Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức ngày 23/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo ghi nhận, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước – thông qua NHCSXH – với các tổ chức đoàn thể và người nghèo.
Công cụ thiết thực giúp dân thoát nghèo
Phát biểu tại hội nghị với tư cách là hộ vay vốn điển hình từ NHCSXH, bà Nguyễn Thị Quyến, thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định không ngăn nổi những giọt nước mắt khi nhớ lại về những đoạn đường đầy khó khăn đã qua của cả gia đình mình.
Trước đây gia đình bà Quyến thuộc diện hộ nghèo, không có phương án làm ăn hiệu quả. Nhờ nắm bắt chủ trương vay vốn ưu đãi lãi suất tại NHCSXH, bà tình nguyện tham gia vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn An Hội Bắc và được bình xét cho vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi bò. Từ hai con bò cái, gia đình bà phát triển lên 3 con rồi 4 con. Quyết tâm tạo thêm nguồn vốn lâu dài, năm 2018, sau khi trả hết số vốn vay chương trình hộ nghèo, bà đề nghị vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi bò sinh sản và trồng thêm 2,5 ha keo.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, gia đình lại rơi vào bước ngoặt khác khi đứa con đầu bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc chồng bà Quyến bị tai nạn và ra đi mãi mãi. Mất đi trụ cột lao động chính, trong khi các con đang tuổi ăn học, kinh tế gia đình bấp bênh luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, hai đứa con có nguy cơ phải bỏ dở việc học giữa chừng.
Song được sự động viên của Chi hội nông dân thôn, các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn đã đề nghị NHCSXH cho bà Quyến tiếp tục vay 42 triệu đồng chương trình tín dụng đối với học sinh - sinh viên, giúp con trai bà tiếp tục thực hiện giấc mơ học tập. Đó cũng là động lực để người con gái thứ hai của bà phấn đấu thi đậu vào đại học. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, hội và tổ, bà tiếp tục được vay số tiền 33,75 triệu đồng để chi phí cho cho đứa thứ hai. Hiện nay cả 2 con của bà Quyến đều đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định.
Trường hợp của bà Quyến chỉ là một trong số rất nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ đồng vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động; gần 200 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.
Những thành quả tín dụng giảm nghèo sẽ tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới khi hiện vẫn còn 6,6 triệu người nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến 31/8/2019 đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 40,2% so với 31/12/2015.
Ngân hàng cần được chung tay gánh vác
Mặc dù tín dụng chính sách đã đạt được những thành công nhất định trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, song Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng vẫn hết sức trăn trở bởi công tác giảm nghèo đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đang đe doạ tăng trưởng bền vững trong dài hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, đồng nghĩa với thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn, và người nghèo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả.
“Công tác giảm nghèo sẽ trở nên ngày một tốn kém hơn, đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào hơn nữa cho công tác giảm nghèo”, Phó Thống đốc lưu ý.
Vì vậy, về phía NHNN sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn ngân hàng cho các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, như đẩy mạnh cho vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Phải gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khi không còn là đối tượng chính sách có thể tiếp cận ngay với các nguồn tín dụng thương mại, giúp họ ổn định lại, làm ăn và thoát nghèo bền vững, cũng như ngăn ngừa tín dụng đen.
NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, các cấp uỷ đảng chính quyền địa phương, đơn vị liên quan rà soát tổng thể chính sách giảm nghèo để điều chỉnh phù hợp, lựa chọn tính ưu tiên, trọng tâm, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi…
Ghi nhận những kết quả hoạt động tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị HĐND, UBND các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. “Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH, riêng 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định của NHCSXH. Cần tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH, phân biệt rõ ràng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các hoạt động cho vay theo chính sách tài khóa này đều phải được cấp bù lãi suất, cấp chi phí quản lý cho NHCSXH; cần có cơ chế chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ, để có mức vốn của nhà nước và có nguồn gốc Nhà nước đủ lớn cho NHCSXH; có cơ chế cho ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam, NHCSXH chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch… Đặc biệt, năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHCSXH tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%.