Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó khẳng định mạnh mẽ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do... Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy..!".
Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ năm ấy thực sự là bản hùng ca đánh dấu thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Lần đầu tiên, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, là nhà nước công, nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ thân phận nửa thuộc địa trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền, mở ra một kỉ nguyên mới cho hành trình phát triển đất nước.
Từ thời điểm đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử toàn diện ở các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đặc biệt là củng cố vị thế đối ngoại trên trường quốc tế.
Sau khi thống nhất đất nước và trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng kế thừa và phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, quyết tâm “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trên hành trình suốt 78 năm qua, Việt Nam đã từng bước khẳng định mình và có được sự công nhận chính thức và ủng hộ ngày càng rộng rãi trên thế giới. Việt Nam ngày càng chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại khu vực và thế giới như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)… Đến cuối năm 2022, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (so với 11 nước, năm 1954), trong đó có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế, kí kết hơn 90 hiệp định thương mại (FTA) song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đã kí kết và thực thi 16 FTA, đang đàm phán 03 FTA khác, tổng cộng tạo môi trường thương mại và đầu tư tự do với trên 55 nước, chiếm hơn 50% tổng GDP và thương mại toàn cầu.
Việt Nam ngày càng chủ động hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, đầy đủ và hiệu quả hơn; đồng thời, nhận được sự đánh giá cao và cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng như: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI); chỉ số nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu; chỉ số nước đáng sống nhất thế giới; chỉ số các nước an toàn nhất; chỉ số quốc gia hạnh phúc, chỉ số xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư; chỉ số các nước “tốt nhất thế giới” và chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report); chỉ số phát triển bền vững - SDG...
Đặc biệt, từ năm 2021, nền kinh tế của Việt Nam được 71 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường; được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc xếp thứ 44, nằm trong khoảng tin cậy (trong khoảng 42 - 47) của chỉ số xếp hạng này; đồng thời, chính thức được xếp vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới), đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom 2021) của Heritage Foundation (Mỹ). Tạp chí U.S. News & World Report còn xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong Top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018...
Sự nâng hạng quốc tế đó của Việt Nam không chỉ là nhờ sự kế thừa tinh thần độc lập dân tộc và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự nỗ lực vượt qua các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống toàn cầu phát triển, sự chủ động nắm bắt khai thác và tận dụng tốt những cơ hội và lợi thế mới của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Trên thực tế, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu với hơn hai triệu người chết đói năm 1945, vượt qua mọi gian lao, sự phá hoại của chiến tranh và bao vây, cấm vận ngặt nghèo, Việt Nam đã và đang vươn mình lớn dậy, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và đạt nhiều thành tựu kinh tế đáng tự hào. Năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 8,02% GDP; quy mô kinh tế đứng thứ 40 trên thế giới, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, với tỉ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn dưới 12% GDP so với mức trên dưới 90% GDP vào năm khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm trước. Tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%.
Theo WIPO, năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỉ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và xếp vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; xếp hạng thứ 35 về đầu ra so với thứ 38 năm 2021, thuộc nhóm các kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.
Trong nửa đầu năm 2023, quá trình hội nhập và vị thế quốc tế của Việt Nam có thêm động lực bổ sung tích cực từ các chuyến thăm ngoại giao cấp cao liên tiếp và các sự kiện mới quan trọng: Kí kết Hiệp định FTA Việt Nam - Israel nhân kỷ niệm 30 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao; Việt Nam đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (CEPA); ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam và 13 đối tác trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) đã công bố kết thúc đáng kể các cuộc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên. Thỏa thuận được đề xuất nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi, hiệu quả, năng suất, tính bền vững, minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, công bằng và tính toàn diện của chuỗi cung ứng thông qua cả các hoạt động hợp tác và hành động riêng lẻ được thực hiện bởi từng đối tác IPEF. Đặc biệt, cũng trong thời gian này, Quốc hội Italia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU...
Thực tiễn là những minh chứng hùng hồn cho nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, theo ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” năm 2021.
Sự thành công trong ngoại giao và đổi mới, phát triển kinh tế đã và đang góp phần đẩy mạnh quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương ổn định, lâu dài và đi vào chiều sâu, vừa phát huy nội lực quốc gia, vừa tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA); đồng thời, tạo động lực tích cực định hướng và đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lí, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, góp phần mở rộng và cân bằng thị trường xuất nhập khẩu, phát triển các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, kết nối một cách bền vững của thị trường trong nước với thị trường khu vực và thế giới; thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm xây dựng, chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành, nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống Nhân dân, cũng như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, củng cố vị thế quốc tế về kinh tế - chính trị - ngoại giao của Việt Nam...
Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục coi trọng nâng cao nhận thức những diễn biến và thách thức mới, các cách thức ứng phó trong đối ngoại; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác và nhóm ngành sản phẩm cụ thể; đồng thời, chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích của các nước khác trong quan hệ kinh tế đối ngoại...
Phát huy tinh thần Quốc khánh 2/9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, hướng tới mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra cho năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao - một Việt Nam có “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như ước nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Tài liệu tham khảo:
1. https://baochinhphu.vn/tuyen-ngon-doc-lap-va-nha-nuoc-phap-quyen-102299509.htm
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 117 - 118, 135.
3. Trang thông tin điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
4. https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-kinh-te-doi-ngoai-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-hien-nay-340853.html
TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Thị Quỳnh Hương