Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều đến bức tranh kinh tế của mỗi quốc gia.
Việc các chính phủ lựa chọn ban hành các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh,... đã dẫn tới sự thay đổi lớn về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đặc biệt là sự thay đổi lớn về hành vi người tiêu dùng sau đại dịch. Câu chuyện Chuyển đổi số hiện đang được các doanh nghiệp trong nhiều ngành (như bán lẻ, tài chính/ngân hàng/bảo hiểm, giáo dục đào tạo, bất động sản…) quan tâm hơn bao giờ hết. Bài viết sẽ trình bày góc nhìn về Chuyển đổi số, tác động của Chuyển đổi số tới định hình hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp, khung đánh giá việc thực hiện Chuyển đổi số và doanh nghiệp cần làm gì để quá trình Chuyển đổi số diễn ra thành công.
1. Tác động của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam
Theo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế của Việt Nam, các ngành công nghiệp xây dựng (chiếm 29,14% GDP) và lĩnh vực dịch vụ (chiếm 34,74 % GDP) là những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 2020). Những tiêu cực chính ảnh hưởng đến các ngành kinh tế của Việt Nam chủ yếu do nhu cầu giảm mạnh, xáo trộn hoạt động kinh doanh, từ đó dẫn tới doanh thu giảm. Nhiều lĩnh vực hoạt động hoàn toàn bị tê liệt như du lịch, kinh doanh vận tải, bất động sản... khi chính phủ thực hiện chính sách giãn cách xã hội (từ 1/4/2020). Tăng trưởng của các ngành so với cùng kỳ 2019 rất thấp, giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp lao dốc, sụt giảm so với đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp phá sản... thể hiện rõ mức độ khó khăn, thiệt hại mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong đại dịch Covid-19. (Bảng 1)
Điểm sáng giúp khắc phục khó khăn trên là người dân có xu hướng gia tăng sử dụng các công nghệ kỹ thuật số nhằm thực hiện các công việc thiết yếu như: làm việc từ xa, học tập trực tuyến, mua sắm trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng dịch chuyển, trở thành doanh nghiệp trực tuyến, đưa hoạt động trực tuyến trở thành kênh hoạt động chính thức. Các trang thương mại điện tử đã chứng kiến sự bùng nổ về các đơn đặt hàng, các nhà bán lẻ nhận thấy rõ được sự tăng trưởng về doanh số. Bên cạnh đó, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia1 (khai trương 12/2019). Số lượt truy cập vào cổng đã tăng từ 11 triệu vào cuối tháng 1/2020 lên hơn 28 triệu vào đầu tháng 4/2020. Số lượng dịch vụ công được cung cấp gia tăng nhanh chóng, từ 8 nhóm dịch vụ công cơ bản ban đầu, đã tăng lên 288 dịch vụ công ở mức 3, mức 4; đi kèm là số lượng giao dịch dịch vụ trực tuyến được thực hiện qua cổng đã tăng gấp đôi lên hơn 23.000 giao dịch (VNPT, 2020).
Như vậy, để giúp người dân, doanh nghiệp có thể vượt qua được những khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và vươn lên mạnh mẽ sau thời điểm dịch tạm lắng, việc thay đổi cách thức làm việc, tương tác, giao dịch... từ trực tiếp sang trực tuyến đang trở thành nhu cầu tất yếu. Vậy làm sao để có thể thích ứng với xu hướng này, câu chuyện thực hiện Chuyển đổi số (Digital transformation) trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp đang được quan tâm hơn bao giờ hết.
2. Nhu cầu và thay đổi khi thực hiện Chuyển đổi số tại doanh nghiệp hiện nay
2.1. Chuyển đổi số là gì?
Theo SalesForce2 thì Chuyển đổi số là một quá trình sử dụng các công nghệ số để tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm của khách hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và thay đổi của thị trường. Gartner3 thì cho rằng Chuyển đổi số có thể đề cập đến bất cứ điều gì, từ hiện đại hóa công nghệ thông tin, đến tối ưu số hóa hay sáng kiến trong việc đề xuất ra những mô hình kinh doanh số. Một định nghĩa ngắn gọn khác được (Hồ Tú Bảo, 2020) chỉ ra “Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi cách sống, cách làm việc, và phương thức sản xuất với các công nghệ số”.
Như vậy có thể thấy, Chuyển đổi số là một quá trình có mối liên hệ mật thiết với sự đổi mới về “văn hóa” và “mô hình kinh doanh” tại các doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ của “công nghệ thông tin”. Quá trình chuyển đổi này xuất phát từ sự thay đổi về hành vi và mong muốn của khách hàng. Mọi doanh nghiệp đang phải đối diện với sự lựa chọn giữa thay đổi hoặc sẽ bị tụt hậu và không thể tồn tại.
Để đáp ứng được sự thay đổi và mong muốn đó, các cách tiếp cận được các doanh nghiệp quan tâm có thể là bán hàng trực tuyến, các nền tảng mạng xã hội hay các ứng dụng di động... Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng thì các kết quả trên được hình thành từ việc thực hiện các dự án Chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Những dự án này đã và đang làm thay đổi cách chúng ta sống, cách chúng ta kinh doanh, cách chúng ta thích nghi với yêu cầu mới của khách hàng và tận dụng những lợi thế mà thế giới số mang đến - điều này đã và đang được minh chứng rõ nét trong đợt đại dịch Covid-19 hiện nay.
2.2. Chuyển đổi số định hình hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đã có những ý niệm về tầm quan trọng của việc thực hiện Chuyển đổi số. Nhưng việc Chuyển đổi số sẽ tác động tới doanh nghiệp như thế nào? (Tunde Olanrewaju và Paul Willmott, 2013) đã có quan điểm cụ thể về 4 tác động của Chuyển đổi số tới quá trình định hình lại hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp: (1) tăng kết nối (connectivity) giữa nhân viên, khách hàng, và các nhà cung cấp; (2) tự động hóa (automation) nhiều hoạt động thủ công, thay thế lao động chân tay bằng công nghệ; (3) hỗ trợ ra quyết định (decision marking) dựa trên dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; (4) đẩy mạnh các sáng kiến (innovation) về sản phẩm, mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động tại doanh nghiệp. (Hình 1)
Để thực hiện được quá trình chuyển đổi đó, những đầu tư về công nghệ (như phân tích dữ liệu lớn, các ứng dụng giao tiếp khách hàng, các hệ thống quy trình nghiệp vụ hay nền tảng điện toán đám mây…) đã được doanh nghiệp áp dụng một cách có chọn lọc, đặc biệt trong bán hàng và tiếp thị sản phẩm.
Nhờ áp dụng các kỹ thuật trên, doanh nghiệp có thể đạt được ưu thế tối đa từ các khoản đầu tư cho công nghệ. Như dữ liệu lớn có thể giúp doanh nghiệp nắm bắt được đối tượng khách hàng mục tiêu, điều chỉnh giá bán hợp lý nhất theo thời gian thực, dự báo nhu cầu của thị trường về các sản phẩm doanh nghiệp cung cấp... Các ứng dụng giao tiếp khách hàng sẽ giúp cải thiện tương tác của khách hàng với doanh nghiệp thông qua giao diện thân thiện trên môi trường Mobile App hoặc Web App. Công tác quản trị doanh nghiệp (yêu cầu mua sắm, quản lý nhân sự...) có thể được thực hiện tốt hơn nhờ cải thiện luồng thông tin, giảm lãng phí do các hệ thống phần mềm được xây dựng theo định hướng quy trình nghiệp vụ. Việc mở rộng hệ thống cũng có thể thực hiện nhanh hơn, tiết kiệm hơn bao giờ hết khi được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây thay vì tự đầu tư hạ tầng công nghệ của riêng mình.
3. Khung đánh giá quá trình thực hiện Chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Để có thể thực hiện Chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp, rất cần có một công cụ hỗ trợ việc định hướng thực hiện và đánh giá. Capgemini5 và Đại học MIT6, 2011 đã đề xuất một Khung Chuyển đổi số (Digital Transformation framework) nhằm xác định những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến một dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp. (Hình 2)
Với Khung Chuyển đổi số này, doanh nghiệp có thể đánh giá được năng lực chuyển đổi số của mình thông qua hiệu quả ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh.
Bộ phận công nghệ có thể đánh giá mức độ trưởng thành việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp thông qua khả năng (1) quản trị các quy trình và dữ liệu thống nhất; (2) năng lực phân tích dữ liệu; (3) thực hiện tích hợp nghiệp vụ, công nghệ; (4) khả năng triển khai giải pháp.
Với việc sử dụng năng lực công nghệ của doanh nghiệp phục vụ hoạt động kinh doanh. Kết quả ghi nhận quá trình kinh doanh được nhìn nhận, đánh giá thông qua:
- Tăng cường trải nghiệm khách hàng (Customer experience): Thấu hiểu khách hàng, tăng trưởng nhanh chóng và tối ưu hóa các điểm tiếp xúc khách hàng.
- Định hình mô hình kinh doanh (Bussiness model): Số hóa hoạt động kinh doanh, những sáng kiến về kinh doanh số và từng bước trở thành một doanh nghiệp số thực sự.
- Quy trình vận hành thông suốt (Operational process): Thực hiện số hóa quy trình, hỗ trợ quá trình làm việc và quản lý hiệu suất. Kết quả thu được sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp có thể có thêm căn cứ trong việc ra quyết định dựa trên những dữ liệu thu thập được từ quá trình vận hành.
Có thể thấy rằng, 4 tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành về công nghệ và 3 tiêu chí đánh giá thành công trong việc áp dụng vào hoạt động kinh doanh rất khớp với tác động của Chuyển đổi số tới doanh nghiệp (Tunde Olanrewaju và Paul Willmott, 2013).
4. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho quá trình chuyển đổi số?
Theo báo cáo của (Forrester7, 2016, 27%) doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ có Chiến lược số (Digital strategy). Một báo cáo khác của IDG8, 2016 kỳ vọng rằng đến năm 2020 số lượng doanh nghiệp có Chiến lược số sẽ tăng gấp đôi lên 50%. Các hãng tư vấn cũng tin rằng chỉ một số ít các doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện Chiến lược đó.
Vậy làm sao để các doanh nghiệp có thể từng bước gia tăng khả năng tiếp cận và thực hiện quá trình Chuyển đổi số? Bên cạnh việc “nâng cao nhận thức” về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc thực hiện Chuyển đổi số; công tác đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao “năng lực công nghệ” của mỗi doanh nghiệp là ưu tiên quan trọng cần thực hiện. Ngoài ra, hoạt động đào tạo một “đội ngũ nhân lực” có năng lực vận hành các công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn họ phụ trách tại doanh nghiệp rất quan trọng - đó là nhân tố cốt lõi giúp thực hiện việc chuyển đổi từng bước hoạt động của doanh nghiệp tiếp cận với nền Kinh tế số.
Những khía cạnh trên, nếu có sự tham gia của các cơ sở đào tạo (như các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Phổ thông trung học...); sự mạnh dạn trong thay đổi, trang bị những kiến thức tiên tiến về công nghệ (như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh thông minh, an ninh mạng, quản lý dự án...); sự tham gia hỗ trợ của các Hãng công nghệ lớn9 (tập đoàn Viettel, VNPT, Tibco, Openway...) và sự khuyến khích hỗ trợ của Chính phủ sẽ thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ hơn nữa năng lực Chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, định hình vững chắc nền Kinh tế số Việt Nam nói chung.
Kết luận
Bài báo đã đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các ngành kinh tế tại Việt Nam, nhấn mạnh cách thức giúp phần lớn các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nỗ lực thực hiện Chuyển đổi số. Với quá trình chuyển đổi này, các yếu tố liên quan tới việc nâng cao nhận thức, năng lực công nghệ và những sáng tạo trong việc thay đổi mô hình kinh doanh là những vấn đề các doanh nghiệp cần phải đối diện và nỗ lực thực hiện tốt. Bên cạnh đó, Khung Chuyển đổi số cũng là một công cụ, gợi ý, hướng dẫn quan trọng cho các doanh nghiệp tham khảo trong việc đánh giá mức độ thành công của quá trình chuyển đổi này.
1 https://dichvucong.gov.vn.
2 Hãng công nghệ của Mỹ, chiếm thị phần số 1 thế giới về giải pháp CRM trên nền tảng điện toán đám mây.
3 Hãng tư vấn và nghiên cứu toàn cầu của Mỹ.
4 Công ty tư vấn hàng đầu của Mỹ .
5 Một tập đoàn đa quốc gia của Pháp chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn.
6 Viết tắt của Massachusetts Institute of Technology, một Viện Công nghệ hàng đầu của Mỹ.
7 Một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ.
8 Một công ty truyền công công nghệ hàng đầu của Mỹ.
9 Những tập đoàn có nhiều chính sách hỗ trợ các trường Đại học, Phổ thông trung học,... thực hiện Chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] - Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV (2020), “Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành kinh tế nào của Việt Nam?”. Truy cập từ: http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/15243-dai-dich-covid-19-tac-dong-manh-den-nganh-kinh-te-nao-cua-viet-nam.
[2] - VNPT (2020), “Cổng Dịch vụ công quốc gia tích hợp dịch vụ nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông”. Truy cập từ: https://vnpt.com.vn/gioi-thieu/tin-tuc/cong-dich-vu-cong-quoc-gia-tich-hop-dich-vu-nop-phat-truc-tuyen-vi-pham-giao-thong.html.
[3] - SalesForce, “What is Digital Transformation”, Truy cập từ: https://www.salesforce.com/ap/products/platform/what-is-digital-transformation.
[4] - Gartner, “Gartner Glossary - Digital Transformation”, Truy cập từ: https://www.gartner.com/en/information-technology/glossary/digital-transformation.
[5] - Hồ Tú Bảo (2020), “Chuyển đổi số thời Covid-19”, Truy cập từ: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Chuyen-doi-so-thoi-Covid19-23135.
[6] - Tunde Olanrewaju và Paul Willmott (2013), “Finding your digital sweet spot”, Truy cập từ: https://www.mckinsey.com/business-functions/mckinsey-digital/our-insights/finding-your-digital-sweet-spot
[7] - Capgemini & MIT (2011), “Digital transformation: a roadmap for billion-dollar organizations”. Truy cập từ: https://www.capgemini.com/resources/digital-transformation-a-roadmap-for-billiondollar-organizations.
[8] Centric Digital (2016) - “Facilitating digital transformation”, Truy cập từ: https://centricdigital.com/blog/digital-trends/unilever-is-pursuing-a-global-digital-transformation-initiative.
[9] - Học viện Ngân hàng (2019), “Học viện Ngân hàng ký kết Thỏa thuận Hợp tác với OpenWay Việt Nam”, Truy cập từ: http://hvnh.edu.vn/hvnh/vi/hop-tac-trong-nuoc/hoc-vien-ngan-hang-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-voi-openway-viet-nam-860.html.
[10] - Học viện Ngân hàng (2020), “Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Ngân hàng và TIBCO software Inc”, Truy cập từ: http://hvnh.edu.vn/hvnh/vi/hop-tac-quoc-te/le-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-giua-hoc-vien-ngan-hang-va-tibco-software-inc-977.html.
ThS. Chu Văn Huy
Theo Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng Số, số 4/2020