Ngày 06/01/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) họp báo công bố tình hình lao động việc làm Quý IV và năm 2020. Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo.
Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm Quý IV năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người làm công hưởng lương có xu hướng tăng so với các quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị Quý IV mặc dù giảm so với Quý III nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011 - 2020.
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế. Hơn một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động Quý IV năm 2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 57,1%, giảm 22,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 16,2%, tăng 9,7 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 26,7%, tăng 13,1 điểm phần trăm.
Tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến thể mới của virus gây mức độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, dự báo ảnh hưởng của dịch tới đời sống và sản xuất sẽ rất khó lường trong thời gian tới. Để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch để vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó:
Một là, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.
Hai là, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ba là, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Bảo Ly
Tap chí Ngân hàng số 02/2021