Phát biểu tại Chương trình “Lãnh đạo nữ ngành Ngân hàng học tập tấm gương Hồ Chí Minh trên quê hương Bác”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng ghi nhận, dù ở bất kỳ đâu, công tác ở bất cứ vị trí nào, chị em phụ nữ ngành Ngân hàng nói chung và các nữ lãnh đạo nói riêng luôn thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, cống hiến hết mình, đóng góp vào sự phát triển của ngành Ngân hàng và kinh tế đất nước. Trong những thành tựu rất đáng tự hào ấy, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của mỗi chị em, là sự quan tâm, tạo điều kiện từ Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN về công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống
Nhìn lại năm 2023, các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đã được NHNN triển khai sâu, rộng trong toàn Ngành thông qua việc xây dựng các kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động. Trong đó, NHNN chú trọng công tác tuyên truyền cho cán bộ về các hoạt động, công tác bình đẳng giới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cụ thể, NHNN đã tích cực truyền thông Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới thông qua Hội thảo “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới”; kết hợp các sự kiện, chương trình kỷ niệm các ngày lễ (8/3, 20/10), triển khai Tháng hành động về bình đẳng giới để tuyên truyền, phổ biến nội dung bình đẳng giới đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (đứng thứ bảy từ trái qua phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới” ngày 18/10/2023, tại Hà Nội
Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện công tác truyền thông thông qua hệ thống văn bản nội bộ, thư điện tử, tuyên truyền tại các buổi họp cơ quan; hội nghị công chức, viên chức và người lao động hằng năm; phát động các phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... lồng ghép tuyên truyền trong các chương trình giao lưu, kết hợp tổ chức cùng các đơn vị, sở, ban, ngành tại địa phương.
Thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, các đơn vị thuộc NHNN đã tổ chức đa dạng các hoạt động như: Tổ chức Lễ phát động, tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ; trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới…
Không chỉ thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới của Ngành, NHNN còn chú trọng đến việc lồng ghép giới trong quá trình thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực trong việc cử các bộ là nữ tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật, nghị định, tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của phụ nữ cho sự phát triển xã hội, cộng đồng. Đồng thời, NHNN cũng quan tâm vấn đề bình đẳng giới trong quá trình ban hành chính sách của ngành Ngân hàng. Đặc biệt Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023 đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, không phân biệt giới. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao vai trò của phụ nữ nông thôn trong đời sống kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa phụ nữ nông thôn và phụ nữ thành thị. NHNN tiếp tục thực hiện và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. NHNN ban hành một số chính sách, chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
NHNN cũng đã triển khai các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới theo chức năng, nhiệm vụ được giao như Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các đơn vị thuộc NHNN đã tổ chức đa dạng các hoạt động như tổ chức Lễ phát động, tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới…
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và các đơn vị thuộc NHNN đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định pháp luật về “đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Nhiều hoạt động về nguồn, từ thiện tới các vùng sâu, vùng xa, những vùng còn gặp nhiều khó khăn đã được các Ban cơ sở phối hợp với Công đoàn triển khai một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần động viên và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, những đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Một số các đơn vị trong Ngành đã lồng ghép các nội dung hỗ trợ, bảo vệ nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (chống bắt nạt, quấy rối tình dục, chống phân biệt về giới và quy định có liên quan) vào nội quy lao động tại cơ quan/đơn vị.
Phát huy vai trò và tiềm năng nữ cán bộ
Đặc biệt, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã Ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP và thông báo cho các đơn vị để triển khai thực hiện, đồng thời, hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Dựa trên các chỉ tiêu và mục tiêu của Chiến lược năm 2023, NHNN và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng đã triển khai các kế hoạch và giải pháp cho từng mục tiêu.
Với mục tiêu tạo các hoạt động nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, NHNN nghiêm túc triển khai thực hiện, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn quy hoạch đảm bảo yêu cầu về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN và các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cũng đặc biệt quan tâm và ưu tiên đến cán bộ nữ khi xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các cán bộ nữ thể hiện tốt năng lực lãnh đạo, điều hành, năng lực chuyên môn trong quá trình công tác đều được ghi nhận và đánh giá cao. NHNN có 01 lãnh đạo Ngành là nữ (đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN), chiếm tỉ lệ 20% trong Ban Lãnh đạo của NHNN. Tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương của NHNN chiếm 29,1% (86/296 đồng chí). 100% các đơn vị thuộc NHNN có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt (cấp phòng trở lên).
Với mục tiêu tạo các hoạt động nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, NHNN đã thực hiện công tác tuyển dụng công khai, minh bạch, theo quy định pháp luật và không phân biệt giới. Theo đó, quá trình thực hiện tuyển dụng không có ưu tiên hoặc các điều kiện ưu thế hơn cho mỗi giới, đảm bảo các ứng viên đáp ứng được các điều kiện như nhau đều được đăng ký dự tuyển. Đồng thời bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị; đảm bảo bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng của mỗi giới trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nguyên tắc “Đối xử công bằng giữa nam và nữ trong công việc - tôn trọng quyền và không phân biệt đối xử”.
Ban Lãnh đạo NHNN và Ban Lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Cụ thể, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các chương trình chăm sóc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Khám sức khỏe định kỳ (một số đơn vị thực hiện khám sức khỏe sinh sản cho nữ giới), mời bác sĩ, chuyên gia để nói chuyện, tư vấn về các vấn đề sức khỏe. Đồng thời, tổ chức, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các hoạt động thể dục, thể thao nhằm tăng cường thể lực, duy trì sức khỏe thông qua các hoạt động, cuộc thi chạy bộ, đi bộ…
Các đơn vị trong ngành Ngân hàng đều thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật về các chế độ, chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho nữ công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng. Thống kê cho thấy, năm 2023, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng được khám sức khỏe hoặc hỗ trợ để khám sức khỏe định kỳ và cán bộ nữ được khám chuyên khoa nữ hằng năm. 100% các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về các chế độ, chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng.
Cũng trong năm 2023, NHNN và các đơn vị trong Ngành tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong năm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm, kiến thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. NHNN cũng tích cực liên hệ, tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm để triển khai chương trình, hoạt động bình đẳng giới… Các đơn vị trong Ngành đã quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, truyền thông, thu hút nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, chia sẻ trách nhiệm gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong cộng đồng và xã hội.
Năm 2024, NHNN và các đơn vị trong Ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn và các tổ chức đoàn thể các đơn vị; từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong công tác bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ tại các đơn vị. Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, chính sách, quy định dành cho cán bộ nữ, hướng tới bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng. Kịp thời điều chỉnh cách thức triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động nữ để đảm bảo kế hoạch đào tạo đã đặt ra, trong đó, chú trọng công tác đào tạo cán bộ nữ trong diện quy hoạch và nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ tham mưu thực hiện công tác bình đẳng giới của NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.
Đồng thời NHNN tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, hướng đến thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó, chú trọng chỉ đạo, xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới, tích cực tìm kiếm nguồn hỗ trợ, phối hợp công tác từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng.
Linh Trang