Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về lĩnh vực quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ngày 29/11/2018, tại Hà Nội, NHNN phối hợp với IFC tổ chức Tọa đàm “Giới thiệu sản phẩm trái phiếu xanh phát hành bởi ngân hàng thương mại (NHTM)”. Tham dự Tọa đàm có đại diện đến từ các Vụ, Cục thuộc NHNN, các chuyên gia cao cấp Tài chính thuộc IFC, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng đại diện đến từ các NHTM, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Quang cảnh Tọa đàm
Tại Tọa đàm, những nội dung được trình bày gồm: (i) Giới thiệu chung về sản phẩm trái phiếu xanh do các NHTM phát hành; (ii) Các chuẩn mực trái phiếu xanh và vai trò của các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh; (iii) Quá trình chuẩn bị, các cơ hội và thách thức đối với tổ chức phát hành; (iv) Báo cáo đánh giá độc lập, báo cáo đánh giá tác động môi trường xã hội.
Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế NHNN cho biết, trái phiếu xanh được coi như một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường. Theo đó, các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch… Trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi Chính phủ, các NHTM, các tổ chức tài chính quốc tế hay các doanh nghiệp…
Mặc dù trái phiếu xanh hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trái phiếu toàn cầu, song nó vẫn thu hút nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh những mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD từ khu vực công và tư. Theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative (CBI, có trụ sở tại Anh) cho thấy, lượng trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 đã đạt mức cao kỷ lục là 155,5 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016. Trong năm 2017, Mỹ, Trung Quốc và Pháp chiếm 56% tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh và CBI dự đoán lượng phát hành năm 2018 có thể đạt 250-300 tỷ USD.
Ông Oualid Ammar - Chuyên gia cao cấp, Vụ Ngân sách IFC trình bày tại Tọa đàm
Tại Việt Nam, nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động nhằm lồng ghép và thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong kế hoạch hành động của Chính phủ và NHNN, các NHTM được xem là một thành phần quan trọng để hướng dòng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thân thiện môi trường, giảm thiểu rủi ro và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia Tài chính của IFC đã giới thiệu, trao đổi và thảo luận với các ngân hàng Việt Nam về các đặc tính của sản phẩm tài chính này; qua đó giúp các ngân hàng nắm bắt được cơ hội và thách thức khi tham gia vào quá trình triển khai, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường tài chính và ngân hàng trên thế giới. Đặc biệt, NHNN hy vọng thông qua những nội dung được chia sẻ tại Tọa đàm, các ngân hàng sẽ có cơ hội mới thu hút vốn vào các dự án năng lượng sạch và hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện nhiệm vụ của ngành ngân hàng Việt Nam trong thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo sbv.gov.vn