Ngày 24/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Tọa đàm Tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ.
Bà Khương Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN phát biểu khai mạc Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía NHNN có bà Khương Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; lãnh đạo, đại diện một số vụ, cục thuộc NHNN; về phía ADB có ông Donald Lambert - Giám đốc Phụ trách Khu vực tư nhân tại Việt Nam, Văn phòng đại diện ADB tại Việt Nam; bà Chu Thị Hồng Minh - Chuyên gia tài chính cao cấp ADB tại Việt Nam; bà Diana Bialus - Chuyên gia tư vấn ADB về tài chính và giới, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án thúc đẩy chương trình cải cách bình đẳng giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tham dự Tọa đàm còn có ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm tư vấn nguồn lực Tài chính vi mô DNNVV; đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); cùng đại diện một số cơ quan liên quan, các tổ chức quốc tế JICA, World Bank…
Toàn cảnh Tọa đàm
Khai mạc tại Tọa đàm, bà Khương Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và là nhân tố đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây. Năm 2021, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 42,5% GDP, thu hút khoảng 85% nguồn lực lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
DNNVV là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong những năm qua, DNNVV đã có sự phát triển về phạm vi hoạt động, đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, số lượng doanh nghiệp tăng theo các năm và hoạt động trong nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Với lợi thế vốn đầu tư ít, nguồn lực lao động dồi dào, DNNVV cung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, tạo ra nhiều sự lựa chọn, đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sức tiêu thụ của nền kinh tế. Ngoài ra, DNNVV khai thác và phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của các nguồn lực địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với sự linh hoạt và năng động trong hoạt động, DNNVV nhanh chóng thích ứng với điều kiện kinh doanh mới, đặc biệt khi nền kinh tế hứng chịu những cú sốc từ thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua; đồng thời, có thể nhanh chóng thu hút được lực lượng lao động khi nền kinh tế đi vào chu kỳ phục hồi.
Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần trao quyền cho phụ nữ qua cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phổ biến. Sự phát triển của DNNVV do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, mang lại thu nhập và nâng cao vị thế cho phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, bản thân DNNVV do phụ nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức từ khoảng trống trong kỹ năng quản lý và nghề nghiệp nên khó tiếp cận các nguồn lực và thị trường, bất lợi trong phát triển mạng lưới sản xuất kinh doanh và việc cân bằng giữa công việc và gia đình… Vì vậy, việc hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ là việc làm cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu này, NHNN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với ADB triển khai Sáng kiến “Hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với các DNNVV do phụ nữ làm chủ” trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy cải cách bình đẳng giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do ADB tài trợ.
Tham luận tại Tọa đàm với nội dung: “Chính sách của Nhà nước hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng trong thời gian qua”, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng như: Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm duy trì sự sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của các DNNVV... Xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực này. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đối với DNNVV như: Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ, hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV.
NHNN đã có nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (trong đó có DNNVV) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19: Giãn, hoãn nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021; điều chỉnh giảm các mức lãi suất nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD đối với khách hàng, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; thực hiện tái cấp vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (trong đó có DNNVV) trong một số lĩnh vực; ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, quy định chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp (trong đó có DNNVV), cơ sở sản xuất kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nông lâm nghiệp, phát triển vùng dược liệu quý…
Kết quả, các TCTD đã miễn giảm, hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 48.400 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với tổng giá trị nợ từ khi thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đến ngày 31/5/2022 đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng, trong đó, đối tượng khách hàng là doanh nghiệp chiếm gần 80%. NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho NHCSXH để cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP đạt gần 43 tỷ đồng và theo Nghị quyết số 68/NQ-CP số tiền gần 4,8 nghìn tỷ đồng để NHCSXH cho vay hơn 3.500 lượt người sử dụng lao động trên 63 tỉnh, thành phố trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu người lao động. Đến ngày 31/5/2022, dư nợ của Chương trình tại NHCSXH còn 4.715 tỷ đồng với 1.519 khách hàng còn dư nợ. Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% (gói 40.000 tỷ đồng) thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đối với khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đã có 44 NHTM đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 40.000 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trên 10%/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến cuối tháng 7/2022, tín dụng DNNVV đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,67% so với tháng 12/2021, với trên 206 nghìn DNNVV còn dư nợ.
Trình bày tổng quan về Dự án “Thúc đẩy Chương trình cải cách bình đẳng giới tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương” và nghiên cứu của ADB về tiếp cận tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ, bà Diana Bialus, Chuyên gia tư vấn ADB về tài chính và giới, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án cho biết, Dự án nghiên cứu là một cấu phần nằm trong khuôn khổ của Chương trình Tăng tốc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của phụ nữ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhằm hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ, tiếp cận nguồn tài chính và chương trình đạo tạo ở Việt Nam và Thái Bình Dương. Khoảng 5.000 DNNVV do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam và Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi từ Chương trình trong 5 năm.
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định những thách thức và cơ hội trong tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nữ ở Việt Nam; đánh giá những lỗ hổng trong việc cung cấp tín dụng và các sản phẩm ngân hàng khác, các sản phẩm tài chính khác cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ; đề xuất các thay đổi nhằm thúc đẩy, mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng.
Bà Diana Bialus cũng chỉ ra hạn chế của nghiên cứu, đó là việc sử dụng các định nghĩa khác nhau về DNNVV của các ngân hàng được khảo sát dẫn đến khó so sánh dữ liệu trên toàn bộ mẫu, đặc biệt là về khoảng trống dữ liệu không cho phép phân tích rõ ràng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ cho vay và tiền gửi của các DNNVV nói chung, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng.
PGS.,TS. Lê Thanh Tâm, Chuyên gia tư vấn tài chính ADB, trình bày tham luận
PGS.,TS. Lê Thanh Tâm, Chuyên gia tư vấn tài chính ADB với tham luận “Những nội dung chủ yếu về khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam dưới góc độ bên cung” nhận định: Lĩnh vực tài chính của Việt Nam bao gồm nhiều loại hình tổ chức tài chính nhưng chỉ có một số ít chú trọng đến các DNNVV/DNNVV do phụ nữ làm chủ. Hiện nay, tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam lên tới 1,74 lần GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu nhưng thấp hơn so với Trung Quốc, Singapore và Thái Lan. Các ngân hàng trả lời khảo sát đã cho thấy, các NHTM chưa có định nghĩa thống nhất về DNNVV; một số ngân hàng (BIDV, SeABank, SHB, TPBank, VPBank) có chiến lược rõ ràng với đối tượng khách hàng là doanh nhân nữ. Giá trị trung bình của các khoản tiền gửi của DNNVV do phụ nữ làm chủ nắm giữ thấp hơn so với các DNNVV. DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 22% tổng cho vay của ngân hàng đối với DNNVV năm 2020. Hầu hết các khoản vay đối với các DNNVV là ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động. Lý do phổ biến nhất đề từ chối đề nghị vay là hồ sơ cho vay kém chất lượng.
Các DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm trung bình 22% trong danh mục cho vay DNNVV tổng thể của ngân hàng, số lượng các khoản cho vay dành cho phụ nữ nhìn chung ổn định trong vài năm qua. Tài sản đảm bảo hữu hình - loại hình đảm bảo khoản vay ưa thích của các ngân hàng là một khó khăn với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, dẫn đến khả năng vay vốn ngân hàng thấp hơn và quy mô khoản vay tối ưu cũng thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn trả khoản vay của các DNNVV do phụ nữ làm chủ cho thấy khá tốt, ổn định. Dựa trên nghiên cứu ban đầu, các ngân hàng dường như không thấy sự cần thiết phải phân biệt giữa DNNVV do nữ và nam làm chủ hoặc phải tiếp cận riêng với DNNVV do phụ nữ làm chủ.
Với chủ đề tham luận “Những nội dung chủ yếu về khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam dưới góc độ bên cầu”, bà Diana Bialus cho biết, tại Việt Nam, phụ nữ sở hữu 17% tất cả các công ty (sở hữu ít nhất 51% trong số đó và lãnh đạo 27% trong số đó). Hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là siêu nhỏ (chiếm khoảng 83,7%). Các DNNVV do phụ nữ làm chủ được ngân hàng hỗ trợ rất tốt đối với các nhu cầu cá nhân cũng như hoạt động kinh doanh. Phần lớn các DNNVV do phụ nữ làm chủ tái đầu tư tiền tiết kiệm vào kinh doanh, vay ngân hàng và tái đầu tư lợi nhuận giữ lại là những cách phổ biến nhất đề tài trợ cho tăng trưởng. Ngân hàng là lựa chọn ưu tiên cho các công ty tìm kiếm vốn và hầu hết đều hài lòng với các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
Bà Diana Bialus đưa ra kết luận từ khảo sát DNNVV do phụ nữ làm chủ: Nhìn chung, 85% phụ nữ được phỏng vấn có tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp. Các NHTM là nguồn vốn đáng tin cậy nhất của các nữ chủ doanh nghiệp. Khi cần vốn, đại đa số DNNVV do phụ nữ làm chủ (80%) tìm cách vay ngân hàng. Rất ít người phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác, chẳng hạn như Fintech, công ty viễn thông hoặc các tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó, 14% các công ty do phụ nữ lãnh đạo được khảo sát cho biết không bảm bảo về nguồn lực tài chính - họ tìm cách tiếp cận nguồn lực tài chính từ ngân hàng nhưng cũng không thể vì họ thấy quy trình cho vay phức tạp và các yêu cầu quá rườm rà, đặc biệt là sự nghiêm ngặt về tài sản thế chấp.
Các tham luận: “Tình hình phát triển các Chương trình hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ tại ngân hàng BIDV" của bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp - BIDV và “Hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Ngân hàng TPBank” của bà Nguyễn Lan Hương - Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp - TPBank cũng đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của ngân hàng đối với khách hàng là DNNVV do phụ nữ làm chủ thông qua các chương trình ưu đãi, các dự án của ngân hàng dành cho đối tượng khách hàng này.
Phiên thảo luận chủ đề “Thách thức và chính sách thúc đẩy tiếp cận tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ”
Phiên thảo luận với chủ đề “Thách thức và chính sách thúc đẩy tiếp cận tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ”, với sự điều phối của PGS.,TS. Lê Thanh Tâm, diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia: Bà Diana Bialus - chuyên gia tư vấn ADB; bà Nguyễn Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp - BIDV; bà Nguyễn Lan Hương - Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp - TPBank; ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm tư vấn nguồn lực Tài chính vi mô DNNVV và các đại biểu đến từ Học viện Ngân hàng, các vụ, cục thuộc NHNN.
Tọa đàm đã nêu ra những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận tài chính và đánh giá khoảng trống dữ liệu trong việc cung cấp tín dụng và các sản phẩm tài chính khác cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ, đề xuất những thay đổi để thúc đẩy, mở rộng các sản phẩm tín dụng. NHNN cũng đã phối hợp với ADB xây dựng Báo cáo nghiên cứu về tình hình dữ liệu tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ, sau quá trình tham vấn ý kiến các chuyên gia, phỏng vấn các bên liên quan. Buổi Tọa đàm là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng tiếp cận tài chính hiện nay của các DNNVV do phụ nữ làm chủ, qua đó, góp phần hoàn thiện về chính sách hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ trong thời gian tới.
Phúc Lâm