Ngày 02/6/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý dữ liệu trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có đại diện, lãnh đạo của các vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN): CIC, Viện Chiến lược ngân hàng, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin; đại diện của một số tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội; các chuyên gia đến từ Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Huy Thắng, Phó Tổng Giám đốc CIC cho biết: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang đến những thay đổi toàn diện trong mọi mặt của cuộc sống. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) là những xu hướng trọng tâm, nổi bật, đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã đặt ra các mục tiêu nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.
Với vai trò là đầu mối trong hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) của NHNN, CIC luôn phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, khẳng định vai trò là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia. CIC luôn chủ động tìm kiếm các công nghệ mới để đảm bảo xây dựng được kho dữ liệu TTTD đầy đủ, thống nhất, chất lượng cao. Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ của NHNN với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý dữ liệu trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam” đã được giao cho CIC thực hiện. Việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là ứng dụng học máy trong việc xây dựng giải pháp xử lý dữ liệu trong hoạt động TTTD với độ chính xác cao, khắc phục những nhược điểm của giải pháp hiện tại là một yêu cầu thiết yếu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, giao lưu, chia sẻ về các nội dung như: Ứng dụng học máy vào xử lý dữ liệu trong hoạt động TTTD tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp; Xây dựng hệ thống thử nghiệm xử lý dữ liệu trong hoạt động TTTD có ứng dụng học máy tại CIC; Ứng dụng học máy trong hoạt động của ngân hàng thương mại; Sử dụng tri thức TTTD trong việc khuyến nghị người vay; Ứng dụng học máy chấm điểm tín dụng khách hàng lẻ.
Nhằm phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý dữ liệu trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp, kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ bổ sung các chỉ tiêu cụ thể hoặc yêu cầu các ngành thực hiện đăng ký kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển ứng dụng học máy; Thứ hai, đề nghị NHNN bổ sung, hoàn thiện các quy định về ứng dụng công nghệ mới đối với các đơn vị hoạt động TTTD, đặc biệt là giao nhiệm vụ/điều kiện về việc triển khai ứng dụng học máy; Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng học máy trong hoạt động TTTD; Xây dựng chỉ số đánh giá mức độ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức hoạt động TTTD; Thứ ba, đối với các tổ chức hoạt động TTTD, để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng học máy vào xử lý dữ liệu TTTD, các tổ chức này cần sớm thực hiện: Chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, đánh giá ứng dụng học máy vào các quy trình nghiệp vụ hiện có; xây dựng chiến lược phát triển, lấy việc ứng dụng khoa học công nghệ là trung tâm; xây dựng cơ sở dữ liệu thử nghiệm triển khai ứng dụng học máy.
ĐT