Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, Nhà nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, về đạo đức của người thầy giáo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chính vì vậy, việc học tập, nghiên cứu và vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, về vai trò người thầy để bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo của nước nhà ngày càng trở nên có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Đối với sự phát triển giáo dục nước nhà, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy giáo là lực lượng có vai trò then chốt, là “những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nhân cách, phẩm chất và năng lực của người thầy giáo có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách, phẩm chất và năng lực của học trò. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thầy giáo là người đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của mình truyền đạt cho người học, làm cho người học phát huy được năng lực của bản thân, phát triển các mặt “đức”, “trí”, “thể”, “mỹ” để trở thành người lao động chân chính. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giữa vai trò và nhiệm vụ của người thầy có mối quan hệ mật thiết, không tách rời nhau. Vai trò quan trọng của người thầy trong xã hội được thể hiện qua nhiệm vụ họ đảm nhận. Người thầy đảm nhận tốt nhiệm vụ được giao là sự khẳng định vị trí, vai trò của họ trong xã hội.
Mục đích của giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ thu hẹp trong dạy tri thức, nâng cao trình độ học vấn mà nội dung cơ bản của giáo dục là phải đào tạo ra những con người xây dựng chủ nghĩa xã hội có “đức” và có “tài”. Theo Người, muốn xây dựng và hoàn thiện con người toàn diện, thì nội dung của ngành Giáo dục phải chú trọng cả “dạy chữ” và “dạy người”. Mục đích, nội dung học tập trong xã hội mới, ngoài yêu cầu trang bị tri thức về văn hóa, khoa học, xã hội… còn phải nhấn mạnh việc rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân; yêu và trọng lao động; giữ gìn kỷ luật, bảo vệ của công… Nghĩa là, trong giáo dục phải chú trọng toàn diện; đạo đức cách mạng; giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”1; “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, mà làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội được”2. Từ việc đánh giá cao vai trò của người thầy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho người thầy nhiệm vụ to lớn là chăm lo sự nghiệp “trồng người”, dạy dỗ con em nhân dân lao động trở thành công dân có ích cho Tổ quốc. Người viết: “Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính phủ giao cho các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú”3. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, gắn liền với sự nghiệp của những người làm thầy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt người thầy ở vị trí cao quý và cũng yêu cầu ở các thầy, cô giáo một trách nhiệm rất nặng nề. Một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Ngược lại, một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”4. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, trước hết, người thầy phải trở thành tấm gương sáng, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức. Người nhấn mạnh: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng”5. Người nhấn mạnh đến vai trò đạo đức của người thầy, song không tuyệt đối hóa mặt đạo đức, coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa “đức” và “tài”, “hồng” và “chuyên”, phẩm chất và năng lực của người thầy giáo có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại với nhau. Có “đức” là để tài năng phát triển đúng hướng và có “tài” thì “đức” mới phát huy được tác dụng. Người nói: “Có tài mà không có đức là hỏng, có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào”6. Vì vậy, trong nhà trường đòi hỏi các thầy, cô phải gương mẫu đi đầu trong việc rèn đức, luyện tài, phải có chuyên môn giỏi, có tình yêu và tâm huyết với nghề. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người thầy cần phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy trong sự nghiệp giáo dục đào tạo không chỉ là triết lý, lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc; chứa đựng những lời dạy hết sức sâu sắc và thấm thía của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm nghề giáo. Trước yêu cầu tình hình mới hiện nay, hơn lúc nào hết cần nâng cao học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, với những luận điểm khoa học, thiết thực về năng lực, phẩm chất của nhà giáo; xây dựng lòng yêu nghề, yêu người; tạo động phát triển nền giáo dục; xây dựng được đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Điều này không chỉ khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc mà còn góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
1 Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập (tập 10), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
2 Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập (tập 14), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
3 Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập (tập 11), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
4,5,6Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập (tập 12), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Hà Lam (Hà Nội)