Hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân định danh điện tử sẽ định danh được cá nhân tham gia quá trình vay vốn, giúp ngân hàng tổng hợp, đánh giá, nhận định chính xác về khách hàng, từ đó đẩy nhanh quá trình giải ngân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống. Đây cũng là tiền đề để giải quyết triệt để vấn đề tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung và tín dụng đen nói riêng. Vì thế, thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục phối hợp với cơ quan công an tiến hành xác thực, làm sạch toàn bộ thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hiện nay, dư nợ tín dụng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, cho thấy nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống là rất cao. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), việc hoàn thiện và ban hành chính sách quản lý nhà nước để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ, sản phẩm tín dụng tiêu dùng tới khách hàng một cách an toàn, hiệu quả là rất cần thiết.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu đời sống
Thời gian qua, NHNN đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với hoạt động của từng loại hình TCTD, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng, từ đó mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Ngày 30/12/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) để hướng dẫn hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Đồng thời, NHNN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile-Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt), tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, mở rộng tín dụng tiêu dùng. Ngày 28/6/2023, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN bổ sung các quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng với thời gian và thủ tục nhanh gọn hơn.
Ngày 28/6/2024, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư số 12/2024/TT-NHNN) quy định về khoản cho vay có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, không bắt buộc khách hàng phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng hơn, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen.
Ngoài ra, Thống đốc NHNN đã ban hành quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN); quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng của các TCTD (Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng).
NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, NHNN cũng khuyến khích các TCTD tích cực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn; triển khai các giải pháp theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có giải pháp ứng dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, trong đó truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh tín dụng đen.
Mặc dù ngành Ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, qua theo dõi, hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng; một số tổ chức “núp bóng” công ty tài chính để cho vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ” và đòi nợ kiểu xã hội đen đã ảnh hưởng đến uy tín của các công ty tài chính được NHNN cấp phép. Về phía người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận đầy đủ về mặt thông tin do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là trên môi trường mạng, với phương thức thủ đoạn thay đổi, cập nhật hằng ngày, áp dụng công nghệ hiện đại, thủ đoạn tinh vi, khó truy vết so với cách thức phạm tội truyền thống trước đây. Vì vậy, việc đối sánh, làm sạch dữ liệu với ngân hàng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý tài khoản, xóa bỏ tài khoản ảo, tài khoản không có thật.
Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng
Thời gian tới, để thúc đẩy cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, cần những giải pháp đồng bộ như sau:
Về phía NHNN
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng và hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng; cần có những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ cụ thể hơn và nâng cao hơn đối với những cá nhân, tổ chức tham gia việc thẩm định các khoản vay cũng như là về tài sản đảm bảo.
Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các TCTD phối hợp với C06, Bộ Công an xác thực, làm sạch toàn bộ thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chỉ đạo các TCTD sử dụng các giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử khi giao dịch tại quầy, định danh mở tài khoản trên mobile, tiến tới ứng dụng định danh và xác thực điện tử trong các giao dịch của ngành Ngân hàng; chỉ đạo các TCTD phối hợp với C06, Bộ Công an sử dụng giải pháp đánh giá khả tín trên nền tảng dữ liệu dân cư đa chiều, giảm thiểu các thủ tục trong quy trình cho vay tại các ngân hàng để người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, từ đó đẩy lùi thực trạng về tín dụng đen (đặc biệt là với các gói chính sách hỗ trợ giải ngân cho các nhóm người yếu thế trong xã hội...)
Về phía các TCTD
Thứ nhất, cần tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất hợp lý.
Thứ hai, tăng cường chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục cho vay và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đẩy mạnh các giải pháp để ứng dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Về phía các bộ, ngành liên quan
C06, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông đối sánh, làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng, tài khoản sim điện thoại trên toàn quốc - đây là những loại hình dịch vụ được các đối tượng phạm tội, đặc biệt là lừa đảo qua mạng; tổ chức đánh bạc, đánh bạc online; hoạt động “tín dụng đen” sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội. Việc đối sánh dữ liệu, làm sạch dữ liệu đã cung cấp cho hệ thống ngân hàng và các nhà mạng thông tin các tài khoản “ảo”, sim “rác”, loại bỏ khỏi hệ thống, làm giảm một cách đáng kể các tài khoản sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng làm sạch 100% dữ liệu thông tin tín dụng, đồng bộ mã số định danh và mã số tín dụng; chuyển dữ liệu nghi vấn, giả mạo để phối hợp xử lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giảm tình trạng lừa đảo, giả mạo trong hoạt động tín dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý tất cả các ứng dụng liên quan đến hoạt động cho vay trên môi trường điện tử; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và NHNN định danh các cá nhân, doanh nghiệp này, đồng thời có cơ chế phối hợp xử lý ngay khi các đối tượng phát sinh hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Thông tư số 12/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thanh Thúy (Hà Nội)