Buổi Tọa đàm còn có sự hiện diện của TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo một số Ngân hàng Thương mại (NHTM), doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) tại TP HCM…
Ngành Ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản phát triển
BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và có khả năng lan tỏa đến nhiều ngành nghề quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống, tài chính - ngân hàng...
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh niên khẳng định, tín dụng cho thị trường bất động sản đang là vấn đề được quan tâm. Luôn coi việc phản biện chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, báo Thanh niên đã tổ chức buổi Tọa đàm với mong muốn các ý kiến tại buổi Tọa đàm sẽ chia sẻ về các quan điểm, chuyên môn, thực tế và đưa ra các giải pháp khơi thông vốn từ nguồn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn khác cho thị trường BĐS.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM khẳng định, vốn đối với thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung là mạch máu lưu thông, là oxy, là dưỡng khí của DN, là bà đỡ đầu tiên của DN. Còn theo chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, với BĐS, tín dụng là một trong những nguồn vốn rất quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực BĐS nói riêng, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nói chung là rất quan trọng. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc cho vay với các DN có năng lực tài chính tốt, có khả năng hoàn vốn cũng như những DN có đóng góp lớn với xã hội, lịch sử tài chính tốt… cần đẩy mạnh và thực hiện ráo riết hơn.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định các chỉ đạo của NHNN thời gian qua liên quan đến vấn đề tín dụng BĐS đã đi trước một bước và đi theo lộ trình phù hợp. Năm 2017, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa là 45%. Theo lộ trình, kể từ 01/10/2023, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%. Như vậy, 5 năm qua, NHNN đã có 1 lộ trình rất rõ ràng, từng bước giảm tỷ lệ này xuống.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm
Để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS minh bạch, giúp thị trường ổn định, ông Hùng đã chia sẻ một số kiến nghị, đề xuất tại Tọa đàm như: (i) Cần phải có thị trường tài chính kết hợp giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ (ii) Cần phải phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành để tạo điều kiện cho BĐS xây dựng hệ sinh thái BĐS theo hướng kinh tế tuần hoàn; (iii) Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về BĐS; (iv) Cần phát triển các công cụ tài chính phái sinh như chứng khoán hóa các khoản cho vay thế chấp cầm cố BĐS…; (v) Tập trung phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội; (vi) Xây dựng thông tin mua bán nhà đất thống nhất trên toàn quốc; (vii) Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai nhiều năm không triển khai và những chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải thu hồi…
Bên cạnh đó, tại Tọa đàm, ông Hùng cũng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ DN BĐS phát triển. Tuy nhiên cũng phải xem xét đối tượng, tạo điều kiện làm sao cho chi phí đầu vào của DN giảm, từ đó giá thành cung cấp ra thị trường phù hợp với thực tế.
Đại diện lãnh đạo các ngân hàng VietinBank, BIDV và OCB cũng đã có những chia sẻ tại Tọa đàm về quan điểm và các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các DN BĐS. Các NHTM đều khẳng định những dự án hiệu quả, chủ đầu tư uy tín được ưu tiên cho vay. Ngoài ra, các NHTM cũng chia sẻ về một số sản phẩm cho vay BĐS tại các ngân hàng đang được khách hàng và thị trường quan tâm đón nhận.
“Tất cả các dự án có hiệu quả, có năng lực, dù lớn hay nhỏ đều được xem xét cho vay”
Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú bày tỏ sự chia sẻ với các suy nghĩ, trăn trở của các DN BĐS, Hiệp hội BĐS về vấn đề tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng khẳng định, NHNN chưa có văn bản chỉ đạo nào vấn đề “siết” hay “thắt”, “chặn” tín dụng. “Buổi Tọa đàm hôm nay là diễn đàn để NHNN nắm bắt thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin về cơ chế chính sách dưới góc độ quản lý của NHNN, theo tính chất cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn”, Phó Thống đốc cho hay.
Vẫn biết vốn tín dụng là rất quan trọng với các DN BĐS hiện nay, nhưng BĐS là đầu tư dài hạn, việc ngân hàng dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, rõ ràng, được cho DN thì ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn. Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, ngân hàng đã làm điều đó, trước hết là vì sự phát triển chung của đất nước và cũng là để lĩnh vực BĐS phát triển.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phó Thống đốc cũng nhắc lại về cuộc khủng hoảng tiền tệ của Mỹ xảy ra năm 2007, 2008 đã dẫn đến hậu quả rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Bản thân Việt Nam năm 2009 đến năm 2011, 2012 cũng đã có bài học về câu chuyện BĐS. Việc BĐS nóng từng ngày, từng giờ đã dẫn đến câu chuyện bong bóng BĐS và để lại những hậu quả không nhỏ. Do vậy, chính sách, quan điểm chỉ đạo, điều hành của NHNN từ ngày đó đến nay luôn nhất quán. Đó là kiểm soát chặt chẽ tín dụng có nguy cơ rủi ro khi đầu tư vào các lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao. Đây cũng là quan điểm thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội.
Đại dịch Covid-19 hai năm vừa qua tác động đến tất cả các lĩnh vực. Lĩnh vực BĐS cũng chịu tác động nhưng có phần ít hơn và không bị thiệt hại nặng như những lĩnh vực khác, thậm chí có nhiều DN còn hưởng lợi khi giá BĐS vẫn tăng cao. Qua 2 năm, ngành Ngân hàng đã chia sẻ hơn 42.000 tỷ đồng từ lợi nhuận cho các DN, trong đó có cả DN BĐS.
Phó Thống đốc cũng chia sẻ về 2 nguyên tắc, mục tiêu quan trọng chi phối các chính sách, điều hành của NHNN. Một là, chính sách phải kiểm soát đảm bảo ổn định kinh vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền. Nguyên tắc thứ hai là phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Nói một cách chính xác, việc kiểm soát rủi ro tín dụng chính là kiểm soát những khoản đầu tư của các NHTM vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro. NHNN chỉ quản lý rủi ro của các NHTM khi cho vay vào lĩnh vực BĐS, đặc biệt là vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro như kinh doanh BĐS, BĐS có tính chất đầu cơ hay các dự án có phân khúc lớn, giá trị lớn… Tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người nghèo… thì luôn được khuyến khích. Tất cả các dự án có hiệu quả, có năng lực, dù lớn hay nhỏ đều được NHTM xem xét cho vay và được kiểm soát bằng các hạn mức, quy định và tỉ lệ…
“Những dự án nào vẫn có hiệu quả, vẫn có dòng tiền, vẫn đảm bảo chứng minh được các phương án hiệu quả thì chúng tôi vẫn khuyến khích NHTM quan tâm, tạo điều kiện cho vay. NHNN không có chính sách “siết” hay “thắt” tín dụng vào lĩnh vực này”, Phó Thống đốc chia sẻ. Thực tế, tính đến ngày 30.4, tốc độ tăng tín dụng 10,19% (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế khoảng 7%) và chiếm 20% tổng dư nợ kinh tế (trước đây hơn 19%). Đối tượng nhà ở xã hội, công nhân còn tăng nhanh hơn. Tính đến ngày 31.12.2021 dư nợ tín dụng ở phân khúc này tăng 11,5% và hiện nay còn tăng cao hơn bình quân tăng trưởng chung đối với nền kinh tế.
Ngoài ra, trong cơ chế thị trường, NHTM có quyền lựa chọn DN và ngược lại, DN có quyền chọn lựa NHTM. Hơn nữa, NHTM cũng là doanh nghiệp, huy động tiền của dân, có trách nhiệm trả cho người gửi tiền, cho nên cho vay phải thu được nợ, rộng hơn nữa phải đảm bảo an toàn kinh tế, an toàn vĩ mô. Do đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị các NHTM phải thẳng thắn ngồi lại và chia sẻ với các DN BĐS, vì mục tiêu phát triển thị trường BĐS lành mạnh và ổn định.
Theo sbv.gov.vn