Truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một nhân tố quan trọng nhằm góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền và sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng...
Truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một nhân tố quan trọng nhằm góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền và sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng. Hoạt động này được các tổ chức BHTG tiên tiến triển khai vô cùng hiệu quả những năm qua, trong đó có thể kể đến một số tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh nghiệm truyền thông chính sách BHTG tại Hàn Quốc và Philippines
Tại Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) áp dụng chiến lược quảng bá đa dạng trên các kênh như truyền thông đại chúng, các phương tiện giao thông công cộng, mạng xã hội, phát sách hướng dẫn cho học sinh trung học và sinh viên, tư vấn tài chính tại địa phương. Ngoài ra, KDIC cung cấp hướng dẫn về BHTG được dịch sang 10 ngoại ngữ (trong đó có Tiếng Việt).
Về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong hoạt động truyền thông đối với BHTG, Luật BHTG Hàn Quốc sửa đổi năm 2016 quy định tổ chức tham gia BHTG phải nêu rõ trong các sách hướng dẫn, tờ rơi, quảng cáo sao cho khách hàng được đảm bảo đã hiểu về chính sách BHTG đối với sản phẩm tài chính trước khi lựa chọn đầu tư. KDIC có thẩm quyền kiểm tra sự tuân thủ của các tổ chức tham gia BHTG về việc tuân thủ yêu cầu công bố thông tin nói trên.
Từ năm 2010, chương trình giáo dục tài chính của KDIC được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến đã mang đến nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là sau các vụ đổ vỡ ngân hàng tiết kiệm hồi năm 2011 tại Hàn Quốc.
Trong năm 2017, KDIC đã tổ chức 1.107 khóa học giáo dục tài chính cho gần 80.000 người, thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau như học sinh các cấp, sinh viên, tiểu thương, người cao tuổi, binh lính xuất ngũ, người nhập cư, nông dân. Trong khuôn khổ chương trình phổ biến kiến thức tài chính, KDIC thực hiện Chiến dịch Người tiêu dùng tài chính thông minh (Smart Financial Consumer Campaign) triển khai từ năm 2011, tập trung vào việc cung cấp các thông tin về BHTG và tư vấn cho người ít có điều kiện tiếp cận các thông tin về tài chính ở khu vực nông thôn, bao gồm người già và những chủ cơ sở kinh doanh truyền thống.
Bên cạnh đó, KDIC cũng ký biên bản hợp tác phối hợp thực hiện với một số cơ quan trung ương như Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan địa phương như Sở Giáo dục các tỉnh, Viện Phát triển Hàn Quốc, Ủy ban Dịch vụ tài chính. Trong khuôn khổ chương trình tài chính toàn diện, KDIC ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội các trung tâm phúc lợi cho người già và Hiệp hội Người cao tuổi cũng như Cơ quan quản lý chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn để nâng cao nhận thức cho tiểu thương.
Tại Philippines, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) là một cơ quan thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập, được thành lập vào tháng 6/1963 theo luật RA 3591. Đây là hệ thống BHTG ra đời sớm nhất tại khu vực châu Á với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng cũng như thúc đẩy một hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh.
PDIC sử dụng đa dạng các hình thức truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo, các địa điểm công cộng như phòng giao dịch ngân hàng, tòa thị chính, chợ, đồn cảnh sát, nhà thờ; phối hợp với các ngân hàng xuất bản tờ thông tin định kỳ; phối hợp tuyên truyền thông qua các buổi họp của chính quyền địa phương; hỗ trợ, tư vấn cho người trực tiếp và trực tuyến.
Liên quan đến giáo dục tài chính, chương trình phổ biến kiến thức tài chính được triển khai khá sớm tại Philippines từ năm 2005. PDIC đã hợp tác với Bộ Giáo dục thực hiện Dự án Phổ biến kiến thức tài chính (Financial Literacy Project); phối hợp với Ngân hàng Trung ương và Cơ quan Phúc lợi người lao động ở nước ngoài phát triển dự án phổ biến kiến thức tài chính quốc gia với tên gọi “Người tiết kiệm thông minh” (Be a wise saver). Tháng 6/2013, PDIC xuất bản cuốn Sổ tay về Phổ biến kiến thức tài chính cho công chúng.
Ngoài ra, PDIC còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông như: Tuần lễ tăng cường nhận thức về BHTG; ra mắt công cụ Máy tính điện tử về BHTG (Deposit insurance e-Calculator) giúp người gửi tiền tính toán số dư tiền gửi được bảo hiểm; xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; chính thức ra mắt tài khoản trên mạng xã hội Facebook và Twitter nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập tổ chức vào năm 2016.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI), tỷ lệ nhận thức về chính sách BHTG của người gửi tiền tại Philippines đạt trên 80%. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do PDIC phối hợp với tổ chức Kantar Philippines, Inc. thực hiện trên quy mô toàn quốc ở cả thành thị và nông thôn về nhận thức của công chúng cho thấy, chỉ 15% người dân thực sự hiểu về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của PDIC. Đây là tiền đề để PDIC cải cách và sửa đổi chiến lược truyền thông của mình trong thời gian tới.
Một số gợi ý đối với Việt Nam
Qua một số kinh nghiệm quốc tế về việc thực hiện truyền thông của các tổ chức BHTG trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện công tác truyền thông về BHTG để nâng cao nhận thức của công chúng.
Thứ nhất, xây dựng Chiến lược truyền thông tổng thể cho từng giai đoạn để tổ chức được các hoạt động truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, đánh giá định kỳ hiệu quả của hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG và mức độ nhận thức của người gửi tiền thông qua nhiều hình thức như khảo sát, phỏng vấn… để điều chỉnh các giải pháp trong trường hợp cần thiết.
Thứ hai, đa dạng hóa và cụ thể hóa các đối tượng truyền thông mục tiêu và các công cụ, giải pháp tương ứng. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào việc tuyên truyền đến công chúng, tiến tới xây dựng hệ thống hỗ trợ trực tuyến cho người gửi tiền, sử dụng các công cụ như thư điện tử, tư vấn trực tuyến, mạng xã hội… một cách hợp lý, có kiểm soát.
Thứ ba, xây dựng phương án dự phòng, mô phỏng các tình huống để đảm bảo công chúng nắm bắt được thông tin kịp thời, tránh các thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận khi xảy ra các tình huống như rút tiền hàng loạt, đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG, các vấn đề xuyên biên giới…
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền chính sách BHTG và tài chính toàn diện, phối hợp với các cơ quan trong ngành Tài chính - Ngân hàng và tham gia vào kế hoạch hành động triển khai Chiến lược tài chính toàn diện ngành Ngân hàng trong thời gian tới.
Thứ năm, chú trọng vào việc công bố thông tin minh bạch, rộng rãi, đặc biệt là thông tin về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Cần phân định trách nhiệm của các tổ chức tham gia BHTG trong việc tham gia tuyên truyền chính sách BHTG, ngoài việc niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG, còn phải niêm yết công khai thông tin về chính sách BHTG và thực hiện các chiến dịch truyền thông do BHTG Việt Nam yêu cầu.
Thứ sáu, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các thành viên trong Mạng an toàn tài chính (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, BHTG Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia). Tổ chức BHTG cần xây dựng một hệ thống thông tin người gửi tiền thống nhất, cũng như có điều kiện cụ thể đối với việc lưu trữ hồ sơ khách hàng của các ngân hàng nhằm đảm bảo chất lượng thông tin khi cần thiết.
Việt Hưng (NHNN)