Tại Hội nghị thường niên Mạng lưới Báo cáo tín dụng châu Á (ACRN) lần thứ 4 bằng hình thức trực tuyến mới đây, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC đã phát biểu nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch Covid-19, CIC đã thực hiện thu thập thông tin và điều chỉnh thông tin đối với các khách hàng vay thuộc diện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN.
Hoạt động này nhằm giảm gánh nặng trả nợ của khách hàng vay cũng như có thể nâng cao được khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Từ năm 2020 đến nay, CIC đã thực hiện giảm 50% phí khai thác thông tin cho tất cả các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc giảm chi phí hoạt động và lãi suất cho vay. Hoạt động này đã nhận được đánh giá rất cao từ NHNN, các TCTD, doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, CIC đã đẩy mạnh cung cấp thông tin, điểm tín dụng (miễn phí) trực tiếp tới khách hàng vay, giới thiệu các sản phẩm tín dụng phù hợp của các TCTD thông qua cổng kết nối với khách hàng vay (website và ứng dụng điện thoại thông minh). Thông qua kênh kết nối này, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin bản thân mà không phải đến trực tiếp trụ sở CIC, đảm bảo an toàn phòng dịch”.
Có thể thấy, kể từ Hội nghị ACRN lần thứ 3 đến nay, kho dữ liệu của CIC không ngừng được mở rộng và phát triển, tăng thêm khoảng 8 triệu, đạt 47,2 triệu chủ thể thông tin, độ phủ thông tin liên tục tăng, chiều sâu thông tin tín dụng cũng đã đạt tuyệt đối 8/8 từ năm 2019 theo đánh giá của World Bank. Cụ thể, đã có gần 1.400 tổ chức tham gia báo cáo thông tin tín dụng về CIC (tăng khoảng 40 tổ chức), bao gồm cả các TCTD, tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức bán lẻ, tổ chức tự nguyện khác... Bên cạnh đó, CIC cũng tổ chức kết nối thông tin với một số bộ, ngành để chia sẻ, trao đổi thông tin.
Đặc biệt, từ tháng 6/2021, Việt Nam đã khai trương cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, định danh số cá nhân. CIC được Thống đốc NHNN giao làm đầu mối thực hiện kết nối với CSDL này phục vụ cho hoạt động của ngành Ngân hàng, đặc biệt là việc hỗ trợ định danh khách hàng điện tử (eKYC), thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Thực hiện chiến lược quan trọng này, hiện nay CIC đang triển khai cơ sở hạ tầng để có thể sớm kết nối với CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Bên cạnh đó, CIC đẩy mạnh phát triển kênh kết nối Host to Host với tất cả TCTD có nhu cầu, qua đó, giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình khai thác, sử dụng thông tin, góp phần tăng tính bảo mật, an toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ thông tin tín dụng. Do vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ ngày càng được nâng cao. Năm 2020, CIC cung cấp trên 44 triệu báo cáo tín dụng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các đơn vị. Năm 2021, mặc dù hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng việc cung cấp thông tin của CIC dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2020.
Đặc biệt, CIC đã nhanh chóng hoàn thiện Mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân CIC 2.0 thay thế cho mô hình chấm điểm 1.0 từ năm 2015. Qua đó, CIC có thể phát triển các sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng phục vụ các TCTD và khách hàng vay. Việc xây dựng, phát triển mô hình chấm điểm tín dụng mới này trước hết nhằm mục tiêu hỗ trợ các TCTD từng bước chuyển đổi từ hình thức cho vay có đảm bảo bằng tài sản sang hình thức cho vay tín chấp dựa trên dự báo mức độ rủi ro của khách hàng. Sau nữa là nâng cao chất lượng dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay; cho phép khách hàng vay biết được mức độ tín nhiệm của mình, qua đó tư vấn hỗ trợ người vay hoàn thiện điểm tín dụng cũng như nâng cao văn hóa tín dụng trong quan hệ ngân hàng.
Mạng lưới ACRN được thành lập vào năm 2017 gồm 6 cơ quan thông tin tín dụng trong khu vực châu Á: CIC (Nhật Bản), JCIC (Đài Loan), KCIS (Hàn Quốc), CIC (Việt Nam), NCB (Thái Lan), CIC (Nepal). Tiếp đó, Mạng lưới ACRN đã kết nạp ACRA (Malaysia) là thành viên thứ 7 vào năm 2018 tại Đài Loan và CRIB (Srilanka) là thành viên thứ 8 vào năm 2019 tại Hà Nội. Qua gần 4 năm hoạt động, các thành viên đã tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhằm phát triển những xu hướng, nghiệp vụ thông tin tín dụng mới tới các tổ chức thành viên trong khu vực.
|
TM