Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để phục vụ chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống… bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá cả theo quy định của pháp luật và phù hợp thị trường để kiểm soát, bình ổn giá cả, thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai các công việc cụ thể. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao triển khai các nhiệm vụ sau:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình các thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định thị trường ngoại tệ.
Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về thị trường tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng lành mạnh, bền vững. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng và bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB),…