Điểm nhấn kinh tế năm 2022
Năm 2022 ghi nhận kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu liên tục giảm và viễn cảnh thực tế năm 2023 còn có thể bi quan hơn nữa. Các thách thức đa chiều đang dần định hình với tăng trưởng kinh tế và việc làm thấp, lạm phát gia tăng, mất ổn định an ninh lương thực và năng lượng, trở ngại trong tích lũy vốn, lao động và biến đổi khí hậu. Chi phí sinh hoạt tăng phi mã đi kèm việc thắt chặt các điều kiện tài chính đang diễn ra ở hầu hết các khu vực trong khi các lựa chọn chính sách hỗ trợ của chính phủ ngày càng thu hẹp lại…
Hoạt động kinh tế toàn cầu đang trải qua một cuộc suy thoái trên diện rộng và mạnh hơn dự kiến. Lạm phát toàn cầu cao chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua, tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022, dự kiến giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Lợi nhuận từ kinh doanh dầu mỏ và khí đốt tăng vọt song chi phí năng lượng tăng cao là lực cản lớn đối với tăng trưởng thu nhập và sản suất. Chi phí vốn tăng lên gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Lạm phát làm giảm sức tiêu dùng của người dân, sức mua của người dân toàn cầu giảm dẫn đến sản xuất thế giới thu hẹp do không có đơn hàng.
Điểm mới của kinh tế thế giới năm 2022 là các nền kinh tế phát triển đang phải chịu đựng mức lạm phát rất cao, từ đó, lan sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều chứng kiến mức tăng trưởng giảm nhiều nhất thế giới, ngược với các nền kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông (như Ấn Độ và Saudi Arabia)…
Theo công bố của Cơ quan Thống kê của EU (Eurostat) ngày 06/01/2023, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dù giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, nhưng vẫn còn 9,2% trong tháng 12/2022 so với mức 10,1% trong tháng 11/2022 và tháng 10 là 10,6%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Để đối phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương đã buộc phải nâng lãi suất, dẫn đầu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ở Mỹ, đến tháng 12/2022, lãi suất cơ bản đang nằm trong ngưỡng 4,25 - 4,5%, cao nhất trong vòng 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. ECB cũng đã kết thúc giai đoạn 15 năm lãi suất cơ bản âm hoặc bằng 0 để kích cầu nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 và đẩy mặt bằng lãi suất lên mức 2,5%. Ngày 23/12/2022, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định, ECB đang tăng lãi suất và sẽ tiếp tục tăng, với tốc độ đều, cho đến khi đạt mức có thể đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%.
Năm 2023, Việt Nam tự tin sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 6 - 6,5%. (Nguồn: Internet)
Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 10/01/2023, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 là 1,7% - mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ (không tính các năm suy thoái kinh tế 2009 và 2020). 95% nền kinh tế phát triển và gần 70% các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển sẽ bị giảm tăng trưởng vào năm 2023. Tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vào khoảng 2,7% và mức tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020 - 2024 sẽ ở mức dưới 2% - tốc độ chậm nhất kể từ năm 1960. Mỹ, Eurozone và Trung Quốc đều suy yếu rõ rệt, với tác động lan tỏa bất lợi đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Theo đó, năm 2023, Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% GDP, Trung Quốc tăng 4,3% và Eurozone chỉ tăng trưởng 0%. Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 2,5% vào năm 2022 và chỉ còn tăng 0,5% GDP vào năm 2023. Ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) tăng trưởng 3,8% năm 2022 và 2,7% vào năm 2023.
Theo Báo cáo cập nhật tháng 12/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2022, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á là 5,5% và lạm phát ở mức 5,1%, thấp hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới nhờ các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch, tăng trưởng thương mại nội khối hơn 30% và tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng như sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của các ngân hàng trung ương các nước và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực… Hiện khu vực Đông Nam Á chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu; khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI thế giới. Quy mô nền kinh tế số dự kiến đạt 194 tỷ USD. Trong năm 2022, các quốc gia Đông Nam Á đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Ấn Độ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Đặc biệt, năm 2022 ghi nhận 03 xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng là:
Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc, hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế. Các hoạt động thấp tầng, thâm dụng lao động và không đòi hỏi công nghệ cao như gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, dệt may, sản xuất linh kiện, phụ tùng đơn giản thường được dịch chuyển ra nhiều nước nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất;
Thứ hai, dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chiến lược có giá trị gia tăng cao, liên quan tới bí mật công nghệ và an ninh quốc gia, nhất là với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU;
Thứ ba, dịch chuyển gắn với tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp, phân tán rủi ro; cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng đang và sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ nhân lực, công nghệ.
Đồng thời, động lực đầu tư xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng có nguy cơ thụt lùi do giảm số lượng các dự án đầu tư nhằm tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Năm 2022, Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Fitch cũng xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh…
Trên thực tế, theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19, Việt Nam đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP 8,02%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, chiếm tỷ trọng 11,88% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, chiếm 38,26% GDP; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).
Xuất khẩu của Việt Nam nổi lên như điểm sáng về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng xuất và sự phục hồi thị trường: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD; có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%); có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%). Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mức 11 tỷ USD, tức về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Tất cả các thị trường xuất khẩu đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: EU tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, FDI thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87%. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2022 tăng 16,2% so với năm trước, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,8%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 17,3%. Tính đến ngày 27/12/2022, chỉ số VNIndex đạt 993,7 điểm, giảm 33,68% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường ước giảm 32,2% so với cuối năm 2021. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân năm của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.484 hợp đồng/phiên, tăng 43% so với bình quân năm trước; chứng quyền có bảo đảm đạt 32,69 triệu chứng quyền/phiên, tăng 53%. Thu ngân sách nhà nước ước tăng 13,8% so với năm 2021.
Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 27,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,9% về số lao động so với năm 2021. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, có 59,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; xếp hạng về đầu ra thứ 35 so với thứ 38 năm 2021, thuộc nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2022 là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%. Ước tính thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Cả nước có 5.869/8.225 xã (chiếm 71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước) và 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt 3 sao trở lên được thị trường đón nhận tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Những thành quả trên là hội tụ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược từ "Zero Covid" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển…
Triển vọng kinh tế năm 2023
Năm 2023, nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức, với động thái nổi bật là tăng trưởng kinh tế chậm dần và nhiều nước giảm sâu, thậm chí tăng trưởng âm.
Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” của WB tháng 9/2022, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023. Đặc biệt, ngày 07/10/2022, Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo: Thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ", nhiều quốc gia đang đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao. Ngay các nền kinh tế lớn cũng lúng túng trước bài toán khó: Tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, song để lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn.
Theo báo cáo về “Triển vọng kinh tế khu vực châu Âu” công bố ngày 11/10/2022 của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; theo đó, năm 2023 có 25% khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức 2% và hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% vào cuối năm 2022, sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Năm 2023, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng 1%. Theo đó, Mỹ tăng mức 1% GDP; EU và Eurozone tăng 0,3% . Đặc biệt, Đức, Anh và Italia sẽ tăng trưởng âm (Đức sẽ giảm 0,3% và Italia sẽ giảm 0,2%). GDP thực tế ở Pháp chỉ tăng 0,4% vào năm 2023 và 1,5% vào năm 2024. Trung Quốc tăng trưởng 4,4%. Các nền kinh tế đang trỗi dậy giữ được tăng trưởng năm 2022 và 2023 đều ở mức 3,7%. Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,1%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3% GDP; Nga tiếp tục tăng trưởng âm (-2,3%).
Tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2022 ước đạt 3,5%, sẽ giảm mạnh xuống còn 1% vào năm 2023.
IMF cảnh báo, việc kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn về thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ, dự trữ khác nhau sẽ gây ra nhiều biến động, khiến kinh tế toàn cầu bị tổn thất lớn về mặt hiệu quả trong dài hạn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lạm phát của các nước G20 vào khoảng 8,2% năm 2022 và 6,6% năm 2023, tương ứng lần lượt: Đức 8,4% và 7,5%; Anh 8,8% và 5,9%; Italia 7,8% và 4,7%; Mỹ 6,2% và 3,4%; Ấn Độ 6,7% và 5,9%; Trung Quốc 2,2% và 3,1%.
Sản lượng dầu thô trong năm 2023 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ là 28,9 triệu thùng/ngày. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng từ mức trung bình 94 USD/thùng trong nửa đầu năm 2023, lên 98 USD/thùng trong quý IV/2023, đạt mức trung bình 95 USD/thùng cho cả năm 2023.
Ngoài ra, trong năm 2023, kinh tế thế giới cũng sẽ ghi nhận một số động thái mới như tâm lý người tiêu dùng toàn cầu đang xuống thấp, đặc biệt là ở nhóm các nước phát triển; nhiều ngành sản xuất tiến tới cắt giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất, sa thải lao động và chuẩn bị cho giai đoạn suy thoái toàn cầu lan rộng. Các vụ vỡ nợ doanh nghiệp hiện hữu, làm giảm triển vọng hồi phục kinh tế do các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt. Vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng kép - khủng hoảng nợ và khủng hoảng phát triển đang khiến nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển lún sâu hơn vào nợ nần với nguy cơ vỡ nợ lan rộng.
Triển vọng FDI toàn cầu năm 2023 khá ảm đạm do cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị đang diễn ra. Các điều kiện tài chính thắt chặt và sự không chắc chắn của nhà đầu tư tăng cao. Các lĩnh vực như năng lượng, môi trường, lương thực và hoạt động sáp nhập (M&A) vẫn có nhiều tiềm năng thu hút lượng đầu tư lớn trong tương lai.
Các ngân hàng trung ương dẫn đầu bởi FED đang và sẽ tiếp tục ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát. Năm 2023, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD lên mức 4,6%. Với một số ngoại lệ, hầu hết các ngân hàng trung ương tại EU được cho là sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt năm 2023. Do đó, lãi suất ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dự báo.
Đặc biệt, sự phối hợp đa phương giữa các nền kinh tế lớn đang vắng bóng trong năm 2022 và có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài trong các năm tiếp theo.
Theo IMF, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Việc tăng chi phí đi vay do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên dự trữ quốc tế, gây ra thiệt hại cho các nền kinh tế có nợ ròng bằng USD và mức nợ công cao, đồng nghĩa với việc ít dư địa hơn cho hỗ trợ chính sách tài khóa. Chi phí lãi vay nợ chính phủ tiếp tục tăng, làm gia tăng áp lực thanh khoản trước mắt.
Môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức cũng đang gây áp lực lên khu vực doanh nghiệp toàn cầu. Các công ty lớn đã báo cáo tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp và các doanh nghiệp nhỏ đang gia tăng tình trạng phá sản do chi phí vay tăng và hỗ trợ tài chính giảm. Các công ty dựa vào thị trường tài chính có đòn bẩy đang phải đối mặt với các điều khoản và tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn trong bối cảnh tăng trưởng đầy thách thức. Chất lượng tín dụng của những tài sản này có thể bị ảnh hưởng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, với tác động lan tỏa tiềm tàng đến nền kinh tế vĩ mô. Khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, chi phí đi vay tăng cao và các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn, cùng với việc định giá nhà bị kéo dài sau nhiều năm tăng giá, có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường nhà ở. Trong trường hợp xấu nhất, giá nhà thực tế có thể giảm đáng kể, do áp lực về khả năng chi trả và triển vọng kinh tế xấu đi.
Về tổng thể, dự báo năm 2023 là năm kinh tế thế giới có nhiều khó khăn hơn năm 2022 gắn với áp lực lạm phát, nợ công, nợ xấu cao, trong khi suy giảm tổng cầu tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự đứt gãy các chuỗi kinh tế và thị trường thương mại truyền thống ở châu Âu; đặc biệt, thị trường năng lượng vẫn diễn biến bất thường và tạo nhiều tình huống khó lường cho tất cả các nước, kẻ cả xuất và nhập khẩu dầu mỏ.
Ngoài ra, sự mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc từ ngày 08/01/2023 vừa tạo nhiều động lực và kỳ vọng tích cực về khôi phục các chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế, vừa đặt ra không ít quan ngại về sự gia tăng các động thái phức tạp của dịch bệnh Covid-19 với các biến chủng mới nguy hại kèm theo sự gia tăng dịch chuyển lao động và du khách đi lại giữa Trung Quốc với các nước khác trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam…
Khó khăn trong phát triển kinh tế năm 2023 của Việt Nam không chỉ nằm trong khó khăn chung của thế giới, mà còn gắn liền với những bất cập, tồn tại và hạn chế kéo dài của nền kinh tế, như cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, cộng đồng doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, sức cạnh tranh và khả năng đổi mới sáng tạo chưa cao, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực và khâu sản xuất kinh doanh có giá trị gia tăng, lợi nhuận thấp và dễ bị tổn thương…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chịu áp lực gia tăng các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn, kể cả thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Á (trong đó có các yêu cầu kiểm soát chất lượng theo Lệnh 248 và 249 trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã có hiệu lực từ đầu năm 2022); từ đó làm nặng nề hơn áp lực giảm sút đơn hàng, thu hẹp thị phần xuất khẩu và dòng tiền.
Hơn nữa, khó khăn còn bộc lộ trong quá trình xử lý vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực nội bộ, thúc đẩy tiến độ phát triển hoàn thiện thể chế, kiện toàn và nâng cao chất lượng cán bộ, năng lực, hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước các cấp, các địa phương và các lĩnh vực. Sự trì trệ của thị trường chứng khoán và bất động sản, tình hình cắt giảm lao động, giờ làm tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội…
Tuy nhiên, năm 2023, Việt Nam vẫn sẽ giữ được sự tự tin đối diện và vượt qua các thách thức đó. Sự tự tin này được hội tụ và cộng hưởng từ đà phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022, với những thành tựu ấn tượng về giữ vững các cân đối và ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát tỷ lệ lạm phát thấp; gia tăng mạnh tổng đầu tư xã hội, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, mở rộng tổng cầu và quy mô thị trường trong nước; kinh tế số và chuyển đổi số có sự phát triển mới; thặng dư thương mại hàng hóa cao do xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều phục hồi tốt. Vốn FDI thực hiện tăng mạnh và các dự án FDI ngày càng có hàm lượng vốn, công nghệ cao.
Đặc biệt, Việt Nam có sự cải thiện về nhiều chỉ số quốc tế như xếp hạng về quy mô nền kinh tế, về Chỉ số Thương hiệu quốc gia, về Hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn và về Thương hiệu Quốc gia, cũng như về Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ (Government AI Readiness Index) trong xếp hạng của các tổ chức uy tín quốc tế. Với phương châm điều hành năm 2023: “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thích ứng với bối cảnh mới, tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; đẩy nhanh giải ngân hiệu quả gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng và tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, nắm bắt đầy đủ những diễn biến mới của tình hình trong nước và thế giới, cầu thị, lắng nghe và phản ứng chính sách thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống mới phát sinh; chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội hướng tới tương lai.
Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số, xã hội số, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển liên kết kinh tế vùng, kinh tế đô thị; điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thị trường lao động và thị trường năng lượng; tăng cường thu hút, liên kết và chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; khai thác các cơ hội thị trường từ các FTA thế hệ mới và từ các quan hệ của Việt Nam với các Đối tác chiến lược toàn diện; giảm thiểu rủi ro chính sách và giữ vững lòng tin chính trị, chính sách, đầu tư, tiêu dùng và thị trường trong nước và quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài,…
Với bản lĩnh và nền tảng đã có, nhìn thẳng vào thực tế, năm 2023, Việt Nam tự tin sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%... của kế hoạch năm 2023 theo Nghị quyết Quốc hội đã đặt ra.
TS. Nguyễn Minh Phong
ThS. Nguyễn Trần Minh Trí