Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết những quan điểm chỉ đạo, điều hành, phân cấp quản lý… là những giải pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong ngắn hạn và trung hạn...
Tại Hội thảo “Phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)” do Tạp chí Ngân hàng và Ngân hàng Hợp tác tổ chức vừa diễn ra mới đây tại Quảng Ninh, nhiều chuyên gia nhìn nhận Chỉ thị 06/CT-NHNN, Quyết định 209/QĐ-NHNN và Chỉ thị 06/CT-TTg đã đặt ra từng bước, chấn chỉnh củng cố, ổn định để phát triển bền vững hệ thống QTDND. Vấn đề là làm thế nào để triển khai các văn bản này có hiệu quả, đặc biệt tìm ra sự vận động phát triển của mô hình này để có chiến lược, chính sách phát triển bền vững hệ thống QTDND trong dài hạn.
QTDND phát triển lành mạnh sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen
Cần những đổi mới trong quản lý
Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối năm 2018 Việt Nam có 1.183 QTDND, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng khoảng 260 quỹ so với năm 2005. Mặc dù quy mô hoạt động của các quỹ còn khá nhỏ, tổng dư nợ cho vay thành viên của toàn hệ thống mới chỉ đạt hơn 90 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 1,5% dư nợ cho vay nền kinh tế của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên với mạng lưới phủ rộng khắp các địa bàn trên cả nước và đang cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là tín dụng đến 1,6 triệu thành viên đã phần nào cho thấy vai trò hết sức quan trọng của hệ thống QTDND trong thời gian qua đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Nhấn mạnh sự phát triển của hệ thống QTDND là xu hướng tất yếu, là một mắt xích quan trọng của hệ thống các TCTD, không chỉ riêng của Việt Nam mà ngay tại các quốc gia phát triển như Canada, Đức, Hàn Quốc… TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng chỉ ra 3 vấn đề cần lưu tâm trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND, đó là con người, công nghệ và hành lang pháp lý. Rủi ro lớn nhất đối với hệ thống QTDND hiện nay chính là tin đồn, tiếp đến là thanh khoản và rủi ro đạo đức.
Theo ông Lực, để củng cố và phát triển bền vững hệ thống QTDND, NHNN cần xây dựng khung quy trình xử lý rủi ro thanh khoản, chỉ ra trách nhiệm từng cá nhân trong các mắt xích của khung quản lý khủng hoảng, rủi ro thanh khoản. Đặc biệt, cần đổi mới cơ chế quản lý QTDND với việc phân cấp quản lý ủy quyền theo quy mô, quan trọng hơn là theo điều kiện quản trị rủi ro và năng lực nhất là cán bộ chủ chốt...
Đối với việc mở rộng hay thu hẹp QTDND, ông Lực khuyến nghị, cần xem xét theo từng thực tế nhu cầu trên từng địa bàn. NHNN cũng cần xây dựng khung quy trình phối hợp trong giám sát hoạt động của QTDND nói chung và chú trọng tổ chức thực hiện thành công Chỉ thị 06/CT-TTg với việc nâng cao vai trò nguồn lực, trách nhiệm và chuyên môn của BHTGVN, NHNN tỉnh thành phố và Ngân hàng Hợp tác…
Đứng trên giác độ của cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ trên địa bàn – ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Thọ cũng chia sẻ 2 kinh nghiệm trong quản lý các QTDND trên địa bàn, đó chính là việc ứng dụng công nghệ vào giám sát thường xuyên hoạt động của các QTDND và sự phối hợp đồng bộ với các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý cũng như xử lý khi QTDND có vấn đề.
Nâng cao vai trò của Ngân hàng Hợp tác
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác, Chủ tịch Hiệp hội QTDND cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập hiện nay đó là tính liên kết hệ thống chưa thực sự chặt chẽ, khi một số QTDND chưa nhìn thấy được hoạt động của mỗi QTDND riêng lẻ phải đặt trong sự an toàn chung của cả hệ thống. Từ đó dẫn đến tình trạng một số QTDND có biểu hiện muốn thoát ly mối liên kết với Ngân hàng Hợp tác, không gửi tiền vào Ngân hàng Hợp tác và chỉ coi Ngân hàng Hợp tác là đơn vị cho vay thuần túy.
Điều này chưa đúng với những kinh nghiệm thành công của Tập đoàn Desjardins - tập đoàn tài chính hợp tác xã lớn nhất tại Canada, đứng thứ 5 trên thế giới; đồng thời là định chế tài chính lớn nhất tại Québec và đứng thứ 6 tại Canada với tổng tài sản 295,5 tỷ USD với 271 QTD và 4,6 triệu thành viên, chiếm 50% dân số Québec.
Ông Claude Lafond - đồng Giám đốc dự án STEP chia sẻ, một trong những kinh nghiệm làm nên thành công này là từ việc luôn đổi mới cơ chế giám sát hệ thống QTDND dựa trên thực tế. Cơ chế giám sát này được phát triển dựa trên sự phát triển và lớn mạnh của tập đoàn từ 1920 với việc làm rõ trách nhiệm của tập đoàn và các quỹ. Trong đó, trách nhiệm của các quỹ rất lớn, đó là duy trì quan hệ với thành viên, đảm bảo quyền lợi thành viên. Các QTD cũng có trách nhiệm tham gia tư vấn mục tiêu của tập đoàn về những bước kinh doanh hướng tới…
Từ kinh nghiệm của Canada cũng như nhiều nước đang triển khai, ông Trần Quang Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác đề xuất, NHNN nên giao ủy quyền hoặc chuyển giao một phần công việc giám sát QTDND cho Ngân hàng Hợp tác thực hiện. Đồng thời Ngân hàng Hợp tác có trách nhiệm báo cáo về NHNN và NHNN triển khai thanh tra giám sát Ngân hàng Hợp tác việc thực hiện nhiệm vụ mà NHNN ủy quyền. Ông Khánh cũng gợi ý việc hình thành trung tâm thẩm định cho vay như Canada. Khi đó, nếu khoản cho vay vượt hạn mức tại QTDND thì phải cho vay hợp vốn qua trung tâm thẩm định. Việc thẩm định và cho vay qua trung tâm này cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho QTDND.
Mặc dù có cùng quan điểm về sự tự chủ tự chịu trách nhiệm của QTDND, giám sát lẫn nhau trong nội tại quỹ là một trong những yếu tố tạo nên sự bền vững. Song các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu để có giải pháp tạo ra cơ chế kiểm soát lẫn nhau thực chất hơn. Phó Tổng thư ký Hiệp hội QTDND Nguyễn Thị Kim Thanh phân tích, bên cạnh giải pháp NHNN đưa ra hỗ trợ hệ thống QTDND như hỗ trợ thanh khoản và giải pháp công nghệ… thì trong xu hướng phát triển chung, chính bản thân QTDND cần thay đổi về cách nghĩ, cách làm của mình để hoạt động kinh doanh được củng cố và có hiệu quả hơn.
Ghi nhận những đóng góp đề xuất của các đại biểu tham dự hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của hệ thống QTDND và Ngân hàng Hợp tác trong thời gian qua. Đồng thời Phó Thống đốc cũng cho biết những quan điểm chỉ đạo, điều hành, phân cấp quản lý… là những giải pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong ngắn hạn và trung hạn. Về dài hạn, tiếp tục cần có những nghiên cứu để có các giải pháp sao cho việc quản lý Nhà nước chặt chẽ và phù hợp hơn để hoạt động của QTDND an toàn, có hiệu quả, phát triển bền vững.
Với tinh thần đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các chuyên gia, các nhà quản lý và các QTDND nghiên cứu đưa ra những vấn đề mang tính chất cốt lõi của hệ thống QTDND, để từ đó có những định hướng phát triển dài hạn phù hợp. Những vấn đề có thể mang đến rủi ro với QTDND cũng cần nhìn nhận đầy đủ, thấu đáo, xem nguyên nhân từ đâu, do chính sách, sự lệch lạc về bản chất của mô hình không theo nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm hay rủi ro về mặt đạo đức...
Vì vậy, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị như Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Viện Chiến lược ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng cùng các học viện, trường đại học, các chuyên gia và các nhà quản lý cần tiếp tục có những hội thảo, có những nghiên cứu sâu hơn nữa, nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn để làm cơ sở giúp NHNN xây dựng chiến lược, chính sách đúng và phù hợp với mục tiêu mà Đảng, Chính phủ chỉ đạo, qua đó để phát triển có hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống QTDND.
Minh Ngọc
(Nguồn: http://thoibaonganhang.vn)