đã sử dụng hình thức ưu đãi thông qua chính sách thuế để thúc đẩy sự phát triển của các DNKN.
 
Thứ nhất, miễn giảm thuế theo lĩnh vực đầu tư
 
Tháng 4/2016, Chính phủ Thái Lan đã ban hành Nghị định số 603, theo đó, cho phép miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các DNNVV đặt mục tiêu áp dụng và đổi mới công nghệ là mục tiêu kinh doanh nếu thỏa mãn các điều kiện như: Thành lập từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/12/2016; có vốn đăng ký không quá 5 triệu Baht; thu nhập từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không vượt quá 30 triệu Baht và có từ 80% thu nhập trở lên đến từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp “động lực tăng trưởng mới” (New Engine of Growth).
 
Ở Ấn Độ, DNKN ra đời trước ngày 01/04/2019, liên quan đến phát triển đổi mới, triển khai hoặc thương mại hóa các sản phẩm mới, tài sản trí tuệ sẽ được giảm trừ 100% lợi nhuận từ kinh doanh trong năm tính thuế.
 
Ở Trung Quốc, DNKN sáng tạo có thu nhập hàng năm không quá 200.000 Nhân dân tệ thì được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 20%, thấp hơn mức thuế suất thông thường (25%).
 
Ở Malaysia, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mới đầu tư vào công nghệ cao, Malaysia đưa ra ưu đãi: Miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm hoặc khấu trừ thuế 60% tổng chi phí vốn đạt tiêu chuẩn sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ khi chi phí vốn được thực hiện.
 
Tại Mỹ, khoản tín dụng thuế R&D đặc biệt phù hợp với DNKN, đối tượng doanh nghiệp thường chịu tổn thất đáng kể trong những năm đầu do phát triển các sản phẩm, dịch vụ, phương pháp và kỹ thuật mới, cũng như yêu cầu phải bảo toàn dòng tiền và vốn hoạt động là rất quan trọng để tồn tại. Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi việc bị tăng thuế (PATH) năm 2015 đã thực hiện một số cải tiến đối với việc áp dụng tín dụng thuế R&D, cho phép các doanh nghiệp mới áp dụng khoản tín dụng chống lại thuế trả lương, thay vì thuế thu nhập, lên tới 250.000 USD mỗi năm.
 
Thứ hai, miễn, giảm thuế theo đối tượng
 
Một số quốc gia đưa ra chính sách cắt giảm thuế theo đối tượng thành lập DNKN. Như đối với DNKN do sinh viên làm chủ, Trung Quốc cắt giảm thuế và lệ phí hành chính để hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhằm thúc đẩy kinh doanh và đổi mới.
 
Tại Singapore, chương trình miễn, giảm thuế cho các DNKN (SUTE - Start-up Tax Exemption) được xây dựng lần đầu tiên năm 2005 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập tại Singapore. Chương trình này tập trung vào những doanh nghiệp mới thành lập (trong 3 năm đầu tiên). Các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được miễn thuế thu nhập một phần hoặc toàn bộ. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế hoàn toàn đối với thu nhập chịu thuế 100.000 SGD đầu tiên (từ năm 2020 tỷ lệ này là 75%) và sẽ được giảm 50% trên thu nhập chịu thuế 100.000 SGD tiếp theo. Tuy nhiên, chương trình SUTE chỉ dành ưu đãi cho các doanh nghiệp trong 3 năm đầu tiên, sau thời gian này các doanh nghiệp có thể đăng ký chương trình miễn, giảm thuế một phần (PTE).
 
Thứ ba, ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào DNKN
 
Nhằm khuyến khích nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm đầu tư vào DNKN, chính phủ các nước cũng đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho nhóm đối tượng này như miễn thuế thu nhập cá nhân, cho phép bù lỗ từ hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp, hoặc cho phép khấu trừ thuế...
 
Chính phủ Thái Lan cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 10 năm đối với thu nhập cổ tức từ việc đầu tư hoặc chuyển giao cổ phần của các thành viên thuộc công ty đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào các DNKN hoạt động trong 10 ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm lương thực, năng lượng, công nghệ sinh học, điều trị y tế, dịch vụ, điện, phụ tùng ô tô...
 
Trong khi đó, Nhật Bản cho phép nhà đầu tư thiên thần được trích trừ lỗ từ hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đối với các khoản đầu tư khác. Mặt khác, quốc gia này còn khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm mở rộng vốn liên kết với công ty nước ngoài để đầu tư vào khởi nghiệp, theo đó, cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người Đài Loan trong công ty tham gia liên kết với công ty đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản.
 
Úc miễn thuế thu nhập từ vốn (capital gain tax) đối với nhà đầu tư vào DNKN dành cho: 
 
(i) Cổ phiếu được nắm giữ dưới 12 tháng; (ii) Cổ phiếu có thời hạn nắm giữ từ 1 - 10 năm; 
 
(iii) Cổ phiếu có thời hạn nắm giữ trên 10 năm nhận được miễn trừ đối với chỉ 10 năm đầu tiên. 
 
Chính phủ Hàn Quốc cho phép giảm thuế cho các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các DNKN công nghệ cao thông qua các hình thức như: 
 
(i) Khấu trừ thuế đối với khoản đầu tư lên tới 50 triệu KRW (tương đương 44.800 USD) sẽ được tăng từ 30 - 50%; (ii) Giới hạn khấu trừ vào thu nhập hàng năm sẽ tăng từ 40 - 50%; (iii) Trong trường hợp sáp nhập hoặc mua lại, các DNKN công nghệ hoặc DNNVV có chi phí đầu tư cho R&D vượt 5% doanh thu hàng năm và được mua với giá trị từ 150% giá trị định giá trở lên sẽ nhận được mức giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. Các ưu đãi mới được dự báo sẽ thúc đẩy số lượng nhà đầu tư thiên thần từ mức 2.600 nhà đầu tư năm 2012 lên 12.000 nhà đầu tư năm 2017. Tổng vốn đầu tư khởi nghiệp theo đó có thể tăng gần gấp đôi, từ 1.200 tỷ KRW năm 2012 lên mức 2.000 tỷ KRW vào năm 2017.
 
Chương trình ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư thiên thần tại Singapore: Nhận thức rằng nhà đầu tư thiên thần đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển ban đầu của DNKN, để khuyến khích hoạt động tài trợ vốn từ loại hình nhà đầu tư này, Chính phủ Singapore đã đưa ra chương trình ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư thiên thần. Nhà đầu tư thiên thần cần đạt được yêu cầu tối thiểu về số vốn đầu tư là 100.000 SGD mới được hưởng ưu đãi từ chương trình này. Nhà đầu tư thiên thần sẽ được khấu trừ 50% thuế đối với các chi phí đầu tư (tối đa 250.000 SGD/năm). Chương trình đã thu hút được một lượng đông đảo nhà đầu tư thiên thần rót vốn cho các DNKN.
 
3.2. Trợ cấp bằng tiền mặt
 
Chính phủ Singapore triển khai trợ cấp bằng tiền mặt để khuyến khích DNKN trong đầu tư đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Thông qua hình thức này, các DNKN của nước này được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn, thuận lợi hơn trong hoạt động.
 
Chính phủ Đài Loan và chính quyền địa phương cung cấp nhiều ưu đãi cho các công ty quốc tế và các doanh nghiệp để thành lập một công ty hoặc chi nhánh tại Đài Loan, bao gồm tài trợ để hỗ trợ R&D và đổi mới. Các khoản tài trợ có thể lớn đến 100 triệu TWD, nhưng hầu hết các khoản tài trợ chỉ dao động trong khoảng 3 - 5 triệu TWD. Ngoài ra, còn có các khoản trợ cấp để giúp chi trả cho tiền thuê nhân viên và cũng có những ưu đãi về thuế đối với các khoản đầu tư nhất định.
 
Các nước EU đã thực hiện khá thành công các chính sách trợ cấp thu nhập. Chính sách này được thực hiện nhằm trợ cấp cho các doanh nhân khi mới bắt đầu khởi nghiệp để đảm bảo sinh kế của những người khởi nghiệp và khắc phục phần nào khó khăn về vốn trong giai đoạn khởi nghiệp. Ví dụ, tại Đức, chính sách này được hình thành từ những năm 1980 nhưng thực thi từ giữa những năm 2006 nhằm đẩy sự sáng tạo kinh doanh của những người thất nghiệp, giúp người thất nghiệp tham gia thị trường lao động thông qua việc tự kinh doanh. Việc trợ cấp này được kéo dài trong 9 tháng, mỗi tháng một khoản tiền 300 EUR được chuyển để trang trải các yêu cầu đóng góp xã hội; sau đó có thể được gia hạn thêm 6 tháng. Kết quả đánh giá chính sách này cho thấy tác dụng tích cực đặc biệt đối với những người có học vấn thấp, thanh niên và phụ nữ khi so sánh hiệu suất công việc giữa nhóm tham gia và không tham gia. Kết quả thực tế cũng cho thấy chính sách này hiệu quả hơn đối với các nhóm bất lợi trong thị trường lao động hoặc ở những nơi khan hiếm cơ hội làm công ăn lương. Ngay cả sau 5 năm kể từ khi áp dụng các chính sách trợ cấp thu nhập, có tới 70% nam giới tham gia ở Đông Đức và 68% ở Tây Đức vẫn đang kinh doanh, trong khi tỷ lệ thấp nhất là phụ nữ tham gia ở Đông Đức (56%). Từ 30 - 40% người sáng lập doanh nghiệp cũng tạo thêm công ăn việc làm cho họ. Bài học rút ra từ kinh nghiệm này là trợ cấp thất nghiệp có thể được sử dụng để trợ cấp cho việc tự kinh doanh của người thất nghiệp, với điều kiện là phải có các biện pháp khuyến khích phù hợp cho người thất nghiệp.
 
3.3. Thành lập quỹ hỗ trợ cho DNKN - chính sách trợ cấp tài chính
 
Chính phủ Mỹ đã thực hiện chương trình tái cấu trúc và khởi động lại Sáng kiến ​​Quỹ Đổi mới Giai đoạn Đầu (ESIF) của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) nhằm giúp thúc đẩy nguồn vốn tư nhân đã được huy động bởi các quỹ đang hoạt động, cung cấp thêm năng lực đầu tư cho các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoài các trung tâm đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon, New York và Boston, nơi thu hút 3/4 tổng số vốn đầu tư mạo hiểm. Khi thông báo về Chương trình, SBA cho biết họ có kế hoạch đảm bảo khoản vốn khởi nghiệp bổ sung lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm miễn phí cho người đóng thuế Mỹ.
 
Tại Trung Quốc, để thu hẹp khoảng cách tài chính cho các DNKN giai đoạn đầu tiếp cận các khoản đầu tư lớn hơn, Trung Quốc đã thành lập Quỹ đổi mới, được gọi là ‘Innofund’ với mục tiêu chuyên cung cấp các khoản tài trợ (dao động từ 150.000 - 250.000 USD), trợ cấp lãi suất cho vay và đầu tư cổ phiếu. Quỹ được thiết kế để kết nối các công ty công nghệ giai đoạn đầu có công nghệ tiên tiến và tiềm năng thị trường tốt nhưng còn quá sớm để tài trợ thương mại. Ứng viên nộp hồ sơ làm việc tại Innofund đòi hỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực R&D công nghệ cao. Quy mô nhân sự của quỹ thường không quá 500 người, trong đó có ít nhất 30% là các kỹ thuật viên chuyên trách và Hội đồng quản trị Quỹ chủ yếu là người Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng của Innofund là đưa các DNKN tiến xa về công nghệ và định vị rõ thị trường để các nguồn vốn tài chính khác (ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm và các đối tác của công ty) có thể được dễ dàng huy động và phân bổ. Sáng kiến ​​này đã giúp cho các DNKN công nghệ vừa và nhỏ huy động vốn từ chính quyền địa phương, ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đến năm 2014, Quỹ này đã hỗ trợ hơn 30.000 DNKN công nghệ của Trung Quốc, phân bổ hơn 19 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,7 tỷ USD) để khởi động các dự án giai đoạn đầu.
 
Kể từ giữa thập niên 90, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích rộng rãi đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng thông tin. Đổi mới là một trong những lĩnh vực mà chính phủ nước này cho phép đầu tư mạo hiểm, theo đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước tài trợ hoặc nhà nước hậu thuẫn để chính quyền địa phương cấp vốn ra đời. Hoạt động đầu tư của các quỹ này chủ yếu hướng vào các công ty nhà nước nhằm cải thiện tiêu chuẩn chất lượng để cạnh tranh với các công ty quốc tế.
 
Để tăng cường thu hút vốn vào các DNKN công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ra mắt quỹ đầu tiên trong số nhiều “quỹ hướng dẫn” thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2007. Quỹ này đầu tư vào các công ty đầu tư mạo hiểm trong một danh mục các lĩnh vực mục tiêu, đồng thời cũng liên kết đầu tư với các công ty đầu tư mạo hiểm khác theo bốn chương trình:
 
- Một quỹ nắm giữ dưới 25% vốn cổ phần trong các công ty đầu tư mạo hiểm, chỉ yêu cầu một tỷ suất sinh lợi cố định.
 
- Quỹ đầu tư với các công ty đầu tư mạo hiểm khác tương ứng với tối đa 50% vốn đầu tư của công ty đầu tư mạo hiểm khác hoặc tối đa là 500.000 USD.
 
- Trợ cấp rủi ro cho các công ty đầu tư mạo hiểm, bù đắp chi phí và tổn thất của các công ty đầu tư mạo hiểm đã đầu tư vào các DNKN trong lĩnh vực công nghệ.
 
- Tài trợ vốn cho các DNKN trong lĩnh vực công nghệ đang được các công ty đầu tư mạo hiểm ươm tạo và huấn luyện.
 
Năm 2018, đã có hơn 2.000 quỹ hướng dẫn hoạt động, với tổng số tiền tài trợ đạt 5.300 tỷ Nhân dân tệ (790 tỷ USD).
 
Thị trường đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm qua, chủ yếu dựa vào hạ tầng tài chính, hệ thống quản lý chặt chẽ, thị trường mở đã đem lại sự phát triển của thị trường này. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những chính sách đúng đắn của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp.
 
Tại Singapore, Quỹ mạo hiểm giai đoạn đầu (ESVF) thành lập từ năm 2008 do Quỹ nghiên cứu Quốc gia Singapore (NRF) quản lý. Quỹ này thực hiện hỗ trợ tài chính cho các DNKN trong lĩnh vực công nghệ ngay trong giai đoạn đầu bằng cách cùng các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các DNKN công nghệ ở giai đoạn đầu với tỷ lệ 1:1. Tổng vốn tối đa DNKN được nhận từ quỹ là 3 triệu SGD. Năm 2017, Singapore đã khởi động chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Startup SG với mục tiêu hỗ trợ tổng thể và bao trùm cho các DNKN. Đây là sáng kiến của tổ chức SPRING trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. Startup SG đã thống nhất tất cả các chương trình hỗ trợ trước đây của SPRING cho các DNKN tại Singapore. Mục tiêu của Startup SG là cung cấp cho các DNKN tại Singapore khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ và các chương trình cố vấn, từ đó giúp biến các ý tưởng kinh doanh sáng tạo thành các công ty phát triển mạnh. Theo Startup SG, các DNKN đủ điều kiện có thể tiếp cận các khoản tài trợ tiền mặt, tài trợ vốn cổ phần và các khoản vay kinh doanh. Chương trình này hỗ trợ cho DNKN ở cả giai đoạn ý tưởng và giai đoạn đã hình thành.
 
Startup SG được chia thành 6 trụ cột khác nhau giải quyết tất cả các khía cạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm:
 
- Start SG Founder: Hỗ trợ cho các cá nhân lần đầu khởi nghiệp. Chương trình sẽ cấp vốn cho các doanh nhân theo tỷ lệ 3:1 (với mỗi USD mà DNKN thu hút được sẽ được hỗ trợ 3 USD từ chương trình). Cùng với hỗ trợ tài chính, các doanh nhân cũng nhận được sự cố vấn và hướng dẫn kinh doanh từ các vườn ươm có trụ sở tại Singapore. 
 
- Startup SG Tech: Cung cấp tài trợ giai đoạn đầu cho các công ty để thương mại hóa công nghệ độc quyền và bao gồm cả tài trợ “Proof-of-Concept” (POC) và “Proof-of-Value” (POV) tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của công nghệ.
 
- Startup SG Equity: Chính phủ Singapore đầu tư vào một DNKN cùng với các nhà đầu tư bên thứ ba nhằm khuyến khích và kích thích các khoản đầu tư của khu vực tư nhân vào các DNKN công nghệ sáng tạo. Tỷ lệ đầu tư với các nhà đầu tư bên thứ ba là 7 : 3 lên đến 250.000 USD và 1 : 1 sau đó lên đến giới hạn đầu tư là 2 triệu USD cho các công ty công nghệ nói chung. Tỷ lệ này đối với các công ty công nghệ cao là 7 : 3 lên đến 500.000 USD và 1 : 1 sau đó lên đến giới hạn đầu tư là 4 triệu USD. Trụ cột này của Startup SG được quản lý bởi SPRING SEEDS Capital (SSC), chi nhánh đầu tư của SPRING Singapore. Các DNKN tại Singapore có khả năng thương mại hóa với nội dung trí tuệ sáng tạo và mạnh mẽ, có khả năng mở rộng trên các thị trường quốc tế là đối tượng của chương trình này.
 
- Startup SG Accelerator: Đề án này cung cấp hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho các cơ sở ươm tạo và cơ sở thúc đẩy làm việc trong các lĩnh vực tăng trưởng chiến lược nhằm nâng cao hơn nữa các chương trình và chuyên môn của họ trong việc nuôi dưỡng các DNKN thành công. Hỗ trợ kinh phí bao gồm một phần chi phí hoạt động như trả lương cho nhóm ươm tạo, thuê cố vấn và chuyên gia để hướng dẫn các doanh nghiệp mới thành lập, và chi phí xây dựng các chương trình để giúp các DNKN phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, có được nguồn vốn kinh doanh và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.
 
- Startup SG Loan: Chương trình này cung cấp cho các DNKN nguồn tài chính cần thiết. Đây là các khoản vay do Chính phủ hỗ trợ, cung cấp cho các DNKN vốn lưu động cần thiết, tài trợ thiết bị máy móc và tài trợ thương mại. Các khoản vay này áp dụng cho đối tượng là các DNNVV. Các khoản cho vay siêu nhỏ dành cho các công ty có từ 10 nhân viên trở xuống, có thể tiếp cận nguồn tài chính lên đến 100.000 SGD để bổ sung vốn lưu động; khoản vay dành cho các công ty có tốc độ phát triển cao, có thể tiếp cận nguồn tài chính lên đến 5 triệu SGD cho mục đích mở rộng kinh doanh; các DNKN có thể tiếp cận khoản tài trợ vốn lưu động không đảm bảo lên đến 300.000 SGD và các khoản cho vay mua thiết bị và nhà xưởng dành cho DNNVV - DNKN có thể tiếp cận nguồn vốn lên tới 15 triệu SGD để mua thiết bị.
 
- Startup SG Talent: Trụ cột này bao gồm các chương trình như EntrePass, T-UP và Chương trình Tài năng SME (STP) cho các DNKN. Chương trình dành riêng cho việc phát hiện, hỗ trợ phát triển ý tưởng nhân tài.
 
Năm 2016, tại Ấn Độ, Chính phủ cũng ban hành chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc, bao gồm quỹ 100 tỷ Rupi dành để đầu tư vào các quỹ trong khoảng thời gian 4 năm, được tài trợ bởi Chính phủ và tập đoàn bảo hiểm của Nhà nước. Bên cạnh đó, quá trình thành lập DNKN tại Ấn Độ cũng hết sức nhanh gọn do được xử lý thông qua một ứng dụng di động riêng.
 
3.4. Phát triển chương trình vay vốn dành cho DNKN
 
Điển hình tại Malaysia, mỗi bộ, ngành đều có những chương trình vay vốn cho DNKN riêng trong lĩnh vực thuộc quản lý của bộ, ngành đó. Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) đưa ra Chương trình phát triển công nghiệp Malaysia Berhad (MIDF) cho ngành dịch vụ, cung cấp hỗ trợ tài chính cho công ty mới bắt đầu thành lập, DNKN sáng tạo phát triển dịch vụ mới và mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa, đa dạng hóa đối với các nhà cung cấp dịch vụ hiện có vào hoạt động giá trị gia tăng cao hơn và cải thiện năng suất và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ. MITI có chương trình tài trợ phát triển công nghiệp (MIDF) cho doanh nghiệp nhỏ: Cung cấp hỗ trợ cho các DNKN hiện có và thành lập mới về tài sản cố định và tài trợ vốn lưu động; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trên các website không có giấy phép đến các website kinh doanh hợp pháp và hỗ trợ DNNVV trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả và năng suất thông qua áp dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và hoạt động. Ngoài ra, MITI hợp tác với Ngân hàng Perusahaan Kecil dan Sederhana Malaysia Berhad (Ngân hàng SME) triển khai chương trình Tabung Usahawan Siswazah (TUS) nhằm cung cấp nhiều cơ hội hơn cho sinh viên đại học dấn thân vào kinh doanh với Quỹ doanh nghiệp trẻ hỗ trợ doanh nhân trẻ tham gia hoạt động kinh doanh và mở cửa cho tất cả thanh niên từ 18 - 30 tuổi tại thời điểm nộp đơn. Bộ Tài chính phối hợp với Tổng công ty Phát triển Công nghệ Malaysia (MTDC) cho ra đời Quỹ Khởi nghiệp kinh doanh (Business Startup) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các doanh nhân công nghệ và các DNKN. Mặt khác, quốc gia này thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng, được xây dựng thống nhất từ cấp trung ương đến cấp địa phương, phân theo lĩnh vực hoạt động và thực hiện theo 3 mô hình, bao gồm: Bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, các hiệp hội và khu vực tư nhân. Tại Malaysia, DNNVV có thể tiếp cận vốn vay từ các quỹ bảo lãnh tín dụng lớn, nổi lên là sản phẩm bảo lãnh của Tập đoàn Bảo lãnh tín dụng Malaysia. Về phía Ngân hàng Trung ương Malaysia, Bank Negara Malaysia (BNM) thành lập một hệ thống quỹ đặc biệt cho DNNVV (Quỹ BNM), phân thành hai nhánh: Quỹ cho doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ cho doanh nghiệp mới, để hỗ trợ các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp (4 - 6%/năm). Việc cấp vốn này thường được triển khai thông qua ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tài chính phát triển và tập đoàn bảo lãnh tài chính. Kể từ khi thành lập, BNM đã hỗ trợ 77.000 doanh nghiệp với số tiền là 7,4 tỷ RM và được sử dụng cho vay quay vòng tương đương với 30 tỷ RM.
 
Chính sách cung cấp khoản vay ưu đãi cũng đã và đang được triển khai tại nhiều quốc gia EU. Mặc dù không phải doanh nhân nào cũng đăng ký vay ngân hàng, tỷ lệ yêu cầu vay bị từ chối của họ là khá lớn. Do đó, chính phủ có thể can thiệp bằng cách xác lập các khoản vay ưu tiên dành cho các doanh nhân có một dự án kinh doanh khả thi (hoặc có thể thực hiện được với chính sách bổ sung ủng hộ). Thực tế, nhiều nước EU đã đưa ra các chương trình cho vay có trợ cấp, ví dụ như “khoản vay danh dự” (khoản vay được gọi như vậy bởi vì chúng được đảm bảo từ danh dự của người vay mà không yêu cầu tài sản thế chấp hoặc các hình thức bảo lãnh khác). Những chính sách này đã cung cấp cho nhiều thế hệ các doanh nhân nữ trẻ ở Ý và Pháp với sự kết hợp của các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay không lãi suất. Chính sách này đã thu hẹp khoảng cách giữa người cho vay và nhà đầu tư, giúp các nhà khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính thức với mức chi phí thấp.
 
Bên cạnh đó, EU cũng đã thực hiện chính sách khoản vay đảm bảo. Khoản vay bảo đảm giải quyết các rào cản thị trường để giúp các nhà khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn lớn hơn, chi phí rẻ hơn. Tại đây, chính phủ hoặc một tổ chức tư nhân sẽ đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của các DNKN khi vay vốn tại ngân hàng. Khi đó các ngân hàng giảm được rủi ro nhờ bảo lãnh nên mạnh dạn tham gia. Vai trò của chính phủ được giới hạn trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý và quy định, cung cấp hỗ trợ tài chính, có thể ở dạng tài trợ trực tiếp hoặc bảo lãnh đối ứng. Lựa chọn cho vay cuối cùng thuộc về các ngân hàng vì họ vẫn mang một phần rủi ro vỡ nợ. Có ba mô hình chính khác nhau của các chương trình bảo lãnh khoản vay: 
 
- Chương trình đảm bảo công: Được quản lý trực tiếp bởi chính phủ hoặc được thực hiện phi tập trung thông qua hệ thống ngân hàng. Các chính sách này phổ biến tại Đông Âu như: Slovenia và Slovakia, các cơ quan chính phủ trong quá trình ra quyết định về việc cung cấp bảo lãnh khoản vay.
 
- Chương trình đảm bảo công - tư: Vai trò của chính phủ có thể nhiều hoặc ít, ví dụ như trong việc tạo điều kiện cho chương trình. Không phân biệt mức độ của khu vực công sự tham gia, quản lý chương trình (ví dụ: Rủi ro đánh giá và giám sát khoản vay). Tại Hungary, cả tổ chức cho vay và hiệp hội DNNVV đều sẽ tham gia điều phối Quỹ bảo lãnh quốc gia.
 
- Chương trình tư nhân: Ngân hàng nhận thấy sự cam kết mạnh mẽ xuất phát từ khu vực tư nhân như cộng đồng doanh nghiệp địa phương, các hiệp hội cung cấp đánh giá đầu tiên về thành viên dự định vay và có liên quan đến việc thu hồi các khoản lỗ trong trường hợp vỡ nợ. Tuy nhiên, lựa chọn khoản cho vay cuối cùng vẫn thuộc về ngân hàng bởi họ thực hiện đánh giá rủi ro tín dụng đầy đủ của riêng mình. Vai trò của chính phủ được giới hạn trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý; các quy định và cung cấp hỗ trợ tài chính, có thể ở dạng tài trợ trực tiếp hoặc bảo lãnh đối ứng. Chính phủ nên dựa vào chuyên môn của các tổ chức cho vay khu vực tư nhân để đánh giá rủi ro tín dụng.
 
Tại Hàn Quốc, hỗ trợ tài chính từ Chính phủ thực hiện thông qua hoạt động cho vay trực tiếp hoặc cung cấp bảo lãnh tín dụng: Hoạt động cho vay trực tiếp được thực hiện thông qua 2 tổ chức là Tổng công ty Tài chính Hàn Quốc và Tổng công ty DNNVV. Hai đơn vị này cấp vốn cho các ngân hàng và cho phép các ngân hàng lựa chọn các DNKN để cho vay. Với cách làm này đã gia tăng hiệu quả phân bổ vốn, tận dụng được kiến thức và kinh nghiệm của các trung gian tài chính. Các DNKN cũng có thể tiếp cận vốn thông qua các chương trình cho vay theo chính sách với lãi suất thấp hơn thị trường của các ngân hàng nếu đáp ứng được những yêu cầu đặc thù của khoản vay. Phương thức này giúp các DNKN trong lĩnh vực công nghệ hoặc chất bán dẫn tiếp cận được nguồn vốn có chi phí thấp để tài trợ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn. Bảo lãnh tín dụng được cấp qua Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Tập đoàn Tài chính Công nghệ Hàn Quốc và 16 tổ chức bảo lãnh tín dụng do Chính phủ thành lập và quản lý trực tiếp.
 
4. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
 
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển DNKN. Cụ thể, Chính phủ cần xây dựng các chính sách tập trung hỗ trợ cho các DNKN thông qua việc thiết lập và kết hợp các chính sách tài chính khác nhau như: Chính sách ưu đãi thuế, chính sách tín dụng và chính sách hỗ trợ khác.
 
Thứ nhất, về chính sách thuế
 
Các yếu tố về thời hạn, đối tượng, lĩnh vực đầu tư và điều kiện trở thành DNKN là các tiêu chí chính làm căn cứ ban hành ưu đãi về thuế. Quy định cụ thể đối tượng, thời hạn ưu đãi. Các quy định về thuế cần tập trung đến các đối tượng là DNKN, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các cơ sở ươm tạo và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, và người lao động trong các DNKN.
 
DNKN cần được miễn thuế thu nhập tập trung trong giai đoạn đầu hoạt động, sau đó áp dụng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành đang áp dụng với DNNVV. Việc miễn, giảm thuế thu nhập cần chú trọng vào các khoản lương, thưởng nhận được từ việc nghiên cứu và phát triển trong các DNKN sáng tạo nhằm tạo động cơ kích thích nghiên cứu sáng tạo, nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp này.
 
Đối với nhà đầu tư, tổ chức đầu tư vào DNKN sáng tạo: Các khoản thu nhập từ thặng dư vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn tại DNKN sáng tạo của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thiên thần trong các lĩnh vực khuyến khích phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ nano… mang tính chất động lực chính, dẫn dắt nền kinh tế trong thời kỳ CMCN 4.0 cần được miễn thuế trong trường hợp đầu tư tại thời điểm DNKN sáng tạo chưa có lợi nhuận tính thuế.
 
Thứ hai, về chính sách tín dụng
 
DNKN thường không dễ tiếp cận chính sách tín dụng do các doanh nghiệp này ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, phần lớn DNKN là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nhân sáng lập muốn hiện thực hóa ý tưởng khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới nên việc xếp hạng tín dụng áp dụng trong trường hợp này không đáp ứng được các tiêu chí, do đó, cơ hội tiếp cận đối với nguồn vốn tín dụng của các NHTM là rất hạn chế. Mặt khác, do bản thân hoạt động của DNKN tiềm ẩn rủi ro cao, việc tiếp cận vốn thông qua các kênh truyền thống như NHTM rõ ràng là một bài toán khó. Ở Việt Nam, thống kê cho thấy có đến 30% doanh nghiệp không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết khó tiếp cận (VCCI & USAID, 2017). Trong thời gian qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, kết quả cho vay đối với DNNVV vẫn còn khiêm tốn, tỷ lệ dư nợ cho vay trung bình chỉ đạt khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Xem xét đặc thù hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng với hệ thống NHTM là kênh dẫn vốn chính trong nền kinh tế, tác giả thấy rằng Việt Nam có thể tham khảo một số chính sách sau để hỗ trợ khởi nghiệp:
 
- Cần tập trung vào các chính sách như bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các DNKN trong giai đoạn đầu thành lập nhằm giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp. Việt Nam đã xây dựng và thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng (theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho DNNVV hoạt động và phát triển. Hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cần được đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả tới nguồn vốn vay. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các điều kiện bảo đảm để cho Quỹ chính thức đi vào hoạt động, hỗ trợ các chương trình bảo lãnh, quỹ cho vay đặc biệt cho những DNNVV không có tài sản thế chấp và thiếu lịch sử tín dụng có thể tiếp cận được vốn vay. 
 
- Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thiên thần thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, cần xem xét miễn thuế, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình, miễn/giảm thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc thương vụ đầu tư; nhà nước đầu tư theo hướng vốn đối ứng đối với khoản đầu tư của các quỹ cũng như nhà đầu tư và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia.
 
- Thành lập Quỹ hỗ trợ cho giai đoạn đầu khởi nghiệp như Quỹ sáng kiến giai đoạn đầu… dành riêng cho DNKN. Thành lập Quỹ đầu tư cho DNKN (Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Quỹ đầu tư mạo hiểm) theo mô hình hợp tác công tư.
 
- Chú ý đến mô hình gọi vốn cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là mức trần đầu tư nhằm bảo vệ các nhà đầu tư góp vốn. Đồng thời, thúc đẩy vườn ươm doanh nghiệp hoạt động theo hướng tăng hiệu quả, tính độc lập và tự chủ tài chính cho vườn ươm.
 
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ khác
 
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ thông qua thuế, tín dụng, môi trường để hỗ trợ các DNKN, cần các hình thức hỗ trợ đa dạng khác (trực tiếp và gián tiếp) thông qua hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho R&D ngay từ giai đoạn đầu cho các sinh viên khi còn đang học trong các trường đại học, đến hỗ trợ về cơ sở hạ tầng. Cụ thể: 
 
(i) Hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ cho DNKN tiềm năng cao; 
 
(ii)  Hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườn ươm; (iii) Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho DNKN. Đơn giản hóa thủ tục pháp lý về đăng ký, về lao động, thanh kiểm tra đối với các DNKN là các biện pháp được nhiều Chính phủ đưa ra nhằm giảm bớt gánh nặng pháp lý và chi phí tuân thủ cho DNKN để họ tập trung vào kinh doanh.
 
Tóm lại, nguồn vốn kinh doanh là huyết mạch của các doanh nghiệp; đối với DNKN lại càng quan trọng hơn. Đa số DNKN sử dụng nguồn vốn tự có, huy động từ các tổ chức cho vay hoặc tiếp cận và khai thác từ phía cộng đồng qua sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, nhà đầu tư thiên thần hay nền tảng gọi vốn cộng đồng. Về phía Nhà nước, để hỗ trợ cho các DNKN phát triển, các giải pháp tài chính hỗ trợ thông qua các công cụ như thuế, chi ngân sách, chính sách tỷ giá, lãi suất... một cách hợp lý, tùy vào bối cảnh cụ thể, giúp doanh nghiệp có cơ hội cắt giảm chi phí kinh doanh cũng như tiết kiệm chi phí vận hành.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Phạm Đức Anh (2021), Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, Đề tài - Khoa học và Công nghệ cấp Bộ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), mã số: ĐTNH.015/19.
2. Berger, A.N. & Udell, G.F. (1998), “The economics of small business finance: The roles of private equity and debt markets in the financial growth cycle”, Journal of Banking & Finance, Vol. 22 Nos. 6-8, pp. 613-673.
3. Đào Thị Thu Giang, Nguyễn Thuý Anh & Cao Đinh Kiên (2019), “Hỗ trợ tài chính để phát triển DNNVV: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc”, Tạp chí Khoa học Thương mại, Số 136, tr. 63-72.
4. Nguyễn Thành Long (2020), “Thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và mô hình”, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 (Tháng 5), <https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/thi-truong-von-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-o-viet-nam-thuc-trang-va-mo-hinh-328437.html>
5. Söderblom, A. & Samuelsson, M. (2014), “Sources of capital for innovative startup firms: an empirical study of the Swedish situation”, Entreprenörskapsforum, No. 9, pp. 15-39.
6. Topica Founder Institute. (2018), “Vietnam Startup Investment Insight 2018”, <https://www.tfi.ventures/uploads/6/7/3/8/6738118/vietnam-startup-deals-insight-2018-v1.3-final-1.pdf> 
7. VCCI & USAID (2017), “Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp: Tại sao không?”, Báo cáo nghiên cứu Economica.
8. World Economic Forum. (2014), “Entrepreneurial Ecosystems Around the Globe and Early-Stage Company Growth Dynamics”, <https://reports.weforum.org/entrepreneurial-ecosystems-around-the-globe-and-early-stage-company-growth-dynamics/> 
 
TS. Phạm Đức Anh
TS. Bùi Thị Mến 
Học viện Ngân hàng

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
16/03/2024 2.125 lượt xem
Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, mặt bằng lãi suất còn cao, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn cao…; ở trong nước, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do bối cảnh cầu thế giới, thương mại quốc tế chậm phục hồi, bảo hộ thương mại gia tăng; sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn tương đối thấp; những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn chưa được xử lý căn cơ, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
15/03/2024 1.938 lượt xem
Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023.
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
14/03/2024 2.703 lượt xem
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN đã điều hành tỷ giá tương đối ổn định, đặc biệt là tỷ giá với các ngoại tệ như Đô la Mỹ, Euro và các ngoại tệ khác tại các quốc gia có quan hệ giao thương đáng kể với Việt Nam nhằm duy trì ổn định vĩ mô trong nước, hỗ trợ đầu tư, sản xuất phát triển.
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
13/03/2024 2.016 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
06/03/2024 2.445 lượt xem
Một trong những sứ mệnh của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để hướng tới người dân. Ngành Ngân hàng luôn phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, trong đó có hướng đến phổ cập tài chính tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
05/03/2024 4.837 lượt xem
Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều. Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ những điểm mới, nổi bật của Luật này.
Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/02/2024 2.716 lượt xem
Trải qua hơn 10 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, công tác thống kê tiền tệ phục vụ điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
24/02/2024 2.988 lượt xem
Năm 2023 vừa qua đã chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên thế giới, nổi bật là việc các ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
13/02/2024 2.765 lượt xem
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước đã thừa nhận sự cần thiết của chính sách an toàn vĩ mô (ATVM) trong ổn định tài chính và đặt chính sách ATVM vào vị trí trung tâm của sự tương tác giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với chính sách an toàn vi mô.
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
11/02/2024 2.841 lượt xem
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Căng thẳng địa chính trị, tranh chấp giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas diễn biến bất ngờ, lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm lại.
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
07/02/2024 2.882 lượt xem
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
31/01/2024 3.138 lượt xem
Năm 2023 đã đi qua với nhiều câu chuyện kinh tế nổi bật và một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm rất lớn trong hoạt động của ngành Ngân hàng là vấn đề tăng trưởng tín dụng.
Triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Kết quả và giải pháp, định hướng thời gian tới
Triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Kết quả và giải pháp, định hướng thời gian tới
29/01/2024 3.612 lượt xem
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ - Quyết định 1813) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện được hơn hai năm, đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM.
Chính sách tài khóa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023 và một số khuyến nghị năm 2024
Chính sách tài khóa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023 và một số khuyến nghị năm 2024
11/01/2024 3.587 lượt xem
Năm 2023, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn do tình trạng suy thoái và lạm phát tăng cao lan rộng ở nhiều nước và khu vực; xu hướng thắt chặt tiền tệ thông qua lãi suất cao, các căng thẳng địa chính trị và dư địa tài khóa ngày càng thu hẹp… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hoàn thiện quy định pháp luật về thi hành án dân sự đối với cổ phần là tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng
Hoàn thiện quy định pháp luật về thi hành án dân sự đối với cổ phần là tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng
19/12/2023 4.709 lượt xem
Để đảm bảo quyền thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định khoản vay phải có tài sản bảo đảm (TSBĐ). Đối với doanh nghiệp, TSBĐ cho khoản vay khá đa dạng, trong đó cổ phần cũng được xác định là một loại TSBĐ. Tuy nhiên, hiện nay, việc thi hành án cổ phần còn nhiều hạn chế, vướng mắc do pháp luật hiện hành thiếu vắng các quy định cụ thể. Bài viết tập trung phân tích vấn đề thi hành án cổ phần là đối tượng trong giao dịch bảo đảm thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

Vàng SJC 5c

78.000

80.020

Vàng nhẫn 9999

68.000

69.300

Vàng nữ trang 9999

67.900

68.800


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,550 24,920 26,090 27,522 30,409 31,703 158.80 168.08
BIDV 24,625 24,935 26,276 27,495 30,531 31,832 159.54 168.07
VietinBank 24,512 24,932 26,321 27,616 30,837 31,847 160.42 168.37
Agribank 24,600 24,930 26,213 27,483 30,551 31,684 159.87 167.97
Eximbank 24,520 24,910 26,361 27,131 30,735 31,632 161.25 165.95
ACB 24,570 24,970 26,457 27,114 30,964 31,606 161.07 166.23
Sacombank 24,552 24,947 26,529 27,087 31,020 31,531 161.74 166.78
Techcombank 24,561 24,933 26,174 27,513 30,438 31,764 157.07 169.48
LPBank 24,380 25,100 26,095 27,625 30,866 31,814 159.15 170.67
DongA Bank 24,610 24,960 26,400 27,080 30,780 31,620 159.00 166.10
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?