Đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội để các ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành Ngân hàng thực hiện việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số...
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đang trong quá trình phát triển đó với 5 nhiệm vụ, mục tiêu chính trong thời gian tới bao gồm: Thứ nhất, phát triển CIC trở thành Cơ quan thông tin tín dụng (TTTD) hàng đầu khu vực; Nâng cao vai trò và vị thế của CIC là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành Ngân hàng, gắn sự phát triển của CIC với hiệu quả hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thông tin, sản phẩm, dịch vụ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động kinh doanh; Thứ hai, phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia tập trung, đầy đủ, chính xác; đảm bảo việc tích hợp và kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; Thứ ba, hoàn thành việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, các ứng dụng nghiệp vụ lõi cho hoạt động TTTD theo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018 - 2023 trên các nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thứ tư, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và hành lang pháp lý về hoạt động TTTD theo cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Thứ năm, hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất, nơi làm việc của CIC tại 45 Lý Thường Kiệt và trụ sở làm việc chi nhánh CIC tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi tập thể CIC phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần: Đoàn kết - Đổi mới - Trách nhiệm.
Giải pháp để mở rộng phát triển nguồn dữ liệu TTTD trong thời gian tới
Phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia được CIC xác định là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên, liên tục. Vì vậy, CIC đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển cơ sở dữ liệu TTTD cả về chiều rộng và chiều sâu.
Đến nay, CIC đã thu thập được thông tin từ 123/123 đầu mối TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.165 quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô chính thức và 75 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt mức cao. CIC sẽ tiếp tục chú trọng mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức tự nguyện, nguồn thông tin trực tiếp từ khách hàng vay, từ các bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng quản lý dữ liệu về khách hàng, doanh nghiệp và dân cư, nguồn thông tin từ các tổ chức TTTD nước ngoài…
Đặc biệt, CIC đang nghiên cứu và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD qua việc tích hợp, kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội. CIC sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống CNTT, chuẩn hóa giải pháp, quy trình, nghiệp vụ lõi cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, chuyên gia xử lý dữ liệu để có thể đảm bảo chất lượng nguồn dữ liệu thu thập, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong việc thu thập, xử lý, lưu giữ, cập nhật TTTD.
Với những giải pháp, chiến lược cụ thể nói trên, CIC đã đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ duy trì điểm tuyệt đối chỉ số chiều sâu TTTD, với tổng số chủ thể dữ liệu được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia sẽ gia tăng đáng kể trong từng giai đoạn và độ phủ TTTD sẽ đạt trên 90% dân số trưởng thành trong giai đoạn 2025 - 2030.
Tiếp tục phát triển Cổng thông tin kết nối khách hàng vay
Thời gian qua, CIC đẩy mạnh dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay thông qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Kết quả, CIC ghi nhận trên 453 nghìn khách hàng đăng ký tài khoản, trên 236 nghìn nhu cầu vay, trên 167 nghìn báo cáo đã được khai thác.
Tuy nhiên, kết quả trên còn khá khiêm tốn. CIC nhận thấy vẫn có một số lượng lớn khách hàng vẫn chưa biết đến Cổng thông tin, hay còn nghi ngại ứng dụng để thu thập thông tin trái phép hoặc thực hiện các mục đích trái pháp luật.
Để Cổng thông tin trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng vay và TCTD, CIC sẽ tiếp tục phát huy những điểm mạnh đang có, đồng thời sẽ có những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để Cổng thông tin ngày càng hoàn thiện hơn, cụ thể:
Thứ nhất, giới thiệu, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để đưa lợi ích của Cổng thông tin đến gần hơn với khách hàng, đặc biệt nhấn mạnh về tính năng bảo mật, bảo đảm an toàn cho khách hàng qua Cổng thông tin chính thống của Chính phủ.
Thứ hai, phối hợp tích cực với các TCTD phát triển thêm nhiều sản phẩm tín dụng để người dân và doanh nghiệp lựa chọn, đơn giản hóa quy trình phê duyệt, tăng tần suất kết nối nhu cầu vay với khách hàng.
Thứ ba, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để cập nhật các chức năng như: ứng dụng định danh khách hàng điện tử, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia để nâng cao tính chính xác, hiệu quả trong công tác xác thực khách hàng.
Chính sách hỗ trợ cho TCTD, người dân và doanh nghiệp của CIC
Như chúng ta đã biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay khi Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, CIC cũng kịp thời thực hiện hướng dẫn TCTD báo cáo thông tin khách hàng vay được điều chỉnh giữ nguyên nhóm nợ theo các thông tư nói trên.
Đồng thời, CIC thực hiện giảm giá 4 lần với tổng số tiền giảm khoảng 399 tỷ đồng, trong đó riêng trong năm 2021, tính đến ngày 31/10/2021, CIC đã giảm trên 199 tỷ đồng phí khai thác dịch vụ TTTD cho các TCTD. Bên cạnh đó, CIC tiến hành cung cấp hoàn toàn miễn phí khai thác báo cáo quan hệ tín dụng khách hàng cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm hỗ trợ chương trình cho vay vốn để trả lương ngừng việc do Covid-19. Ngoài ra, CIC tiếp tục thực hiện cung cấp các dịch vụ khai thác báo cáo tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp cũng như kết nối nhu cầu vay của khách hàng với TCTD trên Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC, những dịch vụ này thực sự mang lại nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khi các giao dịch trực tiếp bị hạn chế.
Thủy Thoan