Sáng 27/12/2017 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp với Chủ nhiệm dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ “Giải pháp phát triển nghiệp vụ bao thanh toán ở Việt Nam” tổ chức Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào thực tế.
Quang cảnh Hội thảo
Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược Ngân hàng, các thành viên Nhóm thực hiện Dự án, một số Vụ, Cục đơn vị thuộc NHNN, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, các cán bộ nghiệp vụ ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động bao thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tính đến thời điểm nghiên cứu là 2015, dự án tìm ra những nguyên nhân khiến hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam chưa phát triển. Từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển an toàn, hiệu quả hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam, đặc biệt là giải pháp điều chỉnh các quy định liên quan.
Bao thanh toán là dịch vụ tài chính trọn gói của công ty tài chính, ngân hàng (đơn vị bao thanh toán) cho bên bán hàng căn cứ trên giá trị khoản phải thu của bên bán hàng phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên mua hàng và bên bán hàng (Theo Công ước Unidroit 1998, Hiệp hội FCI và GRIF).
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng, Chủ nhiệm Dự án trình bày kết quả nghiên cứu
Đơn vị bao thanh toán sẽ thực hiện kết hợp 04 (hoặc ít nhất 02) chức năng: Cấp tín dụng (ứng trước) dựa trên khoản phải thu; Quản lý, theo dõi sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản phải thu; Thu nợ của các khoản phải thu; Quản lý rủi ro tín dụng, phòng ngừa rủi ro nợ xấu.
Bao thanh toán có các hình thức: (i) Bao thanh toán truyền thống hay còn gọi là bao thanh toán bên bán và bao thanh toán ngược hay còn gọi là bao thanh toán bên mua; (ii) Bao thanh toán trong nước và bao thanh toán xuất nhập khẩu; (iii) Bao thanh toán có bảo lưu quyền truy đòi và bao thanh toán miễn truy đòi.
Tại Việt Nam: (i) Bao thanh toán chưa phải là hình thức cấp tín dụng phổ biến và được sử dụng rộng rãi, có 31/109 TCTD ban hành quy trình thực hiện hoạt động bao thanh toán, 18/31 tổ chức phát sinh nghiệp vụ bao thanh toán; (ii) Doanh số bao thanh toán đã có sự tăng trưởng ổn định nhưng quy mô thị trường còn rất nhỏ dù tốc độ tăng trưởng khá tốt so với các nước trong khu vực; (iii) Tốc độ tăng trưởng của khối ngân hàng ngoại lớn hơn tốc độ tăng trưởng của khối ngân hàng nội; (iv) Quy mô hoạt động bao thanh toán của khối ngân hàng ngoại nhỏ hơn nhiều khối ngân hàng nội; (v) Doanh số bao thanh toán bên bán hàng chiếm phần lớn tổng doanh số bao thanh toán; (vi) Doanh số bao thanh toán xuất nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bao thanh toán.
Nguyên nhân dẫn đến hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam chưa phát triển:
Thứ nhất, từ cơ chế chính sách: (i) Sự không thống nhất giữa khái niệm bao thanh toán tại Viêt Nam và thông lệ quốc tế dẫn đến hạn chế phạm vi của hoạt động bao thanh toán, cụ thể ở Việt Nam, bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo thông lệ quốc tế, bao thanh toán là một dịch vụ tài chính trọn gói nhằm thực hiện 1 hoặc 2 trong 4 chức năng (Cấp tín dụng - ứng trước – dựa trên khoản phải thu; Quản lý, theo dõi sổ sách hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản phải thu; Thu nợ; và quản lý rủi ro tín dụng, phòng ngừa rủi ro nợ xấu); (ii) Quy định hiện hành khiến hoạt động bao thanh toán khó thực hiện
Thứ hai, từ phía các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Có 36,1% TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa phát sinh nhu cầu cung cấp dịch vụ bao thanh toán; 37,5% TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa có đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và điều kiện để triển khai hoạt động bao thanh toán; 40,3 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho rằng tài sản đảm bảo vẫn có vai trò quan trọng quyết định việc khách hàng tiếp cận dịch vụ bao thanh toán – điều này làm triệt tiêu ưu điểm của hoạt động bao thanh toán; Phần lớn các TCTD chưa đủ khả năng cung cấp hoạt động bao thanh toán quốc tế.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam và một số giải pháp đã được ứng dụng về cơ chế, chính sách của NHNN: Ngày 17/5/2017, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-NHNN quy định về hoạt động bao thanh toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng không còn phù hợp. Đẩy nhanh quá trình cấp đổi Giấy phép hoạt động ngoại hối để cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động bao thanh toán bằng ngoại tệ bằng việc NHNN đã ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2004/TT-NHNN. Trong thời gian qua, NHNN đã đẩy nhanh quá trình cấp đổi giấy phép hoạt động ngoại hối cho các NHTM có nhu cầu để thực hiện hoạt động bao thanh toán bằng ngoại tệ.
Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được chú trọng phát triển tại Việt Nam. Trải qua trên 10 năm thực hiện, doanh số bao thanh toán của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, với các giải pháp cụ thể, khả thi được xây dựng trên cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam.
Theo sbv.gov.vn