Xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã thu thập được thông tin từ 123 đầu mối tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trên 1.160 quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô chính thức và 52 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng (TTTD). Trong Quý III/2020, độ phủ TTTD tiếp tục được cải thiện so với tháng trước, tăng trên 766.000 khách hàng vay (trên 2.241.793 hồ sơ vay mới), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu TTTD quốc gia lên trên 44.600.000 khách hàng. CIC cũng tiếp tục duy trì thu thập ổn định các loại thông tin về dư nợ, hợp đồng tín dụng, tài sản bảo đảm, thẻ tín dụng, tài chính doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các TCTD, đảm bảo chất lượng thông tin được duy trì, đều đạt từ trên 98% đến 100%, điều này góp phần cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.
Tính riêng trong Quý III/2020, CIC đã có trên 41.000 khách hàng cá nhân đăng ký tài khoản trực tuyến, tăng 20% so với quý trước, trong đó, có 23.718 khách hàng được phê duyệt (đạt tỉ lệ gần 58% tổng số khách hàng đăng ký), nâng tổng số khách hàng được phê duyệt đến thời điểm hiện tại là 119.646 khách hàng. Công tác giải quyết khiếu nại, điều chỉnh thông tin khách hàng được thực hiện nghiêm ngặt, tuân theo đúng quy trình nghiệp vụ đã ban hành. Qua đó, nâng cao chất lượng kho dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch của TTTD.
Nhằm hỗ trợ các TCTD kết nối trực tuyến với người dân và doanh nghiệp khi giao dịch truyền thống bị hạn chế trong giai đoạn giãn cách xã hội, Cổng thông tin kết nối khách hàng vay (cic.gov.vn - CIC Credit Connect) và app CIC Credit Connect liên tục được miễn phí sử dụng trong Quý III/2020.
Ngoài ra, CIC cũng hướng dẫn TCTD báo cáo thông tin khách hàng vay được điều chỉnh giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. CIC tiến hành thực hiện giai đoạn cuối của Mô hình chấm điểm thể nhân CIC 2.0: vận hành công cụ chấm điểm RCLIPS vào hệ thống của CIC. Cùng với đó, CIC đã ký mới 62 hợp đồng với các TCTD, nâng tổng số người sử dụng trên toàn quốc lên trên 53.478 tài khoản khai thác; tiếp nhận và xử lý 10.141 yêu cầu hỗ trợ, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, có 53 trường hợp khiếu nại bằng văn bản từ TCTD, giải đáp 1.280 trường hợp thắc mắc qua email, 770 phiên chat qua webchat, thực hiện 23 lượt tiếp công dân.
Đặc biệt, CIC thực hiện thành công “Đề án phát triển CIC đến 2015, định hướng 2020” được Thống đốc NHNN phê duyệt theo Quyết định số 1033/QĐ-NHNN ngày 26/5/2014 và kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các nghị quyết của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh năm 2020 của Nhóm Ngân hàng Thế giới, khả năng “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam xếp hạng 25/190 nước và vùng lãnh thổ, tăng 07 bậc so với năm 2019, xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN sau Brunei và thứ 7 khu vực Châu Á. Trong đó, chỉ số chiều sâu TTTD đã cải thiện từ 7 lên 8/8 điểm nhờ cải cách hoạt động thu thập và cung cấp thông tin với các tổ chức bán lẻ (điểm số này cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và OECD là 4,5 và 6,8/8 điểm). Độ phủ thông tin của CIC đã đạt 59,4%/dân số trưởng thành, cao hơn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và OECD. Kết quả đạt điểm tuyệt đối về chỉ số chiều sâu TTTD và độ phủ TTTD vượt trên 18% so với đầu nhiệm kỳ đã giúp CIC hoàn thành sớm mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ CIC lần thứ nhất và Đề án phát triển CIC đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Ngoài ra, CIC đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay mới từ tháng 6/2019 với nhiều tiện ích trên cả giao diện web và ứng dụng điện thoại thông minh. Qua 06 tháng triển khai thử nghiệm, CIC đã ghi nhận một lượng lớn khách hàng đăng ký thông tin qua cổng (với khoảng gần 100.000 tài khoản đăng ký), trên 500 sản phẩm tín dụng của TCTD được quảng bá, gần 2.000 tài khoản của các cán bộ tín dụng đăng ký. Tỷ lệ kết nối nhu cầu vay tại các địa phương thông qua Cổng thông tin có chiều hướng tăng lên. Trong đó, có những tỉnh, thành phố có số khách hàng vay đăng ký lớn và có tỷ lệ kết nối cao như TP. HCM (71%), Hà Nội (61%), Đồng Nai (75%)... Thông qua Cổng thông tin, số lượng khách hàng vay khai thác báo cáo tín dụng cũng tăng nhanh qua từng năm, kết quả giai đoạn 2015 - 2020, CIC cung cấp trên 100.000 báo cáo tín dụng trực tiếp cho khách hàng vay, đạt gấp 2 lần so với mục tiêu đặt ra.
CIC cũng đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia thống nhất trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bao gồm 100% TCTD, kể cả gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và 04 tổ chức tài chính vi mô. Tỉ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt từ 95% trở trên; dữ liệu lịch sử được phân tổ, lưu trữ tối thiểu 5 năm trên nền tảng công nghệ hiện đại, có thể truy xuất phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ khác nhau. Tổng số chủ thể thông tin được cập nhật và lưu trữ trong kho dữ liệu TTTD quốc gia đến hết Quý I/2020 là trên 43.400.000, bao gồm 1.200.000 pháp nhân và trên 42.200.000 thể nhân, vượt trên 30% so với mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đảng bộ CIC lần thứ nhất nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Chìa khóa công tác Đảng
Có được kết quả vượt bậc nêu trên, không thể không nhắc tới sự phối hợp nhịp nhàng, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy CIC với tập thể Ban lãnh đạo CIC. Theo đó, trên cơ sở quy định về chế độ làm việc của đơn vị và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, tập thể Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc thường xuyên trao đổi, thống nhất những vấn đề quan trọng về định hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, biện pháp tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành 100% chương trình, kế hoạch công tác hàng năm được Ban Lãnh đạo NHNN giao. Bên cạnh đó, Đảng ủy CIC đã lãnh đạo các chi bộ và đảng viên phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong nghiên cứu, học tập, tiếp tục hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, đề xuất các biện pháp chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng hệ thống TTTD quốc gia hiện đại, hỗ trợ tích cực vào công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay và góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ được Đảng bộ CIC đẩy mạnh toàn diện, nên có nhiều đổi mới. Đảng bộ đã tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Nổi bật là CIC đã hoàn thành việc nâng cấp cơ cấu tổ chức theo Quyết định 926/QĐ-NHNN ngày 12/5/2017 của Thống đốc NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của CIC. Hoàn thành việc sắp xếp, ổn định tổ chức các phòng theo cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ mới theo hướng chuyên biệt hóa các mặt nghiệp vụ, đảm bảo mọi nghiệp vụ đều có sự kiểm soát hai tầng, qua đó, cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động. Về cơ chế tài chính, CIC đã hoàn thiện đề án chuyển tiếp sang đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và đầu tư theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP), tăng quyền tự chủ cho CIC theo đúng chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 13/9/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1797/QĐ-NHNN giao quyền tự chủ về tài chính cho CIC, trong đó, CIC là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về đổi mới cơ chế hoạt động, CIC đã phối hợp với các đơn vị liên quan của NHNN xây dựng Đề án vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, sớm trình Thống đốc NHNN phê duyệt trong thời gian tới.
Đảng ủy CIC thường xuyên thực hiện rà soát, ban hành Chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, viên chức CIC; đồng thời, phối hợp với Ban Tổng Giám đốc chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đảng ủy yêu cầu từng đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ của mình tự xây dựng kế hoạch của cá nhân cam kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thanh niên CIC hướng dẫn quần chúng, đoàn viên xây dựng kế hoạch cá nhân làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và báo cáo Đảng ủy kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, Đảng ủy đề ra chủ trương phải thường xuyên quan tâm đổi mới phương pháp, cách thức học tập Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú và đã được các chi bộ trực thuộc triển khai sôi nổi, có hiệu quả như tổ chức trao đổi, tọa đàm trong Đảng bộ và các chi bộ về cách làm hay và những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả triển khai của Đảng bộ CIC đã được Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương đánh giá cao, Đảng bộ CIC là một trong các cấp ủy được Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2018.
Đảng bộ CIC đã đặt ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, phát huy tiềm năng của từng chi bộ, từng đảng viên để xây dựng tập thể CIC đoàn kết, thống nhất, tạo nền tảng vững chắc đưa CIC trở thành một tổ chức TTTD công lập có quy mô lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế, song hành với tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của CIC đối với cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia nói chung và đối với sự phát triển an toàn, bền vững của Ngành nói riêng.
Đức Thuận,
Đỗ Đào
Theo TCNH số 20/2020