Dịch vụ Mobile-Money (cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) được triển khai trên nền tảng công nghệ với đông đảo người dùng, do đó, yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng.
Nguồn ảnh: Internet
Việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp trước khi được cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money cần thận trọng, mục đích là bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) (Quyết định số 316/QĐ-TTg), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẩn trương, tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Bộ Công an để xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa ba bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có quy định mục đích, nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa ba bộ trong công tác thẩm định, chấp thuận thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money cũng như công tác theo dõi, báo cáo, kiểm tra, thanh tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money.
NHNN được Thủ tướng Chính phủ giao là đầu mối xây dựng khuôn khổ, nội dung thực hiện thí điểm về dịch vụ Mobile-Money. Trên tinh thần khách quan với quan điểm lấy trải nghiệm và lợi ích của người sử dụng dịch vụ là trọng tâm, NHNN đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, hoàn thiện nội dung thí điểm dịch vụ Mobile-Money, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316/QĐ-TTg.
Tại Quyết định số 316/QĐ-TTg, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của NHNN và các bộ, ngành liên quan đã được quy định rõ ràng trong công tác thẩm định, chấp thuận thực hiện thí điểm, theo dõi, báo cáo, kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money và NHNN sẽ tuân thủ, phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan cũng như các doanh nghiệp viễn thông để triển khai theo đúng quy định.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), NHNN đã nhận được hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money của ba doanh nghiệp viễn thông gồm: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Truyền thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT-Media), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone). Với vai trò đầu mối, NHNN đã tiếp nhận, phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT và Bộ Công an khẩn trương thẩm định, có ý kiến cụ thể đối với từng hồ sơ gửi các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg. Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông sẽ được xem xét, cấp phép sau khi có ý kiến chấp thuận từ các bộ về hồ sơ đã đáp ứng Quyết định số 316/QĐ-TTg.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, Mobile-Money là dịch vụ mới, triển khai trên nền tảng công nghệ, có phạm vi áp dụng trên toàn quốc, sẽ có số lượng người dùng lớn, yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng nên cần có thời gian cho các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, cũng như các bộ cần xem xét, đánh giá, thẩm định. Mục đích là bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán. Hơn nữa, đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân, nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng.
Mobile-Money góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thị trường đang chờ đợi dịch vụ này sớm được triển khai thí điểm. Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là khi Mobile-Money được triển khai liệu “miếng bánh” thị phần của các ví điện tử và ngân hàng thương mại có bị chia sẻ?
Gần đây, dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dùng. Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), hiện có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 36 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 14,59 triệu ví. Theo báo cáo của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, trong quý I/2021, giao dịch bằng ví điện tử tăng lần lượt là 77,16% về số lượng giao dịch và 69,69% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020 và tăng lần lượt là 40,80% về số lượng giao dịch và 24,01% về giá trị giao dịch so với quý IV/2020.
Theo NHNN, mục tiêu chính của việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money là góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đối tượng ưu tiên của Mobile-Money là những người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, chưa có tài khoản ngân hàng tại các địa bàn thuộc khu khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam... những nơi chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, mạng lưới ngân hàng. Điều này sẽ tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính. Và đích đến cuối cùng là để người dân thuận tiện giao dịch, thanh toán dịch vụ. Khi đó, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.
Mặc dù Mobile-Money có những lợi thế nhất định, nhưng với bề dày về kinh nghiệm và được đông đảo khách hàng đón nhận nhờ nhiều tiện ích, các ví điện tử, trung gian thanh toán cũng có những thế mạnh khi đã phát triển trước. Khác với Mobile-Money, để mở và sử dụng ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Hạn mức sử dụng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hạn mức giao dịch Mobile-Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch. Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ Mobile-Money và ví điện tử là không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, dịch vụ Mobile-Money sẽ hỗ trợ cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Về lợi thế, Mobile-Money sẽ tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán. Thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi, qua đó góp phần phổ cập tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tuy nhiên, đối với dịch vụ Mobile-Money, việc xác thực, định danh khách hàng (KYC) do các doanh nghiệp viễn thông tự thiết lập có thể khó khăn hơn, đặc biệt trong tình trạng SIM rác (sử dụng thông tin không chính danh để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn SIM thuê bao), mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, dẫn tới các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile-Money, thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận, giao dịch bất hợp pháp bằng Mobile-Money. Bên cạnh đó, thách thức kiểm soát dòng tiền, cần có giải pháp và chế tài trong phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài ra, vấn đề kỹ thuật công nghệ, hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, nếu không đáp ứng các điều kiện an toàn, bảo mật có thể gây lộ, lọt thông tin của khách hàng.
Trong khi đó, các ví điện tử có thể chiếm ưu thế hơn nhờ nền tảng công nghệ bảo mật đối với thông tin khách hàng của các ngân hàng, đặc biệt khi khách hàng mở ví điện tử sẽ có những yêu cầu chặt chẽ hơn về thông tin và liên kết với tài khoản thanh toán.
Hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn trong thanh toán, ngăn ngừa những nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống tiền tệ, NHNN, Bộ Công an, Bộ TT&TT cần tăng cường phối hợp kiểm soát, không cho các nhà mạng “chức năng tạo tiền” - chỉ cho phép người dân bỏ tiền vào tài khoản điện thoại di động, số tiền đó được lưu giữ tại các nhà mạng và người dân chỉ được dùng số tiền đó để thanh toán.
Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, khi triển khai Mobile-Money, NHNN xác định đầu tiên phải theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trên ba khía cạnh. Đó là bảo vệ tiền của khách hàng thông qua bắt buộc các nhà mạng phải gửi ở ngân hàng và không được sử dụng với mục đích khác. Bên cạnh đó, hệ thống Mobile-Money được xây dựng dựa trên yêu cầu thông tin cấp độ của quốc gia để bảo vệ thông tin cho khách hàng tuyệt đối. Khi có tiền trong Mobile-Money, khách hàng được sử dụng tất cả các dịch vụ một cách hợp pháp.
Đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ và ngăn ngừa những rủi ro cho hệ thống tiền tệ quốc gia cũng như nền kinh tế, tại Quyết định số 316/QĐ-TTg đã có những quy định chặt chẽ đối với các doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Cụ thể, về cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng thương mại và số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile-Money của các khách hàng tại cùng một thời điểm; xây dựng cơ chế xử lý rủi ro về thanh khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile-Money phải được tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại (tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, tài khoản thanh toán phí, tài khoản trả lương và các tài khoản phục vụ cho mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm).
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm theo dõi, quản lý để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho các nghiệp vụ của dịch vụ Mobile-Money, không sử dụng cho các mục đích khác và tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng công cụ để NHNN, Bộ TT&TT và Bộ Công an có thể truy cập hệ thống để khai thác thông tin, dữ liệu, giám sát theo thời gian thực tổng số dư của các tài khoản Mobile-Money và số tiền trên các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile-Money của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại; trên công cụ phải có chức năng để cơ quan quản lý giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp thực hiện thí điểm đối với các hành vi bị cấm. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải đảm bảo phản ánh đầy đủ thông tin về các tài khoản Mobile-Money của khách hàng trên công cụ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin cung cấp trên công cụ.
Đồng thời, Quyết định số 316/QĐ-TTg cũng đưa ra những quy định về nhận biết KYC. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm chịu trách nhiệm KYC chính xác khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile-Money: Xây dựng công cụ để quản lý rủi ro và quy trình KYC đảm bảo chỉ các khách hàng đủ điều kiện được đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile- Money; quyết định việc gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi khách hàng lần đầu đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money.
Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng và ban hành quy trình, thủ tục đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phải đảm bảo có và áp dụng các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết, định danh khách hàng; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của thông tin khách hàng; xây dựng quy trình xác thực đối với mỗi giao dịch của tài khoản Mobile-Money; xây dựng phương án quản lý đối với trường hợp một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản Mobile-Money để thực hiện việc chuyển tiền, thanh toán giữa các cá nhân, đơn vị chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam; có biện pháp hạn chế, loại bỏ tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ trên thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công an, NHNN, Bộ TT&TT) về các tài khoản Mobile-Money có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội, có hành vi vi phạm pháp luật, các giao dịch bất thường, đáng ngờ (thông tin cung cấp bao gồm toàn bộ thông tin lưu trữ về tài khoản Mobile-Money); xây dựng cơ chế tạm khóa/đóng băng các tài khoản Mobile-Money vi phạm ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cần tuân thủ và đảm bảo các điều kiện, quy định khi tổ chức triển khai. Để triển khai thành công Mobile-Money phụ thuộc vào nhiều bên, nhiều yếu tố khác nhau, trong đó các yếu tố mang tính tiền đề là: Đối với doanh nghiệp viễn thông, cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lý.
Đối với khách hàng, ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các điều kiện và được chấp thuận triển khai cung ứng dịch vụ Mobile-Money, người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể đăng ký mở, nạp tiền và sử dụng dịch vụ Mobile-Money.
Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile-Money, khách hàng sẽ cung cấp CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật về đăng ký thuê bao di động và số thuê bao di động của khách hàng phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Ngoài ra, cũng cần lưu ý mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile-Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile-Money là 10 triệu đồng/tháng.
Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, khách hàng có thể sử dụng Mobile- Money để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: nạp, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Khách hàng có thể nạp, rút bằng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, nạp/rút từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp viễn thông thực hiện thí điểm. Sau khi mở tài khoản Mobile-Money, khách hàng có thể nhận tiền và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản Mobile-Money khác.
Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.
Để người dùng thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương thức này trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng, các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính, trong đó có Mobile-Money đối với đối tượng người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, các đối tượng chính sách...
Về phía các doanh nghiệp được triển khai thí điểm, cần tuân thủ các quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg, đồng thời đầu tư công nghệ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật, có công cụ kiểm soát những nguy cơ như rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm đưa lại tiện ích cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, góp phần giảm chi phí xã hội, cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ.
Tại những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, các doanh nghiệp viễn thông cần đầu tư nâng cấp các điểm giao dịch, từ chọn vị trí đến hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đảm bảo sự thuận tiện, an toàn cho người dân khi đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Đối với công tác quản lý nhà nước, Mobile-Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, Bộ TT&TT, Bộ Công an trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg, đặc biệt là phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách về dịch vụ Mobile-Money sau 02 năm thí điểm.
Tài liệu tham khảo
1. Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn
2. Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ
Thanh Thủy (NHNN)