Theo ông Đoàn Văn Thắng – Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), năm 2018 VAMC đưa ra mục tiêu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) từ 27-32.000 tỷ đồng giá trị TPĐB; mua bán nợ theo giá thị trường 3.500 tỷ đồng. Với thu hồi nợ, dự kiến VAMC thu khoảng 24.890 tỷ đồng. Để triển khai các kế hoạch trên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xử lý nợ xấu (XLNX), VAMC đã đưa ra 6 nhóm giải pháp trong thời gian tới.
Năm 2018, dự kiến VAMC thu hồi nợ khoảng 24.890 tỷ đồng
Nhóm giải pháp thứ nhất là đẩy mạnh công tác mua nợ bằng TPĐB, mua nợ theo giá thị trường: Trình NHNN bổ sung vốn điều lệ, đồng thời xây dựng phương án phát hành trái phiếu để mua nợ thị trường theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) và Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 để tạo nguồn vốn triển khai hiệu quả mua nọ theo giá thị trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng TPĐB, các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua, để có cơ sở đề xuất VAMC thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường.
Thứ hai, nhóm giải pháp xử lý nợ. VAMC sẽ tiếp tục triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; Tiếp tục thực hiện bán đấu giá một số khoản nợ, tài sản bảo đảm đang triển khai, trong đó, thực hiện đấu giá thành công tài sản bảo đảm cho khoản nợ của nhóm khách hàng Công ty CP Sài Gòn One Tower; Tập trung rà soát, phân tích, đánh giá thực trạng và phân loại khách hàng, khoản nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có phương án xử lý nợ phù hợp.
VAMC bám sát quá trình khởi kiện/thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho TCTD thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xử lý các trường hợp thi hành án kéo dài; Tích cực đôn đốc, làm việc với khách hàng để yêu cầu, đôn đốc khách hàng trả nợ; Phối hợp với các TCTD thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; Theo dõi đôn đốc các TCTD thu nợ, xử lý TSBĐ mà VAMC đã ủy quyền.
Thứ ba, giải pháp hoàn thiện mô hình hoạt động của VAMC. Lãnh đạo VAMC cho biết, sau khi được NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động và Điều lệ mới, VAMC sẽ kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác mua, bán và xử lý nợ xấu, đồng thời phát triển đầy đủ các nghiệp vụ sẽ được triển khai trong thời gian tới , đặc biệt đẩy mạnh việc tự bán đấu giá tài sản cả VAMC; Tiếp tục trình NHNN xem xét bổ sung đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 1058/QĐ-TTg bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo đủ nguồn lực cần thiết để VAMC có thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả; bảo toàn và khai thác các nguồn lực được cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ để phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động. Tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các TCTD liên quan đến hoạt động ủy quyền; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với khách hàng vay và TSBĐ của các khoản nợ đã mua.
Thứ năm, nhóm giải pháp triển khai các nghiệp vụ mới gồm: Hoàn thiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan đến các nghiệp vụ bảo lãnh, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, đầu tư, khai thác, sửa chữa cho thuê tài sản bảo đảm, tư vấn môi giới… làm cơ sở triển khai thực hiện. Tổ chức đào tạo, mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực VAMC dự kiến triển khai để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, các quy định pháp luật cho các cán bộ nhân viên để triển khai các quy trình, nghiệp vụ mới.
Thứ sáu và cũng là nhóm giải pháp cuối cùng, VAMC tập trung vào hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trong đó, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, VAMC đề nghị các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đang dở dang. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.
Đồng thời, VAMC đề nghị thành lập Tổ công tác liên ngành về XLNX theo Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với XLNX đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1058.
Theo thoibaonganhang.vn