Sáng ngày 25/7/2018 Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của các đơn vị Vụ, Cục của NHNN, Ban lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động của CIC.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC khẳng định, từ đầu năm 2018, CIC đã bám sát kế hoạch công tác và định hướng hoạt động của NHNN để triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, nhờ đó, hoạt động của CIC trong 6 tháng đầu năm đã duy trì được sự ổn định, đóng góp vào sự thành công chung của NHNN Việt Nam.
Tổng Giám đốc Đỗ Hoàng Phong trình bày báo cáo tại Hội nghị
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC nhấn mạnh: “Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong Đề án phát triển CIC đến 2020, đồng thời là nhiệm vụ NHNN giao trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Đến nay, CIC liên tục duy trì và thực hiện thu thập thông tin từ 100% TCTD và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, trên 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và 35 tổ chức tự nguyện. Làm việc với Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng CSXH để nâng cao chất lượng thông tin báo cáo của các tổ chức này. Do vậy, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu TTTD quốc gia là trên 36,8 triệu, tăng gần 2 triệu so với cuối năm 2017. Việc thu thập, xử lý, cập nhật thông tin đều được kiểm soát chặt chẽ và được thực hiện tự động hóa trên nền tảng CNTT.
Đẩy mạnh mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức ngoài ngành như: cập nhật thông tin doanh nghiệp từ Bộ KHĐT; thực hiện gói thầu dự án kết nối thông tin với Bộ Công An C72; nghiên cứu phương án và tạo điều kiện để các doanh nghiệp bán lẻ, Fintech và cho vay ngang hàng P2P được tham gia vào hệ thống TTTD trên nguyên tắc có đi có lại như: Công ty CP bán lẻ Kỹ thuật số FPT, MOBIVI, mạng bán hàng trực tuyến ALUKAKU... Với những nỗ lực đẩy mạnh mở rộng thu thập thông tin của CIC, độ phủ TTTD của Việt Nam liên tục được cải thiện, hiện đã vượt 51% theo đánh giá của Nhóm Ngân hàng Thế giới năm 2018”.
Về cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của NHNN, CIC khẳng định là một đơn vị sự nghiệp, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách của NHNN, CIC xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu và chú trọng huy động các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả 6 tháng đầu năm, CIC đã cung cấp trên 10.000 lượt thông tin cho các đơn vị liên quan của NHNN, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra giám sát và tham mưu chính sách của các đơn vị NHNN.
Về cung cấp thông tin cho TCTD: Thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018, CIC đã ban hành Quyết định giảm 12% giá toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ do CIC thiết kế sẵn kể từ ngày 15/01/2018. Việc giảm giá đồng loạt các sản phẩm thể hiện sự ủng hộ của CIC, đồng hành cùng các TCTD trong việc hạ chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các khách hàng vay tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch trên thị trường.
Tháng 4/2018, CIC đã chính thức thực hiện mô hình kết nối thông tin trực tiếp với các TCTD (Host to Host). Mô hình này cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều, giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình hỏi, tra cứu, báo cáo thông tin; gắn hệ thống của CIC với hệ thống quản trị rủi ro, phê duyệt tín dụng của các TCTD; qua đó rút ngắn thời gian truy vấn, giảm chi phí khai thác thông tin và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp của TCTD.
Từ những hoạt động nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động dịch vụ cung cấp TTTD của CIC đã có nhiều khởi sắc, kết quả CIC đã cung cấp trên 15,7 triệu báo cáo tín dụng các loại, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2017, tỉ lệ tự động theo thời gian thực ngày càng tăng cao, đạt trên 90%, đáp ứng được yêu cầu tra cứu thông tin của các TCTD.
- Về cung cấp thông tin nhóm nợ cao nhất theo Thông tư 02 và 09 của NHNN: CIC tiếp tục duy trì cung cấp các sản phẩm R18, R19 về các khách hàng có nhóm nợ cao nhất và thông tin biến động cho tất cả các TCTD, bình quân khoảng 100.000 khách hàng vay được CIC cung cấp hàng tháng. Trong đó, sản phẩm R19 được điều chỉnh tăng tần suất cung cấp lên định kỳ 1 tuần1/lần. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, hàng tháng có khoảng trên 70 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh nhóm nợ theo các báo cáo của CIC, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của NHNN.
- Về đăng ký và cung cấp thông tin cho khách hàng vay: Thông qua cổng kết nối với khách hàng vay, trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 4.000 khách hàng vay đăng ký tài khoản thành công nâng tổng số khách hàng được cấp tài khoản truy cập cổng thông tin lên trên 7.300 khách hàng. Thông qua cổng thông tin này, CIC đã cung cấp TTTD, điểm tín dụng cho trên 4.000 khách hàng vay theo quy định, gần bằng số cả năm 2017.
Về hoạt động xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng, định kỳ hàng tháng, CIC thực hiện XHTD tự động trên 700.000 DNVVN, XHTD trên 2.000 doanh nghiệp lớn theo quy trình (bao gồm cả các Tập đoàn, tổng công ty); chấm điểm định kỳ trên 34 triệu khách hàng vay thể nhân. Hoàn thành việc tính toán bộ chỉ số trung bình ngành, cung cấp kịp thời bộ chỉ số trung bình ngành và các sản phẩm liên quan đến chỉ số XHTD, chấm điểm tín dụng cho các TCTD phục vụ cho hoạt động QTRR, phát triển thẻ điểm tín dụng cá nhân và xây dựng mô hình XHTD nội bộ.
Để thực hiện tốt Kế hoạch công tác năm, trong 06 tháng cuối năm 2018, CIC sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở TTTD quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó duy trì số lượng và chất lượng thông tin thu thập từ các TCTD trong ngành, tiếp tục mở rộng nguồn thông tin từ các tổ chức ngoài ngành để nâng cao độ phủ, duy trì và cải thiện độ sâu của thông tin tín dụng; Hoàn thiện đồng bộ phương thức kết nối trực tiếp với TCTD (Host to Host) để triển khai rộng rãi, hiệu quả tới các TCTD, tạo điệu kiện thuận lợi để các TCTD khai thác thông tin nhanh và hiệu quả;...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá cao sự đóng góp tích cực, nỗ lực vươn lên của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, Phó Thống đốc ghi nhận: “Việc triển khai các định hướng, chủ trương của NHNN cùng với sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đã giúp cho CIC khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình. CIC đã thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan thông tin tín dụng công lập, phù hợp với điều kiện và đặc điểm phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam, từng bước khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia trước những thách thức về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”.
Phó Thống đốc biểu dương những kết quả đạt được của CIC trong 6 tháng đầu năm, được thể hiện ở một số khía cạnh:
Thứ nhất, CIC đã làm tốt việc cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Lãnh đạo NHNN và các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, qua đó hỗ trợ kịp thời chức năng quản lý, điều hành, hoạch định chính sách của NHNN. Bên cạnh đó, CIC đã cung cấp một khối lượng lớn các báo cáo tín dụng cho các TCTD nhằm phục vụ cho mục đích quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, CIC đã nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng và độ phủ thông tin tín dụng thời gian qua, điều đó đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, từ chỗ thông tin chủ yếu thu thập từ các nguồn truyền thống là các TCTD lớn, nay CIC đã mở rộng tới hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, và gần đây CIC tiếp tục tiếp cận với các nguồn phi truyền thống, dữ liệu lớn để từng bước theo kịp với xu hướng hội nhập và phát triển của ngành báo cáo tín dụng Việt Nam. Điều này, cũng đã góp phần làm tăng tính minh bạch, chính xác của thông tin tín dụng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong những năm gần đây.
Thứ ba, CIC đã chú trọng hơn đến nâng cao chất lượng phục vụ theo xu thế thị trường. Việc cho ra đời Trung tâm hỗ trợ khách hàng để tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc và xử lý khiếu nại là bước đi đúng đắn, góp phần nâng cao nhận thức và phổ cập kiến thức tài chính cho khách hàng vay và cả xã hội là minh chứng cho việc đổi mới tư duy trong việc cung ứng dịch vụ công, có tác dụng lan tỏa rất lớn để góp phần hình thành nên văn hóa tín dụng tại Việt Nam.
Thứ tư, CIC đã nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao như việc mạnh dạn xây dựng và triển khai các giải pháp mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đáng chú ý là việc áp dụng phương thức cung cấp thông tin mới, gắn hệ thống của CIC với hệ thống phê duyệt tín dụng tập trung của các TCTD, giảm chi phí khai thác thông tin và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp của TCTD, tăng cường tỉ lệ cung cấp thông tin tự động theo thời gian thực.
Thứ năm, CIC đã thực hiện tốt việc tương hỗ, chia sẻ với các tổ chức tín dụng thông qua việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ thông tin tín dụng đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ để đồng hành cùng hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc giảm chi phí hoạt động, góp phần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Quang cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam và sự phát triển với tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là đơn vị hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Thống đốc định hướng một số nội dung để CIC nghiên cứu triển khai trong thời gian tới:
Một là, cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, định hướng hoạt động của ngành, đặc biệt là Quyết định 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2018 của Thống đốc NHNN về việc ban hành chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năm 2018.
Hai là, về hoạt động đầu tư, công tác quản lý:
- Về công tác đầu tư phát triển: CIC cần chủ động nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng cơ chế quản lý quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và có phương án quản lý, đầu tư hiệu quả; Đặc biệt lưu ý đến việc đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, chủ động tiếp cận công nghệ mới để đảm bảo hoạt động đầu tư là thích đáng, hiệu quả và nâng tầm hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; Từ đó, chủ động đưa ra các giải pháp cải tiến quy trình nghiệp vụ từ khâu thu thập, xử lý dữ liệu tới cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo hoạt động thông tin tín dụng thực sự là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia.
- Về công tác quản lý: Về nguyên tắc, Ban lãnh đạo NHNN đã khẳng định chủ trương nhất quán trong việc phát triển và duy trì CIC là một đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, là kênh thông tin không thể thiếu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra, giám sát và hoạch định chính sách của NHNN. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động quản lý, điều hành cần tiếp tục được đổi mới. Do đó, CIC cần chủ động nghiên cứu mô hình, cơ chế hoạt động của CIC để đề xuất với các cấp có thẩm quyền theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa gắn với đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Ba là, CIC tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh giá dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng nói chung và có sự hỗ trợ cần thiết về giá dịch vụ đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở để góp phần giảm chi phí dịch vụ ngân hàng, gián tiếp giảm chi phí cho vay đối với các tổ chức kinh tế và cá nhân theo định hướng chung của Đảng, Nhà nước và NHNN.
Bốn là, về phát triển và cung ứng dịch vụ: Bản chất CIC cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ nên sẽ bị tác động lớn của CMCN 4.0 với các tác động trực tiếp như Bigdata, IoT, AI,... vì vậy, CIC cần tập trung: Đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ để thích ứng, đáp ứng với các thay đổi công nghệ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới; Bên cạnh việc thu thập dữ liệu truyền thống cần nghiên cứu việc thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin khác ví dụ từ các Bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông, thuế..; việc thu thập cần thực hiện theo hướng số hóa, tích hợp tự động với nguồn dữ liệu thu thập; Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ thông minh trong thu thập, làm sạch, tổ chức và phân tích dữ liệu, đưa ra các báo cáo, biểu đồ phân tích mang tính hệ thống, định hướng, xu thế, cảnh báo, xếp loại, phân tích hành vi... trên cơ sở Bigdata bên cạnh các báo cáo, sản phẩm truyền thống, định kỳ; Đổi mới kênh phân phối theo hướng sử dụng các phương tiện di động, đồng nhất các kênh, tích hợp tự động các quy trình xử lý để tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực. Các sản phẩm dịch vụ cần hướng khách hàng làm trọng tâm, đáp ứng các nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng; Chú trong công tác an ninh, an toàn trong việc bảo mật thông tin và cung sản phẩm dịch vụ.
Tổng Giám đốc Đỗ Hoàng Phong phát biểu đáp từ, CIC luôn nhận thức được vai trò quan trọng là trụ cột vững chắc của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, trong 06 tháng còn lại của năm 2018 và những năm tiếp theo, CIC sẽ tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hoạt động để đóng góp vào sự phát triển ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Với những nỗ lực của CIC thời gian qua, tập thể và các cá nhân CIC đã nhận được những bằng khen, khen thưởng các cấp.
Đ/c Nguyễn Kim Anh, Ủy viên Ban Cán sự, Bí thư Đảng ủy Cơ quan NHNN Trung ương, Phó Thống đốc NHNN trao bằng khen cho tập thể Ban Lãnh đạo CIC
Theo sbv.gov.vn