Có thể nói hoạt động Fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam trong thời gian qua được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mạnh trong cả hệ thống ngân hàng truyền thống cũng như các tổ chức Fintech không phải ngân hàng.
Ngày 06/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị quyết 100/NQ-CP). Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm, nguyên tắc định hướng, cụ thể như bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo. Nội dung trọng tâm Nghị định sẽ tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.
Fintech góp phần thúc đẩy thanh toán dùng không tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số ngân hàng
Các tổ chức tài chính tại Việt Nam trong vài năm gần đây đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ số nói chung. Riêng đối với lĩnh vực thanh toán, các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi (ứng dụng Tokenization, thanh toán di động, sử dụng mã QR Code, sử dụng các yếu tố sinh trắc học như: vân tay, nhận diện khuôn mặt…) và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Theo Vụ Thanh toán - NHNN, hiện nay có khoảng 80 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thanh toán qua Internet và 44 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Kết quả TTKDTM qua các kênh trong năm 2021 có tốc độ tăng trưởng đạt cao so với cùng kỳ năm 2020: Qua kênh Internet đạt gần 707,38 triệu giao dịch với giá trị 36,77 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 48,8% về số lượng giao dịch và 32,6% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020); qua kênh điện thoại di động đạt 2,08 tỷ giao dịch với giá trị hơn 23,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 76% về số lượng và 87,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020); qua kênh QR code đạt 23,59 triệu giao dịch với giá trị 21,69 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 45% về số lượng và 125,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020).
Bên cạnh đó, việc triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) đạt nhiều kết quả khả quan. Từ tháng 3/2021 đến hết tháng 12/2021, đã có 24 ngân hàng triển khai chính thức mở tài khoản thanh toán eKYC, với khoảng 3,37 triệu tài khoản thanh toán mở bằng phương thức này đang hoạt động.
Trong năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 156 triệu món, tương ứng với giá trị đạt 151,16 triệu tỷ đồng (tăng 6,9% về số lượng và 44,57% về giá trị giao dịch so với năm 2020); hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính xử lý hơn 2,46 tỷ giao dịch với giá trị giao dịch đạt gần 25,0 triệu tỷ đồng (tăng 94,03% về số lượng và 133,37% về giá trị giao dịch).
Kết quả này đã cho thấy sự góp phần tích cực của công nghệ hay Fintech nhằm thúc đẩy TTKDTM trong giai đoạn vừa qua và là tiền đề quan trọng để góp phần đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện đã được đề ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) được coi như Fintech trong lĩnh vực thanh toán, được phép cung ứng các dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (như dịch vụ cổng thanh toán…) hay dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (như dịch vụ ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ…). Các dịch vụ này đã trực tiếp góp phần giúp các giao dịch thanh toán điện tử được thực hiện nhanh chóng, thông suốt, an toàn bảo mật. Các tổ chức TGTT cũng đã góp phần thúc đẩy TTKDTM thông qua mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng để mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ tới các khách hàng. Có thể ví các công ty TGTT như là “cánh tay nối dài” của các ngân hàng tới người dân thông qua việc mở rộng mạng lưới giao dịch, đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ tài chính, đưa dịch vụ phù hợp hơn với từng đối tượng… thông qua các giải pháp công nghệ, đây chính là một phần quan trọng trong chiến lược tài chính toàn diện.
Trong triển khai tài chính toàn diện, qua những phân tích ở trên về phát triển TTKDTM, có thể thấy, Fintech đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến các nền kinh tế, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam trong suốt hơn 2 năm qua. Các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp… đã làm gián đoạn một số hoạt động trong nền kinh tế nói chung và hoạt động tài chính - ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động Fintech nói chung trong lĩnh vực ngân hàng đã giúp các tổ chức duy trì việc cung ứng dịch vụ ngân hàng tới khách hàng một cách liên tục và thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống dịch Covid -19 và đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân.
Có thể thấy, giải pháp Fintech ứng dụng vào dịch vụ thanh toán của TCTD hay các dịch vụ TGTT đã góp phần hỗ trợ nhu cầu mua sắm phi tiếp xúc của người dân. Trước đây, người dân lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng tại các điểm bán hàng vật lý hoặc khi nhận hàng mua từ hoạt động thương mại điện tử (Cash on Delivery), thì nay đã chuyển dần sang sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiếp xúc như thẻ ngân hàng, Ví điện tử, QR Code… qua các kênh thanh toán điện tử như Internet hay Mobile vừa thuận tiện, vừa an toàn và tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đặt ra nhiều khó khăn nhưng cũng là động lực thúc đẩy chuyển đổi số do người dân, doanh nghiệp và các TCTD phải chuyển sang giao tiếp qua kênh số. Fintech đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng diễn ra nhanh hơn.
Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số đã và đang được các TCTD chủ động triển khai với kết quả đáng ghi nhận. Theo Vụ Thanh toán - NHNN, có tới 95% ngân hàng đã, đang xây dựng chiến lược/thực hiện triển khai chuyển đổi số; trong đó, hơn 88% có kế hoạch số hóa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ từ kênh giao tiếp khách hàng (front-end) đến quản trị nghiệp vụ nội bộ (back-end); 65% ngân hàng kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp tăng trưởng doanh thu trên 30% trong vòng 3 - 5 năm tới; hơn 10% các ngân hàng có tỷ lệ khách hàng sử dụng kênh số đạt trên 80%. Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và dữ liệu lớn (Big Data) để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Tại Nghị quyết 100/NQ-CP, NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Phạm vi của Nghị định là các giải pháp công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, do đó, NHNN (cơ quan quản lý nhà nước và tiền tệ, ngân hàng) là cơ quan phù hợp nhất trong vai trò chủ trì, đề xuất chính sách trong quá trình xây dựng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trên cơ sở góp ý, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan khác.
Nghị định đưa ra các chính sách pháp lý mới điều chỉnh hoạt động Fintech (là hoạt động có tính chất phức tạp) với mục tiêu hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo đi kèm với quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính, nên các ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan là vô cùng cần thiết để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và đảm bảo có sự đánh giá toàn diện các chính sách tại Nghị định.
Dù vậy, việc xây dựng Nghị định cũng gặp một số khó khăn. Hiện nay, các vấn đề phát sinh từ hoạt động Fintech là khá đa dạng và thách thức, một vấn đề nhưng có thể thuộc sự quản lý của nhiều bộ, ngành, do vậy việc phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành cần sự trao đổi, thống nhất và phối hợp tích cực của các bộ, ngành, cũng như chỉ đạo từ Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, NHNN đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định, hiện đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm, nguyên tắc định hướng, cụ thể như bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, cần cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa rủi ro an ninh mạng. Đồng thời đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau, gồm TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT với các công ty Fintech có liên quan. Hơn nữa, phải đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành và triển khai vận hành Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sau khi Nghị định được ký ban hành. Như vậy, nội dung trọng tâm Nghị định sẽ tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.
Theo Ban soạn thảo Nghị định, việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh mới, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và xã hội; tăng cường khả năng hội nhập quốc tế của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ; tạo lập khuôn khổ giám sát và quản lý việc thử nghiệm hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng khi chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức nhằm hạn chế rủi ro và sự cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở đó, hoàn thiện và bổ sung những quy định pháp lý để điều chỉnh hoạt động chính thức của các loại hình công ty cung ứng giải pháp Fintech; góp phần bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của hệ thống tài chính - ngân hàng, giữ vững sự ổn định của an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa các rủi ro mang tính hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người dân; phục vụ mục tiêu phổ cập tài chính đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi người dân không có tài khoản tại ngân hàng với sự tham gia của các tổ chức không phải là ngân hàng cung cấp dịch vụ Fintech hiện đại với chi phí hợp lý trên cơ sở phù hợp với pháp luật hiện hành, giúp khách hàng được lựa chọn và tiếp cận với nhiều sản phẩm dịch vụ an toàn và tiện lợi.
Cũng theo Ban soạn thảo Nghị định, Nhà nước sẽ tạo ra một cơ chế để khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu, phát triển các giải pháp tài chính - ngân hàng mới dựa trên thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cho phép được thử nghiệm các giải pháp Fintech chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh nhưng đảm bảo không vi phạm quy định pháp luật hiện hành; hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp; đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Fintech; đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức tham gia quản lý, vận hành có đầy đủ kiến thức nghiệp vụ về quản lý, tài chính, pháp lý, kỹ thuật và tận tâm, liêm chính khi thực hiện nhiệm vụ, chủ động hội nhập quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Để được tham gia áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, không phải Fintech nào cũng được áp dụng mà cần thỏa mãn các điều kiện cụ thể như: Các giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao; giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt, có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm; giải pháp đã được công ty Fintech hoặc TCTD thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích; giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm; giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.
Tài liệu tham khảo:
sbv.gov.vn
Hà Lan Anh
Ngân hàng Nhà nước