Khát vọng hùng cường theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Điểm nổi bật về đường lối phát triển kinh tế nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) là sự củng cố, làm sâu sắc và nâng cao toàn diện hơn nhận thức về mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, với những đặc trưng mang tính thời đại và cả những nét đặc thù quan trọng, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời, tái khẳng định mục tiêu cao nhất của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển đất nước bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn khát vọng hạnh phúc cho người dân. Đại hội XIII cũng xác định rõ yêu cầu trong định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 là: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; thực hiện tốt hơn phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế…
Đặc biệt, Đại hội XIII lần đầu tiên xác định những mục tiêu có tính dài hạn, với 3 mốc về thời gian, yêu cầu, cấp độ cụ thể theo cách tiếp cận mới cả về trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới, đó là: Việt Nam phải là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (đến năm 2025); chuyển thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (năm 2030); trở thành nước phát triển, thu nhập cao (năm 2045).
Thực tế ghi nhận và đòi hỏi, cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Cách mạng Việt Nam, là cơ chế bảo đảm gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới; bảo đảm Việt Nam giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế; củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội; không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế; tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh; nhất là các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển của đất nước ta; xây dựng và phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.
Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng
Đến cuối năm 2021, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước (so với 11 nước trong năm 1954) và quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) (15 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 02 hiệp định đang đàm phán). Đó là những cánh cửa lớn và đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng, đầy đủ và hiệu quả hơn, cũng như tạo xung lực đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục từ năm 2016 đến nay (dù vẫn nhập siêu dịch vụ).
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước và tăng hơn 7 lần so với năm 2006 - năm Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam hiện có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến chiếm tới 85,2% kim ngạch xuất khẩu năm 2020 và lọt vào Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới năm 2021.
Ðại hội XIII lần đầu tiên xác định những mục tiêu có tính dài hạn: Việt Nam phải là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (đến năm 2025); chuyển thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (năm 2030); trở thành nước phát triển, thu nhập cao (năm 2045). |
Khát vọng hùng cường và việc tuân thủ các cam kết hội nhập cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện, từ thứ hạng 68/121 vào năm 2007 lên thứ 77/140 năm 2018 và tăng tiếp lên thứ 67/141 nền kinh tế vào năm 2019. Cũng trong năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh Top đầu khu vực và thế giới; là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và được IMF đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đồng thời, Việt Nam cũng lọt vào Top 10/163 nước đáng sống nhất thế giới theo Báo cáo Toàn cầu HSBC's Expat 2019 do Ngân hàng HSBC công bố; đứng thứ 83/128 nước trong Xếp hạng năm 2019 về các nước an toàn nhất và xếp thứ 128/192 nước giàu nhất thế giới do Tạp chí Global Finance công bố; xếp hạng 94/156 nước trong bảng Xếp hạng “Quốc gia Hạnh phúc” năm 2019 theo World Happiness Report, được Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố vào ngày 20/3/2019. Việt Nam xếp thứ 84/161 nước trong Xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư (Best Countries for Business) của Forbes năm 2019 với 15 chỉ số như sáng tạo, thuế, công nghệ, tham nhũng, hạ tầng, rủi ro chính trị, nhân lực, bảo vệ nhà đầu tư; Việt Nam xếp 39/80 nước trong xếp hạng các nước “tốt nhất thế giới” theo đánh giá của trang U.S. News & World Report …
Việt Nam đã được 90 nước công nhận kinh tế thị trường và đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai trung hạn nhờ khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa, chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, cũng như hoạt động khởi sự kinh doanh (theo công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư của Tạp chí U.S. News & World Report, Việt Nam xếp thứ 8 trong Top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018).
Sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm chậm lại đà tăng tốc trên hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường của Việt Nam trong hai năm qua, song cũng là dịp tôi luyện và khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, khiến hai năm liên tiếp Việt Nam không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, suy giảm cả về lượng và hiệu quả hoạt động... Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử hàng chục năm qua, có sự suy giảm so với năm trước cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới.
Tuy vậy, theo IMF, năm 2020, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới, đứng thứ tư châu Á và bình quân GDP/đầu người đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm 2020, khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD; từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia của Brand Finance (hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Anh).
Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới ước tính đến hết tháng 12/2021 đạt 68% (tăng 5,6% so với năm 2020).
Về tổng thể, năm 2021, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát... Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực” kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hơn nữa, năm 2021, Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á, giống như năm 2018 và năm 2019; đồng thời, được vinh danh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được vinh danh là Điểm tham quan hàng đầu châu Á; thành phố Hội An (Quảng Nam) là Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á và Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được vinh danh Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.
Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới công bố của Heritage Foundation (một tổ chức nghiên cứu và giáo dục, chuyên thúc đẩy tự do kinh doanh được thành lập năm 1973 tại Mỹ), với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới). Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng điểm số tự do kinh tế của Heritage Foundation. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm trước, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế.
Còn theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25/02/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, tăng 2,5 điểm, xếp thứ 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là trên 1,4% mỗi năm.
Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Năm 2021, Việt Nam được WIPO xếp thứ 44, nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.
Những kết quả trên đây không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển; khẳng định sự nhất quán và thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp về khát vọng hùng cường, tạo động lực và là động năng mạnh mẽ để giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn, ngày càng trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn.
Một mùa xuân mới đang về! Trên hành trình thực hiện khát vọng hùng cường trong thời gian tới cũng đòi hỏi những nỗ lực mới của Việt Nam về đổi mới tư duy, vượt qua chính mình và đáp ứng đầy đủ hơn các chuẩn mực kinh tế thị trường, các cam kết và thông lệ quốc tế; không ngừng hoàn thiện thể chế phát triển, nhận diện và giải quyết hiệu quả hơn các khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi mạnh mẽ về tất cả các lĩnh vực đời sống trong nước và thế giới; nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh kinh tế, cả vĩ mô và vi mô; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị và cung ứng quốc tế; hướng tới phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân, vươn mình hội nhập, sánh vai với các nước và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới…■
TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội)