Cụ thể, trong những phiên họp điều hành chính sách tiền tệ diễn ra từ đầu năm đến nay, các quan chức của Fed đã liên tục cho thấy sẽ nâng lãi suất 3 lần với mức tăng 25 điểm mỗi lần trong năm 2017 thay vì 2 lần như đã cống bố trong cuộc họp hồi tháng 9. Tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến này phần nào phản ánh kỳ vọng về những chính sách tài khoá nới lỏng mà Donald Trump sẽ thi hành.
|
Dự báo của FOMC về mức lãi suất điều hành phù hợp - Nguồn: Fed |
Fed vẫn đang chờ những diễn biến và động thái chính sách của Chính phủ mới trước khi có những hành động mạnh mẽ hơn. Điều này có thể sẽ xảy ra vào cuộc họp tháng 3 năm 2017 nếu Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cắt giảm thuế tại thời điểm đó.
Cơ sở cho việc đưa ra các quyết định trên của Fed được dựa trên việc kinh tế Mỹ đang tiến gần đến mục tiêu kép là trạng thái toàn dụng lao động và giá cả ổn định.
Thị trường lao động Mỹ đang tiến dần đến trạng thái toàn dụng lao động khi kể từ năm 2016 trở lại đây, nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã liên tục duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp dưới 5%, trong đó tháng 11/2016 tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2007. Mức thất nghiệp này gần với tỷ lệ thất nghiệp dài hạn được ước ở mức 4,8% và từ đó đến nay, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra trung bình xấp xỉ 190.000 việc làm mỗi tháng.
Song song với sự cải thiện trên thị trường lao động, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ hiện đã vượt ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Lạm phát toàn phần tại thời điểm tháng 1/2017 tăng lên mức 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Như vậy, tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện đã vững chắc ở mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng giảm sâu và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, một loạt những sắc lệnh như khởi động xây tường biên giới với Mexico, nối lại đường ống dẫn dầu Dakota mà ông Trump ký gần đây sẽ thúc đẩy chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Do đó, nhu cầu về hàng hoá Mỹ có thể tăng, đẩy lạm phát tăng nhanh. Lạm phát cao, đồng nghĩa với việc Fed phải nâng lãi suất, để ổn định giá trị đồng USD. Tất cả những diễn biến này đều có thể khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn trong những tháng sắp tới.
Hiện tại, theo công cụ theo dõi động thái chính sách tiền tệ của Fed do CME Group phát hành, cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 0,75%-1% vào cuộc họp tháng 3, tháng 5 và tháng 6 lần lượt là 20%, 31% và 45%. Ngoài ra, dự báo của các thành viên Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) cho lãi suất điều hành là 1,4% năm 2017, 2,1% năm 2018, 2,9% năm 2019 và 3% trong dài hạn.
So với dự báo vào tháng 9, lộ trình tăng lãi suất chỉ tăng lên 25 điểm phần trăm. Điều này cho thấy Fed vẫn đang chờ đợi những cơ sở chắc chắn hơn về các chính sách tài khoá nới lỏng trước khi thay đổi dự báo của mình.
Tuy nhiên, tất cả những dự báo trên vẫn chỉ mang tính tương đối. Cuối năm 2015, Fed từng tuyên bố sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm 2016 nhưng thực tế lãi suất chỉ nâng 1 lần vào cuối năm. Với phong cách điều hành thận trọng, việc Fed có thực sự nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017 hay không vẫn chưa chắc chắn và sẽ phụ thuộc vào những biến động của kinh tế Mỹ và thế giới.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2017 do những chính sách tài khoá nới lỏng có khả năng sẽ trở thành hiện thực, tuy nhiên kinh tế thế giới nói chung vẫn đang trong tình trạng trì trệ với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chìm trong “bẫy tăng trưởng thấp” với mức tăng trưởng chỉ ước đạt 3,4% năm 2017 (chỉ cao hơn 0,3% so với mức tăng trưởng của năm 2016).
Thêm vào đó, việc các NHTW lạm dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng đã làm tăng rủi ro tài chính của kinh tế thế giới, đặc biệt là của các nền kinh tế mới nổi do đó việc Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể dẫn tới khủng hoảng nợ tại nước này và gây ra những phản ứng dây chuyền bất lợi cho kinh tế toàn cầu. Như Chủ tịch Janet Yellen đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình gần đây nhất, các chính sách tài khoá chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của Fed trong tương lai.