Hiện nay, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đang chuẩn bị đưa vào triển khai kênh kết nối trực tiếp giữa CIC với tổ chức tín dụng (TCTD) host to host (H2H) trong phạm vi tất cả các TCTD trên toàn quốc.
Việc triển khai h2h trên phạm vi lớn là tất cả các tctd trên toàn quốc là kết quả của hơn 1 năm CIC triển khai thử nghiệm H2H với 10 TCTD lớn trong nước thời gian vừa qua.
Đẩy mạnh H2H
Mô hình kết nối H2H giữa CIC và từng TCTD là một hệ thống được thiết kế với đường truyền riêng giữa CIC và từng TCTD để phục vụ hoạt động báo cáo, khai thác thông tin tín dụng (TTTD) của TCTD với CIC hiệu quả hơn, đặc biệt với các yêu cầu báo cáo, truy xuất lượng thông tin khách hàng lớn, có tính đồng bộ cao. Mô hình H2H với các giải pháp kỹ thuật mới bao gồm 02 cổng kết nối đặt tại TCTD và CIC (API gateway) cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều qua đường truyền riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu báo cáo TTTD theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời khai thác có hiệu quả sản phẩm, dịch vụ của CIC. Đặc biệt, đây là hệ thống chuyển dữ liệu hai chiều tự động, cho phép tinh giản hoạt động hỏi tin, tiết kiệm về phí dịch vụ, lao động và thời gian, giảm bớt can thiệp của con người vào quá trình hỏi và trả lời tin. Ngoài ra, hệ thống kết nối H2H còn cho phép TCTD quản lý tập trung và có hệ thống các thông tin đã khai thác từ CIC để phục vụ cho các hoạt động quản trị rủi ro và là nguồn dữ liệu lịch sử quan trọng để các TCTD xây dựng và phát triển các mô hình quản trị rủi ro nội bộ. Việc triển khai mô hình H2H sẽ giúp các ngân hàng và CIC cập nhật hai chiều thông tin (TCTD và CIC; CIC và TCTD) một cách tự động ngay khi có biến động thông tin theo các mẫu biểu/trường thông tin đã thống nhất; giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình truy vấn, chiết xuất thông tin; hỗ trợ TCTD trong việc lưu trữ, quản trị dữ liệu TTTD tập trung tại Hội sở phục vụ cho các mục đích, nhiệm vụ khác nhau của hoạt động ngân hàng.
Mô hình này cũng mang lại ý nghĩa hết sức thiết thực đối với cả TCTD lẫn CIC. Cụ thể, đối với TCTD: Các báo cáo TTTD kịp thời, chính xác theo quy định; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu TTTD khai thác từ CIC, tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp. Đối với CIC: Việc cập nhật dữ liệu phát sinh tại TCTD một cách nhanh chóng, tăng cường tự động hóa trong hoạt động cung cấp thông tin, giảm rủi ro tác nghiệp; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm theo yêu cầu của từng TCTD; nắm bắt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của TCTD về TTTD trong thời đại công nghệ mới.
Đặc biệt, với hệ thống công nghệ mới trong dự án FSMIMS được CIC triển khai thành công vừa qua và sự chủ động của CIC trong việc áp dụng phương thức cung cấp thông tin mới hiện đại H2H, thời gian truy xuất thông tin đã giảm xuống dưới 10 giây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng khai thác thông tin nhanh, hiệu quả với chi phí hợp lý. Cùng với đó, CIC đã không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu. Nguồn thông tin đã mở rộng tới 100% các TCTD, kể cả các tổ chức có quy mô nhỏ như quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức ngoài ngành.
Được biết, CIC đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018 - 2023, trong đó tập trung vào các dự án xây dựng trung tâm dự phòng, trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ Chi nhánh TPHCM và các phần mềm ứng dụng; Hoàn thành và triển khai mô hình cung cấp thông tin trực tiếp H2H chuẩn tới tất cả các TCTD; Đẩy mạnh triển khai Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay trên toàn quốc; Hoàn thành dự án xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân mới CIC 2.0... Hoạt động của CIC những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới công nghệ, quy trình nghiệp vụ, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN. Việc mở rộng và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đã được tăng cường, tạo nền tảng để phục vụ tốt hơn yêu cầu của NHNN và mở rộng tín dụng, quản trị rủi ro của các TCTD, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng vay. Hoạt động của CIC đã góp phần vào những thay đổi về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đánh giá của WB, môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Rào chắn cho hoạt động tín dụng
Việc đẩy mạnh triển khai H2H làm giảm thiểu tối đa tác động can thiệp của con người trong quá trình hỏi và trả lời tin. Điều này làm tăng tính minh bạch của TTTD, là điều kiện vững chắc để các TCTD xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay. Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietpostBank) Chi nhánh Yên Bái chia sẻ, đã từ lâu nghiệp vụ “check” TTTD đã là một phần bắt buộc trong quy trình nghiệp vụ của ngân hàng. TTTD của CIC đã trở thành một “rào chắn” hiệu quả trong hoạt động tín dụng của Chi nhánh. Có nhiều trường hợp Chi nhánh đã “phanh” cấp tín dụng kịp thời cho khách hàng nhờ phát hiện nợ xấu trên hệ thống CIC. Nhiều trường hợp khách hàng vay vốn nhiều nơi, hoặc chậm trả... cũng được CIC cảnh báo kịp thời. Chính những thông tin như vậy đã giúp cho hoạt động tín dụng của Chi nhánh đảm bảo an toàn hơn rất nhiều. Đặc biệt là với địa bàn vùng núi nơi người dân sinh sống xa nhau, người dân vay vốn ở một vài ngân hàng là có và khó thẩm định kỹ được. Thế nhưng dưới “mắt thần” của CIC thì mọi thông tin gian dối của khách hàng đều được bóc tách, đây cũng là cơ sở để ngân hàng ra phán quyết cấp tín dụng cho khách hàng hay không.
Hiện nay, CIC chú trọng nâng cấp cổng thông tin khách hàng vay tại website cic.gov.vn. Theo đó, từ ngày 7/6/2019, khách hàng vay có nhu cầu tiếp cận tín dụng hoặc khai thác TTTD về chính mình có thể vào website trên hoặc tải ứng dụng trên điện thoại để thực hiện đăng ký nhu cầu vay vốn, lựa chọn gói vay phù hợp, lựa chọn kết nối với TCTD mong muốn hoặc chờ đợi TCTD quan tâm kết nối và phục vụ nhu cầu của mình. Qua cổng thông tin khách hàng vay, khách hàng vay còn có thể khai thác báo cáo TTTD của mình miễn phí, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ tài chính, hạn chế sai sót, gian lận TTTD. Qua đó, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.
Ông Lâm Văn Đức, cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Lào Cai II cho rằng, TTTD đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt, mỗi khi một khách hàng “nhảy” nhóm nợ thì tất cả các khoản nợ của khách hàng ở các ngân hàng khác (nếu có) đều nhận được cảnh báo của CIC. Đây chính là “tiếng chuông” cảnh báo hữu hiệu đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng trong phòng ngừa nợ xấu. Bởi chỉ cần khách hàng phát sinh một khoản nợ xấu thì khách hàng ấy sẽ được giám sát tín dụng, đồng thời cán bộ tín dụng sẽ trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân, tìm hướng khắc phục để không gia tăng thêm nợ xấu đối với khách hàng đó. Bên cạnh đó, nếu nợ xấu phát sinh do mất mùa, thiên tai... thì ngân hàng cũng sẽ phối hợp với khách hàng để kịp thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất. Chỉ tính đơn cử như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thấy trước nguy cơ nợ xấu phát sinh, khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh, Ngân hàng đã đồng loạt đưa ra nhiều gói giải pháp liên hoàn như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, cho vay vốn ưu đãi, cơ cấu lại nợ... để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Đến nay, Chi nhánh đã thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ gốc, kỳ hạn trả lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 88 doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng với số tiền 255 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay 1% cho 64 khách hàng với số tiền dư nợ 236 tỷ đồng, số lãi đã miễn giảm trên 1 tỷ đồng; cho vay mới theo chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 100.000 tỷ đồng của Agribank đối với những khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19: 88 khách hàng, với số tiền 481 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ cho khách hàng giảm từ 2% - 2,5%/năm.
Đẩy mạnh xây dựng kho dữ liệu quốc gia
Trong thời gian tới, CIC sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3/01/2020 của Thống đốc NHNN về nâng cao chất lượng cơ sở TTTD quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, mở rộng thông tin từ các nguồn thông tin phi truyền thống và nâng cao tính minh bạch của TTTD, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. CIC cũng dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị ngoài ngành như Công ty viễn thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Cơ quan thuế… để mở rộng kho dữ liệu của CIC. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, thống nhất, phản ánh chính xác, đầy đủ, kịp thời dữ liệu từ các đơn vị trong và ngoài ngành. CIC cũng sẽ tập trung nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm tổng hợp phục vụ các đơn vị thuộc NHNN, chi nhánh tỉnh, thành phố; nghiên cứu xây dựng thêm sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của TCTD và xã hội. Hiện nay, CIC đang tích cực triển khai nâng cấp đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin nhằm tăng cường an ninh, an toàn thông tin, nâng cao năng lực xử lý dữ liệu, cung cấp dịch vụ theo hướng hiện đại hóa và áp dụng các công nghệ mới trong quy trình nghiệp vụ. Đẩy nhanh tiến độ, triển khai đồng bộ phương thức H2H đến các TCTD; nghiên cứu chính sách giảm giá sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ hơn nữa cho TCTD, người dân và doanh nghiệp.
Trong những tháng cuối năm 2020, CIC sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biễn dịch Covid-19, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; Đẩy nhanh Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của CIC giai đoạn 2018 - 2023; Tổ chức thu thập và xử lý dữ liệu từ các đơn vị trong và ngoài ngành, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia; Cung cấp thông tin kịp thời phục vụ Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị thuộc NHNN, các cơ quan quản lý ngoài ngành phục vụ quản lý nhà nước, các TCTD và các cơ quan quản lý khác; Hoàn thiện xây dựng Mô hình chấm điểm thể nhân CIC 2.0 và giới thiệu về mô hình chấm điểm mới đến các TCTD; Hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống H2H trong quý IV/2020.
Anh Hòa
Theo Tạp chí Ngân hàng số 22/2020