Các ngân hàng thuơng mại hoạt động tại Việt Nam thông qua Fintech sẽ mang lại sự hợp tác ngân hàng, thực chất Fintech sẽ trở thành cánh tay nối dài đưa dịch vụ mới của các ngân hàng tới đối tượng khách hàng tiềm năng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked), giúp họ mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích phù hợp, tiện lợi cho khách hàng. Mặt khác, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính sâu rộng hơn. Bởi một trong những điểm nổi bật của Fintech chính là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Xu hướng Fintech đối với các NHTM tại Việt Nam hiện nay
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD và dự báo tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Với lợi thế tỷ lệ tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao tại khu vực đô thị, mức thu nhập và tiêu dùng gia tăng, cùng lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường fintech hiện sở hữu nhiều tiềm năng phát triển lớn.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, số lượng công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt đã tăng từ 40 lên gần 100 công ty. Trong đó, lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 26 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Điểm nổi bật của Fintech là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng
Thế mạnh của hoạt động ngân hàng là tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngân hàng có danh tiếng, uy tín đối với khách hàng và cộng đồng chính nhờ dịch vụ ngân hàng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của các ngân hàng là thường đi chậm hơn so với các công ty công nghệ khác trong việc sáng tạo, cải tiến trong công nghệ, đặc biệt ứng dụng công nghệ vào hoạt động dịch vụ ngân hàng hiện đại trên các thiết bị di dộng.
Các công ty Fintech phát triển với quy trình linh hoạt do đều là mô hình công ty “khởi nghiệp” nên dễ nắm bắt xu huớng và cơ hội tiếp cận các ngân hàng để đưa ứng dụng của mình vào thành cấu hình nghiệp vụ của các dịch vụ sản phẩm ngân hàng.Tuy nhiên, điểm yếu của các công ty Fintech là không có được sự bảo trợ hành lang pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng trong các hoạt động dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, ngân hàng có một lượng khách hàng truyền thống, thương hiệu ngân hàng, có uy tín sản phẩm dịch vụ, có mạng lưới rộng khắp… do đó việc bị thay thế hoàn toàn bằng dịch vụ ngân hàng hiện đại là khó có khả năng xảy ra. Những ngân hàng thuơng mại đứng độc lập ngoài “thờ ơ”, không tham gia vào làn sóng Fintech sẽ dễ bị tụt hậu về xu thế cách mạng ứng dụng công nghệ ngân hàng vào các dịch vụ ngân hàng.
Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng.
Việc nhìn nhận về các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính - ngân hàng nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Thế mạnh của các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã đuợc chính phủ quan tâm từ năm 2018, với đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng là cơ hội cho nhiều startup Fintech. Qua triển khai, khảo sát, hiện có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước.
Hiện có 26 ngân hàng thuơng mại đã thỏa thuận dịch vụ với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc. Có 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học. Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng như: giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều; việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn vướng mắc; khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin còn hạn chế.
Các chuyên gia nhận định với sự phổ biến của các dịch vụ mới, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt có cơ hội bùng nổ trong thời gian tới. Sự phát triển của Fintech và thanh toán điện tử còn đến từ chính sách khi mới đây, đã có đề xuất việc không sử dụng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, học phí cũng như các khoản chi phí sinh hoạt khác ở đô thị từ tháng 12/2019.
Theo một chuyên gia tài chính, Ví điện tử được xem là thị trường khá sôi động khi ghi nhận nhiều phản hồi tích cực. Số lượng người dùng tăng nhờ vào những giải pháp liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp Fintech, cùng với đó là khuyến mãi, ưu đãi liên tục. Đây cũng là nỗ lực nhằm giảm thanh toán tiền mặt và mang lại sự thuận tiện, nhiều lợi ích hơn cho người dùng. Ví điện tử hiện đóng vai trò quan trọng hình thành các siêu ứng dụng, những hệ sinh thái khổng lồ của các startup kỳ lân như Sea hay Grab. Theo đó, các ứng dụng này ngoài việc giúp người dùng tiếp cận phương thức thanh toán mới mà còn giúp liên kết khách hàng thân thiết của doanh nghiệp.
Điển hình, sau khi tích hợp vào Foody, Ví điện tử AirPay trở thành kênh đặt hàng và thanh toán chính thức của Foody cùng dịch vụ giao đồ ăn Now. AirPay cũng đang tích cực chạy đua khuyến mãi thúc đẩy người dùng liên kết thẻ ngân hàng với ứng dụng.
Thông qua AirPay, khách hàng còn có thể đặt hàng, thanh toán hoá đơn, mua thẻ điện thoại, vé xem phim, vé máy bay dịch vụ viễn thông, bảo hiểm, vay tiêu dùng... với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Ứng dụng hỗ trợ nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến, hướng tới người dùng trẻ và game thủ.
Trong tương lai, với một thị trường Fintech đang phát triển sôi động, sẽ mở ra viễn cảnh về sự sáp nhập toàn diện các dịch vụ thanh toán, cho vay và đầu tư vào một ứng dụng di động.
Định hướng của NHNN
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là xu hướng tất yếu và phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Quá trình thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công mà còn có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội. Với nền kinh tế, chúng ta sẽ hạn chế được một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán.
Với các Cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và minh bạch các giao dịch tài chính tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công; Với hệ thống ngân hàng, việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là cơ hội để các đơn vị này đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính mình. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ thanh toán ngân hàng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thanh toán, tiêu dùng của người dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN vào tháng 3-2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển.
Mục tiêu là nghiên cứu chuyên sâu về các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng mới, cũng như đề xuất những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế công nghệ để mang sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng đến gần hơn với nhiều đối tượng vốn ít hoặc chưa có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nâng cao phổ cập tài chính quốc gia.
Ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo đã thực hiện một đợt khảo sát quy mô lớn tới hầu hết các công ty Fintech tại Việt Nam, tiếp cận và đối thoại trực tiếp với cộng đồng Fintech để xây dựng một Báo cáo đánh giá hiện trạng về hoạt động Fintech tại Việt Nam, xác định những vấn đề cần giải quyết làm cơ sở từng bước xây dựng các chính sách quan trọng trong trung và dài hạn cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Ban chỉ đạo đã thành lập các Nhóm công tác để tập trung nghiên cứu và đưa ra giải pháp quản lý đối với một số vấn đề trọng tâm như: ứng dụng công nghệ Blockchain/DLT; P2P Lending; e-KYC; Giao diện Open API và e-payments. Với tư cách là đầu mối triển khai các hoạt động Fintech tại NHNN, Ban Chỉ đạo Fintech cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế như ADB, WB, SWIFT, Tập đoàn Microsoft (Mỹ), Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản)… tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để chia sẻ về các công nghệ và sản phẩm dịch vụ mới trong ngành Ngân hàng cũng như các kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và phát triển lĩnh vực Fintech.
Với định hướng của NHNN, thời gian sắp tới khuôn khổ pháp lý sẽ được sửa đổi, bổ sung để tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng và minh bạch cho hoạt động của các công ty Fintech. Bên cạnh Fintech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, những lĩnh vực Fintech mới (như huy động và cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử…) cũng sẽ phát triển khi khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này được hoàn thiện.
Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ mới vào dịch vụ ngân hàng sẽ đi đôi với việc xuất hiện những rủi ro tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ tài chính cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý, như cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho kịp sự tiến bộ của công nghệ, bên cạnh các vấn đề về nguồn nhân lực, an toàn bảo mật, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, cơ chế hợp tác trong chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực và thế giới... bản thân các ngân hàng thuơng mại cũng chủ động giành lợi thế của mình để áp dụng hiệu quả Fintech vào dịch vụ hiện đại ngân hàng.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan khác như: sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng. Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN kiến nghị phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng, đảm bảo công tác an ninh an toàn trong thanh toán. Triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công.
Một số thách thức đặt ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo đối với Ban chỉ đạo là nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số quy định pháp lý không còn phù hợp hoặc còn thiếu để đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động của các công ty Fintech.
Đồng thời tạo khuôn khổ phù hợp cho các doanh nghiệp Fintech, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để họ yên tâm hoạt động, đảm bảo duy trì sự cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng kiểm soát tốt các rủi ro phát sinh từ những mô hình kinh doanh mới và bảo vệ người tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nuớc và chính phủ cần sớm ban hành các nghị định, văn bản tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng Fintech vào dịch vụ ngân hàng. Quốc hội sớm sửa đổi bổ sung hệ thống luật pháp đáp ứng phù hợp với sự phát triển và xu huớng của ứng dụng ngân hàng hiện đại tại Việt Nam.
ThS. Đỗ Văn Hữu
Nguồn: TCNH chuyên đề THNH số 4/2019