Tín dụng ngân hàng hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TP. HCM
Nhu cầu vốn được đáp ứng tốt nhất
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM năm 2019 cuối tuần qua, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, năm qua hoạt động của ngành Ngân hàng gặt hái nhiều kết quả tích cực. Nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu tín dụng và cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính – ngân hàng cho nền kinh tế và hỗ trợ chính quyền thành phố thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá.
Những kết quả tích cực trong hoạt động ngân hàng năm 2019 tại địa phương được phản ánh rõ nét nhất ở hai phương diện. Thứ nhất, là toàn bộ hệ thống TCTD tại TP.HCM tiếp tục giữ được ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, áp lực lớn liên tục gây sức ép đến dòng tiền cũng như các vấn đề về lãi suất và tỷ giá.
Thứ hai, trong năm 2019 vừa qua, nguồn vốn từ các TCTD tại TP.HCM đã hỗ trợ rất mạnh mẽ cộng đồng DN. Thể hiện, rõ nét nhất là ở tất cả các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và UBND TP.HCM đều có mức tăng trưởng vượt bậc.
Chẳng hạn, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã cho vay trên 8.500 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 303.427 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5-7%/năm (ngắn hạn) và 9% (trung dài hạn); Chương trình cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đã giải ngân gần 164.000 tỷ đồng cho trên 31.500 khách hàng DN thuộc các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV và DN ứng dụng công nghệ cao; Chương trình bình ổn giá thị trường đã cho vay 336 tỷ đồng với 26 DN; Chương trình cho vay kích cầu đạt trên 1.700 tỷ đồng với 24 dự án…
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, các yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của hệ thống TCTD trong năm 2019 vừa qua chủ yếu là do cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng của NHNN tiếp tục phát huy hiệu quả, củng cố được niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Cơ chế lãi suất, tỷ giá và các biện pháp quản lý thị trường vàng, ngoại hối đều được NHNN điều hành linh hoạt, chặt chẽ khiến hoạt động của thị trường tiền tệ bám sát được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của TP.HCM và cả nước.
Ngoài ra, việc ngành Ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu để giảm một phần lãi suất cho vay cũng khiến nguồn vốn tín dụng được đẩy ra thị trường tốt hơn, tăng thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn cho DN và người dân.
Chất lượng tín dụng tiếp tục là cốt lõi
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực như trên, tuy nhiên đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM vẫn cho rằng, bước sang năm 2020, việc kiểm soát chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các TCTD trên địa bàn. Theo đó, các TCTD cần phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để quản lý và thực hiện hiệu quả, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM (phụ trách thanh tra, giám sát ngân hàng) thông tin rằng, trong số gần 300 kiến nghị mà cơ quan này ghi nhận từ các TCTD trên địa bàn trong năm 2019, những kiến nghị về hoạt động tín dụng và các vấn đề liên quan đến trung gian thanh toán chiếm tỷ lệ lớn nhất. Các vấn đề vướng mắc thường gặp của các TCTD liên quan đến huy động vốn, hợp đồng cho vay, phân loại nợ, trích lập dự phòng và hạch toán kế toán vẫn khá phổ biến. Một số trường hợp TCTD vì nhiều nguyên nhân đã xảy ra những lỗi vi phạm, bị xử phạt hành chính “không đáng có” trong quan hệ tín dụng với khách hàng DN. Vì vậy, việc tuyên truyền hướng dẫn các DN trong việc tuân thủ pháp luật ngân hàng theo ông Dũng cũng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Chỉ đạo trực tiếp tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đồng quan điểm cho rằng, trong năm 2020, việc kiểm soát chất lượng tín dụng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Chủ trương chung của NHNN là tiếp tục khuyến khích các ngân hàng cung ứng vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; nhưng cũng đề phòng những trường hợp vì cạnh tranh tăng trưởng mà tối đa hóa lợi nhuận, gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về nợ xấu.
Trong năm 2020, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục 2) cũng đã được sáp nhập vào NHNN chi nhánh TP.HCM; do vậy, các hoạt động nghiệp vụ thanh tra cũng cần được đẩy mạnh, bao gồm cả việc tăng cường các đợt thanh tra đột xuất, kiểm tra giám sát hoạt động tái cấu trúc gắn với xử lý nợ xấu, cảnh báo tình hình nợ quá hạn phát sinh và lắng nghe xử lý kịp thời những kiến nghị góp ý từ các TCTD.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng, các năm tới thị trường thanh toán sẽ có sự phát triển mạnh, xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, pháp lý về thanh toán cũng sẽ được NHNN hoàn thiện theo những lộ trình thích hợp. Vì thế việc kiểm tra, theo dõi và giám sát hoạt động thanh toán, đảm bảo an toàn an ninh thanh toán cũng cần được NHNN chi nhánh TP.HCM và các TCTD quan tâm nhiều hơn để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm phát sinh.
Xử lý 99.500 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019
Theo ghi nhận của NHNN chi nhánh TP.HCM, kết thúc năm 2019 tổng nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD tại TP.HCM đạt 2.498.500 tỷ đồng tăng 13,5% so với năm 2018; tổng dư nợ cho vay đạt 2.302.800 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối năm 2019 chiếm 2,1% tổng dư nợ cho vay.
Trong 11 tháng đầu năm 2019 các TCTD tại TP.HCM đã xử lý được 99.500 tỷ đồng nợ xấu tồn đọng từ các năm trước. Trong đó, thu nợ bằng tiền đạt 44.600 tỷ đồng, chiếm 44,8% tổng nợ xấu xử lý được và tăng 51% so với năm 2018. Hiện nay, có 12 NHTMCP có Hội sở chính đặt tại TP.HCM. Tỷ lệ nợ xấu của 12 ngân hàng này ghi nhận trung bình ở mức 1,63% tổng dư nợ tín dụng trong năm 2019.
|