Ngày 06/10/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Vai trò của tổ chức tín dụng trong hỗ trợ phát triển bền vững” .
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía NHNN có ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN - Chủ trì Hội thảo; bà Đào Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cùng đại diện một số vụ, cục thuộc NHNN. Về phía các tổ chức quốc tế có ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Eugene Wong, Giám đốc Viện Tài chính bền vững châu Á (SFIA) cùng một số các nhà kinh tế học và chuyên gia trong lĩnh vực này. Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tổng công ty cổ phần; các ngân hàng thương mại; thành viên Nhóm Công tác ngân hàng…
Mục tiêu của Hội thảo là nêu bật vai trò của các tổ chức tài chính trong việc huy động các nguồn lực tài chính trong nước để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức phát hành trái phiếu bền vững hiện có cũng như sự ưa thích của các nhà đầu tư đối với các khoản đầu tư xanh và tìm hiểu cách thức các đối tác phát triển có thể hỗ trợ sự phát triển tài chính bền vững của Việt Nam.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực lên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những biểu hiện, như: lũ lụt bất thường, hạn hán, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao... những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đánh giá của ADB, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Chỉ riêng trong năm 2022, Việt Nam đã mất 10% tổng thu nhập quốc dân do tác động của biến đổi khí hậu, thuộc loại cao nhất tại châu Á.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 sẽ tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN nhận định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Phó Thống đốc cho biết, ngay sau Hội nghị COP26, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong đó có NHNN.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tích cực triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh; đồng thời ban hành nhiều văn bản khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh, các ngành và lĩnh vực thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải nhà kính; triển khai các gói giải pháp quản lý, giám sát rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thực tế hiện nay, nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, trong khi đó, dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định. Vì vậy, cần tiếp tục khơi thông các nguồn vốn khác bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh. Vì vậy, cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh để đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh. Phó Thống đốc khẳng định, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh như đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho biết, thời gian qua, ADB đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống tài chính hiệu quả cho tài chính xanh, hỗ trợ xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc phát hành trái phiếu xanh. Thực tế cho thấy, Việt Nam cần huy động rất nhiều nguồn vốn để có thể đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Vì vậy, trong thời gian tới, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam, kết hợp chặt chẽ với NHNN và các bên liên quan tham gia thị trường tài chính xanh để hỗ trợ sự phát triển của thị trường này.
Bà Đào Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, Việt Nam đã được xếp vào nhóm thứ hai các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020 - 2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN). Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs.
Quang cảnh Hội thảo
Đối với ngành Ngân hàng, trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng cũng đã có những định hướng nhất định trong hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do: Thứ nhất, chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới; thứ hai, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng; thứ ba, những vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường; thứ tư, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng gặp khó trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) cho rằng, hiện trái phiếu xanh đang là một xu hướng trong dòng chảy tài chính xanh. Bài học kinh nghiệm của EVNFinance từ việc phát hành trái phiếu xanh đó là cần xây dựng bộ công cụ, tài liệu đánh giá về môi trường xã hội gồm: Chính sách môi trường xã hội; khung trái phiếu xanh; hệ thống quản lý môi trường - xã hội và báo cáo ESG. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức có uy tín và kinh nghiệp trong phát triển xanh và bền vững. Vừa qua, EVNFinance đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, được bảo lãnh một phần bởi Công ty Dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia GuarantCo. Đây là lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, để phát huy vai trò của các tổ chức tín dụng trong hỗ trợ phát triển bền vững trong thời gian tới, Việt Nam cần phải: Một là, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; hai là, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; ba là, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo thêm kênh huy động vốn để các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
Minh Anh