Phát biếu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhìn lại một năm qua, điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, bởi lẽ những tác động từ nhiều chiều, kể cả tác động của các nước xung quanh, các nước lớn, nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước đã chi phối đến đồng đô la, tỷ giá… đã ảnh hưởng trực diện rất nhiều đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Sáng 19/9/2023, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" đã chính thức khai mạc với sự tham dự trực tiếp của 450 đại biểu. Diễn đàn được kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu tại các Học viện, trường đại học trong nước. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã đến tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội. Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức quốc tế và trong nước, ở Trung ương và địa phương.
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận, tìm đáp án để giải quyết 3 vấn đề lớn: Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo; Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay thực sự như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025; Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự Diễn đàn
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các diễn giả và đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực.
Phát biểu tại Chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” của Diễn đàn, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhìn lại một năm qua, điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, bởi lẽ những tác động từ nhiều chiều, kể cả tác động của các nước xung quanh, các nước lớn, nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước đã chi phối đến đồng đô la, tỷ giá… đã ảnh hưởng trực diện rất nhiều đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, những khó khăn từ nội lực của nền kinh tế nước ta, nhất là sau đại dịch Covid cũng như tình hình khó khăn hiện nay của thế giới đã tác động đến khu vực sản xuất và kinh doanh. Chính vì thế, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng và chắc chắn theo hướng thực hiện các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Đặc biệt, chính sách tiền tệ cũng đã phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bên cạnh đó vẫn tôn trọng các nguyên tắc của thị trường trong quá trình điều hành để vẫn đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu cho các NHTM cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế, điển hình nhất là về lãi suất.
Theo Phó Thống đốc, điều hành lãi suất là một trong những khó khăn lớn nhất trong điều hành lĩnh vực ngân hàng - tiền tệ. Từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh lãi suất tăng, thậm chí hiện đang duy trì mức lãi suất là 5,5%, cao nhất trong lịch sử 40 năm qua của Mỹ. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cách đây một tuần tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023, lãi suất cho vay ở mức 4,5% - là mức cao nhất từ khi thành lập ngân hàng đến nay.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, trong khi lãi suất cả thế giới tăng nhưng riêng ở Việt Nam, căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất. NHNN cũng tạo ra dư địa và thanh khoản cho thị trường và nền kinh tế, đặc biệt là thanh khoản cho các TCTD thông qua các nghiệp vụ và công cụ của mình để làm sao tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để cho vay lãi suất thấp hơn.
Phó Thống đốc cũng chia sẻ thêm, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung trong việc tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Năm 2023, NHNN cũng nới rộng, tạo thông điệp cho nền kinh tế: Tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.
Về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, sắp tới, NHNN vẫn tiếp tục duy trì với quan điểm điều hành như hiện nay và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đều đánh giá dư địa chính sách tiền tệ hiện nay còn rất ít, chính vì thế trong thời gian tới khó có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Phó Thống đốc cho rằng, lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn
Phó Thống đốc đánh giá, điều hành tỷ giá là một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua. Đến thời điểm hiện nay, tỷ giá chỉ mất giá so với đầu năm khoảng 1,8 - 2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9 - 10%, thậm chí như Nhật Bản đến 12%. Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều thì NHNN thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ cần chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay của các NHTM đối với các doanh nghiệp vẫn là yêu cầu đặt ra đối với các TCTD, các NHTM trên cơ sở cắt giảm những chi phí và chia sẻ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp.
Theo thống kê, lãi suất cho vay bình quân hiện nay là 7,9% đối với những khoản cho vay mới; lãi suất huy động từ tiền gửi của nền kinh tế hiện là 4,7%/năm. Các khoản cho vay trước đây chưa đến thời hạn trả nợ, thu nợ thì lãi suất cho vay khoảng 9,4%. Lãi suất cho vay những khoản cho vay cũ của doanh nghiệp cũng sẽ từng bước giảm xuống nhưng sẽ có độ trễ…
Theo Phó Thống đốc, trong hoạt động tiền tệ, huy động và cho vay là cả một quá trình. Chính vì thế, NHNN luôn quan tâm và tìm mọi cách để điều hành lãi suất một cách hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất bình quân lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD nói chung cũng như từng ngân hàng nói riêng. Rộng hơn nữa là hài hòa, đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp, trong đó, giảm lãi suất của các NHTM; có chính sách giãn, hoãn nợ đối với các khoản nợ còn lại đến hạn; cắt bỏ những chi phí, rào cản và những thủ tục cũng như điều kiện tiếp cận vốn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành rất nhiều văn bản về mặt thể chế, quy định để tăng tính thông thoáng hơn nữa cho các NHTM trong cho vay, kể cả ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua và hiện nay.
Phó Thống đốc cũng kể ra rất nhiều gói chính sách của Đảng và Nhà nước đã được triển khai như gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất; Gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Gói 15 nghìn tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực xuất khẩu của lâm sản, thủy sản. Riêng gói 15 nghìn tỷ đồng, trong thời gian chưa đầy 02 tháng đã giải ngân hơn 6.500 tỷ đồng. Đây là những chính sách rất cụ thể.
Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện, NHNN cũng đã và đang tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị ở 8 khu vực để kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và làm việc với các Hiệp hội cũng như đề nghị chính quyền địa phương cùng xử lý những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ và chia sẻ.
Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, gần đây nhất, tại Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng ĐBSCL diễn ra ngày 15/9 tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đánh giá vốn không thiếu, lãi suất với điều kiện hiện nay không phải là cao nhưng làm sao tiếp cận được tín dụng phải nhìn từ hai phía, phía các ngân hàng và bản thân các doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại. Bởi lẽ, vay tín dụng là một khoản vay có hoàn trả chứ không phải là khoản cấp phát nên phải có những điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như an toàn cho các TCTD…
Hà My
Theo sbv.gov.vn