Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Tổ Thường trực) đã có phiên họp thứ hai. Ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Tổ phó Tổ Thường trực chủ trì phiên họp. Phiên họp có sự tham dự của các thành viên Tổ Thường trực đến từ NHNN và các bộ, ngành liên quan.
Toàn cảnh phiên họp
Chủ động tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện
Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN, Tổ phó Tổ Thường trực cho biết, thời gian vừa qua, NHNN và các bộ, ngành đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Thông báo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng sau Phiên họp thứ nhất vào tháng 8/2022 về tài chính toàn diện. Phiên họp thứ hai nhằm đánh giá lại những kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực giai đoạn 2021 - 2024 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2025. NHNN mong muốn đại diện các bộ, ngành cập nhật thông tin tại đơn vị trong quá trình thực hiện tài chính toàn diện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất thêm cho các hoạt động của Tổ Thường trực cũng như Ban Chỉ đạo; từ đó, chuẩn bị tốt cho Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng chủ trì vào năm 2025.
Theo báo cáo tại phiên họp, trong giai đoạn 2021 - 2024, Tổ Thường trực về tài chính toàn diện quốc gia đã thực hiện tốt nhiều hoạt động:
Thứ nhất, về công tác triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Thực hiện Quy chế hoạt động, Tổ Thường trực đã chủ động tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; triển khai các hoạt động liên quan khác phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN, Tổ phó Tổ Thường trực (bên phải) chủ trì phiên họp
Thứ hai, tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa về tình hình triển khai tài chính toàn diện: Tổ chức kiểm tra định kỳ hằng năm đối với các đơn vị trong ngành Ngân hàng (bao gồm các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán) trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 của Thống đốc NHNN) nhằm nắm bắt tình hình triển khai Chiến lược; khảo sát thực địa tình hình tiếp cận những dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp tại các địa phương (tập trung vào các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc…).
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổ Thường trực đã tham mưu cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (NHNN) có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; đồng thời, giao các đơn vị chức năng nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo/tọa đàm liên quan đến tài chính toàn diện: Tổ Thường trực đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, hội thảo/tọa đàm với các chủ đề liên quan đến tài chính toàn diện phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó các hoạt động cụ thể đã được triển khai như: Nghiên cứu biên soạn các sách chuyên khảo nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về tài chính toàn diện; triển khai các chuyên đề nghiên cứu, các hội thảo/tọa đàm liên quan để nhận diện những khó khăn, vướng mắc và đưa ra đề xuất các giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện.
Thứ tư, triển khai các chương trình truyền thông, đào tạo, nâng cao hiểu biết về tài chính toàn diện. Theo đó, hoạt động truyền thông tập trung vào những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm như các cơ chế, chính sách mới của ngành Ngân hàng; thông tin về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; các kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đảm bảo an toàn, bảo mật. Hoạt động truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” trên VTV3, chuyên mục “Đồng tiền thông thái” trong chương trình “Chào buổi sáng” trên VTV1…
Thứ năm, huy động các nguồn lực triển khai tài chính toàn diện: (i) Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; (ii) Hợp tác với các tổ chức quốc tế như với Nhóm Ngân hàng Thế giới; Tổ chức quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK); (iii) Hợp tác song phương.
Các chương trình, dự án hỗ trợ cho những hoạt động về tài chính toàn diện mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, Tổ Thường trực về Tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2021 - 2024 cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đó là: (i) Còn hạn chế về nguồn lực để có thể tác động ở quy mô lớn hơn với hiệu quả cao hơn tới đối tượng thụ hưởng cuối cùng của tài chính toàn diện; (ii) Trong quá trình phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, một số đơn vị còn chưa thực sự chủ động cũng như bố trí nguồn nhân lực phù hợp, do đó, ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các hoạt động.
Khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp được nâng cao
Báo cáo về tình hình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2023, ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, Tổ phó Tổ Thường trực cho biết: Đã có 11/12 cơ quan ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; về cơ bản, Kế hoạch hành động của các bộ, cơ quan trên đã bám sát những nhiệm vụ được phân công tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và phân công cụ thể đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp thực hiện. Đã có 63/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch hành động; Kế hoạch hành động của các địa phương đã bám sát các nhiệm vụ quy định tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tập trung vào việc phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng, củng cố hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính...
Ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, Tổ phó Tổ Thường trực phát biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện được tiếp tục hoàn thiện như ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Căn cước; Luật Giao dịch điện tử; nhiều dự thảo nghị định cũng đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng.
Đồng thời, hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính được rà soát, sắp xếp lại và phát triển hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng/100.000 người trưởng thành đạt 17,57%.
Theo ông Phạm Minh Tú, với những nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể. Theo đó, đến cuối năm 2023, số lượng ATM và POS đạt lần lượt 20.961 và 537.502 máy; đến tháng 6/2024, có 11.885 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile-Money được thiết lập và 275.575 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile-Money. Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, chất lượng dịch vụ thanh toán không ngừng được cải thiện. So với cùng kỳ năm 2022, năm 2023 số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân tăng 21,8%, đạt 182,88 triệu tài khoản; thanh toán qua thẻ, Internet, điện thoại di động cũng tăng tương ứng 11,6%, 54,77%, 59,86% về số lượng và 17,72%, 6,50%, 12,73% về giá trị giao dịch. Thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng được thúc đẩy và mở rộng với sự triển khai quyết liệt nhiều giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan. Đến cuối năm 2023, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,294 triệu tỉ đồng, tăng 11,56% so với năm 2022, chiếm 24,29% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ đề ra.
Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu tham dự nhất trí cao về nội dung kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực, về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2023. Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo đạt được những mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần quan tâm thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, rà soát việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại Kế hoạch hành động của bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình; nhận diện những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục.
Hai là, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tạo điều kiện cho cán bộ đã cử tham gia đầy đủ các hoạt động của Tổ Thường trực để hoàn thành và phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan, đơn vị mình theo những nhiệm vụ được phân công.
Ba là, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và phối hợp cung cấp các số liệu liên quan để tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ, sơ kết kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các hoạt động liên quan về tài chính toàn diện.
Bốn là, tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Đức Thuận