Quang cảnh buổi Tọa đàm
Ngày 20/6/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Liên đoàn Blockchain Thụy Sỹ tổ chức Tọa đàm về công nghệ Blockchain và ứng dụng công nghệ Blockchain để chia sẻ kinh nghiệm về phát triển công nghệ này, sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, mô hình thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thụy Sỹ.
Tham dự Tọa đàm có Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam - Ngài Ivo Sieber và các cán bộ tới từ Thụy Sỹ. Về phía NHNN, có Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều Kế hoạch, Đề án gắn với việc ứng dụng các công nghệ số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong chủ trương chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số từng ngành, lĩnh vực. Riêng đối với ngành Ngân hàng, đã có sự đầu tư phát triển toàn diện về hạ tầng công nghệ các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế số.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, công nghệ Blockchain đang dần được nhiều ngân hàng ứng dụng trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới như phát hành thư tín dụng, duy trì cấp tín dụng… Để tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng dịch vụ công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay, NHNN đang xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động tài chính, bao gồm các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain. Tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 đã giao NHNN nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương cũng như phát hành sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ lõi như Blockchain. Tại “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN cũng giao cho các đơn vị làm đầu mối nghiên cứu tham mưu về vấn đề này.
Công nghệ Blockchain là một trong những công nghệ số mới, tiêu biểu của cuộc CMCN 4.0, đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, có tiềm năng, mang lại tác động lớn đối với nền kinh tế nói chung, lĩnh vực ngân hàng nói riêng; tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, triển khai công nghệ này là vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi định hướng đúng và đầu tư lớn về nguồn lực. Trong khi đó, Thụy Sỹ đã triển khai nhiều chương trình đổi mới sáng tạo với công nghệ Blockchain cũng như tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công nghệ này.
Đại diện Nhóm pháp lý của Liên đoàn Blockchain Thụy Sỹ cho biết, sự hỗ trợ về mặt chính trị và có khung pháp lý đáng tin cậy, minh bạch là chìa khóa quan trọng nhất để giúp cho Thụy Sỹ trở thành trung tâm Blockchain trên toàn cầu…
Với kinh nghiệm và thế mạnh của Thụy Sỹ, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia công nghệ Thụy Sỹ trao đổi thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai nghiên cứu đối với vấn đề Việt Nam đang quan tâm như: Ứng dụng phương thức thúc đẩy Blockchain vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng; các quy định pháp lý liên quan đến ứng dụng công nghệ Blockchain như quyền sở hữu đối với tài sản, thông tin dữ liệu trên Blockchain; vai trò của Blockchain trong nghiên cứu thiết kế đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương...
Tại Tọa đàm, các chuyên gia của Liên đoàn Blockchain Thụy Sỹ đã chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển công nghệ Blockchain, sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, mô hình thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thụy Sỹ.
ML