Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị AFMGM+3
Đồng chủ trì hội nghị là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Aso Taro và Thống đốc NHTW Nhật Bản Kuroda Haruhiko. Đây là hội nghị quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện hợp tác tài chính ASEAN+3 do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì trong năm 2020.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, dù gặp không ít khó khăn, thách thức, cho đến thời điểm này chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN năm nay. Sự thành công của các hội nghị này không chỉ khẳng định vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong những thành công này, ngoài nội lực, chúng ta nhận được nhiều ủng hộ tích cực của bạn bè, đối tác quốc tế. Hội nghị AFMGM+3 với nước đồng chủ trì Nhật Bản cũng vậy. Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9/1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tháng 7/2020, lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 doanh nghiệp từ các điểm cầu tại Nhật Bản và thế giới. Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật nói riêng và thế giới nói chung.
Tính đến ngày 20/8/2020, có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt 19,54 tỷ USD. Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những quốc gia đang dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Cùng với sự đổ bộ của dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh khác nhau có nhu cầu rất đa dạng về các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Dù các nhà đầu tư lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản đã sớm thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều công ty bảo hiểm, ngân hàng Việt Nam; và họ cũng đã có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện và cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để phục vụ doanh nghiệp của mình. Nhưng để mở rộng sản xuất kinh doanh ở nước sở tại, doanh nghiệp nước ngoài cần nhiều hơn thế. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức cho ngân hàng Việt Nam.
Chính vì thế, cùng với việc thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với tập đoàn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các ngân hàng Việt Nam đã, đang tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với doanh nghiệp nước ngoài thông qua tổ chức ngành nghề, hiệp hội.
Trong tuần qua, hôm 17/9/2020, BIDV và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc - Văn phòng Việt Nam (KBIZ-VN) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Sự kiện này mở ra cơ hội hợp tác đầy đủ, mở rộng thị trường của BIDV khi Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc hiện có gần 3,55 triệu thành viên trên toàn thế giới, trong đó KBIZ -VN đang hỗ trợ kết nối hơn 2.000 thành viên (trên tổng số 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam).
Cũng xin nhắc lại hiện BIDV có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lớn nhất là KEB Hana Bank (sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV), còn Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cũng đang nắm giữ 15% cổ phần tại Vietcombank.
Ngoài ra, có rất nhiều ngân hàng Việt Nam khác đã, sẽ ký kết hợp tác đầu tư với các ngân hàng, công ty bảo hiểm của Nhật Bản, Hàn Quốc. Vấn đề đặt ra là sau những bản ký kết, hợp đồng hợp tác đầu tư này chúng ta khai thác và phát triển lợi thế của nước chủ nhà như thế nào cho nhu cầu “am hiểu địa phương” của doanh nghiệp nước ngoài.
Bởi, ngoài những cam kết về cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng, hai bên còn hợp tác trong nhiều hoạt động khác như quảng bá tới các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tư vấn pháp lý, mua bán và sáp nhập; kết nối cung cấp thông tin các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam; thông tin liên quan đến chính sách ngoại hối và lãi suất; hỗ trợ xúc tiến, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước...