Ngày 12/4/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng (Trái phiếu Bông sen). Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và bà Nena Stoiljkovic – Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Tọa đàm trao đổi về đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng của IFC
Tham gia buổi tọa đàm, đại diện Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam có Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện của các Vụ, Cục thuộc NHNN như Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng, Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Pháp chế, Sở Giao dịch… Về phía IFC, có bà Nena Stoiljkovic – Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc IFC khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và các chuyên gia Ban nguồn vốn của IFC. Đặc biệt, tọa đàm còn có sự góp mặt của các chuyên gia, đại diện đến từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết “Việt Nam luôn coi khu vực kinh tế tư nhân là đặc biệt quan trọng, là khu vực có tiềm năng phát huy được thế mạnh và nguồn lực để hỗ trợ đắc lực khu vực nhà nước cũng như sự phát triển tổng thể của nền kinh tế. Điều này đã được thể hiện qua nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó đặc biệt Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Cụ thể, Nghị quyết đã đề ra chủ trương phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55% và đến năm 2030 khoảng 60-65%. Hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển của toàn vùng kinh tế là rất lớn. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vay IDA từ WB và dự kiến tốt nghiệp ADF từ ADB (tương tự nguồn vốn IDA của WB vào năm 2019) và nguồn lực trong nước còn hạn chế, những nguồn tài trợ, nguồn vốn, đặc biệt là những sáng kiến, những công cụ tài chính mới của IFC sẽ là kênh tài chính cần thiết, góp phần hỗ trợ triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế đã được Chính phủ đề ra.
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của IFC đối với Việt Nam trong thời gian qua. Hoạt động của IFC là hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển của Việt Nam. Đối với khu vực ngân hàng, IFC đã và đang là một nhà đầu tư lớn, một người bạn đồng hành, và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của toàn hệ thống. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những hỗ trợ kỹ thuật mà IFC đã dành cho NHNN trong suốt thời gian qua và cho biết, hiện nay nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ các đơn vị của NHNN vẫn còn rất lớn. Trong thời gian tới, NHNN hy vọng IFC sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ cũng như kêu gọi nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế khác để góp phần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết: “Liên quan đến nội dung này, vừa qua, ADB cũng có đề nghị NHNN cho phép triển khai chương trình phát hành trái phiếu tương tự và đã có tọa đàm trình bày các nội dung có liên quan. Tại buổi tọa đàm, chuyên gia ADB đã trình bày chi tiết về kế hoạch phát hành trái phiếu và làm rõ nhiều ý kiến băn khoăn/thắc mắc của các đại biểu. Sau buổi tọa đàm, một số đơn vị của NHNN đã có phản hồi tích cực với đề xuất này của ADB.” Do đó, Phó Thống đốc hy vọng buổi tọa đàm lần này của IFC cũng sẽ đạt được những kết quả tích cực, giúp mang lại cái nhìn tổng quan về những tác động, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối cũng như tới hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nena Stoiljkovic – Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết “Chương trình phát hành trái phiếu này là một hoạt động nằm trong chiến lược của IFC nhằm hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân của các nước hội viên. Theo thiết kế chương trình, IFC dự kiến phát hành trái phiếu gắn với tiền đồng và được giao dịch hoàn toàn bằng đồng USD trên thị trường quốc tế. Số vốn thu được từ đợt phát hành lần đầu (dự kiến 100 triệu USD) sẽ được chuyển đổi thành VND trên thị trường ngoại hối và dùng để triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.”
Bà Nena Stoiljkovic – Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương phát biểu tại tọa đàm
Mục đích và nội dung của buổi tọa đàm lần này làm nhằm (i) giới thiệu về kế hoạch phát hành trái phiếu của IFC (quy mô, mục đích, cơ chế, lợi ích, tác động,…); (ii) giải thích/làm rõ những băn khoăn/thắc mắc của NHNN liên quan đến chương trình phát hành trái phiếu; (iii) cơ sở pháp lý trong nước liên quan đến kế hoạch phát hành trái phiếu, cơ sở pháp lý để IFC yêu cầu NHNN có ý kiến đối với kế hoạch phát hành trái phiếu; (iv) các lợi ích mà chương trình phát hành trái phiếu đem lại cho Việt Nam và cho nhà đầu tư.
Bà Nena Stoiljkovic nhấn mạnh IFC có thành tích chứng minh khả năng tạo ra các thị trường có thể tạo ra xúc tác cho các khoản đầu tư vốn nước ngoài vào khu vực tư nhân trong nước. Các nhà đầu tư như các quỹ thịnh vượng nước ngoài và các ngân hàng trung ương là các khách hàng điển hình vào trái phiếu USD của IFC, và có thể được thu hút bởi Trái phiếu Bông sen của IFC, nhờ đó thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài mới vào thị trường vốn của Việt Nam. Trái phiếu Bông sen cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản đầu tư VND, đồng thời cũng chào mời họ đa dạng hóa danh mục đầu tư;
Các chuyên gia Ban nguồn vốn của IFC trình bày tại tọa đàm
Cụ thể, các công ty có doanh thu bằng nội tệ nên vay bằng nội tệ, thay vì vay bằng ngoại tệ có thể dẫn tới rủi ro đồng tiền. Bằng cách khớp mệnh giá tiền tệ của tài sản có và tài sản nợ, doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh lõi của họ thay vì tập trung vào biến động tỷ giá. Để IFC có thể huy động VND để tài trợ cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, IFC đề xuất thiết lập một chương trình trái phiếu VND ở nước ngoài để huy động vốn nước ngoài tài trợ cho các khoản đầu tư bằng nội tệ. Trái phiếu sẽ được bán trên thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư quốc tế và có mệnh giá bằng VND nhưng được thanh toán bằng số tiền tương đương bằng USD (trái phiếu gắn với VND)
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia IFC đã trình bày chi tiết về kế hoạch phát hành trái phiếu và làm rõ nhiều ý kiến băn khoăn/thắc mắc của các đại biểu.
Theo sbv.gov.vn