Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số càng ngày càng làm mờ ranh giới giữa vật lý và kỹ thuật số, đưa loài người vào một công cuộc thay đổi và mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các hoạt động đời sống kinh tế xã hội sẽ được hỗ trợ rất nhiều bởi kỹ thuật số. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải có một nền tảng kỹ thuật số để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, phù hợp với mô hình nghiệp vụ, mô hình kinh doanh của mình.
Ngân hàng đã từng là một lĩnh vực hoạt động rất khó thay đổi tính truyền thống. Trong công cuộc thay đổi đang diễn ra, với động lực là sự phát triển của công nghệ mới kỹ thuật mới, nhiều hoạt động gắn chặt với ngân hàng có nguy cơ bị xoá bỏ. Điển hình là sự ra đời của tiền kỹ thuật số, với mục tiêu nguyên sơ là sử dụng một đồng tiền điện tử để cho phép các thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên gửi sang bên nhận mà không cần đi qua một tổ chức tài chính. Tiếp đến là sự xuất hiện của các sàn giao dịch cho vay ngang hàng kết nối trực tiếp, trực tuyến giữa nhà đầu tư và người vay,...
Cuộc sống của con người đã phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Khi công nghệ thay đổi, con người không có cách nào khác ngoài việc cũng phải thay đổi để thích nghi. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng, hoạt động ngân hàng cũng phải thay đổi để có thể tiếp tục tồn tại.
Như vậy, câu hỏi đặt ra sẽ là, thay đổi như thế nào?
Trong vai trò là người dùng, mọi thứ liên quan trong cuộc sống của chúng ta hiện nay đang được kỹ thuật số hỗ trợ xử lý một cách nhanh chóng, nhất quán chưa từng có. Chúng ta có thể thực hiện đặt vé máy bay, mua sắm trực tuyến, lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ… một cách dễ dàng thông qua các ứng dụng trên điện thoại mobile. Các ngân hàng đã có những sự thay đổi đáng kể để có thể cung cấp các dịch vụ hiện đại, thuận tiện cho khách hàng. Với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ, và sự hấp thụ rất nhanh của thị trường, có thể nhận thấy rằng ngân hàng phải có nền tảng công nghệ vô cùng linh hoạt để có thể dễ dàng thay đổi, đổi mới khi tiếp xúc, làm việc với khách hàng, để cho khách hàng thuận tiện và có những trải nghiệm tốt đẹp với các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Tuy vậy, ngân hàng còn có những hoạt động không phù hợp với sự thay đổi thường xuyên, đó là các hoạt động nội bộ phức tạp, tập trung vào các xử lý nội bộ, giới hạn với khách hàng, ví dụ như hoạt động ngân hàng lõi. Vì vậy, để có một nền tảng vừa thích nghi được với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mang đến cho người dùng những trải nghiệm tốt đẹp về các sản phẩm dịch vụ, vừa phù hợp với các hoạt động ngân hàng lõi phức tạp, các ngân hàng cần thiết phải có một kiến trúc cho các hoạt động ngân hàng số vừa linh hoạt vừa ổn định.
Nội dung sau đây sẽ trình bày một góc nhìn đề cập đến các trụ cột kiến trúc để các ngân hàng phát triển hoạt động ngân hàng số:
Trụ cột thứ nhất - Hoạt động ngân hàng đa kênh (Omni channel banking)
Với hoạt động ngân hàng ngày nay, khách hàng mong muốn họ có thể truy cập vào tài khoản của họ, truy suất thông tin ở bất cứ đâu, tại bất cứ thời điểm nào, trên bất kỳ thiết bị điện tử nào. Mỗi khi khách hàng sử dụng trình tìm kiếm để tìm các thông tin về một sản phẩm, gian hàng, hay gọi điện đến các văn phòng dịch vụ khách hàng, họ đều đang cung cấp một nguồn thông tin. Bên trong nguồn thông tin này là cơ hội để ngân hàng hiểu được khách hàng của mình hơn, đoán được họ mong muốn, thích điều gì. Khác với multi-channel (cũng được hiểu là đa kênh) tập trung vào các giao dịch ngân hàng, cung cấp cho khách hàng nhiều kênh dịch vụ khác nhau để thực hiện giao dịch, omni-channel tập trung vào việc tương tác với khách hàng thông qua nhiều kênh dịch vụ một cách liền mạch và nhất quán. Với multi-channel, ngân hàng cung cấp các lựa chọn để đáp ứng các nhu cầu rõ ràng của khách hàng. Với omni channel, ngân hàng không chỉ đáp ứng các nhu cầu rõ ràng của khách hàng, mà còn dự đoán được những mong muốn, sở thích của khách hàng, để từ đó giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ khác.
Với việc xây dựng mô hình nghiệp vụ lấy khách hàng làm trung tâm, omni-channel giúp cho các ngân hàng sẽ duy trì được trải nghiệm của khách hàng trên các sản phẩm, dịch vụ của mình. Cũng không khó để nhận ra, trụ cột thứ nhất này sẽ gắn liền với công nghệ Big-data.
Trụ cột thứ hai - Modular banking
Công nghệ thay đổi rất nhanh, thị trường hấp thu sự thay đổi này cũng rất nhanh. Trong khi đó, theo cách tiếp cận, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trước đây, để thay đổi nền tảng công nghệ cho một sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cần rất nhiều thời gian. Làm sao để có thể ứng dụng nhanh những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật để phát triển các sản phẩm dịch vụ? Hoạt động ngân hàng sẽ phải xây dựng theo kiến trúc module, có cấu phần cho phép ít thay đổi, có cấu phần có thể sử dụng lại và cho phép kết hợp không giới hạn để có thể tạo nên một kiến trúc lỏng, linh hoạt, thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ lẫn thị trường.
Song song với kiến trúc module, hướng tiếp cận để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp. Nếu như trước đây, để tạo ra các sản phẩm dịch vụ, các bước thực hiện thường là: Khảo sát, thu thập nhu cầu khách hàng; Thiết kế; Triển khai và Duy trì phục vụ[1]. Để linh hoạt, các sản phẩm dịch vụ sẽ phải được xây dựng theo hướng cho phép liên tục triển khai liên tục tích hợp [2]. Hướng tiếp cận này sẽ giúp ngân hàng vừa duy trì những sản phẩm dịch vụ đang cung cấp vừa thực hiện thường xuyên những thay đổi phát sinh nhỏ, phát triển những tính năng mới, …
Cũng không khó để nhận ra, trụ cột thứ hai này sẽ gắn liền với điện toán đám mây. Mô hình điện toán cho phép sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các ứng dụng, dịch vụ một cách nhanh chóng, tiết kiệm.
Trụ cột thứ ba - Hoạt động ngân hàng mở (Open banking)
Ngân hàng là một hoạt động mang nhiều tính truyền thống, không dễ thay đổi. Vì vậy, hoạt động ngân hàng mở là một sự thay đổi rất khó để chấp nhận. Nhưng từ nay, hoạt động ngân hàng mở được xem là một trong những hoạt động bắt buộc để ngân hàng có thể tiếp tục tồn tại. Trụ cột thứ ba này sẽ gắn liền với việc ứng dụng giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) trong các hoạt động ngân hàng. Nếu như trước đây, ngân hàng quản lý tất cả inputs/outputs liên quan đến các dịch vụ ngân hàng, thì từ nay, ngân hàng sẽ phải buông lỏng quản lý đối với inputs/outputs của các sản phẩm dịch vụ, tiếp nhận sự kết nối từ bên thứ ba từ đó tiếp nhận cơ hội khai thác năng lực, nguồn lực của bên thứ ba để làm tăng giá trị thặng dư cho các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, tạo ra hệ sinh thái đa dạng của hoạt động ngân hàng số. (Hình 1)
Hình 1: Digital banking platform
Trụ cột thứ tư - Ngân hàng thông minh (Smart banking)
Smart banking thể hiện ý chí của các ngân hàng trong việc ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ thông minh như AI, machine learning, blockchain, các công cụ phân tích và khai thác dữ liệu… để thúc đẩy, phát triển các sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ trải nghiệm của khách hàng.
Một trong những công nghệ đang thu hút được rất nhiều sự đầu tư, phát triển đó là công nghệ blockchain, công nghệ nền tảng phục vụ ứng dụng tiền kỹ thuật số, có bản chất là việc sử dụng mã hoá khoá công khai, tạo nên một mạng liên kết các khối thành một chuỗi khối. Công nghệ blockchain được ứng dụng để tạo ra các mạng ngang hàng mà trong đó, các thành viên của mạng chia sẻ thông tin về các giao dịch không thể chối bỏ. Trong lĩnh vực tài chính, sổ cái phân tán (distributed ledger) là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ blockchain. Trong một mạng tập trung, sổ cái tập trung (centralized ledger) ghi lại những giao dịch được thực hiện trong mạng tại vị trí tập trung của mạng đó. Trong một mạng ngang hàng, không có trung gian, các thành viên của mạng thực hiện các giao dịch trực tiếp với nhau, sổ cái phân tán ghi lại những giao dịch này tại nhiều vị trí của mạng. Khi một thành viên tạo một giao dịch, giao dịch này được gán tem thời gian và mã hoá khoá công khai của các thành phần tham gia giao dịch. Khi tham gia một mạng ngang hàng như vậy, bất kỳ thành viên nào được phân quyền đều có thể có thông tin về các giao dịch đã thực hiện trong mạng. Sổ cái phân tán hướng đến các mạng giao dịch minh bạch, cho phép các thành viên quản lý tất cả thông tin và giao dịch của mình, khó giả mạo, gian lận, không phụ thuộc vào một tổ chức trung gian, thuận tiện cho việc tra soát, tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động. Tại khu vực Châu Á, một trong các nền tảng blockchain với mô hình sổ cái phân tán đang phục vụ các hoạt động thương mại, tài chính là eTradeconnect được Cơ quan tiền tệ Hồng Kông tuyên bố ra mắt chính thức vào ngày 31/10/2018, được phát triển bởi 12 ngân hàng lớn ở Hồng Kông.
Tại Châu Âu, nền tảng blockchain we.trade chính thức phục vụ các hoạt động thương mại tài chính từ 07/2018. Đến nay, đã có 12 ngân hàng tham gia vào mạng lưới hoạt động của we.trade. ETradeconnect và we.trade đã được các lãnh đạo cấp cao tuyên bố sẽ kết nối, hợp tác để mở đường cho việc số hoá các giao dịch xuyên biên giới trong hành lang thương mại giữa Châu Á và Châu Âu. Rõ ràng, với sự hỗ trợ của công nghệ, khách hàng của các ngân hàng tham gia vào các nền tảng thương mại tài chính như eTradeconnect và we.trade sẽ trải nghiệm được các dịch vụ ngân hàng thông minh, nhanh hơn, chính xác hơn, minh bạch hơn so với các dịch vụ thương mại tài chính quốc tế truyền thống.
[1] Waterfall approach
[2] Continuous Intergration Continuous Deployment - CICD
Tài liệu tham khảo:
1. Banking 2025 - Four pilars of digital first bank, BackBase (https://backbase.com/resources/banking-2025-whitepaper/?utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=banking_2025_apac_RSA&utm_content=whitepaper&gclid=Cj0KCQjw4qvlBRDiARIsAHme6otjGwwr6yF4wR6suPXZPGOVdYtBMKKqlrGJdNAL8SF2d5yNWgTgKiEaArwPEALw_wcB);
2. Bitcoin: A peer-to-peer Electronic Cash System, Satoshi Nakamoto (https://bitcoin.org/bitcoin.pdf);
3. Omnichannel Banking IBM (https://www.ibm.com/industries/banking-financial-markets/resources/omnichannel-banking-paper/).
4. https://www.hkma.gov.hk/eng/key-information/press-releases/ 2018/20181031-4.shtml
5. https://we-trade.com/businesses
ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh
Nguồn: TCNH chuyên đề THNH số 3/2019