Cùng với sự lớn mạnh của các tổ chức tài chính vi mô, sự bùng nổ của Fintech, hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận tín dụng rộng rãi hơn và công bằng hơn; giảm tình trạng thông tin bất cân xứng giữa bên vay và bên cho vay; cho phép các tổ chức tài chính, đặc biệt là những tổ chức nhỏ, lẻ, dễ xảy ra khủng hoảng có thể đánh giá rủi ro chính xác và nâng cao chất lượng danh mục khách hàng. Bên cạnh đó, hoạt động thu thập thông tin khách hàng vay từ các tổ chức tự nguyện như Công ty Fintech, các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức giúp góp phần quan trọng trong mục tiêu cải thiện chỉ số chiều sâu và độ phủ thông tin tín dụng của kho dữ liệu Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng khách hàng vay, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin giữa CIC với các tổ chức tài chính
vi mô và tổ chức Fintech là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của CIC
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động TTTD tại các tổ chức nêu trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi rất nhiều nguyên nhân: do nhận thức, trình độ cán bộ còn hạn chế, nền tảng công nghệ thông tin còn lạc hậu, thiếu hành lang pháp lý... Hiện tại, các công ty P2P lending với hoạt động cấp tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro nhưng vẫn chưa được phép tham gia hệ thống TTTD; ngoài ra, các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) chính thức, bán chính thức, vẫn đang thực hiện báo cáo thông tin theo hệ thống chung với các TCTD mà chưa có một hệ thống chia sẻ thông tin riêng phù hợp với đặc thù của các tổ chức này.
Từ thực trạng đó, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin giữa CIC với các tổ chức tài chính vi mô và tổ chức Fintech là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của CIC, nhằm mở rộng kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, hỗ trợ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN và phục vụ hoạt động kinh doanh của các TCTD, tổ chức TCVM và Fintech.
1. Thực trạng hoạt động trao đổi TTTD hiện nay giữa CIC và các tổ chức TCVM, các Công ty P2P Lending
Hoạt động kết nối trao đổi TTTD mới hạn chế trong khu vực TCVM chính thức
Cùng với sự phát triển của hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của các TCTD, cho đến nay hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động báo cáo tín dụng nói chung và hoạt động báo cáo tín dụng của các tổ chức TCVM cũng đã dần hoàn thiện. Luật các TCTD (2010) đã khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình tổ chức tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam, theo đó các tổ chức TCVM phải thực hiện báo cáo TTTD như các TCTD theo quy định của Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 25/01/2013 quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN. Ngoài ra theo Thông tư 03, các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức cũng có cơ chế cho phép tham gia vào hoạt động thông tin tín dụng như các tổ chức tư nguyện, trao đổi theo nguyên tắc “có đi có lại” với CIC.
Kể từ khi Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN có hiệu lực, CIC đã thực hiện triển khai đồng bộ hướng dẫn hoạt động thông tin tín dụng tới tất cả các chủ thể tham gia, trong đó hệ thống các QTDND và tổ chức TCVM được hướng dẫn thực hiện theo phương thức thực hiện tối giản để phù hợp với đặc thù hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin còn thô sơ của các đối tượng này. Các tổ chức TCVM chỉ phải thực hiện gửi báo cáo TTTD khách hàng vay định kỳ 1 tháng/1 lần bằng hình thức tệp dữ liệu định dạng excel với phương thức gửi file qua website CIC. Các chỉ tiêu cũng được CIC lược bỏ tối đa so với hệ thống chỉ tiêu các TCTD phải báo cáo, bao gồm 23 chỉ tiêu với tệp thông tin quan hệ tín dụng và 05 chỉ tiêu với tệp thông tin tài sản đảm bảo.
Cho đến nay, 4 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép hoạt động chính thức đều đã nghiêm túc thực hiện kết nối trao đổi TTTD với CIC. Song song với chiều thực hiện báo cáo thông tin tín dụng về CIC, các tổ chức TCVM cũng bắt đầu nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham khảo báo cáo thông tin tín dụng khách hàng trong quá trình xét duyệt cho vay, số lượng báo cáo khai thác của các quỹ đã có mức tăng mạnh hằng năm, đặc biệt là từ giai đoạn 2017-2019, khi CIC áp dụng chính sách giá cho tổ chức TCVM chỉ bằng 20% mức giá áp dụng cho các TCTD.
Bên cạnh khu vực TCVM chính thức đã thực hiện kết nối đầy đủ, khu vực TCVM bán chính thức mới chỉ có 01 Quỹ hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế (VietED Foundation) tham gia kết nối với CIC theo hình thức của một tổ chức tự nguyện. Đây là một kết quả hết sức hạn chế trong tổng số hàng trăm chương trình dự án tài chính vi mô đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Kết quả trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
- Đây là loại hình tổ chức có quy mô nhỏ, có nhiều hạn chế về nguồn vốn, nền tảng công nghệ và trình độ nhân lực quản lý, vận hành nên các hạn chế này sẽ đồng thời gây khó khăn cản trở các tổ chức TCVM, đặc biệt nhóm bán chính thức trong việc kết nối với CIC trong hoạt động thông tin tín dụng.
- Khung pháp lý TCVM hiện nay cũng là một thách thức đối với các tổ chức muốn chuyển đổi thành tổ chức TCVM được cấp phép. Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 thể hiện rõ điều kiện chuyển đổi đã thay đổi và có chiều hướng tăng thêm các điều kiện về chủ thể nộp đơn thành lập sẽ là những rào cản cho các tổ chức muốn chuyển sang tổ chức TCVM chính thức.
Số lượng 4 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép hoạt động và 35 chương trình, dự án TCVM do UBND tỉnh, thành phố cấp phép hoạt động, 15 chương trình, dự án TCVM được NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong số 438 chương trình, dự án TCVM đang hoạt động tại 56 tỉnh, thành phố trên cả nước là một con số quá khiêm tốn trong một thị trường còn rất nhiều triển vọng như Việt Nam.
Các chương trình, dự án TCTCVM vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, hoạt động tự phát, không thống nhất, được cấp phép, quản lý bởi các đơn vị khác nhau (UBND các cấp, Hội Phụ nữ các cấp, Hội Nông dân các cấp...) nên công tác quản lý còn thiếu tập trung, công tác phối hợp còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn cho CIC trong công tác triển khai kết nối TTTD.
- Thiếu sự kết nối giữa các tổ chức hoạt động TCVM, mới chỉ có Nhóm công tác Tài chính vi mô Việt nam (VMFWG) hoạt động trong mảng này và chỉ có 30 tổ chức TCVM thành viên tham gia, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các chương trình, dự án TCVM hiện nay. Các tổ Chức TCVM vẫn đang hoạt động khá độc lập, mỗi tổ chức chỉ tập trung hoạt động ở một số vùng nhất định, thiếu trung gian liên kết các đơn vị cũng là một khó khăn lớn cho CIC trong hoạt động tư vấn tham gia hoạt động TTTD.
Với những đặc trưng và hạn chế trên, CIC cần chủ động nghiên cứu để có những giải pháp đồng bộ về hệ thống kết nối, điều kiện, chế độ báo cáo dữ liệu, mẫu sản phẩm, chi phí khai thác báo cáo... để tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức TCVM, đặc biệt là nhóm bán chính thức tham gia kết nối TTTD.
Các công ty P2P lending đang chờ hoàn thiện khung pháp lý để có thể tham gia hệ thống TTTD
Mặc dù Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech (cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và internet ở mức cao...), nhưng lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong đó thiếu hụt về hàng lang pháp lý là một trong những thách thức, rào cản lớn nhất. Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác, đặc biệt là lĩnh vực cho vay ngang hàng. Ngoài ra, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân vẫn chưa được hoàn thiện... do vậy các hoạt động kết nối thông tin tín dụng giữa CIC và các loại hình công ty này còn hạn chế.
Theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 và Thông tư sửa đổi số 27/2017/TT-NHNN ngày 31/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban hành Quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Các tổ chức đáp ứng được các điều kiện, quy định của CIC thì có thể tham gia hệ thống TTTD với danh nghĩa tổ chức tự nguyện, khai thác dịch vụ TTTD theo thỏa thuận và cam kết với CIC trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và nguyên tắc hoạt động TTTD của NHNN.
Như vậy, theo quy định hiện hành của NHNN, nếu các công ty P2P Lending nếu thỏa mãn các yêu điều kiện theo các quy định này thì có thể tham gia hệ thống TTTD của CIC như môt tổ chức tự nguyện. Tuy nhiên, cho vay ngang hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ biến bị biến tướng và để lại các hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nên cần có khuôn khổ pháp luật quy định cụ thể về hoạt động của các doanh nghiệp này. Chỉ những doanh nghiệp P2P chân chính, thỏa mãn các yêu cầu của NHNN mới được cấp phép. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cấp phép cho các công ty P2P đủ năng lực là điều kiện tiên quyết để các công ty P2P có thể tham gia hệ thống TTTD của CIC.
2. Đề xuất giải pháp phát triển mô hình trao đổi TTTD đối với các tổ chức tài chính vi mô và Fintech tại Việt Nam
Giải pháp kết nối trao đổi TTTD đối với các tổ chức TCVM
Xây dựng mô hình kết nối phù hợp, tiện lợi
Do các tổ chức TCVM (bao gồm cả chính thức, bán chính thức và phi chính thức) có số lượng rất lớn, trong khi đó phần lớn có đều có quy mô nhỏ và năng lực về tài chính và công nghệ kém nên việc định hướng xây dựng mô hình hoạt động TTTD đối với các đơn vị này của CIC hướng tới đáp ứng các yêu cầu tối giản như sau:
- Dịch vụ cung cấp được cụ thể hóa, thông qua các ứng dụng cụ thể như website, phần mềm win form...;
- Giao diện phần mềm cần thiết kế đơn giản, dễ dàng sử dụng;
- Hỗ trợ các máy tính cấu hình thấp, đời cũ;
- Dễ dàng cài đặt, triển khai;
- Có chức năng hỗ trợ người dùng ngay trên giao diện phần mềm...
Hệ thống kết nối cho các tổ chức TCVM sẽ theo hướng: Cung cấp sản phẩm, dịch vụ và các chức năng khác thông qua 01 website. Người dùng từ các tổ chức TCVM truy cập website này để thực hiện các nghiệp vụ TTTD chính như: Gửi báo cáo thông tin tín dụng, hỏi trả lời tin báo cáo TTTD và chức năng tra soát, thanh toán phí.
Tăng cường biện pháp hỗ trợ từ CIC
- Xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn kết nối chi tiết để cung cấp đến các đơn vị khi cần; hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng trong quá trình các đơn vị thực hiện kết nối;
- Tổ chức các lớp học hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, có thể tổ chức tập trung hoặc online;
- Có các chính sách hỗ trợ về giá sản phẩm đối với các tổ chức TCVM, áp dụng cả với đối tượng TCVM bán chính thức.
Giải pháp kết nối trao đổi TTTD đối với công ty P2P lending
Tham mưu NHNN trong việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến trao đổi TTTD với công ty P2P lending
Hiện tại, NHNN đang trình Chính phủ về việc Xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các Công ty Fintech nói chung và Công ty P2P lending nói riêng phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế; tạo cơ chế hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty Fintech nói chung và công ty P2P lending nói riêng. Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đang xây dựng, bên cạnh các quy định về thể chế, hoạt động của các đơn vị này, cần có những quy định về việc bắt buộc các doanh nghiệp gửi báo cáo cho CIC, cũng như khuyến khích các đơn vị tham khảo thông tin từ CIC trong quá trình cấp tín dụng.
Xây dựng mô hình kết nối phù hợp đặc trưng hoạt động
Các công ty Fintech có nền tảng công nghệ và nhân sự cao, thường đã có sẵn hệ thống quản lý hoàn chỉnh, cho phép có thể tạo lập các báo cáo dưới dạng dữ liệu có cấu trúc, sẵn sàng cho các giao tiếp máy - máy. Đồng thời các công ty Fintech thường có nhu cầu lưu trữ và tái sử dụng các TTTD nhận được nên việc xây dựng mô hình hoạt động TTTD đối với các đơn vị này cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Dịch vụ cung cấp cần được tiêu chuẩn hóa, sẵn sàng đối với các kết nối máy - máy;
- Không cần giao diện phần mềm;
- Dữ liệu gửi đi và nhận được phải ở dạng dễ dàng lưu trữ và tái sử dụng;
- Thời gian triển khai ngắn, khả năng tương thích với nhiều hệ thống khác nhau...
Do đó, đề xuất xây dựng hệ thống cho các công ty Fintech như sau: Cung cấp sản phẩm, dịch vụ và các chức năng khác dưới dạng services hoặc API. Dựa trên thông số kết nối và hướng dẫn do CIC cung cấp, các công ty Fintech có thể tự kết nối và thực hiện các nghiệp vụ TTTD chính như: Gửi báo cáo thông tin tín dụng, hỏi trả lời tin báo cáo TTTD và thực hiện chức năng tra soát, thanh toán phí.
Tăng cường biện pháp hỗ trợ từ phía CIC
- Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đường truyền kết nối, công nghệ thông tin, thiết kế mẫu sản phẩm...để khi khuôn khổ pháp lý được thông qua có thể cho các công ty Fintech tham gia hệ thống TTTD;
- Chủ động tham mưu cho NHNN trong việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động TTTD của các tổ chức TCVM, Fintech;
- Xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn kết nối chi tiết để cung cấp đến các đơn vị khi cần;
- Hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng trong quá trình các đơn vị thực hiện kết nối;
- Tổ chức các lớp học hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, có thể tổ chức tập trung hoặc online;
Để có thể xây dựng thành công mô hình kết nối, trao đổi TTTD giữa CIC và các tổ chức TCVM, công ty P2P lending, ngoài các biện pháp chủ động của CIC, cần có sự phối hợp của các bên liên quan, trước hết là hoàn thiện hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Quản lý Nhà nước nói chung, NHNN nói riêng và sự chủ động phát triển về công nghệ, nguồn nhân lực của chính bản thân các đơn vị để phối hợp hiệu quả với CIC.
Tài liệu tham khảo:
1. Danh bạ TCVM Việt Nam 2013-2016;
2. Tài chính vi mô tại Việt Nam: Thực trạng hoạt động và các hàm ý chính sách (Trương Quang Thông, Vũ Đức Cần);
3. Phát triển hoạt động của các tổ chức TCVM tại Việt Nam (Nguyễn Quỳnh Phương);
4. Cho vay ngang hàng cần khuôn khổ pháp lý phù hợp - Thời báo Ngân hàng (http://thoibaonganhang.vn/cho-vay-ngang-hang-can-khuon-kho-phap-ly-phu-hop-85912.html);
5. Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 và Thông tư sửa đổi số 27/2017/TT-NHNN ngày 31/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam v/v Ban hành Quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phan Huy Thắng
Nguồn: CĐTHNH Số 8/2019