Ngày 29/3/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2023.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý I/2023. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kì năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (cơ cấu tương ứng của cùng kì năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Toàn cảnh buổi họp báo
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 310,3 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng kí và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kì năm 2022.
Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động trong quý I/2023. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh khiến hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Vận tải hành khách đạt 1.114,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 28,8% so với cùng kì năm trước. Vận tải hàng hóa đạt 549,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,2% so với cùng kì năm 2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2023 ước đạt 1.505,3 nghìn tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 tăng 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% (cùng kì năm 2022 tăng 2%).
Tính chung quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỉ USD, giảm 13,3% so với cùng kì năm 2022, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%; tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỉ USD.
Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của kinh tế toàn cầu.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2023 theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kì năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Tuy nhiên, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Bảo Ly