Thế giới đang chuyển động không ngừng trong kỷ nguyên công nghệ số, trong đó những tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã làm thay đổi sâu sắc tới cuộc sống của mỗi cá nhân và môi trường kinh doanh.
Chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam và là nội dung chính trong báo cáo “Ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam khi lấy khách hàng làm cốt lõi” được Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) phát hành vào cuối tháng 6/2021. ThS. Đào Trung Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số, ThS. Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược, TS. Ngô Ngọc Quang - Chuyên gia tài chính tham gia phân tích và bổ sung khuyến nghị vào Báo cáo.
Để chuyển đổi số, các chuyên gia khẳng định ngân hàng sẽ phải trải qua ba giai đoạn chính trong tiến trình phát triển và buộc phải lựa chọn các hình thái hoạt động phù hợp với chiến lược và định hướng. Trước tiên, các ngân hàng cần đánh giá mức độ sẵn sàng số (Digital Readiness Assessment) và tập trung cho 6 yếu tố then chốt để xây dựng thành công ngân hàng số: (1) Tập trung vào việc mang lại giá trị cho các phân khúc khách hàng khác nhau; (2) Thường xuyên thử nghiệm để cải thiện trải nghiệm khách hàng; (3) Tổ chức hoạt động hướng tới tính sáng tạo, linh hoạt và tốc độ; (4) Tạo một hệ sinh thái để hợp tác; (5) Xây dựng mô hình hoạt động công nghệ thông tin hai tốc độ; (6) Sáng tạo với việc tiếp thị. Đây cũng là 6 yếu tố mà Hãng tư vấn McKinsey đưa vào định hướng phát triển số của nhiều đối tác chiến lược, được phân tích rõ trong Chương 4 - Chuyển đổi số ngân hàng để phát triển ngân hàng số của Báo cáo.
Xác định công nghệ là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), lập trình ứng dụng (API); Vấn đề an toàn bảo mật, quy định quản lý dữ liệu và Chuỗi khối (Blockchain), coi đây là những công nghệ cần được các ngân hàng chú trọng ưu tiên đầu tư trong chiến lược trở thành một ngân hàng số.
Trong báo cáo, các chuyên gia cũng tổng kết bài học từ các mô hình chuyển đổi số thành công của các ngân hàng châu Á và châu Âu cùng với những nền tảng pháp lý hỗ trợ việc chuyển đổi số từ các quốc gia đi trước. Có thể thấy, các ngân hàng trước đó triển khai chuyển đổi số theo 3 cấp độ từ thấp đến cao: số hóa về giao diện, số hóa theo module và các ngân hàng có bản chất số. Ngoài ra, vấn đề về hành lang pháp lý của quốc gia cũng được đề cập và đóng vai trò quan trọng trong thành công trong chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Tại Việt Nam, việc chuyển đổi số đang là chiến lược phát triển mạnh, kèm với hạ tầng số được đầu tư, nhưng mức độ số hóa của các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì thế, việc lựa chọn phương thức chuyển đổi số đi kèm với một hành lang pháp lý hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam sớm bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Nhấn mạnh tại cuối Báo cáo, các chuyên gia khẳng định một ngân hàng số thành công chỉ khi họ xác định được khái niệm về khách hàng và chăm sóc khách hàng trong kỷ nguyên số, xây dựng được cộng đồng và đặt trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Định hướng này đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, từ đó, ngân hàng buộc phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới, từ chuyển đổi mô hình kinh doanh, trải nghiệm khách hàng, hệ thống sản phẩm/dịch vụ, tái cấu trúc tổ chức, hình thành bộ phận nhiệm vụ mới, trung tâm công nghệ,…
TM