Sáng ngày 17/11/2017, tại Hà Nội, Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tới dự buổi Lễ có PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Bí thư Đảng ủy Cơ quan NHTW, Đ/c Trần Việt Bắc – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Cơ quan NHTW, lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN, chi nhánh NHNN và một số tổ chức quốc tế…
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh trao tặng Danh hiệu
“Tập thể Lao động xuất sắc” năm 2016 cho 03 tập thể
Tại buổi Lễ, Tiến sĩ Ngô Chung – Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng đã ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trình bày báo cáo những kết quả nổi bật của Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng trong những năm qua. Đến hết tháng 11/2017, về cơ bản Trường đã hoàn thành kế hoạch, với trên 4000 lượt cán bộ tham gia học tập, với trên 450 ngày đào tạo; phối hợp tích cực cùng với Vụ Tổ chức cán bộ hoàn thành 120% Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức NHNN năm 2017, từng bước tạo nên sự chuyển biến rõ nét về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức, từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cho cán bộ công chức viên chức NHNN. Bên cạnh các khóa học truyền thống, năm 2017 Trường đã tập trung vào xây dựng, thiết kế các khóa học mới chuyên sâu đáp ứng các “đơn đặt hàng” của các Vụ, Cục, đơn vị NHNN cũng như triển khai các khóa học tập huấn theo yêu cầu đột xuất do Thống đốc giao với chất lượng cao.
Tiến sĩ Ngô Chung đọc diễn văn khai mạc
Không chỉ đào tạo cán bộ công chức viên chức của NHNN, Trường đã góp phần đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực, nghiệp vụ của các nước tiên tiến trên thế giới thông qua các khóa học được các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ như: Chương trình đào tạo nghiệp vụ then chốt và các khóa học chuyên sâu và nâng cao cho cán bộ của NHTM do Luxembourg tài trợ, Chương trình đào tạo Giám đốc NHTM cho cán bộ lãnh đạo quản lý của ngân hàng Việt Nam do dự án SECO Thụy Sĩ tài trợ.
Trong năm 2017, Trường đã phối hợp chặt chẽ với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và một số Vụ, Cục có liên quan triển khai đào tạo thành công trên 30 khóa học cho gần 2.500 lượt cán bộ các NHTM, TCTD với một số chủ đề: Nghiệp vụ nhận biết tài liệu giả; Phân biệt tiền thật tiền giả; Phòng chống rửa tiền, Các hoạt động nghiệp vụ thanh toán; Kiểm soát, kiểm toán nội bộ quỹ tín dụng nhân dân; Quản lý ngoại hối và thanh toán quốc tế, góp phần vào việc tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ NHTM, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Đổi mới và nâng cao chất lượng luôn là mục tiêu đề ra trong mỗi khóa học do Trường thực hiện. Năm 2017, Trường chủ động triển khai nhiều giải pháp mới như: Đổi mới quy trình tổ chức đào tạo với việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của học viên và đơn vị có liên quan đến chủ đề khóa học trước khi tổ chức khóa học, đảm bảo nội dung chương trình khóa học sát thực tiễn công việc; Bổ sung việc tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu vào của học viên và đánh giá chất lượng cuối khóa học để so sánh mức độ tiến bộ của người học; Liên tục đổi mới phương pháp đào tạo; Chủ động tiềm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ đào tạo có uy tín của nước ngoài sang giảng dạy miễn phí khóa thử nghiệm cho một số cán bộ NHNN, được học viên đánh giá cao…
Đặc biệt, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên kiêm chức, cùng với những nỗ lực vượt bậc của nhà trường, Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam và khu vực.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh biểu dương những thành tích của tập thể và cán bộ công chức cũng như đội ngũ thầy cô giáo giảng viên kiêm chức của Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng trong sự nghiệp đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ công chức NHNN nói riêng và nguồn nhân lực của toàn ngành Ngân hàng nói chung.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, trước yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, cộng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh và tác động to lớn đến toàn xã hội, ngành Ngân hàng cần phải nắm bắt và có hướng đi đúng đắn, kịp thời đổi mới, đưa ra những chính sách phù hợp để nắm bắt tốt những cơ hội, vượt qua những thách thức, đảm bảo được sự phát triển an toàn, bền vững của toàn hệ thống.
“Để làm được điều này, với cương vị là cơ quan quản lý, chúng ta cần phải có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, am hiểu về những kiến thức chuyên sâu của Ngành và có khả năng dự báo những vấn đề mà ngành Ngân hàng sẽ phải đối phó, từ đó đề xuất, tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN ban hành những biện pháp, chính sách đúng đắn và kịp thời”, Phó Thống đốc nói.
Quyết định 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025 đưa ra mục tiêu “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế”. Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII giai đoạn 2016 - 2020 với 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhiệm vụ “Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng vững vàng về tư tưởng chính trị, có tư duy đổi mới, có phẩm chất, năng lực chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Lãnh đạo NHNN về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới. Đó là: Đào tạo, bồi dưỡng phù hợp định hướng phát triển của NHNN và của Ngành, bám sát chặt chẽ yêu cầu vị trí việc làm, đúng người, đúng việc, tiết kiệm, hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống từ cấp độ nền tảng đến nâng cao, trang bị cho người học khối lượng kiến thức, kỹ năng tiên tiến, hoàn chỉnh để áp dụng có hiệu quả trong thực tế công tác. Đây là điều kiện thuận lợi và động lực to lớn để Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng tiếp tục đổi mới và phát triển.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Phó Thống đốc đề nghị Trường cần tập trung nỗ lực thực hiện một số trọng tâm công việc sau:
Một là, nâng cao mạnh mẽ, toàn diện năng lực, phương pháp, quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng nâng cao năng lực cán bộ của Trường thông qua việc phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan thuộc NHTW trong công tác xây dựng, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chính xác, chuẩn mức về thể thức; tiên tiến, cập nhật về nội dung; qua đó khẳng định năng lực, vị thế của Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và đào tạo của Trường. Khuyến khích, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học ứng dụng về đào tạo, bồi dưỡng nhằm hỗ trợ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
Ba là, xây dựng và thực hiện cơ chế quản lý, khuyến khích nhằm phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng thuộc NHNN cả về số lượng, chất lượng; hướng tới mục tiêu mỗi mảng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của NHNN đều có đủ số lượng cần thiết giảng viên thỉnh giảng.
Bốn là, nghiên cứu kỹ lưỡng các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XII, Đề án tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chủ động xây dựng Đề án tổ chức và hoạt động của Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng thuộc NHNN phù hợp với đặc điểm, yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức NHNN hiện nay và trong giai đoạn tới. Theo đó, cần phát huy những lợi thế của Trường để mở rộng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN luôn khuyến khích các đơn vị sự nghiệp mạnh dạn đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, ngân sách theo tinh thần Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ trong việc triển khai tổ chức mỗi khóa học; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của các cơ quan thanh tra, kiểm tra thông qua Vụ Tổ chức cán bộ.
Đối với các đơn vị thuộc NHNN, việc phối hợp chặt chẽ với Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng trong triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng là hết sức quan trọng. Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025, Kế hoạch số 03/KH-NHNN ngày03/3/2017 của NHNN, trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo, thực hiện các trọng tâm công việc liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng như sau:
(i) Phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng chọn, cử, khuyến khích những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt là cán bộ thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án Đào tạo chuyên gia giai đoạn 2013 - 2020, tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu và giảng dạy các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
(ii) Đề cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trong việc tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng, phương pháp và trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác tại các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của NHNN; coi đó là nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị.
(iii) Cần nhận thức rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng là trách nhiệm và khởi nguồn từ các đơn vị cơ sở, nhất là các Vụ, Cục NHTW; cần kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký tham dự khóa học của cán bộ, công chức, viên chức để lựa chọn và cử đúng, trúng, đầy đủ cán bộ, công chức, viên chức tham gia khóa học như đã đăng ký. Mặt khác, phải chủ động hơn trong việc xây dựng, cập nhật nội dung các khóa học, chính lãnh đạo đơn vị mới nắm rõ nhu cầu đào tạo cần cho ai, đào tạo nội dung gì cũng như việc sử dụng đánh giá sau đào tạo. Qua đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo hiệu quả, thiết thực với công việc, thực sự tiết kiệm, không lãng phí.
Đối với các giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức: Với vai trò là hạt nhân, giữ vị trí then chốt trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, là người quyết định chất lượng đào tạo, Phó Thống đốc mong muốn các đồng chí thường xuyên tự trau dồi kiến thức chuyên môn sâu, cập nhật những thông tin, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, của ngành Ngân hàng để đưa vào nội dung giảng dạy. Đồng thời, các đồng chí cũng cần tăng cường sự tương tác giữa giảng viên với người học để nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh trao tặng Bằng khen cho các cá nhân
Nhân dịp này, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã trao tặng Danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” năm 2016 cho 03 tập thể và Bằng khen của Thống đốc NHNN cho 01 tập thể, 04 cá nhân thuộc Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng vì đã có thành tích xuất sắc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ ngân hàng từ năm 2015 đến năm 2016.
Theo sbv.gov.vn