Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn Điều IV ghi nhận những thành tựu phát triển rất ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua, vượt qua nhiều cú sốc khác nhau.
Ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn Điều IV của IMF đối với Việt Nam
Đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong năm 2024 - khi là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới với các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài thuận lợi. Trưởng Đoàn Điều IV cũng đánh giá cao tính hiệu quả của công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần duy trì lạm phát ổn định trong mức mục tiêu. Đây cũng là những nền tảng cho tăng trưởng tích cực của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới trong thời gian tới.
Tại cuộc tiếp, Thống đốc NHNN ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đánh giá, dự báo, tư vấn chính sách từ phía IMF về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và triển vọng, rủi ro trong năm 2025, khuyến nghị của đoàn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về công tác điều hành, quản lý của NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhất trí với đánh giá của Đoàn về dư địa rất hạn hẹp đối với chính sách tiền tệ hiện nay. Với đặc thù là một nền kinh tế mở, hướng xuất khẩu, Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ những biến động bên ngoài.
Với ưu tiên của chính phủ về tăng trưởng kinh tế, NHNN luôn theo sát tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối, thận trọng với những rủi ro lạm phát tiềm ẩn, đảm bảo thanh khoản, giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu tại buổi làm việc
Thống đốc cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng luôn nhận thức rõ những vấn đề trong trung và dài hạn như già hóa dân số và tác động của biến đổi khí hậu. Các Bộ, ngành đang phối hợp để đưa ra các giải pháp đồng bộ, huy động các nguồn lực từ các định chế tài chính lớn, xây dựng khuôn khổ chuyển đổi phù hợp. Đối với ngành ngân hàng, số lượng các tổ chức tín dụng tham gia lĩnh vực tín dụng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ngày càng nhiều, đặc biệt hoạt động đánh giá rủi ro môi trường khi cấp tín dụng đang tăng dần.
Về định hướng cho thời gian tới, Trưởng Đoàn Điều IV nhận định, rủi ro chính sách bảo hộ thương mại tăng cao và biến động thị trường tài chính, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục theo dõi các diễn biến trên trường quốc tế, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thể chế, hiện đại hóa chính sách tiền tệ, sự lành mạnh hệ thống ngân hàng, nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Ông Paulo Medas khẳng định IMF sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và NHNN trong quá trình hoạch định và điều hành kinh tế vĩ mô cũng như sẽ tiếp tục trợ giúp NHNN và các cơ quan quản lý khác trong việc tăng cường năng lực, tư vấn chính sách để đạt được các mục tiêu chính sách nhằm phát triển bền vững.
Theo Nguyễn Thùy Linh (HTQT) - Ảnh: MT/sbv.gov.vn