Ngày 12/7/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC Việt Nam) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố (RT/TTKB), thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía NHNN, có ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH), Cơ quan TTGSNH; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN. Về phía PwC, có bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam; bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam; ông Hiran Cabraal - Giám đốc, chuyên gia cao cấp về quản trị rủi ro tội phạm tài chính, PwC Việt Nam (diễn giả online); ông Michael Sprake - Giám đốc, chuyên gia cao cấp về điều tra tội phạm tài chính, PwC Malaysia (diễn giả online). Tới tham dự Hội thảo còn có bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện lãnh đạo, cán bộ từ Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Bộ Tài chính; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM)…
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, qua gần 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) 2012, công tác PCRT cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế và yêu cầu thực tiễn triển khai công tác PCRT, Luật PCRT 2012 bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ; đặc biệt là chưa hoàn toàn đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về PCRT cũng như chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, triển khai công tác PCRT hiện nay. Những vấn đề này đã đặt ra yêu cầu cần thiết đối với công tác PCRT bao gồm việc rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PCRT.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, tại báo cáo đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) được thông qua vào tháng 11/2019 và công khai vào tháng 02/2022, APG nhận định quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại 40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), trong đó có các thiếu hụt về đánh giá rủi ro về RT/TTKB, thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi. Do vậy, thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội Khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo Luật PCRT sửa đổi để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục các thiếu hụt đã được APG chỉ ra và một trong những nội dung trọng yếu trong sửa đổi, bổ sung Luật PCRT lần này là sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến đánh giá rủi ro về RT/TTKB, thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng mong muốn, các đại biểu sẽ tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về các chủ đề tại Hội thảo và có tiếng nói ủng hộ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, Phó Thống đốc tin tưởng rằng, các nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ rất thiết thực cho NHNN trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện Luật PCRT, cũng như nâng cao hiểu biết cho tất cả các đại biểu tham dự Hội thảo.
Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp chuyên đề năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 và Nghị quyết 01/NQ-CP, NHNN đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng Luật PCRT sửa đổi theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật PCRT sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp. Ngày 20/6/2022, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định dự thảo Luật PCRT sửa đổi.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cung cấp thông tin, kiến thức cho các đại biểu về các yêu cầu khuyến nghị của FATF, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các quy định có liên quan tại dự thảo Luật PCRT sửa đổi gồm: (i) Đánh giá rủi ro về rửa tiền, minh bạch thông tin về thỏa thuận pháp lý, chủ sở hữu hưởng lợi; (ii) Kinh nghiệm quốc tế đối với những vấn đề này. Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình đào tạo, hội thảo phục vụ quá trình soạn thảo, xây dựng Luật PCRT sửa đổi do NHNN đầu mối thực hiện.
Hội thảo đã tập trung, thảo luận các nội dung chính sau: (i) Chuẩn mực quốc tế về đánh giá rủi ro về RT/TTKB và quá trình triển khai quy định này tại Việt Nam; (ii) Giới thiệu thỏa thuận pháp lý từ góc độ rủi ro về RT/TTKB; (iii) Tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác quản lý rủi ro RT/TTKB liên quan đến thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi; (iv) Chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý và giám sát rủi ro RT/TTKB có liên quan đến thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, chủ đề Hội thảo là vấn đề thời sự mà nhiều NHTM quan tâm và luôn mong muốn nhận được tư vấn. Việc xác định ai là chủ sở hữu hưởng lợi, họ có ảnh hưởng thế nào tới hoạt động RT/TTKB là câu hỏi khó. Ở một số nước như Malta, Gibraltar, Síp… (những quốc gia offshore) có hoạt động về ủy thác rất tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý chuẩn mực về hoạt động ủy thác. PwC sẵn sàng phối hợp với NHNN xây dựng khung khổ pháp lý về RT/TTKB.
Trình bày tham luận Chuẩn mực quốc tế về đánh giá rủi ro về RT/TTKB và quá trình triển khai quy định này tại Việt Nam tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục PCRT, Cơ quan TTGSNH, NHNN nêu một số khuyến nghị của FATF, trong đó nhấn mạnh Khuyến nghị số 1: Đánh giá rủi ro và phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro. Theo bà Thơ, đây được coi là khuyến nghị nền tảng cho RT/TTKB. Theo đó, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp, bao gồm chỉ định cơ quan có thẩm quyền hoặc thiết lập cơ chế nhằm phối hợp các hành động để đánh giá rủi ro và sử dụng các nguồn lực nhằm đảm bảo rủi ro được quản lý một cách hiệu quả. Các quốc gia cần áp dụng phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi ro nhằm đảm bảo các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu RT/TTKB phù hợp với rủi ro được xác định. Pháp luật tại Việt Nam về đánh giá rủi ro rửa tiền thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật PCRT, NHNN có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền tại Việt Nam; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch quốc gia về PCRT. Về đánh giá rủi ro quốc gia về RT/TTKB (NRA) lần 1, kết quả cho thấy, ngành Ngân hàng là ngành có nguy cơ rửa tiền cao, mức độ dễ bị tổn thương về rửa tiền thuộc mức trung bình cao và mức độ rủi ro rửa tiền ở mức cao. Về rủi ro TTKB, ở cấp độ quốc gia, Việt Nam là nước có nguy cơ TTKB thấp và mức độ tổn thương quốc gia về TTKB thấp. Bà Thơ cho biết thêm, APG nhận xét “các kết luận trong báo cáo NRA lần 1 của Việt Nam là hợp lý dù đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành thực hiện NRA. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hiểu biết về các rủi ro RT/TTKB của mình qua việc thực hiện các đánh giá bổ sung”. Khi triển khai NRA lần 2, thành viên Ban điều phối là đại diện của 13 cơ quan bộ, ngành. Có một sự thay đổi rõ rệt so với NRA lần 1 là, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành thuộc phạm vi quản lý, phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về rửa tiền trong nội bộ ngành mình đến các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định.
Trình bày tham luận “Thỏa thuận pháp lý trong bối cảnh về RT/TTKB” tại Hội thảo, ông Michael Sprake - Giám đốc, chuyên gia cao cấp về điều tra tội phạm tài chính, PwC Malaysia giải thích một số thuật ngữ như: Thỏa thuận pháp lý, ủy thác, ủy thác nhanh, người được ủy thác. Về bản chất, các ủy thác và thỏa thuận pháp lý tương tự cho phép phân tách quyền sở hữu về mặt pháp lý khỏi quyền sở hữu hưởng lợi. Điều này đặt ra một loạt các thách thức đối với các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ đang tìm cách xác định chủ sở hữu hưởng lợi. Rủi ro về tội phạm tài chính do lạm dụng ủy thác tăng lên đáng kể khi một số đối tượng tham gia ủy thác cũng đồng thời là thể nhân hoặc một pháp nhân, hoặc khi ủy thác được thành lập tại các vùng, lãnh thổ nước ngoài nơi có ưu đãi giảm hoặc miễn thuế.
Toàn cảnh Hội thảo
Với tham luận có tiêu đề “Tính minh bạch về chủ sở hữu hưởng lợi”, diễn giả Hiran Cabraal - Giám đốc, chuyên gia cao cấp về quản trị rủi ro tội phạm tài chính, PwC Việt Nam nêu một số thách thức mà các quốc gia thường phải đối mặt, đó là: (i) Chưa thực hiện đánh giá rủi ro đầy đủ về khả năng lợi dụng các pháp nhân cho mục đích RT/TTKB; (ii) Chưa đủ các biện pháp để đảm bảo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được cập nhật kịp thời và chính xác; (iii) Chưa đủ cơ chế để đảm bảo các cơ quan có thẩm quyền có thể tiếp cận kịp thời các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; (iv) Chưa đủ biện pháp xử lý các rủi ro liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với cổ phiếu vô danh và các thỏa thuận về cổ đông danh nghĩa; (v) Thiếu các biện pháp trừng phạt hiệu quả, tương xứng và có tính thuyết phục đối với các công ty không cung cấp thông tin chủ sở hữu hưởng lợi một cách chính xác và cập nhật; (vi) Chưa đủ cơ chế để giám sát chất lượng hỗ trợ nhận từ các quốc gia khác. Tham luận nhấn mạnh, nhận diện và đánh giá chủ sở hữu hưởng lợi là một trong các yếu tố quan trọng trong công tác thẩm định khách hàng, nhằm xác định các thể nhân thực sự nắm quyền sở hữu và sử dụng vốn hoặc tài sản của pháp nhân cũng như các thể nhân thực sự nắm quyền chi phối (cho dù họ có đảm nhiệm vị trí chính thức trong pháp nhân đó hay không) thay vì chỉ là những vấn đề thể nhân hay pháp nhân hợp pháp (trên giấy tờ) được chi phối. Theo đó, nhận diện và đánh giá chủ sở hữu hưởng lợi là rất quan trọng vì các tội phạm có thể sử dụng các công ty có cấu trúc phức tạp và các bên liên quan để che giấu danh tính thực sự hoặc sự liên quan của họ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự và các diễn giả đã có những trao đổi/chia sẻ thông tin về các vấn đề có liên quan tới chủ đề Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng có chung quan điểm rằng, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ngành để chia sẻ thông tin với những cách tiếp cận phù hợp, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý.
QA